Về việc dạy chữ Nho ở trường phổ thông/3
Nếu
chữ
vuông
bản
thân
nó
không
là
gì
cả,
ngoài
tư
cách
là
sứ
giả
nối
ta
với
nền
văn
hoá
cổ,
như
có
nhà
nghiên
cứu
đã
phát
biểu,
thì
việc
bỏ
chữ
Nho
không
có
gì
khiến
ta
còn
phải
suy
nghĩ,
vì
chúng
ta
đã
có
“sứ
giả”
mới
là
Quốc
ngữ
rồi.
Mọi
văn
bản
của
quá
khứ
đều
có
thể
chuyển
tự
(và
dịch
nghĩa
nếu
cần)
sang
Quốc
ngữ.
Nhưng
đó
lại
là
một
nhận
định
không
chính
xác
về
chữ
Nho
nói
riêng
và
văn
tự
nói
chung.
Chữ
Nho
nêu
ra
một
qui
tắc
tư
duy,
một
cách
nhìn
thế
giới
đặc
trưng,
một
kho
tàng
tri
thức
của
riêng
nó.
Cách nghĩ của nhà nghiên cứu mà chúng tôi vừa đề cập, xuất phát từ những quan sát về hình thức của abc. Abc có một bảng chữ cái mà mỗi ký tự không là gì cả ngoài giá trị phân biệt nó với các ký tự khác (a ≠ b ≠ c ...) để tạo ra một hệ thống có số lượng ngang bằng với số lượng các âm vị. Người ta gán mỗi ký tự này cho một âm vị. Do đó, viết thực chất là, thay vì phát âm thì với mỗi âm vị, chúng ta vẽ lên mặt giấy một ký tự. Mỗi tập hợp ký tự nằm trong khuôn khổ của hai khoảng trắng là tương ứng với một từ (hoặc một hình vị). Trong giới hạn của từ hoặc của hình vị đó, trật tự phát âm quyết định trật tự các chữ cái (có điểm hơi khác với Quốc ngữ: thay vì phát âm lần lượt các chữ cái, chúng ta đánh vần). Trên nguyên tắc, mỗi chữ cái chỉ có nhiệm vụ ghi lại một âm vị. Do đó, chúng ta bảo rằng, chữ viết là phương tiện ký chép lời nói. Quốc ngữ (hay abc nói chung) không làm thay đổi tính chất của sự giao tiếp bằng lời: thanh âm là cái biểu hiện, còn sự vật hay khái niệm mà thanh âm của một từ qui chiếu, là cái được biểu hiện. Vì bản thân ký tự không tạo ra ý nghĩa mà chính là thanh âm, cho nên, khi quan sát Quốc ngữ, người ta bảo, chữ viết là cái biểu hiện của cái biểu hiện, với hàm ý, nó vô can với tiếng nói và tư duy. Có lẽ vì thế, mới có nhận xét cho rằng, chữ viết nói chung, trong đó có chữ Nho, tự nó không là gì cả.
Niềm tin như thế lại được củng cố thêm bằng những bằng chứng giả: một là, chữ Nôm, tuy bắt nguồn từ chữ Hán nhưng lại được dùng để “ghi” tiếng Nam; hai là, các từ có gốc chữ Nho tồn tại trong tiếng Việt hiện nay với tư cách là các ký hiệu âm-nghĩa, người Việt hôm nay không cần biết dạng thức viết của chúng, vẫn dùng được chúng với một quyển từ điển Quốc ngữ trong tay. Chúng tôi nói, đây là những bằng chứng giả, bởi vì, thật ra, chữ Nôm không “ghi” mà “biểu” tiếng Nam, còn nghĩa từ có gốc chữ Nho mà ta tìm thấy trong từ điển tiếng Việt hiện đại lại vốn bắt nguồn từ cấu trúc hình nét của dạng thức chữ Nho mà người ta gọi bằng âm., tức là mối liên hệ giữa thanh âm và ý nghĩa ở đấy khác với mối liên hệ giữa thanh âm và ý nghĩa trong tiếng nói mà ngôn ngữ học xác định là võ đoán. Cho nên, quan điểm cho rằng, chữ Nho không là gì cả có thể bắt nguồn từ những quan sát về hình thức của Quốc ngữ. Thực ra, chữ Nho chi phối cả tiếng nói lẫn tư duy và Quốc ngữ cũng vậy, tuy với mỗi loại hình chữ viết, sự chi phối ấy lại diễn ra một khác.
Đúng là Quốc ngữ ký chép tiếng nói thông qua sự ký chép các âm vị, và sự ký chép này hoàn hảo đến mức, ta tưởng nó vô can với tiếng nói và tư duy. Nhưng nếu xét cách mà nó ký chép thì ta sẽ thấy là nó không vô can. Vì sự ký chép của Quốc ngữ đã tách bạch khối thanh âm làm nên một từ của chúng ta thành các chữ cái, nó tạo ra một thao tác là phân tích. Việc thay một âm vị bằng một chữ cái, thực chất là việc thay nhiều sự vật có cùng một tính chất (mỗi người có một âm tố cụ thể nhưng mọi âm tố đều bắt nguồn từ một âm vị) bằng một ký hiệu, giống như ta đặt x, y, z... khi giải một bài toán bằng đại số học. Đây là thao tác mà chúng ta gọi là khái quát hoá. Trong thao tác này, thế giới khách quan (các âm) và thế giới của nhận thức (các chữ) là hai hệ thống ký hiệu khác nhau. Đó là nguyên lý chủ biệt trong nhận thức. Khi ta đọc một tập hợp ký tự làm thành một từ, con mắt ta phải điểm qua từng chữ cái do sự phát âm là có tính chất tuyến tính (đánh vần có hơi khác một chút). Thao tác này khiến những ai đã dùng Quốc ngữ, sẽ trình bày một ý kiến của họ theo một hành trình, mà mỗi điểm mốc là một ý nhỏ.
Như vậy, có thể hình dung như sau: khi một tiếng nói chưa có chữ viết, khẩu ngữ hiện ra trước người dùng nó như các dữ kiện của một bài toán số học; khi một tiếng nói được ký chép bằng abc, tiếng nói thành văn hiện ra trước người dùng nó như các dữ kiện của một bài toán đại số. Quốc ngữ chi phối chứ không phải là đứng ngoài tư duy. Mặt khác, theo kết quả điều tra của các nhà ngữ học trên thế giới, mọi tiếng nói dưới dạng khẩu ngữ, đều có mô hình diễn đạt là chủ-vị. Từ đó, chúng tôisuy luận rằng, có lẽ do Quốc ngữ chỉ ghi âm nên tiếng Việt ngày càng xa rời mô hình đề-thuyết do chữ Nho áp đặt, để trở lại với mô hình chủ-vị vốn có trước kia. Với tiếng Việt, Quốc ngữ lại có thể là nhân tố làm thay đổi nó. Đây chỉ là một giả định mà thôi.
Nếu Quốc ngữ đã không thể vô can với tiếng nói và tư duy thì chữ Nho cũng thế. Nhưng cách mà nó chi phối tiếng nói và tư duy không giống cách của Quốc ngữ. Vì mỗi chữ đơn hay mỗi yếu tố bộ thủ, hài ý, hài âm trong chữ ghép đều có giá trị tự thân, đều là những hình nét có ý nghĩa độc lập với tiếng nói, khác với các ký tự trong Quốc ngữ. Nếu ta phải lập chúng thành hệ thống thì chúng ta cũng không thể nào căn cứ trên hệ thống âm vị mà phân loại chúng. Do đó, khi kết hợp với tiếng nói, chúng cũng không ký chép các âm vị mà chúng biểu âm, tức là tạo ra một hình thế giữa các hình nét để cho ta, hoặc đoán định ra nghĩa rồi mới suy ra âm, hoặc đoán định ra âm, rồi suy ra nghĩa, hoặc suy ra cả hai cùng một lúc. Nhưng ngay cả trong trường hợp một chữ có yếu tố hài âm , thì bộ thủ (biểu nghĩa “câm”) vẫn hiện diện và chữ ghép này cũng không hề “ký” các âm vị mà là “nhái” một yếu tố âm của một chữ khác. Chữ Nôm và chữ Hán không khác gì nhau về nguyên tắc biểu ý như trên, nên dù chữ Nôm đúng là để “ghi” tiếng Việt, chữ Nôm vẫn không phải là chữ ghi âm, giống như Quốc ngữ.
Đối với tư duy, chữ Hán và chữ Nôm áp đặt một qui tắc đặc biệt. Khi nhìn một sự vật riêng lẻ, phép thuyết văn không nhận diện cái vẻ ngoài của nó mà đi tìm cái trừu tượng tạo nên cái vẻ ngoài đó. Ví dụ, gặp một người ngũ đoản, thay vì nhận ra đó là một người ngũ đoản (như trong nền văn minh abc), ta bảo đó là một người tài. Do qui tắc này, trong bài thơ Không chồng mà chửa, Hồ Xuân Hương móc nối chữ “phu” với chữ “thiên”: chữ “phu” (chồng) chỉ là chữ “thiên” (trời) mà nét sổ nhô lên khỏi nét ngang thứ nhất. Tức là bà khẳng định, gốc của chữ “phu” là chữ “thiên”. Chữ “liễu” (đàn bà) và chữ “tử” (con) cũng được móc nối theo cách tương tự, nhưng có sự vi phạm thể cách mà ta tạm chưa đề cập. Điều cần ghi nhận ở đây là, trong cả hai trường hợp, hình nét mới là cái biểu hiện và chúng ta sẽ tìm hệ quả của lối tư duy đó ở phần sau của bài viết.
Khi nhìn từ hai sự vật trở lên, phép giải tự cho phép ta hình dung như sau: đứng trước một người mẹ và một đứa trẻ, chúng ta cũng không nhận chân sự vật như nó hiện ra, tức là không xác nhận một tồn tại trong không gian bằng cách miêu tả ((ở chỗ nọ) có một người mẹ và một đứa con), hoặc trong thời gian, bằng cách kể chuyện ((vào giờ nọ), tôi gặp một người mẹ và một đứa con), mà bao giờ cũng đi tìm hình thế của tồn tại (người phụ nữ có con là tốt). Quy tắc này hợp nhất với qui tắc nhìn một sự vật đơn lẻ mà chúng tôi mô tả ở trên để tạo ra một nguyên tắc nhận thức là đi tìm cái không nhìn thấy trong cái nhìn thấy. Vì trong nền văn minh Hán hoá, cái không (dạng thức thường thấy nhất là thiên mệnh) là tồn tại hằng thường, tức là cái chi phối cái ta nhìn thấy (cái có), cho nên, kết quả là, người xưa luôn đi tìm cái mà hình thế của sự vật biểu đạt chứ không nhận chân sự vật.
Cái do hình thế gợi ra thường được gọi, trong đa số các trường hợp, là cái thần của sự vật. Cái thần của sự vật là một cái trừu tượng. Nhưng chúng ta không thể đồng nhất cái trừu tượng trong nền văn hoá cổ của ta (sản phẩm của tư duy chủ toàn) với cái khái quát trong nền văn hoá hiện nay của chúng ta (sản phẩm của tư duy chủ biệt). Vì với chữ Nho, cái trừu tượng luôn được diễn tả thông qua cái cụ thể và không tách rời cái cụ thể, một sự diễn tả cho phép quan sát được bằng mắt, trong khi cái khái quát là cái có ở nhiều sự vật, không phải do trực quan, mà do so sánh, đối chiếu để tìm ra.
Một cách tổng quát hơn, với chữ Nho, chúng ta nhận biết thế giới và diễn giảng những gì ta hiểu về thế giới bằng hình-tượng (chú ý: chúng tôi viết hình-tượng chứ không phải là hình tượng). Hình-tượng là sự diễn tả hiện thực như tương quan về thế giữa các sự vật và hiện tượng đứng cạnh nhau. Khi chỉ có một sự vật thì thế được tìm ra từ tương quan giữa nó với trời đất. Cụ thể hơn, khái niệm hình-tượng mà tôi dùng ở đây có thể mô tả bằng hai dạng thức, hoặc như nghệ thuật chơi cây cảnh từ xưa đến nay: một cây si không chỉ mang hình hài của cây si mà còn mang cái thế nào đó của trời đất; hoặc như như nghệ thuật đắp hòn non bộ: có núi cao, nước thẳm, có con người... để diễn tả một tâm thức về tồn tại, chứ không phải là mô phỏng dạng thức tự nhiên của tồn tại. Hình-tượng mà chúng tôi dùng khác với khái niệm hình tượng được dùng trong lý luận văn chương – nghệ thuật hiện đại của ta, vốn có nghĩa, do tiếp nhận từ Phương Tây và cũng do tương hợp với tư duy bằng Quốc ngữ, là một hình ảnh cụ thể-cảm tính về thế giới, chỉ có giá trị nhận diện sự vật và phân biệt nó với một hình ảnh cụ thể-cảm tính của một sự vật khác (giống như sự nhận biết và phân biệt các ký tự trong Quốc ngữ).
Bây giờ chúng ta xem xét hiệu quả của lối diễn giảng thế giới bằng hình-tượng. Từ cách chơi chữ (chứ không phải là phép tu từ bằng thanh âm) của bà Hồ Xuân Hương, chúng ta biết rằng, gốc của chữ “phu” là chữ “thiên”. Vậy thì, chồng vợ là do trời định. Nhưng nếu chồng vợ đã là do trời định, thì không phải vì tình yêu mà trai gái lấy nhau, cũng không phải nếu không chịu đựng được tính tình của nhau thì vợ chồng đưa nhau đến toà án đòi ly dị. Người phụ nữ lấy chồng là được cái khác, chứ không phải là được tình yêu. Ta có thể lấy một chữ khác để minh hoạ cho điều này: chữ “hảo” là tốt được cấu tạo từ chữ “nữ” (phụ nữ) và chữ “tử” (con). Cấu trúc của chữ này cho ta biết rằng, người phụ nữ có con là tốt. Lối sống cũ hoàn toàn chứng minh chân lý mà chữ “hảo” mô tả: tín ngưỡng thờ tổ tiên coi trọng cuộc đời sau khi chết. Có con thì việc thờ cúng không bị đứt đoạn. Có con chẳng những làm cho người phụ nữ được tôn vinh ngay khi còn sống (không có con thì dù có đoan trang, đức hạnh đến mấy cũng có thể bị chồng bỏ), mà khi chết, hồn cũng có chỗ mà về (vì lấy chồng là sống gửi thân, chết gửi hồn). Từ đó, phụ nữ bao giờ cũng chiều người lấy việc, chiều chồng lấy con.
Không phải ngẫu nhiên mà chữ Nho tạo ra, về cơ bản, những tri thức về thiên mệnh và thói sùng bái kinh nghiệm vì hai thứ này gắn bó với nhau (kinh nghiệm sản xuất cũng là kết quả quan sát những biến đổi được xem là do trời khiến chứ không phải là do thực nghiệm). Kho tàng tri thức đó có những mặt khó thích hợp với cuộc sống hiện tại. Làm sao trai gái hôm nay chấp nhận được quan niệm về hạnh phúc như ta vừa nói. Nhưng phủ nhận sạch trơn vốn tri thức đó cũng không được. Tôi xin nêu một ví dụ khác.
Do nguyên tắc diễn tả cái trừu tượng bằng hình-tượng thể hiện trong chữ Nho mà người Việt nhắn nhủ nhau:
Bầu ơi thương lấy bí cùng,
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn
Lối ví ngầm này chỉ ra một cách trực quan cái cách thức trong đó, các sự vật tồn tại, giống như nguyên tắc biểu đạt bằng hình-tượng của chữ Nho. Nó tạo ra một quan niệm rất đẹp về đời sống cộng đồng. Mà nhận thức lại gắn liền với ứng xử. Nếu chúng ta bảo rằng, chính theo tinh thần của câu ca dao đó mà những người Việt xa xứ cách đây mấy tuần đã đùm bọc nhau trong cơn bão tàn phá một phần nước Mỹ, khiến người Mỹ cũng phải ngạc nhiên về tình cảm cộng đồng của họ, thì các nhà nhân chủng học chắc cũng không phản đối. Mà sở dĩ người Mỹ ngạc nhiên là vì, trong tâm thức của họ, các thành viên của cộng đồng thường cư xử với nhau theo nguyên tắc công dân, mà tư tưởng công dân lại được xây dựng trên nguyên tắc phân tích và khái quát hoá về quyền cư trú, thành quyền lợi và nghĩa vụ, do người Hy Lạp, tác giả của abc, tìm ra từ mấy ngàn năm trước. Người có quan niệm công dân thuần tuý sẽ thấy việc các thành viên trong một cộng đồng đùm bọc nhau trong hoạn nạn một cách vô điều kiện là một chuyện lạ.
Những điều chúng tôi vừa trình bày trên đây cho phép kết luận rằng, chữ Nho là hiện thân, chứ không phải chỉ là sứ giả của nền văn hoá cổ. Không biết mặt chữ thì không biết cái lý mà suy luận. Mà kho tàng chữ nghĩa đó lại phong phú vô cùng. Nó không những khổng lồ về số lượng mà mỗi chữ lại là một cái chìa khoá cho riêng nó để đi vào một số châm ngôn, trước tác, một số tri thức về văn, sử, triết, tín ngưỡng hay nghi lễ nào đó. Cho nên, với chữ đơn, người xưa đã phải thuyết văn, còn với chữ ghép, người xưa đã phải giải tự. Việc hiểu được vốn chữ Nho, do đó, là công việc mà cả đời chuyên tâm cũng không dám chắc, nói gì đến người không chuyên. Thực tế đó làm chúng ta phải nản lòng khi muốn trả lời câu hỏi dạy chữ Nho như thế nào. Dạy để học trò đọc được chữ, hiểu được văn hoá cổ, thì người Trung Quốc cũng không dám nghĩ đến, dù họ chế ra chữ Nho và chưa hề bỏ nó bao giờ. Chọn vài trăm chữ để dạy (bạch thoại với tư cách là một ngoại ngữ đòi hỏi vốn chữ tối thiểu là khoảng bốn, năm trăm chữ) thì lấy tiêu chí gì để chọn vì mục đích cụ thể của việc dạy chữ Nho rất khó xác định. Mà không xác định được mục đích thì có dạy cũng không đem lại kết quả gì. Chữ thầy rồi lại giả thầy vì học trò không dùng đến chúng trong cuộc sống thường nhật. Không thể chỉ vì việc đọc hoành phi, câu đối mà ta bắt học trò học chữ Nho. Mà muốn ai cũng đọc được hoành phi, câu đối thì cũng phải kéo chương trình học phổ thông hiện nay thêm vài năm là ít.
Tuy nhiên, khó mà dứt khoát nói không với việc dạy chữ Nho vì những người đề xuất yêu cầu dạy chữ Nho đều là những nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ... Cho dù họ không chuyên nghiên cứu về văn tự, hoặc thậm chí cũng không biết cả chữ Nho nữa, cho dù lý lẽ họ đưa ra còn chưa rõ ràng; họ cũng chưa tính được phải dạy ra sao, nhưng họ đều đưa ra ý kiến một cách nghiêm túc và thể hiện những băn khoăn về tương lai của thế hệ trẻ. Phải chăng, những ý kiến của họ đã xuất phát từ một sự mẫn cảm nào đó về nhu cầu sở hữu vốn chữ Nho, vì những lý do khác với những lý do mà chúng ta đã đề cập, trong cuộc sống và trong việc sử dụng tiếng Việt? Chúng tôi sẽ thử giải đáp câu hỏi này trong số báo sau.
Mục lục[sửa]
- Kì 1: Chữ nho ở trường Pháp – Việt
- Kì 2: Nhìn lại bốn lý do dẫn tới việc đề xuất dạy chữ Nho
- Kì 3: Cách nhìn nhận và diễn giảng về tồn tại của chữ Nho
- Kì 4: Khó khăn trong việc sử dụng thuật ngữ, lối nói và từ ngữ có gốc chữ Nho
- Kì 5: Khó khăn trong việc sử dụng thuật ngữ, lối nói và từ ngữ có gốc chữ Nho (Tiếp theo)
- Kì 6: Lời kết
Tác giả và nguồn[sửa]
- Phan Quý Bích
- Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Hà Nội
- Đã đăng: báo Văn nghệ trẻ, 2005