Nâng cao lòng tự trọng

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

"Lòng tự trọng" là kết hợp của những suy nghĩ, cảm giác và niềm tin của chúng ta về bản thân. Bởi suy nghĩ, cảm giác và niềm tin luôn luôn thay đổi, lòng tự trọng của chúng ta cũng không ngừng biến chuyển.[1] Lòng tự trọng thấp có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần, mối quan hệ, đời sống học tập và công việc của bạn. Tuy nhiên có một số cách để giúp bạn cảm thấy hài lòng với bản thân và nâng cao lòng tự trọng của mình.

Các bước[sửa]

Nâng cao Lòng tự trọng[sửa]

  1. Chín chắn trong suy nghĩ và niềm tin. Cố gắng tập trung vào những suy nghĩ tích cực, khích lệ và xây dựng. Đừng quên rằng bạn là người độc đáo và duy nhất, là người xứng đáng với lòng yêu thương và tôn trọng của mọi người và của chính bạn. Hãy thử các chiến thuật sau:[2][3]
    • Nói lên những lời tuyên bố đầy hy vọng. Hãy lạc quan và tránh lời tiên tri tự ứng nghiệm đầy bi quan. Điều xấu sẽ thường xuất hiện nếu bạn chờ đợi nó. Ví dụ, nếu bạn dự định phần thuyết trình của mình sẽ kém, nó có thể diễn ra đúng như vậy. Thay vì thế, bạn hãy lạc quan lên. Hãy nói với bản thân rằng, “Mặc dù sẽ có thách thức, nhưng mình có thể thực hiện tốt phần thuyết trình này”.
    • Tập trung vào những câu “có thể” và tránh câu “nên”. Câu “nên” ám chỉ rằng có điều gì đó bạn cần phải làm và điều này có thể gây áp lực nếu bạn không đáp ứng được sự trông đợi đó. Thay vì thế, hãy tập trung vào điều mà bạn CÓ THỂ làm được.
    • Tập trung vào điều tích cực. Nghĩ về những điều tốt đẹp trong cuộc sống của bạn. Nhắc nhở bản thân về những sự việc diễn ra trôi chảy gần đây. Suy nghĩ về những kỹ năng mà bạn đã dùng để đối phó với các tình huống khó khăn.
    • Làm người cổ vũ cho mình. Trao cho mình những lời động viên tích cực và ghi nhận những điều bạn làm. Ví dụ như, bạn có thể thấy rằng tuy không tập hết bài tập thể dục như mong muốn, nhưng bạn đang đến phòng tập gym mỗi tuần thêm một buổi. Công nhận những thay đổi tích cực mà bạn đã làm được. Ví dụ, “Bài thuyết trình của mình có thể không hoàn hảo, nhưng các đồng nghiệp đã đặt câu hỏi và có quan tâm – như vậy là mình đã hoàn thành được mục tiêu”.
  2. Đặt ra mục tiêu và kỳ vọng. Liệt kê những điều bạn muốn hoàn thành và vạch kế hoạch để đạt được mục tiêu đó. Chẳng hạn như, bạn có thể quyết định làm công việc tình nguyện nhiều hơn, tìm một sở thích mới, hoặc dành thời gian giao lưu với bạn bè.[2]
    • Đảm bảo những mục tiêu và kỳ vọng của bạn là thực tế.[2] Dốc hết sức vì điều bất khả thi sẽ không giúp nâng cao mà ngược lại chỉ làm giảm đi lòng tự trọng của bạn. Ví dụ như, bỗng dưng bạn muốn đạt được ước mơ chơi khúc côn cầu chuyên nghiệp ở tuổi 40. Điều này là không thực tế và nó sẽ đánh vào lòng tự trọng của bạn khi bạn nhận ra rằng mục tiêu đó quá xa vời và không thể đạt được.[4]
    • Thay vào đó, hãy đặt ra những mục tiêu thực tế hơn, chẳng hạn như quyết định học đàn ghi ta hoặc một môn thể thao mới. Việc đặt ra các mục tiêu trong tầm tay mà bạn có thể phấn đấu hoàn thành sẽ giúp bạn chấm dứt kiểu suy nghĩ tiêu cực khiến lòng tự trọng của bạn bị hạ thấp. Khi đặt ra và hoàn thành các mục tiêu của mình, bạn sẽ tận hưởng cảm giác hài lòng và có thêm sức mạnh để đẩy lùi cảm giác thấp kém do không với tới được các mục tiêu lý tưởng và xa vời, giống như một người yêu hoàn hảo, đầu bếp hoàn hảo, hay bất cứ thứ gì hoàn hảo.
    • Bạn cũng có thể đặt ra các mục tiêu có thể giúp bạn nhìn thấy và cảm nhận được năng lực của bản thân. Chẳng hạn nếu muốn hiểu biết hơn về thế giới, bạn nên quyết định ngày nào cũng đọc báo trong một tháng. Hoặc bạn muốn biết sửa xe đạp và chọn cách tự học cách hiệu chỉnh máy xe. Khi đạt được các mục tiêu là biết xử trí công việc, bạn sẽ cảm thấy mạnh mẽ và có năng lực, đồng thời hài lòng hơn với bản thân.
  3. Tự chăm sóc bản thân. Một số người trong chúng ta mất quá nhiều thời gian để lo lắng và chăm sóc những người khác đến mức quên đi sức khỏe thể chất và tinh thần của mình. Mặt khác, một số người lại thấy day dứt đến độ nghĩ rằng thật vô nghĩa khi bỏ thời gian và công sức để tự chăm sóc. Nói cho cùng, việc tự chăm sóc mình cũng có thể giúp cải thiện lòng tự trọng. Càng khỏe khoắn về thể chất và tinh thần, bạn càng có nhiều khả năng hài lòng với bản thân. Lưu ý rằng chăm sóc bản thân không có nghĩa là bạn phải mảnh mai, rắn chắc và hoàn hảo, mà là bạn cố gắng để khỏe mạnh theo cách nhìn của riêng bạn. Một số gợi ý là:[3][2]
    • Ăn ít nhất ba bữa một ngày với thực phẩm lành mạnh và bổ dưỡng như ngũ cốc nguyên hạt, thịt gia cầm, cá và rau tươi để cung cấp năng lượng và dưỡng chất. Uống nước để giữ đủ nước cho cơ thể.
    • Tránh các loại thực phẩm chế biến, thức ăn nhiều đường và thức uống có caffeine. Những thứ này có thể ảnh hưởng đến tâm trạng và nên tránh nếu bạn lo ngại tâm trạng thay đổi thất thường hoặc những cảm xúc tiêu cực.[5]
    • Tập thể dục. Nghiên cứu đã cho thấy việc tập luyện có thể thực sự nâng cao lòng tự trọng. Đó là nhờ việc tập luyện khiến cơ thể tiết ra "hóa chất hạnh phúc" gọi là endorphins. Cảm giác khoan khoái này có thể đi kèm với sư lạc quan và năng lượng tăng cao. Cố gắng dành ít nhất 30 phút, mỗi tuần 3 lần với các bài tập cường độ cao. Ít nhất bạn cũng nên dành thời gian đi bộ nhanh mỗi ngày.[6]
    • Giảm stress. Lập kế hoạch để giảm căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày bằng cách dành thời gian cho việc thư giãn và các hoạt động đem lại hứng thú cho bạn. Tập thiền, học một lớp yoga, làm vườn hoặc bất cứ hoạt động nào khiến bạn cảm thấy thanh thản và lạc quan. Lưu ý rằng đôi khi stress khiến người ta dễ phản ứng thái quá hoặc để cho các cảm xúc tiêu cực lấn át.[7][2]
  4. Nhìn lại cuộc sống và thành tựu của bạn. Có lẽ bạn đã không công nhận đúng mức những gì bạn đã làm được trong cuộc đời. Hãy gây ấn tượng với chính mình chứ không với ai khác. Dành thời gian để nghiền ngẫm và nhìn lại thành quả rực rỡ ngày trước, dù lớn lao hay nhỏ bé. Điều này không những giúp bạn hiểu hơn về thành công của mình mà còn tạo chỗ đứng cho bạn trong thế giới này và giá trị mà bạn đem đến cho mọi người xung quanh mình.[8]
    • Lấy một quyển sổ hay nhật ký và dành ra thời gian 20-30 phút. Trong thời gian này, bạn hãy liệt kê mọi thành quả của bạn. Nhớ ghi lại mọi thứ, từ những thành tích lớn lao đến những việc nhỏ bé thường ngày. Bản liệt kê cần bao gồm những việc như học lái xe, đỗ đại học, chuyển đến căn hộ riêng, làm quen với một người bạn tốt, nấu một bữa ăn ngon, nhận bằng cấp hoặc được khen thưởng, tìm được công việc “trưởng thành” đầu tiên, và những việc tương tự như vậy. Những khả năng như vậy là vô tận! Thỉnh thoảng hãy đem bản liệt kê ra để thêm vào đó những thành tích mới. Bạn sẽ thấy rằng mình có nhiều thứ để tự hào.[8]
    • Xem lại những tấm ảnh cũ, sổ lưu niệm, kỷ yếu của trường, vật lưu niệm của những chuyến đi, thậm chí bạn có thể suy nghĩ dùng nghệ thuật cắt dán ảnh cuộc đời và thành tích của bạn để ghi nhận về tháng ngày đã qua.[8]
  5. Làm những điều mà bạn thấy hứng thú. Dành thời gian để làm việc gì đó khiến bạn vui vẻ mỗi ngày, dù là nấu ăn, đọc sách, tập thể dục, làm vườn hoặc chỉ dành một tiếng để trò chuyện với bạn đời. Đừng áy náy vì thời gian tận hưởng; bạn xứng đáng được như thế. Nhắc lại câu đó nếu cần.[2]
    • Thử nghiệm những hoạt động mới mẻ; bạn có thể nhận ra tài nghệ và những kỹ năng mà trước giờ bạn không ngờ tới. Có thể bạn tham gia môn chạy bộ và khám phá ra rằng bạn thực sự giỏi chạy đường dài, một khả năng mà bạn chưa bao giờ nghĩ đến. Điều này có thể giúp tăng cao lòng tự trọng của bạn.[1]
    • Cân nhắc tham gia các hoạt động nghệ thuật như hội họa, âm nhạc, thơ ca và khiêu vũ. Những nỗ lực trong nghệ thuật thường giúp người ta biết cách diễn đạt bản thân và có được cảm giác “nắm vững” một bộ môn hoặc một kỹ năng. Nhiều cộng đồng có mở các lớp miễn phí hoặc học phí thấp.
  6. Giúp đỡ người khác. Nghiên cứu đã cho thấy rằng những người làm công việc thiện nguyện thường cảm thấy hạnh phúc hơn và có lòng tự trọng cao hơn. Nghe có vẻ nghịch lý rằng khi nói rằng nếu bạn muốn hài lòng với bản thân thì nên giúp đỡ ai đó, nhưng khoa học đã chứng minh rằng cảm giác gắn kết với xã hội đi kèm với việc làm thiện nguyện hoặc giúp đỡ người khác khiến chúng ta lạc quan hơn về bản thân.[9]
    • Có vô số các cơ hội để giúp đỡ người khác. Làm việc tình nguyện ở nhà dưỡng lão hoặc nhà ở dành cho người vô gia cư. Tham gia với nhà chùa giúp đỡ người bệnh tật hoặc nghèo khổ. Cống hiến thời gian và công sức cho hội bảo vệ động vật. Giúp đỡ và dạy học cho trẻ em. Dọn dẹp công viên trong các dịp do cộng đồng tổ chức.[8]
  7. Điều chỉnh lại hình ảnh của bản thân nếu cần thiết. Con người luôn luôn thay đổi, và bạn cần thay đổi nhận thức về bản thân để thích ứng với con người hiện tại của mình. Nâng cao lòng tự trọng sẽ là vô nghĩa nếu bạn không nhìn nhận chính xác về bản thân. Có thể bạn thực sự giỏi toán khi còn nhỏ, nhưng giờ thì khả năng toán học của bạn chỉ vừa đủ để tính được diện tích ngôi nhà của mình. Có thể một thời bạn rất sùng đạo, nhưng nay bạn theo thuyết không thể biết và không còn đi lễ nhà thờ nữa. Hãy điều chỉnh nhận thức về bản thân mình để đáp ứng với thực tiễn cuộc sống hiện tại của bạn. Đừng trông đợi bản thân phải giỏi toán hoặc phải gắn bó với yếu tố tinh thần.[10][11]
    • Đánh giá bản thân dựa trên HIỆN TẠI, cũng như những kỹ năng, mối quan tâm và niềm tin mà bạn đang có, không dựa vào “phiên bản” cũ của bạn ngày xưa.
  8. Gạt bỏ ý tưởng về sự hoàn hảo. Không có ai hoàn hảo trên đời. Hãy coi đó là câu thần chú mới của bạn. Bạn sẽ không bao giờ có được một cuộc sống hoàn hảo, cơ thể hoàn hảo, gia đình hoàn hảo, công việc hoàn hảo và những thứ tương tự. Không ai có được những điều như vậy. Hoàn hảo là một khái niệm giả tạo và trở nên phổ biến là do xã hội và giới truyền thông tạo ra. Nó đang làm hại chúng ta bằng những gợi ý rằng sự hoàn hảo LÀ có thể đạt được, vấn đề chỉ là do chúng ta không đủ tài giỏi mà thôi.[12]
    • Tập trung vào nỗ lực thay vì ước mơ và sự hoàn hảo. Nếu bạn không thử điều gì đó vì sợ không thể làm một cách hoàn hảo, bạn đã để vuột cơ hội ngay từ đầu. Nếu bạn không bao giờ thử chơi trong đội bóng rổ thì chắc chằn là bạn sẽ không có được một vị trí trong đội. Đừng để áp lực hoàn hảo ngăn cản bước tiến của bạn.[1]
    • Chấp nhận rằng bạn là một con người, mà đã là con người thì về căn bản là không hoàn hảo và có thể phạm sai lầm. Có thể bạn đã gắt gỏng với con cái hoặc từng nói lời nói dối vô hại ở nơi làm việc. Không sao cả. Con người thường mắc sai lầm. Thay vì tự trách mắng bản thân vì những lỗi lầm của mình, bạn hãy xem đó là những cơ hội để học hỏi và trưởng thành, là những điều mà bạn có thể sửa chữa trong tương lai. Có thể bạn nhận ra rằng cần phải suy nghĩ kỹ hơn trước khi nói, hoặc nói dối không bao giờ là giải pháp tốt. Hãy bao dung với mình và tiến lên phía trước. Điều này không dễ dàng nhưng đó là chìa khóa để tránh vòng luẩn quẩn tủi thân và giảm lòng tự trọng.

Xử trí khi Lòng Tự trọng Xuống thấp[sửa]

  1. Tìm ra tác nhân hạ thấp lòng tự trọng của bạn. Nghĩ về những hoàn cảnh và tình huống có thể khiến bạn cảm thấy không hài lòng với bản thân. Đối với nhiều người, những tác nhân điển hình có thể là việc họp hành ở nơi làm việc, thuyết trình ở trường học, những rắc rối cá nhân trong gia đình hoặc trong công việc, và những thay đổi lớn trong cuộc sống như rời khỏi nhà, thay đổi nghề nghiệp hoặc chia tay bạn đời.[13]
    • Cũng có thể bạn cần cân nhắc về những người khiến bạn thấy không vừa lòng với bản thân. Bạn không thể điều khiển được hành vi của người khác; Bạn chỉ có thể kiểm soát được phản ứng của mình và cho phép hành vi của họ tác động lên bạn ở mức độ nào đó. Nếu ai đó cư xử thô bạo, nhỏ nhen, hoặc thiếu tôn trọng đối với bạn, hãy hiểu rằng họ cũng có những rắc rối và các vấn đề về tình cảm riêng khiến họ có hành động tiêu cực như vậy. Nhưng nếu người đó khiến lòng tự trọng của bạn giảm sút thì tốt nhất là bạn hãy tránh xa hoặc rời khỏi nơi mà họ có mặt, đặc biệt nếu như người đó phản ứng tiêu cực khi bạn cố gắng chất vấn về hành vi của họ.
    • Mặc dù những quan điểm và ý tưởng của những người khác có tác động nhất định trong cuộc sống của bạn, nhưng bạn đừng sắp đặt cuộc sống của mình theo họ. Hãy lắng nghe và tiếp nhận những gì có ích cho mình. Bạn làm chủ cuộc đời mình, không ai có thể làm thay bạn.
  2. Đề phòng những kiểu suy nghĩ bào mòn lòng tự trọng của bạn. Đối với nhiều người trong số chúng ta, những suy nghĩ và niềm tin tiêu cực có thể trở nên bình thường đến mức chúng ta mặc nhiên cho rằng chúng phản ánh chính xác hiện thực. Cố gắng nhận ra một số kiểu thức chủ yếu hạ thấp lòng tự trọng của bạn:[13]
    • Biến những điều tích cực thành tiêu cực – Bạn đánh giá thấp những thành quả và những trải nghiệm tốt đẹp của mình. Ví dụ, khi được thăng tiến trong công việc, thay vì xem đó là phần thưởng cho thái độ làm việc siêng năng của mình, bạn lại hạ thấp năng lực cá nhân của bạn: “Mình được thăng chức chẳng qua chỉ là vì mình ở cùng khu phố với sếp thôi”.
    • Suy nghĩ “tất cả hoặc không có gì” hay tư duy nhị phân – Trong suy nghĩ của bạn, cuộc sống và mọi hành động của bạn chỉ có hai hướng. Sự việc chỉ có tốt hoặc xấu, tích cực hoặc tiêu cực, v.v… Ví dụ như bạn không vào được ngôi trường danh tiếng hàng đầu mà bạn mơ ước nhưng đạt điểm vào được năm trường khác, nhưng bạn vẫn nhất định cho rằng mình thất bại và vô giá trị vì bạn không vào được trường Harvard. Bạn nhìn sự việc là hoàn toàn tốt hoặc hoàn toàn xấu.
    • Tâm lý sàng lọc – Bạn chỉ nhìn thấy mặt tiêu cực của sự việc và sàng lọc hết những mặt khác. Điều này thường tạo nên một hình ảnh méo mó về con người và tình huống. Chẳng hạn như khi mắc một lỗi đánh máy trong bản báo cáo, bạn cho rằng bản báo cáo đó trở thành vô giá trị, sếp của bạn sẽ nghĩ bạn là người ngu dốt và không làm được việc.
    • Vội vã đi đến kết luận tiêu cực – Bạn đặt ra tình huống xấu nhất mặc dù hầu như chẳng có bằng chứng nào ủng hộ cho lập luận đó cả. Ví dụ: “Mình gửi lời mời cho bạn mình cách đây nửa tiếng rồi mà không thấy hồi âm, chắc cô ấy ghét mình”.
    • Cảm giác sai lầm về sự việc – Bạn suy diễn rằng cảm giác của bạn phản ánh một sự thực lớn hơn. Ví dụ như: “Tôi cảm thấy như thất bại hoàn toàn, vậy là tôi hoàn toàn thất bại”.
    • Lời độc thoại tiêu cực – Bạn nói chuyện với bản thân mình với những từ ngữ tiêu cực, bao gồm những lời chỉ trích, chửi rủa hoặc những lời châm biếm hạ thấp bản thân. Chẳng hạn như khi đi muộn năm phút, bạn cứ tự trách mắng mình mãi và tự gọi mình là "ngu ngốc".
  3. Lùi một bước để đánh giá lại những suy nghĩ của bạn. Lặp đi lặp lại những suy nghĩ tiêu cực đó cho đến khi chúng trở nên kỳ quặc hoặc gần như là lời người khác nói. Hãy nghĩ xem, nếu bạn lặp đi lặp lại một từ, nó bắt đầu trở thành vô nghĩa (bạn có thể thử làm việc này với từ “nĩa” chẳng hạn). Bạn cũng có thể viết ra những ý nghĩ tiêu cực của mình bằng tay trái để thấy chúng khác lạ thế nào. Có lẽ trông nó thậm chí chẳng phải là nét chữ của bạn!
    • Những trải nghiệm đó có thể giúp bạn tạo nên một khoảng cách với suy nghĩ của mình, để bạn có khả năng quan sát chúng một cách khách quan hơn, gần như với con mắt của người ngoài cuộc. Bạn sẽ thấy rằng những suy nghĩ tiêu cực và tự hạ thấp bản thân chỉ là những từ ngữ, không hơn không kém. Và từ ngữ thì có thể thay đổi.[14]
  4. Chấp nhận toàn bộ suy nghĩ của bạn – ngay cả các ý nghĩ tiêu cực! Mặc dù câu châm ngôn xưa thường dùng để thay đổi hoặc chống lại những ý nghĩ hay cảm giác tiêu cực nào đó, nhưng đôi khi nó chỉ khiến tình hình xấu thêm khi bạn nhận ra rằng nói bao giờ cũng dễ hơn làm. Thay vì thế, bạn hãy chấp nhận những suy nghĩ đó mà không nhất thiết phải thông qua. Những ý nghĩ tiêu cực đến trong đầu bạn và đang hiện hữu ở đó. Chúng có thể không đúng nhưng vẫn tồn tại. Bạn không cần yêu thích chúng, nhưng cần chấp nhận rằng mình đang có những ý nghĩ đó.[14]
    • Thay vì cố kiểm soát những ý nghĩ tiêu cực, bạn hãy nỗ lực giảm thiểu ảnh hưởng của nó đối với bạn. Hiểu rằng những suy nghĩ tiêu cực là phản tác dụng và cố gắng đừng để nó tác động mạnh đến cảm nhận về bản thân và giá trị của bạn trong thế giới này.
  5. Đặt những ý nghĩ tích cực bên cạnh ý nghĩ tiêu cực. Biến những điều tiêu cực mà bạn nghĩ về mình thành những điều tích cực.[15]
    • Ví dụ, nếu bạn thường tự nói rằng mình xấu xí, hãy nói thêm rằng hôm nay trông bạn rất đáng yêu. Nếu bạn tự cho rằng mình chẳng bao giờ làm được điều gì đúng cả, hãy nói rằng bạn làm được nhiều điều đúng đắn và đưa ra vài dẫn chứng. Cân nhắc làm điều này bằng cách ghi nhật ký để theo dõi các suy nghĩ tích cực của bạn. Đọc nhật ký trước khi đi ngủ và khi thức dậy.
    • Viết những câu nói tích cực này lên giấy ghi chú và dán ở những nơi dễ thấy như trên gương ở phòng tắm. Như vậy những tuyên bố đó được củng cố và in sâu vào đầu óc của bạn. Hy vọng rằng qua thời gian những suy nghĩ tích cực sẽ thay thế những ý nghĩ tiêu cực.
  6. Ngừng so sánh. Việc so sánh bản thân với những người khác thường dẫn đến kết quả là lòng tự trọng bị hạ thấp.[1] Bạn của bạn giành được học bổng mà bạn thì không. Chị gái của bạn tìm được việc làm ngay sau khi tốt nghiệp, còn bạn thì không được như thế. Một đồng nghiệp của bạn có đến 500 bạn trên facebook, trong khi bạn chỉ có 200. Càng so sánh bản thân với người khác, bạn càng có cảm giác kém cỏi. Những so sánh như vậy là khập khiễng, quan trọng là vì nó mặc định mọi hoàn cảnh là như nhau. Có thể chị của bạn sớm có việc làm như vậy là vì chị ấy có tham gia một chương trình thực nghiệm với nhiều cơ hội. Hoặc đồng nghiệp của bạn có nhiều “bạn” trên facebook vì anh ấy kết bạn với bất cứ ai anh ấy gặp. Phải, bạn của bạn giành được học bổng, nhưng có thể cha mẹ cậu ấy không có điều kiện giúp đỡ và cậu ấy phải làm việc bán thời gian 20 tiếng một tuần ở ngôi trường đó.[12]
    • Nên tập trung vào bản thân bạn. Thi đua với chính mình. Thách thức bản thân phải tiến lên. Bạn muốn giành được học bổng ư? Vậy thì hãy thách đố bản thân mình năm sau làm được điều đó, nhưng bạn cũng cần dành thêm thời gian học ở ngoài lớp. Đừng quên rằng bạn chỉ có thể kiểm soát được hành vi của mình, vì vậy bạn cần tập trung vào đó.

Lời khuyên[sửa]

  • Không ai có thể cho bạn lòng tự trọng. Bạn phải tự mình tìm kiếm.
  • Tránh xu hướng biến lòng tự trọng thành tự phụ và kiêu căng. Thông cảm với bản thân không có nghĩa là bạn chìm trong "tư lự", một hành động buông thả khi suy nghĩ quá nhiều về bản thân và những trải nghiệm của mình.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây