Những chủng virus ứng cử viên đầu tiên cho sản xuất vaccine phòng cúm do H1N1

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Thứ sáu (22/5), trụ sở của Trung tâm phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC) tại Atlanta, Georgia nhận được những chủng vaccine được coi là ứng cử viên cho sản xuất vaccine phòng cúm do H1N1.

Nhóm nghiên cứu của GS Doris Bucher tại Đại học Y khoa New York là tác giả của virus ứng viên này.

Vào đầu tuần, nhóm nghiên cứu của GS Seo Sang Heui tại trường Thú y thuộc Đại học tổng hợp Chung Nam (Deajon, Hàn Quốc) cũng đã gửi chủng virus ứng viên đến CDC.

Các nhà nghiên cứu dùng các phương pháp làm biến đổi vật chất di truyền của virus gây bệnh trong tự nhiên để tạo các chủng virus có độc lực thấp hơn, an toàn hơn khi dùng cho sản xuất vaccine nhưng có khả năng nhân lên nhanh chóng và quan trọng nhất là khả năng tạo miễn dịch chống lại virus gây bệnh.

Năm năm trước, phòng thí nghiệm của nữ GS Doris Bucher đã tạo được nguyên liệu sản xuất vaccine cúm theo mùa để cung cấp cho hàng chục triệu người. Theo Bucher, phương pháp tương tự được dùng để tạo chủng ứng viên cho vaccine phòng H1N1.

Theo Bucher, virus "hoang dại" hay virus tự nhiên (chính là mẫu virus H1N1 do CDC gửi đến) được phân lập từ một bệnh nhi tại California. Sau khi virus "hoang dại" được tiêm vào trứng, một chủng virus khác (có khả năng nhân lên rất nhanh trong trứng) cũng được tiêm vào. Chủng virus thứ hai có tên NYMC X-157, là sản phẩm "lai" giữa virus H3N2 gây cúm theo mùa và chủng Puerto Rico "A/PR/8/34". NYMC X-157 (viết tắt của New York Medical Center X-157). Như chúng ta đã biết, để hình thành một cá thể virus hoàn chỉnh cần hai thành phần chính là lớp vỏ và "lõi" virus. Trong trứng được tiêm diễn ra qua trình trao đổi gene giữa hai loại virus. Nhóm nghiên cứu điều khiển quá trình này bằng phương pháp bổ sung các loại kháng thể có khả năng ức chế protein bề mặt của H3N2. Kết quả, loại virus mới có lớp vỏ bên ngoài của H1N1 nên hệ miễn dịch của người có thể nhận biết nhưng khả năng sinh sản nhanh của virus này lại do X-157 quyết định.

Một phương pháp khác được dùng để tạo các chủng virus ứng cử viên là trộn hai loại virus trong một dung dịch đặc biệt. Các nhà nghiên cứu can thiệp vào quá trình trao đổi của hai loại virus bằng các kỹ thuật di truyền nghịch hay di truyền ngược (reverse genetics). Bằng cách này, vào năm 2005, Tiến sỹ Richard Webby và TS Robert Webster tại bệnh viện Thánh Jude ở Memphis (Tennessee, Mỹ) đã tạo thành công chủng virus cho sản xuất vaccine phòng H5N1. TS Webby hiện cũng đang tiếp tục nghiên cứu các chủng vaccine cho H1N1 và cho biết có thể sẽ thành công chậm hơn dụ kiến. Theo người phát ngôn của CDC thì CDC cùng với Cục quản lý thực phẩm dược phẩm Mỹ (FDA) cũng đã tạo ra chủng virus ứng cử viên bằng phương pháp này.

Trong khi đó, phòng thí nghiệm của GS Seo Sang Heui tại trường Thú y thuộc ĐH Chung Nam (Hàn Quốc) tạo chủng virus mới với phưong pháp tổ hợp dùng 8 plasmid trong đó 6 plasmid mang gene của loại virus PR8 dùng để sản xuất vaccine cúm ở người và hai plasmid mang gene tổng hợp kháng nguyên H và N của H1N1.

Sau khi nhận được các chủng virus ứng cử viên, CDC sẽ tiến hành các bước kiểm tra tiếp theo để xác nhận khả năng tạo miễn dịch kháng H1N1. Thông thường, bước kiểm tra được tiến hành với mẫu máu của chồn hương (được xác định là có độ mẫn cảm với virus cúm tương đương với người) và sau đó là tiêm trực tiếp cho chồn.

Sau khi chủng virus được xác định là có khả năng tạo miễn dịch cho chồn, mẫu virus sẽ được gửi đến các nhà sản xuất. Với công nghệ riêng, các hãng sản xuất vaccine sẽ cho ra đời một lượng thích hợp để thử trên động vật thí nghiệm và sau đó có thể là thử trên người để kiểm tra tác dụng và độ an toàn của vaccine.

Nếu tất cả các bước đều cho kết quả tốt, CDC, tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các cơ quan nhà nước khác sẽ quyết định xem có thể sản xuất vaccine với một lượng lớn hay không.

Trong trường hợp có chủng virus vượt qua các bước kiểm tra, thử nghiệm, đến tháng 7, vaccine phòng H1N1 sẽ ra đời!

Xem thêm[sửa]

Nguyễn Bá Tiếp, Theo CNN 24/05/09.

>>> các bài khác

Liên kết đến đây