Hình thức đánh giá trên lớp học
Mục lục
Căn cứ vào thời điểm tiến hành[sửa]
Căn cứ vào thời điểm tiến hành việc kiểm tra, đánh giá, người ta phân ra làm 3 loại:
- Đánh giá hàng ngày (thường xuyên): Kiểm tra hàng ngày nhằm kịp thời điều chỉnh hoạt động của cả thầy lẫn trò đồng thời tạo điều kiện vững chắc để quá trình dạy học chuyển dần sang những bước mới.
- Đánh giá định kì: Thực hiện sau khi học một chương hoặc sau một học kì, giúp giáo viên và học sinh nhìn lại kết quả làm việc sau một thời hạn nhất định, củng cố, mở rộng những điều đã học, tạo cơ sở tiếp tục sang những phần mới.
- Đánh giá tổng kết: Thực hiện vào cuối năm học, cuối mỗi giáo trình nhằm đánh giá kết quả chung, củng cố mở rộng kiến thức đã học, tạo điều kiện chuyển sang năm học mới, môn học mới. Đánh giá tổng kết cũng có thể thông qua kì thi cuối khoá để cấp văn bằng, chứng chỉ.
Căn cứ vào các loại tham chiếu[sửa]
Căn cứ vào các loại tham chiếu trong đánh giá, người ta chia làm 2 loại:
- Tham chiếu theo chuẩn - Đánh giá dựa theo chuẩn: Tham chiếu theo chuẩn là phép so sánh kết quả học tập của học sinh với mức độ trung bình của cả lớp.
- Tham chiếu theo tiêu chí - Đánh giá dựa trên tiêu chí: Tham chiếu theo tiêu chí là đối chiếu kết quả học tập của học sinh theo chỉ tiêu kiến thức và kĩ năng cần phải đạt.
Căn cứ vào mục đích[sửa]
Căn cứ vào mục đích của đánh giá sử dụng trong dạy học, người ta chia làm 4 loại:
- Đánh giá đầu vào (sắp xếp): đánh giá trình độ ban đầu của học sinh nhằm phân loại và xếp lớp theo trình độ.
- Đánh giá tiến trình (formative): đánh giá sự tiến bộ trong quá trình học, thu thập thông tin ngược để cải thiện hoạt động học tập của học sinh, bổ sung, sửa chữa những sai lạc về kiến thức của học sinh.
- Đánh giá chẩn đoán: Xác định nguyên nhân (trí tuệ, thể chất, tình cảm, môi trường) của những khó khăn trong học tập của học sinh.
- Đánh giá đầu ra (tổng kết): Đánh giá kết quả cuối cùng của khoá học để xét lên lớp, cấp chứng chỉ.
Căn cứ vào mức độ chính thức[sửa]
Căn cứ vào mức độ chính thức của hoạt động đánh giá, chúng ta có đánh giá chính thức và không chính thức:
- Đánh giá chính thức là đánh giá có những dữ liệu nhằm đưa ra kết luận khi thực hiện kiểm tra. Đánh giá chính thức thường liên quan các dạng kiểm tra (test) được dùng như thước đo chuẩn hoá. Những thước đo này được thử trước trên học sinh và dữ liệu sẽ được tính toán, thống kê, tổng kết nhằm đưa ra kết luận về học sinh so với các chuẩn cần đạt về độ tuổi hay lớp học và trong sự so sánh với các bạn cùng độ tuổi hay lớp học. Đánh giá chính thức thường được tiến hành thông qua hình thức viết và sau khi thực hiện sẽ đưa ra các điểm số hoặc thử tự xếp hạng trên cơ sở thực hiện các bài kiểm tra học sinh. Đánh giá chính thức có nhiều mục tiêu gắn với đánh giá tổng kết.
- Đánh giá không chính thức thường chú trọng đến nhận xét định tính hơn là định lượng về sự tiến bộ trong học tập của học sinh. Như vậy, đánh giá không chính thức có mục tiêu gần với đánh giá quá trình, đó là cải thiện, điều chỉnh hoạt động học tập chứ không chú trọng vào việc phân loại, xếp hạng học lực của học sinh. Đánh giá không chính thức có thể thông qua quan sát, vấn đáp, tự đánh giá, bài tập trên lớp hoặc ở nhà...
Ngoài ra còn có các kiểu phân loại không phổ biến nhiều ở VN ví dụ phân loại theo bản chất của đo lường, có 2 loại là đánh giá “năng lực cao nhất” tức là dự báo kết quả tối đa mà học sinh có thể đạt được và đánh giá “năng lực điển hình” tức là dự báo kết quả mà học sinh sẽ đạt được trong điều kiện thông thường.
Nguồn[sửa]
- Tài liệu tập huấn Dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập theo định hướng phát triển năng lực học sinh; môn Toán cấp trung học phổ thông; Vụ giáo dục trung học; 2014