Có làn da hoàn hảo

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Mỗi người đều gặp phải một vài vấn đề về da trong suốt cuộc đời như mụn, da bị khô, da nhạy cảm, da đổ nhiều dầu, sạm da hoặc có nếp nhăn. Tuy nhiên, may mắn là các vấn đề này có thể xử lý một cách dễ dàng nếu bạn quan tâm và chú ý chăm sóc da mặt. Hãy đọc tiếp bài viết bên dưới để biết một số hướng dẫn bổ ích trong việc chăm sóc da mặt đúng cách và có một làn da tươi trẻ, đầy sức sống!

Các bước[sửa]

Xây dựng quy trình chăm sóc da[sửa]

  1. Xác định loại da của bạn. Bước đầu tiên để có làn da hoàn hảo là xây dựng quy trình chăm sóc da phù hợp với bạn. Da của mỗi người đều khác nhau nên những gì hiệu quả với người này có thể không phù hợp với bạn. Quan sát da bạn thật kỹ để biết đó là da thường, da nhạy cảm, da khô, da hỗn hợp, da dễ nổi mụn hoặc da dầu.
    • Nếu bạn có da thường thì thật may mắn! Da của bạn sẽ không đổ dầu, lỗ chân lông nhỏ, da đều màu và ít khi bị mụn.
    • Da nhạy cảm thường thể hiện rõ rệt – như da trở nên khô, ngứa hoặc kích ứng tùy theo thời tiết, lối sống và sản phẩm mà bạn dùng.
    • Da khô thường sẽ cảm thấy căng sau khi rửa mặt và da sần sùi hoặc bong tróc, đặc biệt là khi gặp thời tiết lạnh hoặc không khí khô.
    • Da hỗn hợp có nghĩa là da bạn vừa khô vừa đổ dầu. Da sẽ bong tróc hoặc khô ở các mép nhưng dổ dầu ở vùng chữ T.
    • Da dễ nổi mụn thường có mụn đầu đen, mụn nhọt và đổ nhiều dầu. Mặc dù bạn cố gắng giữ cho da luôn sạch nhưng vẫn không tránh khỏi mụn.
    • Da dầu có thể đổ dầu và trở nên bóng nhờn chỉ trong vòng 1 giờ sau khi rửa mặt. Dầu có thể thấm vào và làm trôi lớp trang điểm.
    • Bên cạnh đó, màu da của bạn như da trắng, da ngăm hoặc da đen cũng giúp bạn dễ nhận biết được vấn đề mà da gặp phải để cân nhắc mỗi khi chọn sản phẩm chăm sóc da.
  2. Rửa mặt hai lần mỗi ngày – không hơn, không kém. Rửa mặt là rất quan trọng để làm sạch bụi bẩn, dầu, vi khuẩn và lớp trang điểm trên da.
    • Tuy nhiên, nhiều người cho rằng rửa mặt càng nhiều càng tốt – nhưng đây là một quan niệm sai lầm. Rửa mặt nhiều lần sẽ có hậu quả như khi bạn không rửa mặt vì da bị khô, trở nên đỏ và kích ứng.
    • Bạn nên tập thói quen rửa mặt 2 lần mỗi ngày – một lần vào buổi sáng để làm sạch lớp dầu nhờn hình thành vào đêm hôm trước và một lần vào buổi tối để làm sạch bụi bẩn, lớp trang điểm trong ngày.
    • Dùng sản phẩm rửa mặt phù hợp với da của bạn (thường sẽ được ghi rõ trên sản phẩm). Nếu có thể, bạn nên tránh dùng sản phẩm rửa mặt có mùi, màu sắc hoặc nhiều hóa chất vì chúng sẽ gây kích ứng da hoặc không hiệu quả cho da. Khi chọn sản phẩm cho da mặt thì chọn loại càng dịu nhẹ càng tốt.
    • Để rửa mặt, bạn nên dùng nước ấm. Nước nóng không tốt cho da vì làm khô da nhưng nước ấm thì giúp lỗ chân lông mở ra. Lấy một ít sản phẩm rửa mặt cho vào tay và dùng các ngón tay bôi nhẹ nhàng lên mặt theo hình tròn.
    • Sau đó, làm sạch da mặt bằng nước lạnh (để se lỗ chân lông), nên nhớ xả sạch hoàn toàn sản phẩm sửa mặt trên da. Dùng khăn sạch để nhẹ nhàng thấm khô nước trên da (chà mạnh sẽ gây tổn thương cho da). Hoặc tốt hơn hết là hong khô da tự nhiên.
  3. Dùng toner (nước làm săn da). Toner là sản phẩm chăm sóc da ít được chú ý đến và rất nhiều phụ nữ bỏ qua bước này. Mặc dù toner không thật sự cần thiết trong quy trình chăm sóc da nhưng việc làm săn da có rất nhiều lợi ích.
    • Thứ nhất, toner lấy đi phần bụi bẩn, lớp trang điểm hoặc tế bào da chết mà sản phẩm rửa mặt còn để xót lại, làm cho da sạch hoàn toàn. Thứ hai, toner giúp cân bằng độ pH trên da, với mức axit thấp. Thứ ba, toner làm cho da hơi ẩm để thấm hút mỹ phẩm mà bạn bôi ngay sau đó tốt hơn (như sản phẩm dưỡng ẩm, serum và kem chống nắng)
    • Sử dụng toner cũng là một cách để thêm thành phần hoạt tính cho quá trình chăm sóc da. Thành phần hoạt tính sẽ tùy thuộc vào loại da của bạn. Người có da dễ nổi mụn sẽ nhận thấy hiệu quả khi dùng toner có chứa BHA (beta hydroxy acids) và AHA (alpha hydroxy acids) vì khả năng tẩy tế bào chết, người có da khô nên chọn toner dưỡng ẩm có chứa vitamin E và lô hội và để chống lão hóa thì bạn nên chọn toner có chất chống oxy hóa (để nuôi dưỡng da) và retinoid (để chống nhăn). Tuy nhiên, lưu ý rằng người có da khô hoặc nhạy cảm nên tránh dùng toner chứa cồn vì loại sản phẩm này tác động mạnh lên da khiến cho da khô.[1]
    • Hầu hết toner đều ở dạng lỏng và rất dễ sử dụng. Bạn chỉ cần cho một ít toner lên bông tẩy trang rồi bôi nhẹ lên mặt và cổ. Sau đó để yên toner trên da, bạn không cần phải lau sạch.
  4. Bôi sản phẩm dưỡng ẩm. Bất kể bạn sở hữu loại da nào, dưỡng ẩm cho da là một trong những bước quan trọng trong quá trình chăm sóc da. Sản phẩm dưỡng ẩm cấp nước cho da bằng cách giữ nước ở lớp da bên ngoài. Ngoài ra, nó cũng bảo vệ và cải thiện tông da lẫn kết cấu da. Tuy nhiên, tương tự như các sản phẩm chăm sóc da khác, sản phẩm dưỡng ẩm mà bạn chọn sẽ khác nhau tùy thuộc vào loại da của bạn.
    • Người có da thường nên chọn sản phẩm dưỡng ẩm nền nước (water-based) để không làm ảnh hưởng đến độ cân bằng của da. Khi bôi sản phẩm lên da, bạn sẽ có cảm giác dịu nhẹ và không bóng nhờn. Sản phẩm dưỡng ẩm dành cho da thường có chứa một số loại dầu nhẹ như cetyl alcohol và cyclomethicone.
    • Người có da khô cần sản phẩm dưỡng ẩm nặng hơn để cấp ẩm sâu. Do đó, sản phẩm dưỡng ẩm cho da khô sẽ có nền dầu (oil-based) để giữ độ ẩm cho da tốt hơn. Hãy chọn nguyên liệu cấp ẩm đặc biệt như dầu hạt nho và dimethicone (một loại dầu silicone).
    • Da dầu và dễ nổi mụn cũng cần được dưỡng ẩm, đặc biệt là nếu bạn thường dùng sản phẩm rửa mặt và toner làm khô da. Bạn nên chọn sản phẩm nền nước, dịu nhẹ và trên nhãn có ghi "non-comedogenic" tức là không làm bít lỗ chân lông.
    • Da nhạy cảm cần sản phẩm dưỡng ẩm với công thức đơn giản không gây kích ứng da. Tránh dùng sản phẩm dưỡng ẩm có màu hoặc mùi và không dùng bất kỳ sản phẩm nào có chứa axit. Thay vào đó, bạn nên chọn sản phẩm có nguyên liệu dịu nhẹ cho da như lô hội, cúc La Mã và dưa chuột.
    • Da lão hóa thường dễ bị khô nên hãy chọn sản phẩm dưỡng ẩm đậm đặc từ dầu hoặc sáp mỡ. Bạn cũng nên chọn sản phẩm có thêm các lợi ích khác với thành phần chống oxy hóa, retinoid, AHA để làm da săn chắc và giảm nếp nhăn.[2]
  5. Thường xuyên tẩy tế bào chết. Việc tẩy tế bào chết thường xuyên làm sạch lớp tế bào da chết, giúp cho da tươi tắn, mịn màng và căng bóng. Đó là lý do tại sao việc tẩy tế bào chết ít nhất một lần mỗi tuần hoặc nhiều hơn (tùy theo loại da của bạn) là rất quan trọng.
    • Tuy nhiên – nhiều người có quan niệm sai lầm về việc tẩy tế bào chết, tức là phải tẩy thật sát vào da thì mới hiệu quả. Điều này không đúng mà còn ảnh hưởng đến da vì chà xát mạnh hoặc dùng sản phẩm tẩy tế bào chết mạnh có thể gây tổn thương phần mềm dưới da.[3]
    • Da (đặc biệt là da mặt) rất nhạy cảm và cần được chú ý chăm sóc nhiều hơn chúng ta nghĩ. Vì vậy, nếu bạn muốn mua sản phẩm tẩy tế bào chết thì nên chọn hạt tròn nhỏ không nên chọn hạt có kết cấu góc cạnh.
    • Hoặc bạn có thể mua sản phẩm rửa mặt có thành phần tẩy tế bào chết như AHA giúp làm sạch lớp da chết mà không cần phải chà xát. Bạn cũng có thể dùng khăn ẩm để chà nhẹ lên mặt – việc này cũng có hiệu quả tương tự như sản phẩm tẩy tế bào chết và không hề tốn kém!
    • Một lựa chọn khác là mua máy rửa mặt và tẩy tế bào chết như của hãng Clarisonic, có đầu lông xoay để làm sạch bề mặt da và lỗ chân lông. Nhiều người rất tin dùng loại sản phẩm này của hãng Clarisonic nhưng với mức giá cao khoảng 2-5 triệu đồng thì không phù hợp với tất cả mọi người.
    • Cách cuối cùng để tẩy tế bào chết là tự làm sản phẩm tẩy tế bào chết tại nhà. Việc này rất đơn giản và có hiệu quả tốt tương đương với các sản phẩm bán sẵn nhưng chỉ dùng các nguyên liệu tự nhiên. Hãy thử kết hợp đường nâu và dầu ô liu, muối nở và nước hoặc các nguyên liệu làm sản phẩm tẩy tế bào chết tại nhà!
  6. Luôn luôn tẩy trang. Nghe có vẻ như là một việc cực kỳ đơn giản nhưng bạn đừng đánh giá thấp tầm quan trọng của việc tẩy trang hoàn toàn mỗi tối. Đôi khi đây là một việc nặng nhọc vì có những đêm bạn không còn muốn làm gì sau một ngày mệt mỏi nhưng da sẽ rất biết ơn khi bạn chịu khó tẩy sạch lớp trang điểm!
    • Nếu bạn để yên lớp trang điểm qua đêm thì nó sẽ làm bít lỗ chân lông và làm cho da không có cơ hội phục hồi sau một ngày dài đầy căng thẳng. Việc này tạo cơ hội hình thành mụn đầu đen, mụn trứng cá, dầu nhờn và những vấn đề về da khác!
    • Bên cạnh đó, lớp trang điểm còn lưu giữ các gốc tự do trên da khi bạn ra ngoài trong suốt cả ngày. Nếu da không được làm sạch đúng cách vào buổi tối thì các gốc tự do này vẫn bám trên da. Việc này rất có hại vì gốc tự do làm vỡ kết cấu collagen trên da, dẫn đến hình thành nếp gấp và nếp nhăn.[4]
    • Mặc dù quy trình rửa mặt, sử dụng toner, dưỡng ẩm là cần thiết nhưng đề phòng trường hợp khẩn cấp thì bạn có thể chuẩn bị sẵn khăn tẩy trang cùng với bông tẩy phấn mắt ở tủ đầu giường. Như vậy, bạn có thể nhanh chóng tẩy sạch lớp trang điểm trên da trước khi đi ngủ.
    • Liên quan đến việc trang điểm, nếu có thể, thỉnh thoảng bạn nên cho da nghỉ và để mặt mộc, đặc biệt là khi bạn thường dùng kem nền đậm đặc. Nghe có vẻ đáng sợ nhưng da sẽ trở nên tốt hơn. Nếu việc để mặt mộc khiến bạn căng thẳng thì thử dùng sản phẩm dưỡng ẩm có màu – loại này nhẹ hơn kem nền nhưng vẫn có khả năng che phủ.
    • Cuối cùng, bạn nên kiểm tra túi đựng mỹ phẩm ít nhất 6 tháng một lần và bỏ đi các sản phẩm đã cũ. Sản phẩm trang điểm là thiên đường của vi khuẩn nên việc dùng kem nền vón cục và mascara bết dính có thể làm bít lỗ chân lông và gây mụn.
  7. Đừng quên kem chống nắng! Cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng, một điều mà bạn nên thay đổi trong quy trình chăm sóc da sau khi đọc xong bài này là bôi kem chống nắng mỗi ngày. Bạn không nên xem nhẹ tầm quan trọng của việc bôi kem chống nắng.
    • Kem chống nắng bảo vệ da khỏi ảnh hưởng tiêu cực của tia UVA và UVB vốn là nguyên nhân gây ra các vấn đề về da. Hơn nữa, kem chống nắng cũng được chứng minh làm giảm nguy cơ hình thành ung thư da – vậy là đã đủ lý do để sử dụng kem chống nắng thường xuyên.
    • Tiếp theo, kem chống nắng bảo vệ da khỏi vấn đề lão hóa. Trên thực tế, ánh nắng mặt trời là nguyên nhân hàng đầu gây ra các vấn đề về da như nếp gấp, nếp nhăn, đốm nâu, nổi mạch máu đỏ và thâm nám. Bằng việc bôi kem chống nắng thường xuyên, bạn có thể làm chậm các dấu hiệu lão hóa da và giữ được độ tươi trẻ của da.
    • Bạn nên chọn kem chống nắng có chỉ số SPF ít nhất 30, đặc biệt là khi bạn có da trắng và tóc đỏ hoặc vàng. Một số sản phẩm dưỡng ẩm và kem nền có sẵn SPF nên sẽ làm cho quy trình chăm sóc da vào buổi sáng trở nên đơn giản hơn.
    • Nên nhớ bôi kem chống nắng mỗi ngày, không phải chỉ bôi vào mùa hè khi trời nắng. Tia UV cũng rất mạnh khi trời lạnh, có thể xuyên qua mây và mưa. Bên cạnh đó, bạn có thể tăng khả năng chống nắng bằng cách đeo kính mát và mũ hợp thời trang khi cần.
    • Đừng dùng kem chống nắng cũ hoặc hết hạn sử dụng. Vì hiệu quả bảo vệ của sản phẩm có thể giảm đi nên không bảo vệ da khỏi cháy nắng và các vấn đề về da khác. Hơn nữa, công thức của kem chống nắng sẽ thay đổi khi hết hạn làm cho da bị kích ứng và ngứa.[5]

Xử lý các vấn đề về da[sửa]

  1. Trị mụn. Mụn là vấn đề da rất khó xử lý và gây khó chịu. Mặc dù mụn chỉ ảnh hưởng nhiều ở độ tuổi thanh thiếu niên nhưng nó có thể kéo dài đến tuổi trưởng thành và không ai có thể tránh được mụn. Vì mụn là một hiện tượng phổ biến nên có rất nhiều cách xử lý và bạn nên thử để tìm ra cách phù hợp với bản thân.
    • Bạn vẫn thực hiện quy trình chăm sóc da gồm rửa mặt, bôi toner và dưỡng ẩm nhưng nên chọn sản phẩm dành riêng cho da mụn. Hãy dùng sản phẩm rửa mặt có chứa thành phần như triclosan, benzoyl peroxide và salicylic acid. Dùng sản phẩm dưỡng ẩm có kết cấu nhẹ, không dầu để giữ cho da không bị khô.
    • Bên cạnh quy trình chăm sóc da thông thường, bạn có thể dùng thêm thuốc trị mụn thường có dạng kem hoặc thuốc mỡ. Một số loại thuốc trị mụn hiệu quả có các thành phần như benzoyl peroxide, salicylic acid, sulfur, retinoids và azelaic acid. Mặc dù các loại kem bôi này có bán ở quầy thuốc nhưng một số thuốc đặc trị mạnh phải được bác sỹ kê toa.
    • Nếu việc bôi thuốc trị mụn không hiệu quả thì bạn nên đến gặp bác sỹ da liễu. Họ sẽ kê một loạt thuốc gồm loại bôi và loại uống – tùy theo tình trạng và mức độ nghiêm trọng của mụn. Một số người dị ứng khi uống thuốc kháng sinh nhưng số khác lại cảm thấy hiệu quả và nhiều người cần đến retinoid cực mạnh như thuốc Accutane.
  2. Xử lý da lão hóa. Nếp nhăn, nếp gấp, da chảy xệ và đốm nâu là các vấn đề về da mà mọi người đều sẽ gặp phải ở một thời điểm nào đó trong đời. Tuy nhiên, bảo vệ và chăm sóc da đúng cách sẽ đẩy lùi những vấn đề đó và giữ được vẻ tươi trẻ cho làn da.
    • Trước tiên, điều quan trọng là bạn cần thực hiện quy trình chăm sóc da với sản phẩm dành riêng cho da lão hóa. Những sản phẩm này thường đậm đặc và cấp ẩm nhiều hơn, vốn rất quan trọng vì da lão hóa thường khô và nhăn.
    • Để đẩy lùi nếp nhăn và da chảy xệ, bạn nên chọn sản phẩm dưỡng ẩm có chứa thành phần chống oxy hóa. Chất chống oxy hóa trung hòa các gốc tự do làm tổn hại đến tế bào da và tạo ra dấu hiệu lão hóa. Một số thành phần phổ biến có chứa chất oxy hóa gồm có tinh chất trà, retinol (một tổ hợp vitamin A) và kinetin (một tổ hợp thực vật được cho là tăng lượng collagen trong da).[6]
    • Để xử lý đốm nâu và tổn thương do ánh nắng mặt trời, bạn nên chọn sản phẩm có chứa BHA và AHA vì 2 thành phần này có khả năng tẩy tế bào chết, làm sạch lớp da chết bị biến màu và để lộ lớp da tươi tắn, mịn màng bên dưới.
    • Tuy nhiên, nếu bạn chọn một sản phẩm thần kỳ xử lý được mọi vấn đề về da để đẩy lùi nếp nhăn thì chỉ có một sản phẩm làm được điều đó – Retin A. Retin A là tretinoin hoặc retinoic acid – một dạng axit của vitamin A cực kỳ hiệu quả trong việc đẩy lùi nếp nhăn, làm săn da chảy xệ và làm sáng da bị biến màu bằng cách tăng việc tái tạo tế bào, kích thích sản sinh collagen và tẩy tế bào chết. Retin-A phải được bác sỹ kê toa nên hãy trao đổi với bác sỹ da liễu nếu bạn hứng thú với liệu pháp này hoặc muốn biết thêm thông tin.[7]
  3. Xử lý sạm da. Sạm da gồm có các vấn đề như đốm nâu, thâm nám và tăng sắc tố da.
    • Những vấn đề này gây ra bởi sự dư thừa melanin trên da và thể hiện rõ khi gặp ánh nắng mặt trời, mang thai, mãn kinh, dùng thuốc ngừa thai, các loại thuốc khác và nặn mụn. Mặc dù da sạm màu đôi khi sẽ tự mờ nhưng có rất nhiều liệu pháp và kem giúp bạn đẩy nhanh quá trình này.
    • Bước đầu tiên trong liệu pháp đẩy lùi sạm da là chọn các sản phẩm chăm sóc da có chứa retinoid và dùng hằng ngày. Retinoid được hình thành từ vitamin A sẽ tẩy tế bào chết để làm sạch lớp da thâm sạm và thay thế bằng lớp da tươi mới. Tình trạng da sẽ cải thiện sau vài tháng. Nếu bạn muốn có kết quả nhanh thì nhờ bác sỹ kê các loại kem hoặc gel có chứa retinoic acid, vốn tạo ra hiệu quả tương đương nhưng mạnh hơn các sản phẩm khác.
    • Nếu bạn tìm liệu pháp tẩy trắng hiệu quả (để làm sáng da sạm, thâm nám) thì nên sử dụng hydroquinone. Hydroquinone làm sáng da bằng cách ngăn sự sản sinh melanin. Sản phẩm với công thức 2% có bán ở quầy thuốc nhưng với loại mạnh 4% thì phải nhờ bác sỹ kê toa. Trước khi dùng liệu pháp này, bạn nên biết rằng hydroquinone đã bị cấm rộng rãi tại nhiều nơi ở châu Á và châu Âu vì khả năng gây ung thư tiềm ẩn.[8]
    • Nếu chi phí không phải là vấn đề thì bạn có thể trị liệu bằng laser hoặc tia sáng, lột da bằng hóa chất hoặc tái tạo da. Hãy trao đổi với bác sỹ da liễu để biết phương pháp nào thích hợp với bạn.
    • Cuối cùng, điều quan trọng nhất cần nhớ khi điều trị sạm da là luôn bôi kem chống nắng. Kem chống nắng ngăn ngừa tia UV làm sản sinh melanin khiến cho tình trạng sạm da trở nên tồi tệ hơn.
  4. Xử lý da nhạy cảm. Sở hữu làn da nhạy cảm rất vất vả vì cần phải chú ý đến sản phẩm mà bạn dùng và cách chăm sóc da để không gặp phải tình trạng da khô hoặc đỏ, cảm giác ngứa, mụn trứng cá hoặc mụn mủ.
    • Da nhạy cảm cũng dễ gặp phải một số bệnh về da như chàm, chứng đỏ mặt, mụn và viêm da tiếp xúc. Tuy nhiên, nếu bạn kiên nhẫn và hiểu rõ về quá trình chăm sóc da thì vẫn kiểm soát được tình trạng da nhạy cảm.
    • Như đã nêu ở trên, khi mua sản phẩm dành cho da nhạy cảm, điều quan trọng mà bạn nên nhớ là tránh dùng sản phẩm rửa mặt, dưỡng ẩm và sản phẩm khác có màu hoặc mùi vì chúng dễ gây ra phản ứng dị ứng. Khi chọn sản phẩm, bạn nên chọn loại có thành phần đơn giản – chọn sản phẩm rửa mặt và kem chỉ có 10 nguyên liệu hoặc ít hơn.
    • Bạn cũng cần tránh sản phẩm có chứa một số thành phần như kháng khuẩn, cồn, retinoid hoặc AHA. Mặc dù những thành phần này có ích đối với các loại da khác nhưng với da nhạy cảm thì làm cho da bị đỏ và kích ứng.
    • Thay vào đó, bạn hãy chọn sản phẩm có chứa thành phần làm dịu nhẹ da và kháng viêm như cúc La Mã, trà trắng, lô hội, hoa cúc calendula, yến mạch và thực vật biển.
    • Nếu bạn muốn dùng sản phẩm đặc biệt nào đó nhưng không chắc về phản ứng của da thì tốt nhất nên thử trên một vùng da nhỏ. Lấy một ít sản phẩm và bôi lên vùng da phía sau tai. Thực hiện việc này liên tục 5 đêm và nếu không có tình trạng dị ứng thì bôi một lượng nhỏ sản phẩm lên vùng da cạnh mắt. Lặp lại việc này vài lần và nếu không có dấu hiệu dị ứng thì bạn có thể sử dụng sản phẩm cho toàn bộ da mặt.
    • Với sản phẩm trang điểm, nên chọn kem nền có nền silicone (silicone-based) vì loại này ít gây dị ứng. Dùng bút chì kẻ mắt và bút chì kẻ chân mày vì sản phẩm dạng lỏng thường chứa latex – một chất gây dị ứng phổ biến. Đừng dùng mascara không thấm nước vì bạn sẽ cần đến một loại sản phẩm tẩy trang chuyên biệt vốn rất có hại cho da nhạy cảm.[9]

Thay đổi lối sống[sửa]

  1. Ăn uống lành mạnh. Bạn nên tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh, giàu vitamin và khoáng chất cần thiết cho da. Vitamin B, C, E, A và K giúp cho da tươi trẻ và đầy sức sống.
    • Vitamin B là thành phần cơ bản hình thành da, tóc và móng. Loại vitamin này có trong thực phẩm như yến mạch, trứng, gạo, chuối và cả Vegemite (một loại bơ có màu nâu, nổi tiếng ở Úc).
    • Vitamin C bảo vệ da khỏi tác động của ánh nắng mặt trời, ngăn ngừa ung thư da. Vitamin C có trong các loại quả họ cam quýt như chanh, cam, ớt chuông, quả nam việt quất, nước ép bưởi, bông cải trắng và rau xanh.
    • Vitamin E cũng giúp bảo vệ da khỏi tác động của ánh nắng mặt trời và có trong dầu ô liu, rau chân vịt, các loại hạt, hạt mầm và dầu thực vật.
    • Vitamin A cần thiết để phục hồi biểu bì da, nếu thiếu vitamin A thì da sẽ bị khô và bong tróc. Vitamin A có trong hoa quả và rau củ nên rất dễ bổ sung.
    • Vitamin K giúp làm giảm quầng thâm dưới mắt vết bầm. Vitamin K có trong rau xanh, sản phẩm từ sữa, thịt heo và gan.
  2. Cung cấp đủ nước cho cơ thể. Như bạn đã biết, uống nhiều nước là rất cần thiết để có làn da mịn màng, khỏe mạnh. Vì trên thực tế thì da cũng như các tế bào khác trong cơ thể được hình thành từ nước.
    • Nếu không có đủ nước, da sẽ bị mất nước và trở nên khô, căng và bong tróc. Theo thời gian, việc này sẽ làm xuất hiện nếp nhăn.
    • Uống nước cũng giúp loại bỏ các chất độc hại trong cơ thể vốn gây tổn hại cho da và sức khỏe của bạn.[10]
    • Mặc dù chưa có thông tin khoa học xác thực về lượng nước mà bạn nên uống mỗi ngày (vì khác nhau tùy theo từng người, khí hậu và hoạt động thể chất) nhưng tốt nhất nên uống 6 đến 8 cốc nước.
    • Nếu bạn không thích uống nước, có thể thay thế bằng việc uống nhiều trà xanh hoặc trà thảo mộc hay nước dừa (được cho rằng rất tốt cho da). Hoặc bạn có thể thêm một lát chanh vào nước uống để tăng thêm hương vị. Chanh cũng rất có ích cho da nên bạn sẽ có một công đôi việc.
    • Bạn cũng nên ăn nhiều hoa quả và rau củ có nhiều nước như cà chua, dưa chuột, dưa hấu, nho, xà lách, cần tây và củ cải.
  3. Ngủ đủ giấc. Giấc ngủ rất cần thiết để có làn da khỏe mạnh, tươi tắn – nên không phải tự nhiên mà người ta gọi giấc ngủ đẹp. Vì khi ngủ, da sẽ tự phục hồi và tái tạo, thay thế tế bào cũ bằng tế bào mới.
    • Khi không ngủ ngon và đủ giấc, da bạn sẽ xuống sắc, tái và chảy xệ vào ngày hôm sau. Điều này là vì máu không tuần hoàn tốt khi bạn mệt mỏi. Thiếu ngủ cũng làm cho mạch máu dưới da giãn nở, tạo ra quầng thâm dưới mắt.
    • Để có làn da khỏe mạnh, tươi trẻ, bạn nên ngủ 7 đến 8 tiếng mỗi đêm. Bạn cũng nên đi ngủ và thức dậy cùng thời điểm mỗi ngày vì cơ thể thích sự điều độ. Tránh hút thuốc hoặc uống rượu trước khi đi ngủ vì nó ảnh hưởng đến chất lượng của giấc ngủ.
    • Bên cạnh giấc ngủ, bạn cũng có thể điều chỉnh thói quen ngủ đem lại lợi ích cho da. Chẳng hạn như nằm ngửa thay vì nằm xấp để mặt không ấn mạnh vào gối (dẫn đến hình thành nếp nhăn).
    • Bạn cũng nên thay đổi túi gối ít nhất một lần mỗi tuần để tránh tình trạng dầu, bụi bẩn và vi khuẩn hình thành, chọn túi gối trắng thay vì có màu vì màu nhuộm có thể gây kích ứng cho da nhạy cảm.[11]
  4. Tập thể dục thường xuyên. Việc tập thể dục không chỉ giữ dáng mà còn giúp duy trì làn da khỏe mạnh, tươi trẻ bằng cách điều hòa lượng oxy qua da.
    • Không nên trang điểm khi tập thể dục. Mồ hôi và bụi bẩn sẽ thấm vào lỗ chân lông và gây mụn.
    • Tránh để mồ hôi trên mặt sau khi tập thể dục. Bạn nên tắm hoặc ít nhất là rửa mặt ngay khi tập thể dục xong.
  5. Giải tỏa căng thăng. Bất kỳ mức độ căng thẳng nào cũng đều không tốt cho da vì nó tạo ra nhiều dầu, mụn, mẩn đỏ, sự nhạy cảm và nếp nhăn. Ngoài ra, nó còn làm tăng các bệnh về da như chứng đỏ mặt và chàm.
    • Liên quan đến phản ứng hóa học trong cơ thể, căng thẳng làm tăng mực độ hormone cortisol, làm cho da đổ dầu và dẫn đến mụn. Bên cạnh đó, mạch máu giãn nở gây ửng đỏ.
    • Về mặt vật lý, thường xuyên cau mày và nhăn trán sẽ làm mất lượng collagen, tạo ra nếp nhăn khi bạn chưa già.[12]
    • Vì vậy, bằng việc giảm mức độ căng thẳng, tình trạng da của bạn sẽ được cải thiện. Bạn có thể làm việc này bằng cách dành thời gian cho bản thân và làm những việc bạn yêu thích như đi dạo, tham gia lớp yoga hoặc chỉ đơn giản là dành thời gian cho người yêu thương.
  6. Cai thuốc lá. Hút thuốc rất có hại cho da. Nếu bạn muốn cải thiện tình trạng da và ngăn ngừa dấu hiệu lão hóa sớm thì dừng hút thuốc lá là việc đầu tiên bạn nên làm.
    • Hút thuốc gây tổn hại cho da về nhiều mặt. Đầu tiên, thuốc lá chứa carbon monoxide, làm hạn chế lượng oxy vào da và nicotine làm giảm quá trình lưu thông máu. Hai yếu tố này có thể làm cho da xuống sắc, tái và khô.
    • Thứ hai, việc hút thuốc lá làm ngăn chặn quá trình hấp thụ dinh dưỡng như Vitamin C vốn cần thiết để da tự phục hồi và tái tạo.
    • Người hút thuốc lá thường có nhiều nếp nhăn hơn người đồng trang lứa không hút thuốc vì thuốc lá làm tăng quá trình lão hóa do giảm lượng máu lưu thông trên da.[13]
    • Cai thuốc lá không phải là một việc dễ dàng nhưng với sự kiên quyết và hỗ trợ từ gia đình và bạn bè thì vẫn luôn có thể thực hiện được.

Lời khuyên[sửa]

  • Đừng sờ tay lên mặt. Bạn thường sẽ muốn nặn mụn và bóc lớp vảy trên da nhưng vi khuẩn trên đầu ngón tay sẽ dễ dàng dính vào da mặt khiến cho mụn trở nên tồi tệ hơn hoặc làm viêm nhiễm đầu mụn sắp lành.
  • Thay vì dùng nhiều kem nền, bạn có thể kết hợp nó với sản phẩm dưỡng ẩm.
  • Thử chuyển từ kem nền đậm đặc sang sản phẩm trang điểm dạng khoáng để tránh bịt kín lỗ chân lông.
  • Nếu kem hoặc sản phẩm dưỡng ẩm làm cho da nổi mẩn đỏ, thì bạn nên ngưng dùng và chuyển sang sản phẩm khác. Bên cạnh đó, bạn nên để cho da nghỉ ngơi sau khi bị nổi mẩn đỏ bằng cách không trang điểm trong vài ngày.
  • Uống 3-4 cốc trà xanh mỗi ngày giúp bạn có làn da sạch, mịn màng.
  • Bạn nên giặt gối thường xuyên vì nó truyền bụi bẩn từ tóc vào da mặt. Cột tóc khi ngủ cũng có ích cho làn da.
  • Uống nước thường xuyên sẽ giúp bạn có làn da không tì vết. Nhưng đừng uống nhiều nước một lúc mà hãy uống nhiều ngụm nhỏ trong suốt cả ngày.
  • Uống nước lọc và bỏ thói quen uống nước ngọt, ăn hoa quả đặc biệt là các loại quả mọng. Việc này tốt cho mọi loại da.
  • Đừng nặn mụn vì móng tay có vi khuẩn.
  • Dùng 1 lòng trắng trứng và xé nhỏ 2 miếng khăn giấy sau đó thấm lòng trắng trứng rồi xếp lên mặt trừ vùng mắt hoặc miệng.
  • Dùng mỹ phẩm hữu cơ hoặc mặt nạ tự làm tại nhà từ chanh, mật ong và thảo mộc.
  • Chườm nước nóng lên lỗ chân lông và mụn đầu đen. Hơi nước sẽ làm lỗ chân lông mở ra và làm sạch mụn.

Cảnh báo[sửa]

  • Phương pháp liệt kê trong bài này phù hợp với tất cả mọi người.
  • Nếu gặp tình trạng mụn nghiêm trọng làm bạn trở nên tự ti thì nên đến gặp bác sỹ da liễu. Có nhiều loại thuốc giúp làm giảm và đẩy lùi mụn.
  • Nếu bạn có da ngăm đen và sống ở nơi không có nhiều ánh nắng mặt trời thì bạn nên cân nhắc việc dùng kem chống nắng. Vì melanin trên loại da này ngăn chặn tia UV nên nếu bạn dùng thêm kem chống nắng thì sẽ gặp phải tình trạng thiếu vitamin D.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây