Cảnh báo dịch cúm do H1N1

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

H1N1 là một phân tuýp của virus cúm A mang kháng nguyên ngưng kết hồng cầu H1 và enzym tan nhầy N1. Phân tuýp H1N1 có khả năng đột biến thành nhiều chủng trong đó có chủng virus cúm Tây Ban Nha, các chủng virus gây cúm nhẹ ở người, virus cúm lợn và nhiều chủng gây bệnh ở gia cầm. Một biến thể của H1N1 là nguyên nhân gây dịch làm tử vong từ 50 đến 100 triệu người vào khoảng thời gian 1918-1919 trong thời gian sảy ra dịch mang tên dịch cúm Tây Ban Nha lan khắp thể giới[1]. Ước tính 50% trường hợp nhiễm cúm do những chủng virus H1N1 độc lực thấp tồn tại trong tự nhiên gây nên [2] . Một biến chủng của H1N1 tồn tại trên lợn. Chỉ với một tỷ lệ biến đổi rất nhỏ (khoảng 25 đến 30 axit amin trong tổng số hơn 4 ngàn axit amin của virus) đã có thể biến một virus cúm gia cầm thành "kẻ giết người" và có thể lây từ người sang người[3].

Virus cúm Tây Ban Nha gây đại dịch cúm năm 1918. Nguồn der Spiegel, CHLB Đức

Có thể coi virus cúm Tây Ban Nha (La Gripe Española, La Pesadilla) là virus gây đại dịch cúm lớn nhất từ trước tới nay sau khi gây tử vong tới hàng trăm triệu người chỉ trong vòng một năm (1918-1919). Cũng giống như H5N1, hậu quả của xâm nhập và nhân lên do H1N1 là nguyên nhân kích thích cơ thể sản sinh một lượng lớn các cytokine (các protein, peptide hay glycoprotein có chức năng trong quá trình truyền thông tin giữa các tế bào). Đối với các tế bào miễn dịch, một lượng lớn các cytokine là nguyên nhân của "cơn bão cytokine". Các cytokine hoạt hóa các tế bào miễn dịch như lympho bào T và đại thực bào, kích thích chúng sản sinh thêm nhiều cytokine. Bình thường, quá trình này được kiểm soát nhưng trong một số trường hợp phản ứng của các tế bào đối với cytokine vượt khỏi ngưỡng và vô số tế bào tại một vị trí được hoạt hóa. Virus cúm được cho là một trong những nguyên nhân của những cơn bão phản ứng này. Hậu quả của những cơn bão cytokine là sự tán phá các mô, các cơ quan.

Cảnh sát mang khẩu trang tại Seattle (Mỹ) khi dịch cúm Tây Ban Nha tràn đến thành phố. Nguồn [1]

H5N1 và H1N1 đều có khả năng xâm nhập các phế nang của phổi, gây kích thích quá ngưỡng hệ thống miễn dịch do một lượng lớn cytokine được sản xuất trong các tế bào của phổi dẫn đến xâm nhập của bạch cầu. Nói một cách đơn giản, các bạch cầu cùng "kéo nhau về phổi". Tương tự như một dòng cổ động viên hay một đám đông quá khích, hậu quả do chúng để lại là hủy hoại mô phổi, tăng tiết dịch viêm gây tràn dịch phổi và biểu hiện khó thở cùng những triệu chứng khác của cúm xuất hiện.

Do đặc điểm của quá trình bệnh lý nên cơ thể có hệ miễn dịch khỏe mạnh lại mẫn cảm với bệnh hơn. Chính vì vậy những người trẻ tuổi lại mẫn cảm hơn trẻ em hay người già.

Cũng trong vòng 1 năm (1977-1978) chủng virus cúm Nga (H1N1 A/USSR/90/77) nhiễm chủ yếu ở trẻ em và thanh niên dưới 23 tuổi. Virus này được đưa vào sản cuất vaccine trong thời gian 1978-1979.[4][5][6].

Hiện tại một chủng virus mới đang gây thành dịch tại Mexicô và một số vùng của Mỹ. Triệu chứng của một số bệnh nhân tại tại Mexicô tương tự biểu hiện cúm trầm trọng tiếp theo là viêm phổi và gây tử vong một số trường hợp. Phân tuýp H1N1 gây bệnh ở người và virus cúm lợn được cho là nguyên liệu tạo ra biến chủng gây dịch này. Vừa mới đây, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) đã cảnh báo về nguy cơ gây đại dịch của chủng virus mới này [7]. Hôm qua (ngày 25 tháng 4), WHO khuyến cáo một tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng trên toàn thế giới do nguy cơ từ chủng virus cúm mới này vì chúng ta chưa biết một cách đầy đủ về biểu hiện bệnh, dịch tễ, đặc tính của virus gây bệnh và quá trình bệnh lý[8]. Các thông báo tương tự được các tổ chức y tế các quốc gia trên tế giới phát đi rộng rãi trong cộng đồng.

Chút bàn luận thêm[sửa]

Từ một số bài học mới đây: Thông tin về bưởi và ung thư làm những người sống vì cây bưởi điêu đứng. Melamin làm nhiều người nông dân nuôi bò sữa kiệt quệ và nhiều người kinh doanh sữa phá sản. Công bố về kết quả nghiên cứu tác dụng chống ung thư của xạ đen làm người ta đổ xô đi lùng đến nỗi cây này biến mất tại nhiều nơi và nhiều người bán cây giả cho người bệnh. Dịch tả làm người sản xuất mắm tôm khóc dở mếu dở trong khi phẩy khuẩn tả chứ không phải mắm tôm là nguyên nhân gây bênh... thiết nghĩ cách thức cung cấp thông tin hiện nay thật quan trọng vì nó ảnh hưởng đến nhiều người, tại nhiều nơi và rộng hơn nữa là lợi ích quốc gia. Vội vàng, không dựa vào căn cứ khoa học và chậm chạp, không công khai thông tin đều có thể gây hậu quả nghiêm trọng như nhau. Khi người dân không thể có thời gian để thu nhận thông tin các bản tin hay bài viết một cách chi tiết nhưng lại truyền miệng một cách đơn giản, ví dụ như "lợn cúm và cúm người", "virus cúm lợn, chết người" v.v.v thì thông tin sẽ dễ dàng làm người chăn nuôi, nhà kinh doanh phá sản khi điều kiện thời tiết thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm thường gặp trên lợn như dịch tả, phó thương hàn, đóng dấu, tụ huyết trùng sảy ra mà những bệnh này hoàn toàn không phải do virus cúm!

Truyền thông cho khoa học có cần thật sự khoa học?

Tham khảo[sửa]

  1. THE STORY OF INFLUENZA: 1918 AND BEYOND http://www.nap.edu/openbook.php?isbn=0309095042&page=7
  2. Flu view (CDC) http://www.cdc.gov/flu/weekly/
  3. Hazard in Hunt for New Flu: Looking for Bugs in All the Wrong Places (New York Times November 8, 2005).
  4. Pandemic Influenza (Global security.org) http://www.globalsecurity.org/security/ops/hsc-scen-3_pandemic-influenza.htm
  5. Russian Flu confirmed in Alaska. State of Alaska Epidemiology Bulletin No. 9 April 21, 1978.
  6. Russian flu strikes, and the service academies are hard hit. Times US Feb. 20, 1978
  7. CDC Briefing on Public Health Investigation of Human Cases of Swine Influenza April 24, 2009.
  8. Swine influenza: Statement by WHO Director-General, 25 April 2009.

Xem thêm[sửa]

Tác giả[sửa]

Nguyễn Bá Tiếp, các bài khác

Liên kết đến đây

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này