Hoa

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Tập tin:Flower poster 2.jpg
12 loại hoa thuộc các họ khác nhau

Hoa hay bông là một chồi rút ngắn mang những lá biến thái làm chức năng sinh sản. Là bộ phận chứa cơ quan sinh sản, đặc trưng của thực vật có hoa. Về mặt cấu trúc thực vật học, hoa là một dạng cành đặc biệt. Hoa có thể tạo điều kiện thụ phấn chéo (kết hợp của phấn hoa và nhụy từ các cây hoa khác nhau) hoặc cho phép tự lai ghép (kết hợp của phấn hoa và nhụy từ cùng một hoa). Hoa tạo ra quả và hạt. Nhiều hoa đã tiến hóa để hấp dẫn đối với động vật, nhằm mục đích nhờ động vật giúp đỡ việc chuyển giao phấn.

Cấu tạo đầy đủ lý tưởng của hoa bao gồm: cuống hoa, lá bắc, đài hoa (lá đài), tràng hoa (cánh hoa), bộ nhị, bộ nhụy.

Ngoài chức năng chứa cơ quan sinh sản của thực vật có hoa, hoa còn được con người trồng và khai thác nhằm mục đích trang trí, làm đẹp và thậm chí là nguồn cung cấp thức ăn, dược liệu.

Hình thái học[sửa]

Tập tin:Mature flower diagram-vi.svg
Biểu đồ chỉ ra các bộ phận chính của một bông hoa thuần thục.

Một bông hoa điển hình bao gồm 4 loại cấu trúc gắn vào đỉnh của một cuống ngắn. Mỗi loại cấu trúc này được sắp xếp thành vòng trên đế hoa. Bốn vòng chính tính từ gốc (móng) của hoa hay mấu thấp nhất và tính dần lên trên là:

  • Đài hoa: vòng ngoài cùng nhất, bao gồm các thành phần đơn vị gọi là lá đài; chúng thường có màu xanh và bao bọc phần còn lại của hoa khi ở trong nụ. Tuy nhiên, các lá đài này có thể không có hoặc dễ thấy và sặc sỡ nổi bật như các cánh hoa ở một số loài.
  • Tràng hoa: vòng kế tiếp tính về phía đỉnh, bao gồm các thành phần đơn vị gọi là cánh hoa, chúng thường mỏng, mềm và có màu sắc sặc sỡ để thu hút động vật giúp chúng thụ phấn.
  • Bộ nhị: vòng kế tiếp (đôi khi sắp xếp thành vài vòng), bao gồm các thành phần đơn vị gọi là nhị hoa. Nhị hoa bao gồm 2 phần: một cuống nhỏ gọi là chỉ nhị, trên đầu của chỉ nhị là bao phấn, trong đó sinh ra phấn hoa nhờ phân bào giảm nhiễm để cuối cùng phát tán đi.
  • Bộ nhụy: vòng trong cùng nhất của hoa, bao gồm một hay vài đơn vị thành phần gọi là lá noãn. Lá noãn hay các lá noãn hợp lại thành một cấu trúc rỗng, gọi là bầu nhụy, bên trong nó sinh sản ra các noãn. Noãn là các túi đại bào tử và tới lượt chúng, chúng sinh ra các đại bào tử nhờ phân bào giảm nhiễm để phát triển thành các thể giao tử cái. Chúng tạo ra các tế bào trứng. Bộ nhụy của hoa cũng được miêu tả bằng cách sử dụng một thuật ngữ thay thế là cấu trúc mà người ta nhìn thấy ở vòng trong cùng nhất (bao gồm một bầu nhụy, vòi nhụy và đầu nhụy), gọi là nhụy hoa. Một nhụy có thể bao gồm một lá noãn hay vài lá noãn hợp lại cùng nhau. Phần đỉnh dính của nhụy gọi là đầu nhụy, nơi tiếp nhận phấn hoa. Một cuống hỗ trợ nâng đỡ gọi là vòi nhụy, trở thành con đường cho các ống phấn phát triển từ các hạt phấn hoa bám vào đầu nhụy.

Cấu trúc[sửa]

Mặc dù sự sắp xếp trên đây được coi là "điển hình", nhưng trong thực tế các loài thực vật thể hiện sự biến đổi rộng trong cấu trúc hoa. Các biến đổi này có tầm quan trọng trong tiến hóa của thực vật hạt kín và được các nhà thực vật học tích cực sử dụng trong việc xác định và thiết lập các mối quan hệ giữa các loài thực vật.

Tập tin:Lillium Stamens.jpg
Hoa loa kèn Christmas (Lilium longiflorum). 1. Đầu nhụy, 2. Vòi nhụy, 3. Nhị, 4. Chỉ nhị, 5. Cánh hoa

Bốn bộ phận chính của hoa nói chung được định nghĩa theo vị trí của chúng trên đế hoa, chứ không phải theo chức năng của chúng. Nhiều loài với hoa thiếu một số bộ phận hay các bộ phận có thể biến đổi thành các chức năng khác hoặc trông giống như bề ngoài điển hình của một bộ phận khác. Ở một số họ, như Ranunculaceae, các cánh hoa bị tiêu giảm nhiều và ở nhiều loài thì các lá đài có màu sắc sặc sỡ, trông giống như các cánh hoa. Một số loài khác lại có các nhị hoa biến đổi trông giống như cánh hoa, các dạng hoa kép của mẫu đơn hoa hồng chủ yếu là các nhị dạng cánh hoa[1].

Người ta sử dụng một số thuật ngữ chuyên biệt để miêu tả hoa và các bộ phận của nó. Nhiều bộ phận của hoa hợp lại cùng nhau; các phần hợp lại từ cùng một vòng gọi là hợp trước, trong khi các phần hợp lại có nguồn gốc từ các vòng khác nhau chỉ gọi là hợp sinh, các phần không hợp lại gọi là rời hay tự do. Khi các cánh hoa hợp lại thành một ống hay một vòng nhìn như một đơn vị duy nhất thì chúng được gọi là cánh hoa hợp. Các cánh hoa hợp có thể có các khu vực khác biệt: phần gốc hình trụ là ống, khu vực mở rộng là họng và phần tỏa ra phía ngoài là phiến cánh hoa. Hoa cánh hợp, với sự đối xứng hai bên với một môi trên và một môi dưới, được gọi là hai môi. Các hoa với cánh hoa hợp hay lá đài hợp có thể có tràng hoa hay đài hoa với hình dạng khác nhau, bao gồm các dạng như: dạng chuông, dạng phễu, dạng ống, hình nhạc, dạng đĩa cao chân hay dạng bánh xe.

Đề cập đến "tích hợp", như nó thường được thực hiện, là không chính xác bởi vì ít nhất một số các quá trình phát triển liên quan của hoa có thể có các quá trình không tích hợp. Ví dụ, việc bổ sung tăng trưởng thêm bằng hoặc thấp hơn cơ sở của mức phát triển của phụ hoa như đài hoa, cánh hoa, nhị hoa và lá noãn có thể dẫn đến một cơ sở chung mà không phải là kết quả của sự tích hợp phát triển.[2][3][4]

Nhiều loại hoa có sự đối xứng, nếu như từ bất kỳ điểm nào mà bao hoa vẫn được chia đôi theo trục trung tâm thì các nửa đối xứng được tạo ra — khi đó hoa được gọi là đều (cân đối) hay đối xứng tỏa tia, như ở hoa hồng (Rosa) hay cỏ duyên linh (Trillium). Khi hoa được chia đôi và tạo ra chỉ một đường để có các nửa đối xứng thì hoa được gọi là không đều hay đối xứng hai bên, như hoa của hoa mõm chó (Antirrhinum) hay phần lớn các loài lan.

Các hoa có thể gắn trực tiếp vào cành cây tại phần gốc của chúng (không cuống - phần cuống hỗ trợ bị tiêu giảm mạnh hay không có). Phần thân hay cuống nâng đỡ mọt hoa gọi là cuống hoa. Nếu một cuống nâng đỡ cho nhiều hơn một hoa, thì các phần thân nối mỗi hoa với trục chính gọi là cuống nhỏ. Phần đỉnh của mỗi đoạn thân ra hoa tạo thành một phần phồng lên ở tận cùng, gọi là đế hoa.

Công thức hoa[sửa]

Một công thức hoa là cách thức để trình bày cấu trúc của một hoa bằng cách sử dụng các chữ cái, số và ký hiệu cụ thể. Thông thường, một công thức tổng quát được sử dụng để trình bày cấu trúc hoa của một họ thực vật thay vì của một loài cụ thể. Các ký hiệu sau được sử dụng:

Ca = calyx (nghĩa là đài hoa, vòng lá đài; như Ca5 = 5 lá đài)
Co = corolla (nghĩa là tràng hoa, vòng cánh hoa; như Co3(x) = các cánh hoa là bội số nào đó của 3)
Z = bổ sung nếu là đối xứng hai bên (như CoZ6 = đối xứng hai bên với 6 cánh hoa)
A = androecium (bộ nhị, vòng chứa các nhị; như A = nhiều nhị)
G = gynoecium (bộ nhụy, vòng chứa các lá noãn; như G1 = đơn lá noãn)
x: để thể hiện là một "số biến thiên"
∞: nghĩa là "nhiều"

Một công thức hoa có thể xuất hiện tương tự như sau:

Ca5Co5A10 - ∞G1

Một vài ký hiệu bổ sung khác đôi khi cũng được sử dụng (cụ thể xem Key to Floral Formulas).

Cụm hoa[sửa]

Tập tin:White and yellow flower.JPG
Hoa của loa kèn sông Nin (Zantedeschia aethiopica) không phải là một bông hoa riêng lẻ. Trên thực tế nó là một cụm hoa gồm nhiều hoa nhỏ ép sát cùng nhau trên một cuống trung tâm, được bao quanh bằng một lá bắc lớn trông giống như cánh hoa.
Xem chi tiết: Cụm hoa

Ở những loài nào có trên 1 hoa trên một trục, thì cụm tập hợp các hoa này gọi là cụm hoa. Một số cụm hoa bao gồm nhiều hoa nhỏ sắp xếp thành một hệ trông giống như một hoa đơn lẻ. Ví dụ thông dụng nhất cho điều này là phần lớn các loài trong họ Asteraceae. Chẳng hạn, một "hoa" dễ thấy của sồ cúc (Bellis perennis) hay hướng dương (Helianthus annuus) thực ra không phải là một hoa thật sự mà là một cụm hoa đầu — một cụm hoa bao gồm rất nhiều hoa (chiếc hoa hay hoa nhỏ).

Một cụm hoa có thể bao gồm các phần thân chuyên biệt và các lá biến đổi gọi là lá bắc.

Sử dụng[sửa]

Tập tin:Dried flowers.JPG
Một số người có sở thích làm hoa khô.

Ngoài chức năng chứa cơ quan sinh sản của thực vật có hoa, hoa còn được con người trồng và khai thác nhằm mục đích trang trí, làm đẹp và thậm chí là nguồn cung cấp thức ăn, dược liệu.

Tập tin:Hoa kết thành vòng.png
Hoa, quả kết thành vòng


Thư viện ảnh[sửa]

Tham khảo[sửa]

  1. Reynolds Joan; Tampion John (1983). Double flowers: a scientific study. London: Pembridge Press. tr. 41. ISBN 978-0-86206-004-6.
  2. Sattler, R. 1978. 'Fusion' and 'continuity' in floral morphology. Notes of the Royal Botanic Garden, Edinb.36: 397-405
  3. Greyson, R.I. 1994. The Development of Flowers. New York/Oxford: Oxford University Press
  4. Leins, P. and Erbar, C. 2010. Flower and Fruit. Stuttgart: Schweizerbart Science Publishers

Liên kết đến đây