Vài suy nghĩ về quyết định thu học phí ở một trường đại học

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Nếu học phí được cộng đồng biết cụ thể như chi trả lương cho giáo viên, xây dựng trường lớp và nhằm tăng chất lượng giáo dục, số người phản đối tăng học phí cũng không nhiều. Nếu nhìn thấy hiệu quả thật và sự minh bạch, số đông các bậc phụ huynh sẽ mở hầu bao như các bậc tiền nhân từng gánh gạo và mang gà đến trả công thầy đồ một cách tự nguyện.- VietNamNet[1]

Ở hầu hết các nước có nền giáo dục đại học ổn định và phát triển, học phí ở các trường tư thường cao hơn học phí ở các trường công lập trong cùng một ngành đào tạo. Điều này thật hiển nhiên vì một phần không nhỏ trong học phí của sinh viên học tại các trường tư được dùng để chi trả lương cho giáo viên và xây dựng cơ sở vật chất. Sự hợp lý trong quản lý nguồn học phí và các nguồn thu khác đã giúp các trường tư luôn "áp đảo" về số lượng trong các trường đại học đứng đầu ở nhiều quốc gia và như vậy họ đã thực hiện đúng "tiền nào, của ấy"

Ở các trường công, lương cho giáo viên đầu tư cho cơ sở vật chất chủ yếu từ ngân sách nhà nước nên không có hoặc có rất ít lý do để các trường công thu học phí cao hơn các trường tư.

Nếu xếp mức học phí theo ngành đào tạo, các khoa hay các trường nghệ thuật thường có mức học phí cao nhất do số sinh viên trên giảng viên không thể cao như những ngành khác, thầy cô không thể lên lớp cho vài chục hay cả trăm sinh viên. Ngoài ra, các trường nghệ thuật cũng cần nhiều kinh phí cho cơ sở vật chất theo đặc thù của từng chuyên ngành.

Nhóm ngành y - dược - nha khoa hay xếp thứ hai ở mức học phí. Tiếp theo là các ngành kỹ thuật, công nghệ và cuối cùng là nhóm ngành kinh tế, xã hội và nhân văn. Tuy phải đóng học phí cao hơn nhưng sinh viên các ngành y dược và kỹ thuật lại có nhiều cơ hội được nhận học bổng từ trường đại học, từ các công ty và nhà tài trợ cũng như được vay vốn để theo học.

Như vậy "đầu tư cho giảng viên và trang thiết bị" là yếu tố chính quyết định mức học phí.

Ở ta, xu hướng tăng học phí có vẻ không phải hoàn toàn như vậy. Trong khi TP Hồ Chí Minh chỉ đạo các trường ĐH-CĐ trên địa bàn thành phố chưa được tùy tiện tăng học phí thì một số trường ở Hà Nội đã chủ động thực hiện việc này. Đáng quan tâm nhất là quyết định thu thêm học phí để học tiếng anh trực tuyến ở một trường đào tạo các chuyên ngành ngoại ngữ và văn hóa nước ngoài với các lý do: Sử dụng phòng luyện tiếng và tài liệu đã được tổng hợp; được chọn giáo viên hướng dẫn; chi phí cao cho giảng viên là những thạc sỹ, tiến sỹ có đủ trình độ đã tốt nghiệp ở nước ngoài có thể giảng dạy bằng tiếng anh... Có không ít những điều đáng suy nghĩ từ những lý do này:

Thứ nhất, hầu hết sinh viên theo chuyên ngành ngoại ngữ là những người có năng khiếu và/hoặc chịu khó, đam mê học ngoại ngữ, có khả năng tự học tốt nếu được giảng viên hướng dẫn đúng phương pháp để phát huy thế mạnh và khắc phục các điểm yếu trong từng kỹ năng. Việc bắt buộc "đóng tiền luyện thêm" có khi dẫn đến hạn chế tính chủ động trong học tâp và nghiên cứu của sinh viên.

Thứ hai, các thầy cô được cử đi đào tạo ở nước ngoài theo bất cứ chương trình hay nguồn học bổng nào (suy cho cùng cũng là với danh nghĩa nhà trường, nhà nước) để trở về đòi sinh viên trả công dạy cao và công biên tập tài liệu?. Chúng ta có thể chắc rằng không phải tất cả các thầy cô đều đòi hỏi điều này. Nếu tất cả giảng viên có trình độ cao ở các trường đại học - cao đẳng "đòi được" như vậy thì thật khó cho các trường!

Thứ ba, theo xu thế chung về quy định mức thu học phí của các trường đại học nước ngoài thì các ngành ngôn ngữ học không có mức học phí cao hơn các ngành kỹ thuật (như đã nêu ở trên)..

Kiến thức là vô tận, văn hóa và ngôn ngữ còn phong phú hơn nhiều. Dù thầy cô có đi học vài ba năm ở nước ngoài cũng đừng quá lo rằng sinh viên không học được hết những gì mình có. Trong thế giới thông tin và xu thế toàn cầu hóa trên mọi lĩnh vực, thầy cô có thể giúp và/hay cùng sinh viên học tập, nghiên cứu bất kỳ lúc nào. Hãy để họ tự lên kế hoạch hoàn thành chương trình học tập của mình như sinh viên nước ngoài! Có phải đây cũng là một trong những điều sinh viên phải biết khi trường đại học thực hiện đào tạo theo tín chỉ?


Xem thêm loạt bài viết trên VietNamNet [2]


Nguyễn Bá Tiếp

Liên kết đến đây