Nhận biết thời điểm cần chăm sóc y tế khi bị ợ nóng

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Ợ nóng hay ợ chua là hội chứng thường gặp, gây cảm giác bỏng rát khó chịu ở ngực và cổ họng. Trong hầu hết trường hợp, ợ nóng có tính tạm thời và thường tự hết. Không biện pháp điều trị nào cần được thực hiện ngoại trừ một vài bước giúp giảm bớt sự khó chịu mà nó đem lại. Đó là lý do vì sao việc nhận biết thời điểm nào là ợ nóng thông thường và thời điểm nào cần đến sự hỗ trợ của bác sĩ là rất quan trọng. Hãy đọc tiếp để nhận biết thời điểm cần chăm sóc y tế khi ợ nóng.

Các bước[sửa]

Nhận diện Triệu chứng Của bạn[sửa]

  1. Lưu ý các triệu chứng. Triệu chứng kinh điển của ợ nóng là cảm giác rát bỏng ở họng và/hoặc ngực. Tuy vậy, bạn cũng có thể bắt gặp một số triệu chứng khác như thường xuyên ợ, buồn nôn hay thậm chí nôn mửa. Nhận diện và viết lại chúng. Giữ ghi chép về các triệu chứng trong một vài tuần để xác định khuôn mẫu của những đợt ợ nóng ở bạn.
  2. So sánh mức nghiêm trọng của tình trạng hiện tại với những lần ợ nóng trước đó. Mức nghiêm trọng của cơn đau có thể là biểu hiện của điều gì đó đáng lo ngại hơn bản thân ợ nóng. Ví dụ, đau tim (nhồi máu cơ tim) có thể đem lại cảm giác tương tự như một cơn ợ nóng vô cùng trầm trọng. Nếu vẫn không chắc chắn liệu triệu chứng đã đủ để khám bác sĩ hay chưa, hãy cân nhắc một số câu hỏi dưới đây:
    • Cơn đau âm ỉ hay mạnh và đột ngột? Nếu âm ỉ không rõ rệt, nhiều khả năng đó chỉ là ợ nóng. Nếu đau nhói, có lẽ bạn cần tìm đến chăm sóc y tế ngay lập tức.
    • Cơn đau bền bỉ hay từng cơn? Nếu đau từng cơn, nhiều khả năng đó là ợ nóng. Khi đau không dứt, bạn nên tìm đến chăm sóc y tế ngay lập tức.[1]
    • Cơn đau ở nguyên một chỗ hay nó lan tỏa ra những phần khác của cơ thể, như vai và hàm dưới?
      • Nếu khó thở, chóng mặt, đổ mồ hôi và nếu cơn đau lan đến vai, tai, lưng, cổ hoặc hàm, gọi 115 hoặc đến phòng cấp cứu ngay lập tức. Có thể bạn đang bị tấn công bởi một cơn đau tim.
  3. Xem xét liệu một trong những loại thuốc đang dùng có là nguyên nhân dẫn đến ợ nóng ở bạn. Một số thuốc gây trào ngược dạ dày thực quản hay ợ nóng. Nếu thường xuyên và vẫn đang liên tục bị ợ nóng, đồng thời, nghi ngờ một trong những thuốc đang sử dụng là nguyên nhân, hãy trao đổi với bác sĩ về khả năng thay thế thuốc. Đừng dừng dùng thuốc trước khi hỏi ý kiến bác sĩ. Một số loại thuốc có thể gây ợ nóng gồm:[2]
    • thuốc chống trầm cảm
    • thuốc chống lo âu
    • thuốc kháng sinh
    • thuốc điều trị huyết áp cao
    • nitroglycerin
    • thuốc điều trị loãng xương
    • thuốc giảm đau
  4. Theo dõi độ dài và tần suất của các triệu chứng ợ nóng. Ợ nóng không thường xuyên thường tự khỏi sau một thời gian ngắn mà không cần đến sự hỗ trợ của bác sĩ. Tuy nhiên, nếu bị ợ nóng một vài lần mỗi tuần trong hơn hai tuần, kiểm tra y tế là điều nên làm để có thể loại bỏ mọi nguyên nhân tiềm ẩn và điều trị hiệu quả. Một số tình trạng y tế có thể góp phần làm trầm trọng thêm hoặc kéo dài triệu chứng của ợ nóng gồm:
    • Viêm thực quản: Bệnh này có thể gây chảy máu khi ho hoặc nôn mửa và khi đại tiện.
    • Loét thực quản: Chúng là những vết thương hở ở phần niêm mạc thực quản. Liên tục trào ngược a-xít có thể dẫn đến điều này và chúng đem lại cảm giác đau tương tự ợ nóng.
    • Hẹp ống thực quản: Chứng bệnh này gây khó khăn cho việc nuốt thức ăn và bạn có thể cảm thấy khó thở và hơi thở khò khè. Trong trường hợp này, có thể bạn cũng sẽ bị tức ngực, đau họng, khàn giọng, tiết nước bọt nhiều, cảm giác bị vướng ở họng (cảm giác tắc cổ) và viêm xoang.
    • Rối loạn thực quản Barrett: Ợ nóng kéo dài có nguy cơ hình thành rối loạn thực quản Barret. Đây là sự phát triển của tế bào tiền ung thư không bình thường - chúng có thể phát triển thành ung thư thực quản. Khi được phát hiện, bạn sẽ cần kiểm tra thực quản từ 2 đến ba năm để chắc rằng chúng không chuyển thành ung thư.[3]
    • Loét dạ dày: Chúng là những vết thương hở hay vết loét gây đau đớn ở niêm mạc dạ dày hay tá tràng, phần trên của ruột non.[4]
    • Viêm dạ dày: Đây là tình trạng viêm ở niêm mạc dạ dày.[5]
    • Nhiễm H. Pylori: Đây là tình trạng nhiễm khuẩn ở dạ dày gây ra bởi vi khuẩn H. Pylori. Bệnh này có thể chữa trị bằng thuốc kháng sinh.[6]

Nhận biết Thời điểm Khám Bác sĩ vì Ợ nóng[sửa]

  1. Gọi bác sĩ nếu ợ nóng ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của bạn. Với phần lớn, dù khó chịu, ợ nóng không cản trở cuộc sống hàng ngày của họ. Nếu điều đó xảy ra với bạn hoặc tình trạng ợ nóng xuất hiện mỗi ngày, bạn nên kiểm tra với bác sĩ.[7]
  2. Gặp bác sĩ nếu cùng ợ nóng là chứng ho dai dẳng. Ho dai dẳng có thể là biểu hiện của việc bạn bị ợ nóng và trào ngược dạ dày thực quản. Nếu ho từ 2 tuần trở lên, bạn nên khám bác sĩ. Bạn thậm chí có thể khám sớm hơn, đặc biệt là khi có tình trạng khó thở hay thở khò khè.[7]
  3. Gặp bác sĩ nếu bạn đã tự chữa ợ nóng bằng thuốc chống a-xít một thời gian dài. Khi dùng thuốc không kê toa điều trị ợ nóng mỗi ngày trong thời gian nhiều hơn một vài tuần, bạn nên trao đổi với bác sĩ càng sớm càng tốt. Có thể bạn cần thuốc kê đơn mạnh hơn và xác định nguyên nhân khiến tình trạng không thuyên giảm.[8]
  4. Xem xét liệu mang thai có thể là nguyên nhân dẫn đến ợ nóng ở bạn hay không. Sự kết hợp của các nội tiết tố và sức ép lên dạ dày có thể khiến một số phụ nữ bị ợ nóng. Ợ nóng trong thời kỳ mang thai phổ biến nhất ở kỳ ba tháng cuối cùng. Nếu mang thai và bị ợ nóng dữ dội, bạn nên trao đổi với bác sĩ. Nếu thi thoảng bị nhẹ, một số điều đơn giản có thể giúp bạn ngăn ngừa ợ nóng:
    • Chia làm 5-6 bữa nhỏ trong ngày thay vì 3 bữa ăn lớn.
    • Chỉ nằm sau khi ăn ít nhất một giờ.
    • Tránh thực phẩm cay, nhiều chất béo và dầu mỡ.[9]
  5. Theo dõi liệu bạn có gặp vấn đề trong việc uống hay nuốt thức ăn hay không. Nếu đột nhiên khó khăn hoặc đau đớn khi nuốt, đó có thể là dấu hiệu cho thấy thực quản bị tổn thương (thường là bởi a-xít dạ dày trào ngực vào thực quản). Nếu gặp vấn đề khi nuốt, hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức. Khó nuốt có thể dẫn đến nguy cơ mắc nghẹn.[7]
  6. Xem xét liệu bạn có nôn mửa hay không. Nôn mửa cũng có thể là triệu chứng cho thấy sự cần thiết của khám bác sĩ. Nếu nôn mửa cùng triệu chứng của ợ nóng, có thể bạn bị trào ngược a-xít dạ dày. Kể cả khi chỉ nôn một lượng nhỏ hoặc ợ một vài thứ vừa ăn, bạn vẫn nên trao đổi với bác sĩ về nó.[10]
    • Gặp bác sĩ ngay hoặc đến phòng cấp cứu nếu nôn mửa nghiêm trọng, nôn ra máu hoặc đau ngực sau khi nôn.[11]
  7. Xem xét liệu có bị giảm cân rõ ràng và không giải thích được hay không. Giảm cân hoàn toàn ổn khi bạn ăn kiêng và tập thể dục. Thế nhưng, có thể tồn tại vấn đề nào đó khi giảm cân không định trước, . Giảm cân không giải thích được hoặc giảm cảm giác thèm ăn đi kèm triệu chứng ợ nóng có thể là dấu hiệu của chứng GERD (trào ngược dạ dày thực quản). Bệnh này cần được điều trị y tế. Nếu gần đây bị giảm cân nhiều và đồng thời, có triệu chứng ợ nóng, bạn nên đến gặp bác sĩ.[12]

Lời khuyên[sửa]

  • Tăng lượng canxi nạp vào khi dùng thuốc điều trị ợ nóng dài hạn. Những thuốc này làm giảm lượng a-xít dạ dày và do đó, khiến cơ thể hấp thụ ít canxi hơn. Ưu tiên sản phẩm từ sữa và dùng thuốc bổ sung canxi (nếu cần) để khắc phục tác dụng phụ này.
  • Biết điều cần hỏi bác sĩ để có được nhận thức đầy đủ về ợ nóng.

Cảnh báo[sửa]

  • Sử dụng thuốc chống a-xít có chứa nhôm lâu dài có thể làm yếu xương, cạn kiệt lượng canxi và phốt pho trong cơ thể.[13]
  • Khi dùng natri bicacbonat (muối nở) như một chất chống a-xít, hàm lượng natri cao có thể ảnh hưởng không tốt với người bị suy tim hay huyết áp cao.[13]
  • Lượng thuốc chống a-xít canxi cacbonat tối đa dùng hàng ngày không nên quá 2000 milligram trừ khi có hướng dẫn trực tiếp của bác sĩ.[13]

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây