Xác định lại bản thân

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Nếu bạn cảm thấy lạc mất phương hướng trong cuộc sống, có lẽ bạn cần xác định lại bản thân trước khi bắt đầu quay lại đúng con đường của mình. Hãy tìm ra con người hiện tại của mình, hiểu con người đó khác với con người mà bạn mong muốn trở thành ở điểm nào, rồi sau đó biến chuyển bản thân và vươn tới những phẩm chất cá nhân và mục tiêu mà bạn hằng mong ước.

Ảnh minh họa

Các bước[sửa]

Xác định con người hiện tại của bạn[sửa]

  1. Xác định điều gì làm nên con người hiện tại của bạn. Để chuyển động tới trước và xác định lại bản thân, bạn sẽ phải bắt đầu bằng việc hiểu mình là ai ở thời điểm hiện tại. Nhìn vào cuộc sống của bạn với đôi mắt khách quan:
    • Tự hỏi bản thân đâu là các giá trị, mục tiêu và mong ước của bạn. Bạn có thể bắt đầu bằng việc liệt kê hoặc dùng bài đánh giá cá nhân để thu hẹp danh sách.[1]
    • Suy nghĩ về những ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống của bạn ở thời điểm hiện tại và xem liệu nó có phù hợp với con người mà bạn muốn trở thành không.
    • Không tự chỉ trích mình và tránh nhận xét tiêu cực về bản thân. Điều đó sẽ không giúp bạn đạt được các mục tiêu của mình mà còn kéo bạn xuống.[2]
  2. Xem xét mối quan hệ của bạn với chính bản thân bạn. Ngẫm nghĩ xem bạn đã dành thời gian một mình như thế nào. Điều này thường cho bạn cái nhìn thấu đáo về những điều mà bạn thực sự quý trọng và con người mà bạn đang hướng tới.
    • Để biết mình sử dụng thời gian như thế nào, bạn có thể viết sơ qua lịch trình trong một tuần, liệt kê mọi hoạt động và bổn phận của bạn.
    • Liệt kê các sở thích, những thú tiêu khiển đặc biệt của bạn, v.v…
    • Suy nghĩ xem lịch trình của bạn có gì lạ không. Ví dụ, có phải bạn dành quá ít thời gian cho những thú vui và sở thích mà bạn cho là rất quan trọng? có phải bạn đã dành quá nhiều thời gian để làm những việc mình không yêu thích?
  3. Tự đối thoại nội tâm về bản thân mình. Một cách hay để phân tích con người hiện tại của bạn có lẽ là tự nói với mình về bản thân như một người thứ ba. Điều này có thể xoay chuyển tâm trí của bạn sang cách suy nghĩ khách quan hơn, nhờ đó bạn có thể cảm nhận được bản thân một cách chính xác hơn.
    • Tưởng tượng rằng bạn đang trò chuyện tại một buổi tiệc, ở lớp học hoặc trong tình huống nào đó. Mỗi thành viên tham gia trong cuộc đối thoại đó đại diện cho mỗi phần khác nhau trong con người bạn hoặc một giá trị mà bạn nắm giữ.[3] Diễn cảnh tượng đó trong đầu; cuộc trò chuyện đó sẽ như thế nào? Nó biểu lộ lòng trắc ẩn và yêu thương dành cho bản thân bạn ra sao?

Rời khỏi con người cũ của mình[sửa]

  1. Hiểu rằng không bao giờ là quá muộn để làm mới bản thân. Không ai quá lớn tuổi hoặc quá vững chắc đến mức không thể thay đổi.[4] Sự thay đổi là một phần trong cuộc sống và là một điều tích cực nếu được sử dụng đúng. Hãy sẵn sàng phát triển và thích nghi trong mọi giai đoạn của cuộc sống.
  2. Buông bỏ quá khứ. Tự hỏi những mặt nào trong cuộc sống của bạn bị tác động bởi những tổn thương, sự bất an và hối tiếc trong quá khứ. Một khi đã xác định được những điều đó, bạn hãy quyết tâm buông xuống để chúng không thể điều khiển con người bạn nữa.[5]
    • Viết ra những điều khiến bạn thất vọng, hoặc những thứ đang kéo bạn tụt lại phía sau. Khi diễn tả những cảm giác của mình, bạn có thể cho qua mọi điều không vui trong quá khứ. Kiểu liệt kê này có thể giúp bạn học được các kỹ năng phát triển cần thiết để đạt tới cảm giác hài lòng.
    • Nhận thức rằng dù bạn có ân hận về điều gì, thì về mặt nào đó bạn cũng tốt hơn những người khác. Tập trung vào những ưu điểm và những điều tích cực khác mà bạn thu nhận được từ quá khứ của mình.
  3. Học hỏi từ những sai lầm trong quá khứ. Để thay đổi bản thân mình, điều quan trọng là không chìm đắm trong quá khứ. Tuy nhiên luôn có những bài học từ quá khứ có thể giúp bạn hoàn thiện con người của bạn trong hiện tại.
    • Phân tích một mối quan hệ có kết thúc buồn để nhận định điều gì sai đã xảy ra. Suy nghĩ xem bạn có thể làm gì để ngăn chặn điều tương tự cho mối quan hệ sau này của bạn.
    • Xem lại những quyết định nào dẫn bạn hoặc gia đình bạn đến sai lầm về tài chính trong quá khứ.[6] Dựa vào đó bạn hãy lập một kế hoạch tài chính trong tương lai để sửa chữa những sai lầm đó.
  4. Phá vỡ một thói quen xấu. Sửa chữa lại những thói quen xấu là một phần quan trọng trong việc bỏ lại đằng sau con người cũ của bạn. Tuy nhiên, điều này có thể rất khó khăn và thậm chí đáng sợ. Thay vì cố gắng thay đổi bản thân ngay lập tức, bạn hãy tập trung mỗi lần đánh bại một thói quen xấu.
    • Liệt kê những thói quen xấu đang thực sự gây phiền toái cho bạn. Thu hẹp trong một vài thói quen mà bạn muốn thay đổi nhất, sau đó bắt đầu giải quyết điều quan trọng nhất.
    • Tập trung vào các cảm giác tích cực lần đầu tiên bạn cảm thấy khi cố gắng phá vỡ một thói quen xấu.[7] Điều này có thể giúp bạn thành công.
    • Thử thay một thói quen tiêu cực bằng một thói quen tích cực. Ví dụ, nếu bạn có thói quen nhấm nháp các món ăn vặt có hại cho sức khỏe, bạn có thể thay thế bằng một món lành mạnh hơn, hoặc dành nhiều thời gian hơn cho việc rèn luyện thân thể.
  5. Thay thế những suy nghĩ tiêu cực bằng những suy nghĩ tích cực. Ngay khi trong đầu nảy ra những ý nghĩ tiêu cực về bản thân hoặc về cuộc sống của mình, bạn hãy thử thay thế bằng những suy nghĩ tích cực. Việc làm này rèn luyện cho trí não của bạn tập trung vào điều có thể làm thay vì chú ý đến những khó khăn.[8]
    • Xác định những điều gây stress cho bạn. Suy nghĩ về cách mà bạn phản ứng với chúng trong quá khứ.
    • Sau đó chủ động thay thế những suy nghĩ tiêu cực về những yếu tố gây stress bằng những suy nghĩ tích cực.
    • Ví dụ, một người tình tồi tệ ngày trước có thể khiến bạn có ý nghĩ kiểu như, “Mình sẽ không tìm được ai. Chắc hẳn mình có vấn đề”. Hãy tự điều chỉnh lại bằng cách nghĩ, “Cuộc tình này không có kết thúc tốt đẹp, nhưng điều đó không có nghĩa rằng không có ai thích hợp đang chờ đợi mình. Mình chỉ không gặp được người đó nếu không tiếp tục tìm kiếm”.
  6. Ngừng lo lắng về ý kiến của những người khác.[9] Quan điểm của bạn hình thành một phần từ suy nghĩ về cách mà những người khác nhìn bạn như thế nào. Tuy nhiên, nếu thực sự muốn làm mới lại bản thân, bạn phải trở thành người mà bạn mong muốn chứ không chiều theo sự mong đợi của những người khác.
    • Bạn cũng cần xác định và bước ra khỏi áp lực xã hội xuất phát từ chính xã hội. Xã hội có thể mong đợi bạn phải tuân theo những tiêu chuẩn nào đó dựa vào chủng tộc, giới tính, thành phần kinh tế hoặc tôn giáo của bạn, và điều đó chỉ gây nên những hạn chế.

Chuyển động tới trước[sửa]

  1. Đánh giá những điều ưu tiên hàng đầu của bạn.[10] Tự hỏi mình về những khía cạnh nào nên quan tâm chăm sóc nhiều nhất trong cuộc sống của bạn, cho dù hiện thời chúng có nhận được sự quan tâm xứng đáng hay không.
    • Quyết tâm sắp xếp lại cách thực hiện những việc ưu tiên đó sao cho xứng đáng với vị trí của chúng trong mắt bạn.
    • Cân nhắc phân loại các việc ưu tiên của bạn dựa trên nhiều hạng mục: cá nhân, tài chính, học tập, v.v… Sau đó sắp xếp các hạng mục này để quyết định mục tiêu nào bạn mong muốn đạt được nhất.
  2. Tự hỏi mình về những phẩm chất mà bạn muốn phát huy. Tính cách con người không ngừng phát triển ngay cả khi đã trưởng thành.[11] Hiểu rõ thâm tâm bạn muốn trở thành người như thế nào và xác định những tính cách đậm nét của “phiên bản” đó. Có thể đó là những tính cách bạn đã có hoặc những tính cách bạn chưa bao giờ thể hiện. Một số ví dụ:
    • Tự tin
    • Kỹ năng lãnh đạo
    • Tự lực
    • Cảm thông
    • Tự nhận thức
  3. Lập kế hoạch. Quay trở lại với bản liệt kê về những điều gây thất vọng và những thách thức của bạn. Tập trung học cách vượt qua những nỗi thất vọng đó, đầu tiên là xác định kỹ năng mà bạn cần có để trở nên xuất sắc. Sau đó phấn đấu phát triển các bước để đạt được những mục tiêu đó. Ví dụ như nếu bạn muốn trở thành giám đốc điều hành, thì điều gì cần có để đạt được mục tiêu đó? Bạn sẽ cần có những kỹ năng nào?
    • Kế hoạch của bạn có thể như sau:
      • 1. Sắm một tủ quần áo doanh nhân để mặc vào cả vào những ngày được phép mặc tự do.
      • 2. Phát triển các kỹ năng lãnh đạo bằng cách ghi tên vào lớp học và/hoặc đọc sách.
      • 3. Lấy bằng quản trị kinh doanh, thậm chí bằng tiến sĩ.
      • 4. Cố gắng phát triển các kỹ năng giao tiếp bằng cách theo học các lớp kỹ năng hoặc đọc sách, trong đó có kỹ năng quản lý xung đột và các giải pháp.
      • 5. Học cách giữ “cái đầu lạnh”.
    • Dùng kế hoạch này như điểm khởi đầu. Tìm hiểu xem cần có những yếu tố nào để phát triển các kỹ năng đó, và mở rộng kế hoạch của bạn bằng cách bổ sung thêm các bước.
  4. Dành chút thời gian mỗi ngày để theo đuổi các mục tiêu của bạn. Một khi đã đặt ra một mục tiêu, bạn thực sự nên dành thời gian để đạt tới. Bắt đầu ngay và kiên trì theo đuổi mục tiêu của bạn mỗi ngày một chút. Bạn sẽ có cơ hội cao hơn để đạt được mục tiêu nếu biết biết cách quản lý thời gian.[12]
    • Ví dụ, bạn có kế hoạch cải thiện sức khỏe bằng việc tập luyện. Thay vì tự nhủ, “Ngày mai mình sẽ bắt đầu” hoặc “Tuần sau mình sẽ bắt đầu”, bạn hãy bắt đầu ngay hôm nay. Mỗi ngày tập một chút (15 phút chẳng hạn), ngay cả khi bạn không có hứng thú. Qua đó việc nỗ lực hướng tới mục tiêu của bạn sẽ trở thành một thói quen tự nhiên.
    • Tương tự, thay vì ngồi ước có nhiều thời gian hơn để theo đuổi khía cạnh sáng tạo của mình, bạn hãy đặt thời gian biểu cho nó. Định ra mục tiêu về lượng thời gian mỗi tháng mà bạn muốn dành cho hoạt động sáng tạo. Hoặc, bạn có thể đặt mục tiêu hoàn thành một lượng công việc sáng tạo nào đó trong một tháng, bất kể thời gian bạn dành cho nó là bao lâu.

Viết lại định nghĩa về bản thân[sửa]

  1. Bước ra khỏi vùng an toàn của mình.[13] Tìm kiếm những trải nghiệm mới, những con người và nơi chốn mới là một cách tuyệt vời để thay đổi bản thân. Khi suy nghĩ và hành động theo những cách mới, bạn sẽ sáng tạo hơn và bước ra khỏi vùng an toàn. Ví dụ:
    • Thử một món ăn mới mà bạn chưa bao giờ thử.
    • Đến thăm một thành phố hoặc một đất nước mới.
    • Đọc một cuốn sách về chủ đề không quen thuộc với bạn.
    • Xem một chương trình ti vi mà bạn chưa bao giờ nghĩ tới.
    • Chọn một sở thích hoặc một kỹ năng mà bạn hằng mong ước.
  2. Theo đuổi những đam mê trước kia. Tự hỏi mình về những ước mơ và đam mê mà bạn đã không còn dành thời gian để theo đuổi nữa. Nếu có, bạn hãy làm mới lại thú tiêu khiển của mình bằng những sở thích và đam mê đó. Có thể bạn sẽ tìm lại được một điểm tích cực hoặc một kỹ năng xứng đáng gìn giữ khi làm mới lại bản thân. Ví dụ:
    • Nếu một thời từng ước mơ trở thành đầu bếp, bạn có thể thử học nấu nướng, dù hiện giờ không có ý định thay đổi nghề nghiệp nữa.
    • Nếu từng thích chơi bóng rổ khi còn học trung học, bạn hãy tìm một đội thể thao dành cho người lớn và gia nhập. Bạn có thể kết bạn và nhen nhóm lại cảm giác cống hiến, sự sung sức và tính đồng đội.
  3. Gặp gỡ những người mới và kết bạn mới. Những người hiện thời bạn thường gặp gỡ đã quen với con người hiện tại của bạn, họ có thể hỗ trợ bạn trong việc làm mới lại con người của mình hoặc cũng có thể không. Khi gặp gỡ những người mới, bạn nên nói với họ rằng bạn đang nỗ lực trở thành người như thế nào để họ có thể giúp bạn kiên trì với lý tưởng của mình.
    • Đảm bảo những con người mới hiện diện trong cuộc sống của bạn phải có thái độ tích cực. Bạn sẽ dễ dàng hơn nhiều trong việc theo đuổi hành trình trở thành con người mới khi ở giữa bầu không khí tích cực thay vì tiêu cực.
    • Quý trọng gia đình và bạn bè hiện tại của bạn, những người có thể ủng hộ bạn làm mới bản thân.
    • Ngoài ra, bạn có thể kết nối lại với bạn bè cũ qua truyền thông xã hội hoặc các sự kiện gặp gỡ, trao đổi, v.v... [4] Đôi khi liên lạc với quá khứ là cách tốt nhất để tiến tới trước.
  4. Mỗi sáng dành một khoảnh khắc để kết nối lại. Ngay khi thức dậy và đủ tỉnh táo để suy nghĩ sáng suốt, bạn hãy hỏi bản thân liệu con người của bạn ngày hôm nay có còn giống như con người hôm qua không. Suy ngẫm xem những phần nào trong con người bạn đang biến chuyển tốt hơn và những khía cạnh nào cần nỗ lực hơn. Thực hiện việc này vào buổi sáng có thể cải thiện sức khỏe và giúp bạn chú tâm hơn trong thời gian còn lại của ngày.[14]
  5. Chuyển động với nhịp điệu đều đặn.[15] Hiểu rằng bạn không thể đạt được mục tiêu xác định lại mình trong nháy mắt. Cố gắng không thay đổi mọi thứ cùng một lúc, vì điều đó sẽ khiến bạn bị choáng ngợp và muốn từ bỏ. Bạn đừng chần chừ, nhưng cũng đừng hối thúc bản thân.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này