Thành viên:Nguyenthephuc/Note: Bức thư Phan Châu Trinh gửi Phan Văn Trường
- Trích: Tuyển tập Phan Châu Trinh, in lần thứ 2, TS. Nguyễn Văn Dương biên soạn, NXB Văn hóa Thông tin, 2006, tr. 810
Castres, ngày 11-4-1923
Kính thăm anh,
Tôi vừa nhận được thư anh hôm mồng 9 vừa qua. Trong thư này anh giải thích cho tôi những tư tưởng ấy không những không phù hợp với sự suy nghĩ của tôi mà còn là hoàn toàn đối lập. Nếu sự việc được như anh nói thì rất hay, vậy anh phải viết ngay về Đông dương để cho người ta hiểu anh, bởi vì lúc này ở bên đó, người ta chỉ nghe nói là anh viết sách để ca ngợi “luật lệ cũ kĩ của chúng ta” [1]. Làm khác đi sẽ phạm một sai lầm to lớn và đưa đến sự cấm đoán [2] không cho người An nam đọc các sách của anh, còn làm như vậy có thể là cung cấp lý do để họ giữ nguyên bộ luật cũ.
Ở nước ta, ít lâu nay, tuy đã có những sinh viên đậu Tiến sĩ luật, đã bảo vệ luận văn, nhưng đã chẳng làm nên lợi ích gì. Cuốn sách của anh ra đời, nếu người ta không dám đọc nó thì có nên thừa nhận rằng nó là vô bổ không?
Anh hỏi ý kiến tôi, nên tôi chỉ nói qua loa thôi, nhưng sao ta không dành vấn đề này để xem xét trong cuộc trà đàm [3]? (Phan Chu Trinh gạch dưới)
Còn về bài thơ mà tôi đã gửi cho Nguyễn Aí Quốc, tôi đã biết trước ngay từ ở đây là nó chẳng được ai đồng tình, tuy nhiên, tôi không khi nào lại nghĩ rằng tất cả các anh lại ngu ngốc đến mức đọc nó mà chẳng hiểu nghĩa, và vì vậy anh đã nói về nó một cách thô lỗ như vậy.
Đây là nội dung bài thơ:
Trong Triển lãm ở Marseille, vài đồng bào [4] tự cho là “tiến bộ kiểu Âu châu” đã có can đảm(!)đến thăm tôi. Họ nói với tôi rằng ở bên ta có nhiều báo Quốc ngữ, nhưng khổ thay Chủ bút các tờ báo này chỉ là những nhà nho Âu hoá, quá “kém cỏi”, chỉ toàn viết những chuyện vô bổ. Họ yêu cầu tôi viết một cái gì đó để họ cho đăng khi họ về nước trên một tờ báo chữ Quốc ngữ. Theo tinh thần ấy, tôi mới làm bài thơ này. Nhưng họ đã nói rằng tôi đã dùng ngôn ngữ quá mạnh như thế thì sợ người Pháp không cho phép đăng; và để tránh mọi sự phê phán, tôi đã chữa đi chữa lại bài này nhiều lần. Tuy vậy, họ vẫn không dám mang về.
Như thế, tôi đã chán chuyện này; và từ 5 hay 6 tháng nay, tôi xếp bài viết vào xó tủ và khi viết cho Nguyễn Ái Quốc, nhân thể tôi nói về chuyện này, người bạn của chúng ta bào tôi gửi cho anh ta bài đó. Tôi đã làm theo ý của anh ta.
Tôi thừa hiểu là bài này viết cho công chúng An nam ở bên ấy (Đông dương) chứ không phải cho người Pháp. Còn đối với người Nam ở bên này, không ai có đủ chữ Quốc ngữ đê đọc và đoán được ý nghĩa bài đó. (Do Phan Chu Trinh gạch dưới)
Trong bản thảo này, tôi nêu nhiều về chính sách hoà giải và có sự phê bình cả hai phe [5], chẳng ưa phe nào hơn, nhưng thực ra, đó là lời kêu gọi đồng bào còn mê ngủ nhằm để chỉ cho họ biết cái gì là xấu xa trong người họ để họ sửa chữa, nhằm tìm ra con đường chân chính mà theo, dạy họ đừng nịnh bợ kẻ mạnh, và đừng tự kiêu một cách ngu ngốc và vô ích, đoạn tôi nói một cách khiêm tốn về chúng ta là nhằm để người Pháp dễ cho phép đăng.
Đó là tư tưởng đã chủ đạo việc biên tập.
Xét về xu hướng và tâm trạng, nếu căn cứ vào trình độ trí tuệ trung bình của các dân tộc châu Âu và châu Á vào lúc này thì thực ra bài này ít có giá trị. Nhưng nếu xem xét xu hướng của các dân tộc An nam thì bài báo này phù hợp với trình độ trí tuệ trung bình của đồng bào ta. Tôi không thuộc vào hạng người khoe khoang. Nòi giống chúng ta còn ngu muội lắm mà lại hay khoác lác không ai bằng. Không thấy ai ở bên ta có đủ lòng tốt để đi tìm và chỉ ra cho đồng bào con đường tốt đẹp. Chính cũng vì cái lòng kiêu ngạo này mà mất độc lập từ năm sáu mươi năm nay, và học theo kiểu Âu từ 20 năm mà vẫn chưa tìm được người nào viết được để làm cho người Pháp biết giá trị những người của dòng giống ta và biết họ mong muốn gì.
Khốn khổ thay khi nghĩ rằng con cháu dòng giống An-Nam chúng ta thích đọc, nói và viết chữ Nho và chữ Pháp và coi nhẹ ngôn ngữ cha ông ta đã hai hay ba ngàn năm nay.
Chúng không chịu ra sức học tập tiếng mẹ đẻ; và chỉ dùng để nói “cái quần, manh áo, khúc cá, lưng cơm” đủ để hiểu nhau. Khi chúng muốn diễn tả chính xác ý nghĩ của chúng, làm một cuốn sách, viết một lá thư, thì chúng phải dùng ngôn ngữ nước khác. Không tính đến vấn đề là sử dụng ngôn ngữ của các nước đã lạm dụng sức mạnh của họ thì họ sẽ bắt các anh phải qùy gối cúi đầu dưới cái ách của họ. Xưa người ta bắt chúng ta học chữ Nho thì nay người ta bắt chúng ta học chữ Pháp !
Còn khuyên dùng tiếng Anh hay tiếng Đức thì có nguy cơ gì đâu !
Vì sự dốt nát của các anh như vậy, lại thêm việc các anh không thích viết (để) bảo Chủ bút giải thích hai từ này mà lại chế diễu hỗn xược, nên rất hợp lô gích là tôi đã không trả lời. Nhưng tôi không thể cam chịu thấy mình không được người ta hiểu, nên tôi muốn nói qua điều đó để các anh hiểu tôi. Về thực chất, ý chính của bài báo là như sau:
Xưa kia nước Nam là một nước lớn, và chính vì nó đã theo và bắt chước các sai lầm của nước Tàu mà nó mất độc lập, điều đó là có thật và không thể che dấu. Nước Tàu, Triều tiên và nước chúng ta đã suy sụp từ đời Tống và Minh bởi vì chúng ta đã phạm sai lầm lớn là theo văn hoá đạo Khổng. Nước Tàu và Triều tiên từ 30 năm nay đã thấu hiểu cái sai của họ, đã cố gắng để tự giải thoát. Tuy bệnh của họ chưa khỏi hẳn nhưng sức khỏe các nước này đã được cải thiện rõ. Chỉ có riêng nước ta là còn ở trong trạng thái mê ngủ và ngu dốt đến mức mà cho đến bây giờ vẫn còn có người cúi đầu và chưa có ý thức về bản thân mình, và một số cá nhân hiếm hoi có một chút đầu óc và có học thì lại kiêu căng.
Mất độc lập là một điều đau đớn nhưng khi xét các nguyên nhân, ta phải thừa nhận là do chúng ta ngu si vì vậy mà chúng ta phải chịu đựng đủ thứ, phải bò hết mọi ý thức hận thù, chúng ta nhờ người Âu châu làm thầy, chúng ta chấp nhận làm học trò, chúng ta cũng phải chấp nhận sự khốn cùng và chịu câm miệng để bắt đầu cái sai là bắt chước một nền văn minh nước ngoài.
Chúng ta ở trong cành khốn quẫn như thế nào do sự dối trá của người Pháp? Ở châu Á trong lúc mọi dân tộc đang trên đường giải phóng thì chúng ta chìm đắm trong ngu si. Dù ngày mai có bão tố, trận mạc, đấu tranh giữa các nước, dù người Pháp có bị thua thì các ông thầy hiện nay của chúng ta chỉ đơn giản ra đi từ nước chúng ta và tên đầy tớ đáng thương đang ngủ mê này sẽ chuyển từ tay người này sang tay kẻ khác.
Điều đó là để giảng giải cho anh thấy cách sử dụng trong bài của tôi từ thầy và từ tớ là mô tả hiện trạng tồn tại hiện nay, chứ không có nghĩa là chúng ta chấp nhận họ làm thầy và tuyên bố ta là đầy tớ của họ ! Những chữ của các đoạn này có thể làm nhiều người nhầm lẫn, bởi vì theo cách viêt của người An nam thì có chữ “thầy” (ông chủ) và “tớ” (người ở) và chữ thầy (dạy học) và trò (đồ đệ). Các từ này viết khác nhau (theo chữ Nho) nhưng phát âm gần giống nhau. Đối với những ai không hiểu nghĩa thì dễ nhầm lẫn. Họ xem trong câu trên đây ở đoạn “chắc chắn là họ theo thầy dạy họ”, trong đấy chữ “thầy” là chỉ “thầy giáo” (dùng trong mối quan hệ “thầy trò”).
Thực ra khi đọc tiếp đoạn sau, đoạn nói về triển lãm, thì người ta thấy ngay là tôi nói một cách khinh miệt, rằng tôi không bao giờ công nhận họ coi chúng ta như đầy tớ.
Tôi nói điều đó chỉ lướt qua thôi, cón về thực chất tư tưởng của tôi thì cả anh, cả Ái Quốc không hiểu được. Tôi giả thiết và tôi cũng chắc chắn rằng với học vấn như anh, những người thuộc một gia đình ngu dốt có thể trở thành “hiền nhân”, nhưng tôi cho rằng những kẻ tự cho mình là “hiền nhân” lại là kẻ ngu ngốc [6].
- (Sau khi phân tích dài về những bất đồng của ông với các nhận xét của Nguyễn Ái Quốc và Nguyễn Thế Truyền, Phan Chu Trinh đã kết thúc bằng câu)
Hãy cho Nguyễn Ái Quốc và Nguyễn Thế Truyền xem bức thư này.
Cuối thư xin chúc anh mạnh khỏe.
(Chữ ký)
PHAN CHU TRINH
- Nguồn: Lấy từ cháu ngoại Phan Chu Trinh, bà Lê Thị Kính sinh sống tại Pháp.
Chú thích[sửa]
- ↑ Ý nói Luật Gia Long
- ↑ Ám chỉ bởi người Pháp
- ↑ Phan Văn Trường có lẽ đã báo cáo cho Phan Châu Trinh là sẽ đi Toulouse và Castres trong thời gian tới
- ↑ Có thể là Phạm Quỳnh, chủ bút báo Nam Phong và Nguyễn Văn Vĩnh chủ bút báo Trung Bắc Tân Văn
- ↑ Nói về phía chính phủ thuộc địa và phía người Việt Nam
- ↑ Ám chỉ biệt danh của ông Trường trong nhóm là "Thánh", có lúc ông Trường đã ký là "Thánh nhơn"
Các ghi chú của cùng tác giả
- So sánh điểm kì thi tốt nghiệp trung học của Hà Giang và cả nước
- Học làm cha, làm mẹ
- Đọc sách 2 giờ mỗi ngày (Từ 4-6h sáng)
- Rễ, thân cành, và lá
- Sự trở lại của các thành bang
- Việt Nam học được gì từ bài học Phần Lan trong đổi mới giáo dục
- Đằng sau sự thành công của giáo dục Phần Lan là gì?
- Bí mật trong tuyển chọn và đào tạo giáo viên Phần Lan
- Chiến tranh và khó khăn - lý do khiến giáo dục Việt Nam khó phát triển
- Năng lực và các khái niệm liên quan