Thành viên:Nguyenthephuc/Note: Bí mật trong tuyển chọn và đào tạo giáo viên Phần Lan

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Đặc thù rất lớn của giáo viên ở Phần Lan là tính tự do: tự quản và tin cậy. Giáo viên được xã hội, Bộ giáo dục, nhà trường và lãnh đạo trao toàn quyền tự quản.

LTS: Nền giáo dục của Phần Lan được đánh giá là nền giáo dục tiên tiến bậc nhất thế giới. Đặc biệt, vai trò của giáo viên cũng được họ đặc biệt coi trọng.

Trong bài viết này, tác giả Nguyễn Uyên Phượng, nghiên cứu sinh về giáo dục tại Phần Lan chia sẻ bài viết về bí mật trong tuyển chọn và đào tạo giáo viên tại đất nước Phần Lan.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.


Trong tiếng Phần Lan, giáo viên còn được gọi là “kansankynttilat”, nghĩa là người mang nến, hay ánh nến cho mọi người.

Trong những năm trở lại đây, khi hệ thống giáo dục Phần Lan được xem là bậc nhất thế giới, người ta cho rằng giáo viên là ngành nghề có vị trí cao trong xã hội đất nước Bắc Âu này, cũng như người Việt từ bao đời nay “tôn sư trọng đạo”.

Tuy nhiên, chính những thầy cô ở đất nước này vẫn không dám khẳng định nghề nghiệp của họ có một vị thế cao trong xã hội.

Câu hỏi mà nhiều người thắc mắc là: Giáo viên được đào tạo như thế nào ở Phần Lan? Và tại sao họ lại khác biệt như thế?

Trước khi trở thành giáo viên, đầu tiên họ phải thi đậu vào các ngành Sư Phạm ở bất kỳ một trong bảy đại học toàn quốc.

Sau kỳ thi Quốc gia hoặc kỳ thi Nghề tương đương, vòng thi tuyển chọn giáo viên quốc gia diễn ra.

Giáo viên đứng lớp phải dự kỳ thi trắc nghiệm VAKAVA (mạng lưới tuyển chọn cấp quốc gia trong lĩnh vực giáo dục) và bài kiểm tra năng lực.

Ngược lại, giáo viên bộ môn phải tham gia bài thi viết về môn chuyên và cả kiểm tra năng lực.

Mỗi đại học có các bài kiểm tra năng lực mà họ tự biên soạn khác nhau, thường là bài phỏng vấn tâm lý hay thảo luận nhóm.

Ở Phần Lan, 34 ngành Sư phạm đều rất được ưa chuộng, nên tỉ lệ chọi rất cạnh tranh.

Đầu năm 2017, trên 6500 thí sinh thi ngành giáo viên tiểu học.

Riêng Đại học Jyvaskyla – đại học đi đầu về Giáo dục và Nghiên cứu ở đất nước này có 1760 thí sinh; tuy nhiên, chỉ 80 em được chọn.

Tiêu chí chọn thí sinh rất thú vị: ¼ trong số học sinh đậu là top 20% từ trên xuống theo điểm thi, ¼ được chọn từ số nửa từ dưới lên, và ½ còn lại là nằm trong khoảng từ 51-80 điểm trên thang 100 điểm.

Không phải các thí sinh xuất sắc nhất hoặc thông minh nhất thì sẽ được chọn.

Ứng cử viên được chọn từ một phổ điểm đa dạng và điều quan trọng nhất, phải thể hiện được đam mê sư phạm của họ qua các vòng thi.

Đặc thù của ngành Sư phạm là bao gồm lý thuyết và thực hành. Ở đây, sinh viên không những đi thực tập, họ phải đến các trường đào tạo giáo viên để tích lũy kinh nghiệm giảng dạy.

Kiến thức sư phạm không thể tách khỏi kiến thức chuyên ngành và phải dựa trên nền tảng nghiên cứu.

Từ ghế đại học, các giáo viên tương lai được đào tạo những kỹ năng học tập không ngừng và một thái độ học tập suốt đời.

Hơn nữa, họ được dạy cách chia sẻ kiến thức, kỹ năng để kết nối trong cộng đồng giáo viên và những người làm giáo dục trong nước cũng như quốc tế.

Người ta nói rằng 100% giáo viên Phần Lan phải có bằng thạc sĩ. Câu này không hoàn toàn đúng.

Chính xác hơn là giáo viên mầm non vẫn có người chỉ có bằng cử nhân, riêng giáo viên mầm non nếu được giao quản lý một lớp riêng thì phải có bằng thạc sĩ.

Triết lý giáo dục của đất nước này tin rằng giáo viên phải được đào tạo bài bản bởi vì họ sẽ phải biết họ thật sự cần làm gì với sự tự do mà nền giáo dục nước này trao vào tay người làm nghề giáo dựa trên nền tảng nghiên cứu khoa học.

Một đặc thù rất lớn của giáo viên ở Phần Lan là tính tự do – tự quản và sự tin cậy. Giáo viên được xã hội, Bộ giáo dục, nhà trường và lãnh đạo trao toàn quyền tự quản.

Có lần khi đi thực tập cho một hiệu trưởng trường cấp 2, tôi hỏi ông:

“Giả như với nhiều quyền tự quản mà giáo viên không sử dụng hiệu quả, và học sinh không hài lòng với giáo viên đấy thì hiệu trưởng có sa thải hay đổi giáo viên hay không?”.

Hiệu trưởng trả lời tôi rằng:

“Thường thì tôi gọi họ vào gặp riêng và chỉ hỏi: Họ cần hỗ trợ và sự giúp đỡ nào nữa không? Chúng tôi không sa thải họ”.

Từ tuyển chọn, đào tạo giáo viên cho đến thực tiễn giảng dạy là một quá trình nhất quán, nghiêm khắc, và giàu tính nhân sinh mà cả xã hội chung tay đóng góp.

Đó là lý do tại sao giáo viên Phần Lan lại thật sự khác biệt.

Cũng như Pasi Sahlberg, nhà giáo dục Phần Lan nổi tiếng ở Harvard đã nói: “Giáo viên là người được kính trọng vì họ đã tạo nên những điều khác biệt trong cuộc đời của trẻ thơ”.

Bài và ảnh: Nguyễn Uyên Phượng

Nguồn[sửa]

Liên kết đến đây