Tha thứ

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Tha thứ là một hành động cần thiết. Nếu có thể tha thứ thật lòng và hiệu quả, bạn sẽ thay đổi suy nghĩ, cảm nhận và cách sống của mình. Tiếp nhận thách thức với một thái độ “tôi có thể làm được” sẽ tạo động lực cho bạn đương đầu với thử thách. Bằng cách bắt tay vào hành động, thay đổi suy nghĩ, chuyển biến những cảm xúc và tìm sự hướng dẫn từ vô vàn các nguồn tin có giá trị, bạn sẽ biết tha thứ cho người khác và cho chính mình.

Các bước[sửa]

Bắt đầu Hành động[sửa]

  1. Chủ động liên lạc. Khi cuộc sống ngày càng bận rộn, người ta thường khó giữ được kết nối với bạn bè. Khi mâu thuẫn xảy ra khiến mọi người xa nhau, khoảng cách đó khiến mối quan hệ càng trở nên khó hàn gắn. Nếu muốn tha thứ cho ai đó, bạn hãy đi bước đầu tiên bằng cách chìa tay ra trước. Hành động này sẽ giúp bạn cảm thấy cởi mở và lạc quan hơn.
    • Bước đi đầu tiên bao giờ cũng khó khăn, và đôi khi bạn cần phải tự thôi thúc mình. Đơn giản bạn hãy tự nói với mình “Tiến lên nào”, sau đó cầm điện thoại lên và gọi.
  2. Đề nghị người kia lắng nghe. Dù bạn quyết định sắp xếp một cuộc gặp mặt trực tiếp hay nói chuyện qua điện thoại hoặc các thiết bị điện tử, tất cả cũng chỉ nhằm một mục đích: muốn người kia cho bạn thời gian để bộc bạch suy nghĩ và cảm giác của mình về xung đột đã xảy ra.
    • Làm cho người kia yên tâm rằng bạn cởi mở và sẵn sàng nghe họ nói. Điều này sẽ khiến người kia cảm thấy cởi mở hơn về cuộc nói chuyện sắp tới.
    • Nếu người đó từ chối gặp mặt, bạn đừng thất vọng. Có một số việc bạn có thể làm để hướng đến sự tha thứ, cho dù người kia có đồng ý hay không. Việc dàn xếp cho quá trình tha thứ rốt cuộc cũng là để giúp bạn. Bạn có thể viết thư thay cho cách nói chuyện trực tiếp để bày tỏ cảm giác và suy nghĩ của bạn về người kia. Việc ghi nhật ký sẽ giúp bạn diễn đạt cảm giác của mình và đem lại hiệu quả.[1]
    • Nhật ký có thể giúp giảm lo âu và áp lực, vì đó là một cách giải tỏa lành mạnh cho những cảm giác bối rối và ngột ngạt.[2]
  3. Thảo luận về vấn đề khúc mắc. Một số cuộc thảo luận trong cuộc sống dường như khó khăn hơn bình thường. Khi xung đột đã xảy ra và những cảm xúc tiêu cực dâng lên, thật khó mà bắt đầu cuộc đối thoại. Mục đích bây giờ là sắp đặt cuộc nói chuyện và dẫn đến một giải pháp hòa bình để giải tỏa những tổn thương và thất vọng trong lòng bạn.[3]
    • Đầu tiên, hãy cảm ơn người đó vì đã đồng ý gặp bạn.
    • Thứ hai, nói với người đó mục đích của bạn là để hai bên nghe câu chuyện của nhau và tiến tới một giải pháp hòa bình, giúp cả hai có thể tiếp tục bước tới.
    • Thứ ba, kể chi tiết câu chuyện của bạn, trong đó bạn bộc bạch về cảm giác và suy nghĩ của mình.
    • Thứ tư, hỏi người kia rằng có điều gì họ muốn bạn giải thích trước khi họ kể câu chuyện của mình không.
    • Thứ năm, hỏi những câu có thể cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết để hiểu mục đích, động lực, suy nghĩ và cảm giác của họ.
  4. Xin lỗi về phần của bạn. Hầu hết mọi xung đột đều có liên quan đến hiểu lầm và diễn giải sai về hành động và lời nói của bên kia. Có vài việc bạn cần làm để cho tình huống bớt căng thẳng. Nhận trách nhiệm trong phần của mình sẽ khuyến khích một cuộc trao đổi cởi mở, và điều đó cũng cần thiết để tiến tới một giải pháp.[4]
  5. Chấp nhận lời xin lỗi.[4] Nếu người kia đưa ra lời xin lỗi chân thành trong lúc hai bên đối thoại, bạn hãy chấp nhận. Ngay cả khi bạn buộc phải nói câu ”tôi chấp nhận lời xin lỗi của anh”, đây vẫn là một bước lớn để hướng tới cảm giác tha thứ trong lòng bạn.
    • Chấp nhận lời xin lỗi có thể là một việc khó khăn. Nếu đang cố gắng hết sức để tha thứ ai đó, bạn có thể nói, “Tôi chấp nhận lời xin lỗi của anh, tôi cũng đang cố gắng tha thứ, nhưng việc này cần phải có thời gian”.
  6. Tỏ ý sẵn sàng bước tới. Nếu bạn muốn, hoặc buộc phải duy trì mối quan hệ với người đó, hành vi của bạn phải thể hiện rằng bạn đang nghiêm túc. Mối quan hệ của bạn sẽ được cải thiện nếu bạn vượt qua chặng đường tha thứ.[5] Quá trình này bao gồm không giữ hận thù trong lòng và không đào xới quá khứ.[6] Ngoài ra, việc bạn sẵn sàng vui cười và bông đùa với người đó cũng là một yếu tố trong quá trình tha thứ. Mối xung đột được bỏ lại sau lưng sẽ đem lại cho bạn cảm giác nhẹ nhõm vô cùng. Bạn hãy lấy đó làm động lực để hướng đến lối suy nghĩ công tâm và quả quyết.
    • Khi thời gian qua đi và sự việc đã tiến triển, bạn có thể thấy rằng mình vẫn để cảm giác bị phản bội tác động đến cách bạn đối xử với người kia, bộc lộ trong những trận cãi vã và tranh luận nảy lửa. Có lẽ bạn chưa xử lý được cảm giác bị tổn thương của mình, và như vậy vẫn còn vài việc phải làm. Đây là phản ứng bình thường và bạn có thể xử lý bằng cách nói ra cảm giác của mình với người trong cuộc hoặc với một người khác.

Thay đổi Suy nghĩ và Cảm xúc của Bạn[sửa]

  1. Tập thông cảm và có lòng trắc ẩn.[7] Sự thông cảm và lòng trắc ẩn là hai phẩm chất có thể học được. Cũng như bất cứ kỹ năng mới nào, bạn cần phải rèn luyện. Nếu có thể đối xử với mọi người theo cách mà bạn muốn mình được đối xử, vậy là bạn đã đi được một nửa chặng đường.
    • Tận dụng cơ hội để rèn luyện lòng trắc ẩn khi ở nơi công cộng. Nếu thấy ai đó đang xoay xở khó khăn với cánh cửa ở lối vào cửa hàng, hãy chạy tới và giúp họ mở cửa. Nếu thấy ai đó dường như đang buồn, hãy mỉm cười với họ và cất tiếng chào. Mục đích của bạn là cho mọi người cảm nhận được tác động của những cử chỉ tốt đẹp của bạn.
    • Mở rộng sự cảm thông bằng cách nói chuyện và quan trọng nhất là lắng nghe những người bên ngoài vùng giao tiếp của bạn. Cố gắng mỗi tuần nói chuyện với một người lạ. Vượt ra khỏi những câu xã giao thông thường để hỏi về cuộc sống và những trải nghiệm của họ (với thái độ tôn trọng). Điều này sẽ mở rộng thế giới quan của bạn và giúp bạn thấu hiểu người khác hơn.[8]
  2. Gạt đi những cảm xúc tiêu cực của bạn. Lo sợ, bất an và thiếu khả năng giao tiếp là những nguyên nhân của những hành vi gây tổn thương. Một số người không hiểu tại sao họ lại hành động theo kiểu nào đó, bởi vì họ chưa khám phá được những hoạt động nội tâm trong hành vi của chính họ.[9] Điều này không thể biện minh cho hành vi của người đó.
    • Hãy tự nhủ rằng bạn không có trách nhiệm giúp đỡ hoặc khiến người đó biến chuyển thành một con người hoàn toàn trưởng thành. Hãy chúc họ những điều tốt đẹp và đừng để điều đó ngăn cản bạn hướng đến sự tha thứ.
    • Cố gắng tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra và tại sao người đó lại hành động như vậy. Bạn có thể nói chuyện với người đó hoặc với một người mà bạn tin tưởng. Ngoài ra, bạn có thể lên mạng, đến hiệu sách hoặc thư viện để tìm hiểu về vấn đề đó. Tri thức là sức mạnh và nghiên cứu về những động cơ ẩn dưới hành vi của con người là điều thú vị.
  3. Đặt câu hỏi và thay đổi cách nhìn của bạn. Có thể bạn đang đinh ninh rằng người kia đã có hành động sai trái với bạn trong tình huống đó. Trong rất nhiều trường hợp, người ta thường có thiên kiến trong cách nhìn nhận, và việc trở lại thế cân bằng là cần thiết. Điều quan trọng là bạn phải đưa các bằng chứng vào cách nhìn của mình, đặc biệt nếu nó gây tổn hại cho chính bạn.
    • Nếu đầu óc của bạn cứ luôn luẩn quẩn với suy nghĩ về xung đột đó, chắc chắn nó sẽ chiếm nhiều thời gian của bạn. Những câu hỏi như: nếu đem so sánh với tình huống nghiêm trọng giữa sự sống và cái chết, liệu vấn đề đó có to tát như vậy không? Liệu có đáng không khi suốt ngày bận tâm vì nó, thứ đã cướp đi thời gian tận hưởng cuộc sống của mình? Hãy suy nghĩ về những câu trả lời của mình, quyết định thay đổi cách nhìn nhận và không để mâu thuẫn đó chiếm hết tâm trí bạn.
    • Có lẽ bạn tránh tham dự các sự kiện xã hội với những người bạn quý mến chỉ vì không muốn nhìn thấy người đã phản bội hoặc làm tổn thương bạn. Quyết định này đã cản trở bạn giao lưu với những người mà bạn yêu thích, cướp đi trải nghiệm thú vị của bạn. Hãy dũng cảm và nhận lời mời tham dự. Bạn không cần phải nói chuyện với người kia khi đến đó; nhưng nếu có tình cờ gặp mặt thì bạn cũng nên lịch sự và kiềm chế những lời đối đáp lôi thôi.
  4. Thay đổi những ý nghĩ của bạn từ hờn giận chuyển sang an ủi. Sự thực là giận hờn chỉ làm hại bạn vì bạn đang dung dưỡng những cảm xúc tiêu cực về một người khác. Để chống lại những cảm giác căm giận, bạn hãy biến nó thành cảm giác thanh thản. Bạn càng thấy nhẹ nhàng thì mức độ căm giận của bạn càng thấp xuống. Phần thưởng của bạn sẽ là một tâm trạng tốt hơn và bạn sẽ được người khác cảm kích.[10] Trả lời những câu hỏi sau đây sẽ giúp bạn thay đổi suy nghĩ và khiến bạn bớt căm giận:
    • Mình cảm thấy ra sao khi suy nghĩ tiêu cực về người đó?
    • Mình có muốn làm tổn thương chính mình không?
    • Liệu những ý nghĩ của mình chỉ gây tổn thương cho một mình người kia không?
    • Câu trả lời của bạn có lẽ sẽ lần lượt là: khó chịu, không và không. Dựa vào những câu trả lời đó bạn tạo nên phản ứng dễ chịu hơn: Tôi xứng đáng được cảm thấy lạc quan, được tự chăm sóc mình một cách tích cực và bảo vệ bản thân khỏi mối nguy hại.
  5. Lập một danh sách về những lợi ích khi bỏ qua những nỗi hờn giận. Hãy xua tan những điều đang kéo bạn tụt lại phía sau. Một số người khăng khăng giữ nỗi căm giận, đóng vai trò là nạn nhân và để nó tác động lên nhiều mặt cuộc sống của họ. Những người như vậy tin rằng họ là nạn nhân của những hành động của người kia, ngay cả khi có bằng chứng cho thấy điều ngược lại.
    • Hãy tự hỏi bản thân bạn có thuộc về típ người đó không. Nếu câu trả lời là có, bạn cần điều chỉnh lại hành vi đó.
    • Quá trình giải tỏa những cảm giác liên quan đến xung đột bao gồm: xác định cảm giác tiêu cực, sau đó xem xét về những lợi ích mà bạn thu được khi thoát khỏi nó. Chẳng hạn như bạn sẽ cảm thấy thoải mái, nhẹ nhõm, có khả năng tập trung vào những điều tốt đẹp, rũ bỏ nỗi căm giận, cảm thấy như cuộc sống đã trở lại đúng hướng. Mục đích ở đây là bạn phải tìm được vô số bằng chứng cho thấy cuộc sống của bạn sẽ tốt đẹp hơn nếu bạn buông xuống và bước tiếp.
  6. Đừng từ bỏ nỗ lực. Nếu bạn cố gắng quên đi điều gì đó nhưng nó vẫn tiếp tục gặm nhấm trái tim bạn, vậy thì bạn cần xử lý thêm về tình huống đó. Bạn có thể tâm sự với bạn thân hoặc người nhà, viết ra, hay ra ngoài đi dã ngoại để cho hoạt động thể chất giải tỏa cảm xúc của bạn.
    • Có thể bạn cảm thấy bực bội khi có ai đó nói với bạn, “thôi bỏ qua đi” nếu bạn vẫn chưa đạt đến mức độ giải quyết được vấn đề. Hãy hít một hơi thật sâu và nói, “Tôi đang cố gắng để bỏ qua đây, nhưng chưa làm được”.
  7. Tham gia vào các hoạt động thú vị. Bạn có thể học cách buông xuống bằng việc khám phá lại thú vui của mình. Khi chơi đùa vui vẻ, bạn sẽ thoát khỏi những ý nghĩ tiêu cực về sự bất hòa vẫn lởn vởn trong bạn.
    • Ví dụ, bạn có thể ra bãi biển và thả một con diều. Trò chơi này đòi hỏi bạn phải chú ý một cách tỉ mỉ, cho bạn cảm giác vui vẻ và thỏa mãn khi bạn đã thả được con diều bay lên. Đó là trò giải trí diệu kỳ khiến bạn nhìn tình huống khác đi. Người ta thường nói, nụ cười là mười thang thuốc bổ. Chơi đùa và vui cười sẽ giúp bạn giữ được sự lạc quan và tích cực trong những tình huống khó khăn.[11]
    • Lên lịch mỗi tuần ít nhất một lần để đi chơi và tận hưởng sự vui vẻ.
  8. Xả cơn giận của bạn. Duy trì trạng thái tức giận và bực bội là không tốt cho sức khỏe. Xử lý cảm giác giận dữ bằng vận động thể chất hoặc hoạt động nghệ thuật là những lựa chọn tốt để cắt cơn giận, giảm stress và bớt lo lắng. Sự giận dữ cần phải được giải tỏa khi hướng đến sự tha thứ.
    • Cân nhắc về việc tập chạy, đi bộ đường dài hay tập tạ để tiêu hao năng lượng mà bạn đã dùng để nuôi dưỡng vấn đề khó chịu đó. Bài tập thể chất sẽ giúp máu trong người bạn được lưu thông và gia tăng lượng endorphins, một loại hormone đem lại cảm giác hạnh phúc và giảm đau đớn.[12]
    • Tập thiền một mình hoặc tập theo nhóm. Thiền đã được sử dụng hàng nhiều thế kỷ trong nhiều nền văn hóa để vượt qua những suy nghĩ tiêu cực khiến bạn giận dữ, đồng thời nuôi dưỡng những ý nghĩ tích cực.[13]
    • Vẽ tranh, nặn tượng hoặc tạo nên một tác phẩm kỹ thuật số là những hoạt động hữu ích giúp bạn chuyển sự tập trung sang việc sáng tạo nghệ thuật, nhờ đó bạn có thể xử lý được cơn giận của mình.[14]
  9. Xây dựng lại lòng tin. Khi để ai đó can dự vào cuộc sống của mình, chúng ta đã đứng trước rủi ro. Những người đó có thể phản bội lòng tin mà mọi người đã cùng nhau gầy dựng. Một phần thiết yếu của việc tha thứ là cho phép người đó lấy lại lòng tin của bạn.
    • Cho phép người đó chứng tỏ rằng họ đáng tin cậy, trung thực và chân thành.[15] Tạo cơ hội cho người ấy chứng minh với bạn. Khi cho đi một ít, bạn có thể được nhận lại nhiều phần thưởng tích cực.
    • Ví dụ, chấp nhận lời mời đi xem phim của anh ấy. Như vậy người ta sẽ có cơ hội đến đúng giờ hẹn, chiều chuộng bạn và hai người có những khoảnh khắc vui vẻ. Nếu không sẵn lòng chấp nhận lời mời của anh ấy, làm sao bạn có thể chứng kiến những nỗ lực chân thành của anh ấy để chiếm lại lòng tin của bạn?
    • Nếu người phụ bạc kia đã từng nói dối về nơi anh ta đang ở, bạn hãy đề nghị anh ta cho bạn biết qua tin nhắn hoặc gọi cho bạn nói rằng anh ta đang ở đâu.
    • Nhớ nhìn nhận khi người ta đang nỗ lực lấy lại lòng tin nơi bạn. Bạn có thể nói với anh ấy rằng bạn công nhận mọi nỗ lực của anh ấy.
  10. Trân trọng kinh nghiệm từ các bài học. Mỗi con người và cơ hội đến trong cuộc đời bạn đều có thể để lại cho bạn những bài học về điều gì đó. Mỗi trải nghiệm đều khiến chúng ta khôn ngoan hơn và thấu hiểu hơn về những gì chúng ta mong đợi trong cuộc sống. Chúng ta học từ những điều tốt và cả điều xấu.
    • Ngồi xuống và liệt kê những điều bạn đã học được từ tình huống mà bạn đang xử lý. Có lẽ bạn học được rằng đừng ký bảo lãnh cho khoản vay của một người bạn có hồ sơ tài chính xấu. Bạn cũng có thể học được rằng có một số người thích tiệc tùng hơn là chịu trả tiền thuê nhà; hoặc mấy người bạn cùng phòng đó lười biếng và bừa bãi đến nỗi khiến bạn không thể lấy lại được tiền đặt cọc thuê nhà.
    • Đừng quên viết về mọi điều tích cực đã xảy ra. Người ta thường chỉ nhìn thấy mặt tiêu cực khi đang ngụp lặn trong đau khổ; nhưng không có tình huống nào là hoàn toàn xấu. Có lẽ bạn nên học cách trao đổi khi chọn bạn cùng phòng để đảm bảo rằng họ có cùng thói quen học tập và kỹ năng làm việc nhà như bạn. Điều đó sẽ giúp bạn sau này có những tình huống yên bình hơn trong cuộc sống.

Tìm sự Trợ giúp[sửa]

  1. Tìm một chuyên gia trị liệu. Nếu bạn có khó khăn trong việc tha thứ cho ai đó và điều này ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của bạn, có lẽ lúc này bạn cần tìm sự giúp đỡ chuyên môn của tư vấn viên hoặc chuyên gia trị liệu. Có những liệu pháp khuyến khích tha thứ đã thành công trong việc giúp đỡ mọi người vượt qua những tổn thương trong quá khứ, có được sự thanh thản và tìm ra giải pháp cho vấn đề.[16]
    • Nhận giấy giới thiệu hoặc đề nghị của bác sĩ, người nhà hoặc bạn bè tin cậy. Nhưng nếu thấy không tiện, bạn hãy liên lạc với phòng sức khỏe tâm thần ở địa phương để hỏi về các lựa chọn tư vấn.
    • Nếu cảm thấy chuyên gia trị liệu nào đó không thích hợp với bạn, bạn hãy tìm một chuyên gia khác. Mỗi chuyên gia một khác nhau, và việc tìm được người khiến bạn cảm thấy thoải mái là cần thiết.
    • Tìm một chuyên gia chuyên trị liệu hành vi nhận thức.[17] Họ sẽ kiểm tra và xua tan những kiểu suy nghĩ tiêu cực đang lớn lên trong tâm trí bạn..
    • Cân nhắc tìm sự tư vấn tinh thần. Nhiều người cảm thấy được an ủi khi tìm sự giúp đỡ từ các lãnh tụ tinh thần, những vị có thể dẫn bạn đến sự tha thứ. Sức mạnh của lời cầu nguyện có thể chữa lành và làm nhẹ bớt những cảm giác tội lỗi và xấu hổ - là những động lực cho mọi người tìm kiếm sự tha thứ với nhiều lý do.[18]
  2. Đặt ra những mục tiêu trị liệu. Quyết tâm thay đổi hành vi của bạn. Việc đặt ra những mục tiêu là có ích cho bạn trong liệu pháp tinh thần và thể chất.[19] Tham gia vào quá trình trị liệu bằng cách cho phép mình cởi mở và yếu đuối. Đừng từ bỏ chỉ vì quá trình trị liệu trở nên khó khăn. Nỗ lực của bạn sẽ được đền đáp, bạn sẽ có một cảm giác sảng khoái và mãn nguyện.
    • Xác định các mục tiêu. Ví dụ, bạn có muốn cảm thấy thanh thản hơn đối với một thành viên trong gia đình đã từng phụ bạc bạn? Hãy cho bác sĩ trị liệu biết đó là một trong những mục tiêu của bạn.
    • Thưởng cho mình mỗi khi đạt được mục tiêu. Bạn sẽ có thêm động lực nếu tự thưởng cho những thành quả của mình.[20]
    • Điều chỉnh các mục tiêu thay vì từ bỏ.
    • Tiếp tục đặt ra các mục tiêu mới để bạn có thể bận rộn hơn trong cuộc sống.
  3. Tăng cường hệ thống hỗ trợ. Luôn ở bên cạnh những người quan tâm đến bạn; có thể là gia đình, bạn bè hay đồng nghiệp. Vươn ra gặp gỡ với những người mới và mở rộng nhóm hỗ trợ của bạn. Qua quá trình trị liệu, bạn sẽ học được rất nhiều điều khiến bạn cảm thấy mình trở nên tháo vát và tự tin. Một hệ thống hỗ trợ tốt sẽ giúp bạn giảm stress và thậm chí có thể nâng cao hệ miễn dịch.[21]
    • Khám phá những điều mà bạn thích thú có thể giúp bạn gia nhập vào các hội nhóm, cho phép bạn gặp gỡ những người mới và trải nghiệm với những tình huống mới.
  4. Tha thứ và chấp nhận chính mình. Việc đấu tranh với bản thân có thể để lại trong bạn cảm giác xấu về mình. Bạn có thể cảm thấy day dứt vì không tự chăm sóc mình trong một tình huống nào đó, hoặc bạn đổ lỗi cho mình về việc đã xảy ra một cách bất công. Bạn có thể học cách kiểm soát cảm giác tội lỗi và xấu hổ thay vì loại trừ những cảm giác đó.
    • Nếu bạn quyết định tham gia vào quá trình trị liệu hành vi nhận thức, liệu pháp này sẽ giúp bạn xem xét những suy nghĩ của bạn và phát triển những cách suy nghĩ khác có hiệu quả hơn về bản thân bạn.[22]

Lời khuyên[sửa]

  • Đôi khi bạn sẽ thấy có ích nếu biết rằng có những người đã tha thứ trong các tình huống không thể tin được. Đề nghị bạn bè hỗ trợ và hỏi về những trường hợp ví dụ để bạn có động lực tha thứ.
  • Các nghiên cứu cho thấy: sự tha thứ phụ thuộc vào việc người ta có tin rằng mình còn phải quan hệ với người phạm lỗi hay không.[23] Khi đó bạn có thể quyết định có cần tha thứ hay không.
  • Không bao giờ là quá muộn để tìm sự giúp đỡ chuyên môn nếu bạn muốn. Thay đổi là không dễ dàng, nhưng điều này là có thể nếu bạn sẵn sàng bỏ công sức và tìm ra cách đương đầu với các thử thách.[24]
  • Các chuyên gia trị liệu có giấy phép được đào tạo để giúp mọi người kiểm soát những giằng xé bên trong đang tác động đến cuộc sống của họ.
  • Trung thực và chân thành khi xin lỗi giúp người ta có nhiều cơ hội được tha thứ hơn.[25]
  • Nếu bạn phục vụ trong quân đội và chứng kiến những hành động không đúng như quan điểm đạo đức của mình, bạn có thể học được kỹ năng tự tha thứ thông qua trị liệu.[26]
  • Dùng hết năng lượng tinh thần (có lẽ là việc đầu tiên mỗi sáng) để hình dung ra cuộc sống mới mà bạn mong muốn. Hãy tưởng tượng ra bạn trong tương lai khi đã thoát khỏi đau đớn và chịu đựng.

Cảnh báo[sửa]

  • Tha thứ là việc khó khăn, nhưng sống trong nỗi thù hận còn khó khăn hơn. Nung nấu lòng căm giận có thể rất nguy hiểm và có thể làm tổn thương người khác theo những cách mà bạn không thể hình dung được.
  • Một số bệnh về tâm thần có thể ngăn cản khả năng tha thứ. Một người mắc chứng rối loạn nhân cách có thể không bao giờ cảm thấy day dứt hay hổ thẹn về hành động phạm lỗi của họ, mà đó là hai nhân tố tạo nên động lực cho sự tha thứ.
  • Sự tha thứ vô điều kiện không dựa vào bất cứ hành động hoặc thỉnh cầu nào của người phạm lỗi. Hành động tha thứ nhằm để giải thoát bạn khỏi giận dữ, phiền muộn và thất vọng gây ra đau khổ.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. http://psychcentral.com/lib/the-health-benefits-of-journaling/
  2. https://www.urmc.rochester.edu/encyclopedia/content.aspx?ContentTypeID=1&ContentID=4552
  3. http://connection.ebscohost.com/c/articles/86935769/managing-hurt-disappointment-improving-communication-reproach-apology
  4. 4,0 4,1 https://www.psychologytoday.com/articles/200208/the-power-apology
  5. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3156929/
  6. http://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/adult-health/in-depth/forgiveness/art-20047692
  7. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC1484804/
  8. http://greatergood.berkeley.edu/article/item/six_habits_of_highly_empathic_people1
  9. http://insights.insightsonindia.com/wp-content/uploads/2013/09/emotional-intelligence.pdf
  10. http://greatergood.berkeley.edu/pdfs/GratitudePDFs/5Watkins-GratitudeHappiness.pdf
  11. http://www.helpguide.org/articles/emotional-health/benefits-of-play-for-adults.htm
  12. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC1402378/
  13. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/1609875
  14. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC1071468/
  15. http://www.emeraldinsight.com/doi/abs/10.1108/JSM-01-2013-0005
  16. http://transformationalchange.pbworks.com/f/Forgiveness+in+Therapy.pdf
  17. http://www.helpguide.org/articles/anxiety/therapy-for-anxiety-disorders.htm
  18. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2802370/
  19. http://scholarworks.wmich.edu/cgi/viewcontent.cgi?article=1087&context=ojot
  20. http://rer.sagepub.com/content/64/3/363.short
  21. http://www.takingcharge.csh.umn.edu/explore-healing-practices/social-support
  22. http://www.aafp.org/afp/2009/0501/p785.html
  23. http://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0191886912002620
  24. http://www.mentalhealthamerica.net/when-change-hard
  25. https://www.questia.com/library/journal/1G1-155040835/forgiveness-apology-and-communicative-responses
  26. http://journals.biola.edu/jpt/volumes/40/issues/4/articles/274

Liên kết đến đây