Vũ trụ trong một nguyên tử/Dẫn Nhập

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Tôi chưa bao giờ tự đào tạo mình trong khoa học. Kiến thức của tôi chủ yếu có được từ việc đọc tin tức về các đề tài khoa học quan trọng trong các tạp chí như là tờ Newsweek, hay từ việc nghe các tường thuật của Thế Giới Vụ Đài BBC, và sau này, là từ việc đọc các sách giáo khoa về thiên văn. Hơn 30 năm qua, tôi vẫn tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ riêng tư và nhiều hội đàm với các nhà khoa học. Trong các lần gặp này, tôi luôn cố nắm bắt ý tưỏng khoa học bên dưới của các mô hình và các phương pháp cũng như là nắm được nội dung hàm ý của các lý thuyết đặc biệt hay các phát kiến mới. Tuy nhiên, khi tư duy sâu vào trong khoa học, tôi không chỉ nghĩ đến các nội dung của nó để hiểu được thực chất mà còn mà cả đến vấn đề quan trọng hơn là liệu nó ảnh hưởng đến đạo đức và các giá trị nhân bản ra sao. Các lãnh vực khoa học mà tôi đã đang khảo sát trong suốt nhiều năm trời là vật lý hạt cơ bản, vũ trụ học, và sinh học, trong đó bao gồm cả thần kinh học và tâm lý học. Với tiền đề là sự rèn luyện trí tuệ của chính bản thân mình trong tư tưởng Phật giáo, tôi vẫn thường kinh ngạc về mối tương giao giữa các quan điểm Phật giáo mấu chốt và các ý tưởng khoa học chính yếu. Tập sách này là kết quả của thời gian dài suy tư về diều đó và của cuộc hành trình trí tuệ của một tăng sĩ Phật giáo Tây Tạng đến với thế giới các buồng bọt, các máy gia tốc hạt, và fMRI (máy ảnh chức năng cộng hưởng từ)[1]

Nhiều năm sau khi lưu vong tại Ấn-độ, tình cờ nhận một lá thư mở được viết từ thập niên 1940 dành cho các trí sĩ Phật giáo Tây Tạng. Nó đã được viết bởi Gendün Chöphel[2], một học giả Tây Tạng; ông này chẳng những uyên bác tiếng Phạn mà cũng là người duy nhất trong giới trí sĩ Tây Tạng đương thời rất thành thạo Anh ngữ. Ông ta đã châu du khắp vùng Anh-Ấn, Afganishtan, Nepal và Sri Lanka trong thập niên 1930. Lá thư này được viết để hướng tới dịp kết thúc chuyến đi 12 năm; nó thật sự làm tôi hết sức ngạc nhiên. Nó cho thấy rõ về nhiều lĩnh vực mà trong đó có thể có cuộc đối thoại đầy ích lợi giữa Phật giáo và khoa học hiện đại. Tôi phát hiện ra rằng nhận xét của Gendün Chöphel thường trùng hợp một cách đáng chú ý với nhận xét của tôi. Điều đáng tiếc là lá thư này đã không thu hút được sự chú ý xứng đáng, một phần là vì lá thư đã không được phổ biến đúng mực ở Tây Tạng trước khi tôi rời nơi đó vào năm 1959. Nhưng tôi thấy ấm lòng vì rằng hành trình của tôi vào thế giới khoa học đã có được một người trong cùng truyền thống (Phật giáo) Tây Tạng với tôi đi trước. Hay hơn cả là vì Gendün Chöphel đến từ Amdo, quê nhà của tôi. Thời điểm bắt gặp được lá thư đã được viết như thế này sau nhiều năm thật sự gây ấn tượng.

Tôi nhớ lại một cuộc đàm thoại không dễ dàng chỉ vài năm trước đó giữa tôi với một phụ nữ Hoa Kì lấy chồng Tây Tạng. Nghe tin tôi hứng thú trong khoa học và chủ động tiến hành đối thoại với các nhà khoa học, bà ấy đã cảnh báo tôi về sự nguy hiểm mà khoa học đặt ra cho sự sống còn của Phật giáo. Bà nói với tôi rằng lịch sử minh chứng một sự thật rằng khoa học chính là "sát thủ" đối với tôn giáo và khuyên bảo tôi thật sự sẽ không khôn ngoan nếu để cho Dalai Lama mưu cầu tình bằng hữu với những ai đại điện trong chuyên nghiệp (khoa học) này. Để thực hiện hành trình đi vào khoa học tôi giả định rằng mình có vào hang cọp mới bắt được cọp con[3]. Quyết đoán của tôi trong việc mạo hiểm vào khoa học dựa trên cơ sở tin tưởng là trong khoa học cũng như Phật học thì việc hiểu biết về bản chất của thực tại được theo đuổi bằng ý nghĩa của việc khảo cứu biện bác: nếu phân tích khoa học chứng minh một cách thuyết phục rằng các luận điểm Phật giáo nào đó là sai thì chúng ta phải chấp nhận phát giác đó của khoa học và từ bỏ các luận điểm này.

Vì là người có tâm hồn không phân biệt quốc gia, nên một phẩm chất của các nhà khoa học khiến tôi hầu như nhích lại gần hơn với họ, đó là ước muốn đáng kinh ngạc của các nhà khoa học nhằm chia sẻ kiến thức cùng nhau bất kể biên giới quốc gia. Ngay cả trong thời kỳ chiến tranh lạnh, khi mà nền chính trị thế giới bị phân cực đến mức độ nguy hiểm, tôi vẫn thấy các nhà khoa học từ các khối Đông và Tây sẵn lòng để liên lạc nhau trong những cách thức mà các nhà chính trị không thể tưởng ra được. Tôi đã cảm thấy một sự công nhận ngầm trong tinh thần này về sự thống nhất của nhân loại và một sự phóng khoáng về sở hữu của tri thức.

Động lực của mối quan tâm của tôi đến với khoa học có nhiều hơn tính cách cá nhân. Ngay cả trước khi tỵ nạn, thì điểu hiển nhiên cho tôi và cho nhiều người về nguyên nhân đàng sau của thảm kịch chính Trị ở Tây Tạng là vì sai sót của nó trong việc mở cửa để hiện đại hoá. Ngay sau khi đến Ấn-độ, chúng tôi đã thiết lập các trường học cho trẻ em tỵ nạn với chương trình học hiện đại, trong đó lần đầu tiên nó bao gồm cả giáo dục khoa học. Từ đó tôi nhận ra điểm mấu chốt cho việc hiện đại hoá thuộc vào sự khai mào của giáo dục hiện đại, và trọng tâm của giáo dục hiện đại phải là việc nắm bắt được khoa học và công nghệ. Sở nguyện cá nhân về đề án giáo dục này đã dẫn dắt tôi đến ngay cả việc khuyến khích các học viện tu sĩ, nơi mà vai trò chủ yếu là giảng dạy Phật học, hãy đưa khoa học vào chương trình đào tạo của họ.

Khi hiểu biết về khoa học càng mở rộng hơn thì tôi cũng càng thấy rõ, nếu chỉ nói về thế giới vật lý, thì có nhiều lãnh vực của tư tưởng Phật giáo truyền thống mà tại đó các giải thích và thuyết lý của chúng tôi là cơ bản khi so sánh với những giải thích và lý thuyết của khoa học hiện đại. Nhưng đồng thời, ngay cả tại các quốc gia có nền khoa học phát triển cao, thì rõ ràng con người cũng vẫn phải tiếp tục trải qua khổ đau đặc biệt là ở mức độ tâm lý và xúc cảm. Lợi ích vỹ đại của khoa học là nó có thể góp phần to tát vào việc giảm nhẹ các đau đớn ở mức độ thể chất. Nhưng chỉ có thể bằng việc nuôi dưỡng các phẩm chất của nhân tâm và sự chuyển hoá của các thái độ thì ta mới có thể bắt đầu định hướng đến và vượt qua đau khổ về tinh thần của mình. Nói cách khác, việc nâng cao các giá trị nền tảng của con người thật thiết yếu cho truy tầm cơ bản của chúng ta đến với hạnh phúc. Do đó, từ góc nhìn về phúc lạc con người, khoa học và tâm linh không thể không có tương quan. Chúng ta cần cả hai, bởi vì sự thuyên giảm của đau khổ phải được diễn ra ở cả mức độ thể chất lẫn tâm lý.

Sách này không phải là một cố gắng để thống nhất khoa học với tâm linh (chẳng hạn như với Phật giáo, thứ mà tôi biết nhiều nhất) mà là một nổ lực để thẩm tra hai ngành quan trọng của nhân loại nhằm mục đích phát triển một phương thức toàn diện và tổng hợp hơn để tìm hiểu thế giới xung quanh ta, là phương thức sẽ thăm dò sâu xa vào chỗ thấy được và chỗ chưa thấy được, thông qua sự phát hiện của các chứng cớ được hỗ trợ bởi lập luận. Tôi không có ý nêu ra một khảo luận uyên bác đến các điểm tiềm tàng về sự hội tụ giữa Phật học và khoa học – hãy để đó cho các nhà nghiên cứu chuyên môn. Đúng hơn, tôi tin rằng tâm linh và khoa học có khác nhau nhưng chúng bổ xung cho các tiếp cận tham cứu với cùng mục đích lớn hơn để tìm kiếm chân lý. Trong nổ lực này, có nhiều thứ để mỗi ngành học hỏi lẫn nhau, và cùng nhau, chúng có thể đóng góp để mở rộng chân trời tri kiến và trí tuệ của nhân loại. Hơn thế nữa, thông qua đối thoại giữa hai ngành, tôi hy vọng cả hai – khoa học và tâm linh – có thể phát triển để phục vụ nhu cầu và sự hoàn thiện của con người. Hơn nữa, qua việc thuật lại cuộc hành trình của chính mình, tôi mong ước nhấn mạnh cho hàng triệu Phật tử đang theo gót tôi trên toàn thế giới về sự cần thiết để tiếp nhận khoa học một cách nghiêm túc và chấp nhận những phát hiện nền tảng của khoa học trong các quan điểm về thế giới của các phát hiện đó.

Cuộc đối thoại giữa khoa học và tâm linh có một lịch sử lâu dài đặc biệt là với Thiên Chúa giáo. Trong trường hợp đối với dòng tuyền thừa của riêng tôi, Phật giáo Tây Tạng, vì nhiều lý do lịch sử, xã hội, và chính trị [điều đó] vẫn còn là một tiến trình mới lạ. Những chỉ dấu về cái mà khoa học phải đưa ra vẫn còn chưa hoàn toàn tỏ tường. Bất kể mọi quan điểm (cá nhân) khác biệt trong khoa học, không một hiểu biết đáng tin cậy nào về sự tồn tại của thế giới tự nhiên hay của con người chúng ta có thể bỏ qua được những thấu suốt của các lý thuyết làm chìa khóa cho sự tiến bộ, đó là thuyết tương đối và cơ học lượng tử – những hiểu biết đó sẽ được tôi gọi trong sách này là một thế giới quan. Có thể khoa học sẽ học hỏi được từ việc cộng tác với tâm linh, đặc biệt là qua giao diện của nó với các vấn đề rộng lớn hơn của con người, từ đạo đức cho đến xã hội; ngược lại, chắc chắn trong một số khía cạnh đặc biệt của tư tưởng Phật giáo – như là các lý thuyết thiên văn lâu đời và nền vật lý sơ khai của Phật giáo sẽ phải được điều chỉnh đưới ánh sáng các thấu triệt của khoa học. Tôi hy vọng sách này sẽ góp phần vào kế hoạch cốt làm sinh động cuộc đối thoại giữa khoa học và tâm linh.

Vì mục tiêu là để khảo sát các vấn đề ở mức sâu nhất của thế giới đương thời, nên tôi mong ước tiếp kiến với các giới trong bình diện rộng nhất nếu có thể. Điều này thật không dễ dàng gì với các luận cứ và tranh cải đôi khi phức tạp trong cả triết học Phật giáo[4] lẫn khoa học. Với lòng thiết tha đạt tới cuộc luận bàn, thỉnh thoảng tôi đã quá đơn giản hóa vấn đề. Xin biết ơn hai vị hiệu đính, người thông dịch lâu năm Thupten Jinpa của tôi và cộng sự viên Jas'Elsner về sự hỗ trợ của họ trong việc giúp soạn thảo lại các ý kiến của tôi một cách sáng tỏ nhất có thể được bằng Anh ngữ. Tôi cũng mong muốn cảm tạ rất nhiều cá nhân đã giúp tôi trong việc giúp đỡ họ và phê bình trong nhiều giai đoạn của bản thảo. Hơn hết, tôi biết ơn tất cả các nhà khoa học đã gặp gỡ, dành cho tôi nhiều thì giờ của họ và cho thấy một sự kiên trì rất lớn trong việc giải thích những ý tưởng phức tạp cho một người học trò đôi khi chậm chạp này.

Chú thích[sửa]

  1. Buồng bọt (bubble chamber) là thiết bị để ghi lại vết dịch chuyển của quỹ đạo (thay đổi) của các hạt vật lý. Trong thực tế, các buồng bọt vật lý có dạng hình ống lấp đầy bởi một loại chất lỏng (thường là hydrogen lỏng) được nung nóng lên đến gần độ bốc hơi của chất lỏng đó. Khi hạt vật lý bay vào buồng, thì có một piston kéo nhanh ra làm mở rộng thể tích của buồng do đó giảm áp suất buồng một cách đột ngột. Hậu quả là chất lỏng bị quá nóng (hơn nhiệt độ bốc hơi thường có của nó tại cùng áp suất) nên chuyển pha thành dạng siêu cân bằng (hay còn gọi là cân bằng địa phương). Các hạt vật lý dịch chuyển (theo quỹ đạo đặc trưng của nó) sẽ tạo ra một vệt ion hoá bao bọc đường dịch chuyển của hạt này, vệt này phủ quanh bởi chất lỏng bị bốc hơi và tạo thành các bọt (bong bóng) cực nhỏ. Mật độ của bọt bao bọc đường chuyển động của hạt vật lý tỉ lệ với năng lượng mà nó truyền vào buồng bọt. Dựa vào đó người ta có thể quan sát và đo đạc được các hướng chuyển động cũng như các đặc tính vật lý khác. “Bubble_chamber”. Wikipedia. Truy cập: 29/07/2009 <http://en.wikipedia.org/wiki/Bubble_chamber>
    Máy gia tốc hạt (particle accelerator) là thiết bị vật lý nhằm tăng tốc của các hạt vật lý lên mức độ đáng kể. “Particle_accelerator”. Wikipedia. Truy cập: 29/07/2009 <http://en.wikipedia.org/wiki/Particle_accelerator>
    fMRI là chữ viết tắt của cụm từ "functional magnetic resonances imaging". “Functional magnetic resonance imaging”. Wikipedia. Truy cập: 29/07/2009 <http://en.wikipedia.org/wiki/Functional_magnetic_resonance_imaging>
  2. Amdo Gendün Chöphel (1903-1951) là một gương mặt sáng tạo và có nhiều tranh cãi, ông là một trong những học giả lớn của Tây Tạng nữa đầu thế kỉ 20. “Gedun Chophel”. Gedun Choppel. Truy Cập: 29/07/2009<http://www.gdqpzhx.com/english/>)
  3. Dịch từ thành ngữ "stick your neck out" có hai nghiã chính một là dám tiến hành điều nguy hiểm, nghiã khác là dám cho ý kiến mà người khác không muốn hay không dám nói ra.
  4. Theo quan điểm của đức Dalai Lama thì toàn bộ Phật học có thể chia làm 3 phần:
    1. Khoa Hoc Phật giáo (Buddhist Science): hay là các lập luận và Phân tích Phật giáo: Đây là những phương pháp suy luận, phân tích Phật giáo cùng với những quy luật khách quan mà Phật giáo lấy làm nền tảng. Trong đó, việc phân tích khảo sát các đối tượng hoàn toàn chỉ là các lập luận có tính khách quan dựa trên các tiền đề cơ sở (trong đó, chúng ta có thể thấy được bên cạnh hệ thống suy luận lô-gíc, là các quy luật chẳng hạn như luật nhân quả, thuyết duyên sinh. Sau đó là các lập luận về quan điểm Nhị Đế, và giáo lý về Tính Không.
    2. Triết Học Phật giáo (Buddhist Philosophy): Từ các suy luận trên cơ sở các quy luật, Phật giáo phát triển theo chiều sâu và rộng và phân nhánh thành hệ thống triết lý. Hệ thống này sẽ là nền tảng cho nhân sinh quan, thế giới quan, và vũ trụ quan Phật giáo. Các quan điểm triết học này bao gồm nhiều kết luận dẫn xuất từ các nguyên lý cơ bản trong Khoa học Phật giáo.
    3. Thực Hành Phật giáo (Buddhist Practice): Từ hệ thống triết lý Phật giáo, các môn sinh sẽ tiếp thu và phát triển thành các truyền thống thực hành tu học phù hợp với hệ thống truyền thừa và căn cơ của mình. Các truyền thống tu học Phật giáo thực sự phong phú từ Nguyên Thủy, Đại thừa, cho đến Zen hay Mật tông ... Nó có tùy theo hoàn cảnh lịch sử địa dư mà hình thành các giáo pháp thích ứng với con người.

Mục lục[sửa]

Liên kết đến đây

Xem thêm liên kết đến trang này.