Đánh giá không chính thức
Đánh giá không chính thức có mục tiêu rất gần với đánh giá thường xuyên, đánh giá quá trình nhằm mục đích chính là xem xét, giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ học tập hàng ngày của HS, thông qua nhiều hình thức quan sát, thảo luận, xem xét hồ sơ học tập, tự suy ngẫm, tự đánh giá, cách thức thực hiện một nhiệm vụ học tập, sự tham gia các hoạt động, tương tác, sự hợp tác với nhau trong nhóm bạn,...
Đánh giá không chính thức thường chú trọng đến nhận xét định tính hơn là định lượng về sự tiến bộ trong học tập của người học. Như vậy, mục tiêu của đánh giá không chính thức là cải thiện, điều chỉnh nâng cao chất lượng hoạt động học tập chứ không chú trọng vào việc phân loại, xếp hạng học lực của người học.
Đánh giá không chính thức không gắn với điểm tổng kết của người học và được thực hiện một cách tự nhiên. Đánh giá không chính thức bao gồm quan sát, dự giờ, bảng kiểm, phiếu học tập, thang điểm, hương dẫn chấm, đánh giá khả năng thực hiện, đánh giá qua hồ sơ học tập, cùng tham gia, đánh giá đồng đẳng và tự đánh giá, thảo luận nhóm.
Nguồn[sửa]
- Tài liệu tập huấn Dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập theo định hướng phát triển năng lực học sinh; môn Toán cấp trung học phổ thông; Vụ giáo dục trung học; 2014