Về việc dạy chữ Nho ở trường phổ thông/1

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Kỳ 1/6: Chữ nho ở trường Pháp – Việt


Cách đây hai năm, giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn đã đề nghị ngành giáo dục nên dạy chữ nho cho học trò phổ thông[1]. Đề nghị của ông xuất phát từ sự nhìn nhận về những đóng góp của chữ nho cho sự phát triển của tiếng Việt và nền văn hoá Việt hôm qua, hôm nay và ngày mai. Đề nghị của ông còn xuất phát từ kinh nghiệm của một trong những người Việt thành đạt nhất trong khoa học, của một nhà sư phạm có danh tiếng, của một thế hệ đã sinh ra nhiều trí thức tài giỏi, có công lớn với sự phát triển tiếng Việt và nền văn hoá dân tộc hiện đại. Ông cũng không phải là người duy nhất nêu ra đề nghị này. Tình trạng người Việt không thông tiếng Việt hoặc không hiểu được quá khứ (đơn giản như, không đọc được tên một ngôi đền chẳng hạn), thường bị xem là do không được học chữ nho ở trường phổ thông. Nhưng nên dạy chữ nho như thế nào cho con em?

Đây lại là một câu hỏi rất khó có câu trả lời cho thật thấu đáo, dù chỉ dưới khía cạnh thuần tuý chuyên môn, tức là không cần xét toàn bộ chương trình phổ thông, mà chỉ bàn về mục đích, yêu cầu, cũng như tri thức tối thiểu cần dạy về chữ nho mà thôi. Do đó, tôi chỉ xin nêu ra những băn khoăn trong việc trả lời câu hỏi đó, chứ không có tham vọng đưa ra những kiến giải cho một bài toán giáo dục phức tạp đến như vậy. Tôi suy nghĩ về câu hỏi này theo hai hướng: một là, sự thành công của thế hệ giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn có phải do việc dạy chữ nho ở học đường hay không và hai là, chữ nho có thể có vai trò gì đối với đời sống văn hoá của chúng ta hôm nay.

Chữ Nho trong trường Pháp - Việt[sửa]

Theo hướng thứ nhất, chúng ta phải trở lại với trường Pháp – Việt. Khi tìm hiểu việc dạy văn trong nhà trường đó, nơi giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn được đào tạo, tôi đã rất chú ý đến việc dạy cổ học và chữ nho. Theo tôi biết, trường Pháp – Việt chọn tiếng Pháp làm chuyển ngữ. Ngôn ngữ viết chính thức của người Việt lúc đó, trên nguyên tắc, là Pháp ngữ. Cho nên, ngay cả tiếng Việt dưới hình thức quốc ngữ cũng chỉ được dạy ở những năm đầu của bậc tiểu học và thu hẹp dần khi mà học sinh nghe, nói và viết được tiếng Pháp. Lên bậc trung học, chương trình Việt ngữ chỉ còn một, hai tiết một tuần. Ngoài một, hai tiết ấy ra, học sinh nghe giảng và thi cử bằng tiếng Pháp. Bài thi tú tài về Việt ngữ thường là một bài thi dịch, giảng, bình luận một văn bản Việt ngữ, trình bày bằng tiếng Pháp. Vào thời kỳ đầu, văn bản nguồn để thi Việt ngữ có thể là một trích đoạn bằng chữ nho đích thực, nhưng dần dần, do việc học chữ nho mai một, văn bản nguồn là quốc ngữ (văn nôm đã được chuyển tự sang quốc ngữ, thơ ca dân gian được ghi bằng quốc ngữ hay một sáng tác quốc ngữ đích thực). Vào những khoá thi tú tài ngay những năm trước Cách mạng Tháng Tám, như vào khoá thi của các ông Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Đình Thi chẳng hạn, chữ nho hình như đã hoàn toàn vắng mặt. Tôi không biết Huy Cận, Xuân Diệu, Hoài Thanh có đọc được chữ nho không, nhưng căn cứ vào trước tác của họ, thì tôi không dám chắc. Huy Cận cả quyết rằng, ông chỉ học thơ Đường, chứ không phải thơ Pháp, nhưng theo cách diễn giải của ông thì đó chỉ là thơ Đường trong các bản dịch ra Việt ngữ. Xuân Diệu đọc các nhà thơ cổ điển y như đọc các nhà thơ viết tiếng Pháp hay quốc ngữ. Hoài Thanh không thật tri âm với Hàn Mặc Tử Đoàn Phú Tứ, hai nhà thơ chịu rất nhiều ân huệ của văn hoá cổ, dù ông rất yêu và trọng thị họ.

Những tư liệu mà chúng tôi vừa nêu trên đây có thể cho phép chúng ta khẳng định rằng, sự thành đạt của lớp trí thức Tây học, trong đó có thế hệ của giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn, không do vốn chữ nho được học ở trường phổ thông, vì chương trình cổ học và chữ nho của nhà trường đó rất sơ sài. Thật vậy, những người hoạch định chính sách giáo dục của Pháp lúc đầu còn không có ý định cho dạy nền cổ học Phương Đông mà định bắt học trò học Đông dương học nền cổ học Hy-La, như ở các trường phổ thông tại Pháp. Người đấu tranh quyết liệt nhất cho việc dạy nền cổ học Phương Đông trong nhà trường lúc đó là Phạm Quỳnh. Cuối cùng, một phương thức “hoà giải” được đưa ra: nền cổ học Phương Đông sẽ được dạy nhưng những giá trị nào của nền học đó được đưa ra dạy thì do người Pháp kiểm soát. Do đó, một số tác phẩm nôm của ta, nhất là của Lê Quý Đôn Nguyễn Du, được đưa vào chương trình Việt văn, như ta có thể đọc trong các sách giáo khoa của Cordier và Dương Quảng Hàm. Phần Hán văn cũng như phần văn chương viết bằng chữ Hán của ta gần như vắng mặt. Những cuốn sách như Cổ học tinh hoa, Văn đàn bảo giám có lẽ đã được biên soạn để bù đắp những sự thiếu hụt đó, theo tinh thần bảo lưu tinh hoa quá khứ mà Văn minh tân học sách của Đông Kinh Nghĩa Thục đã thể hiện, nhưng những cuốn sách đó chỉ là những sáng kiến cá nhân chứ chưa bao giờ được xem là sách giáo khoa chính thức của trường Pháp – Việt.

Trong một chỉ thị về sách giáo khoa, viên quan chức đứng đầu ngành giáo dục của chính quyền thực dân lúc đó đã chỉ rõ là, chương trình cổ học Phương Đông có mục đích khiến cho học sinh Việt thẩm định lại các giá trị truyền thống, cho đến tận trước tác của Khổng Tử. Như vậy, mục đích của nhà trường phổ thông là cho học sinh thấy những hạn chế của di sản văn hoá cổ của chúng ta, theo con mắt nhìn của Phương Tây và qua đó, khẳng định tính hơn hẳn của các giá trị văn hoá Phương Tây, nhất là, tính “hơn hẳn” của quốc ngữ so với chữ nho. Tuy nhiên, muốn dạy nền cổ học Phương Đông thì phải dạy chữ nho vì chữ nho chính là nền tảng của kho tàng tri thức đó, cả với tư cách là bộ ghi, cả với tư cách là một cách nhìn thế giới, một qui tắc tư duy. Cho nên, chữ nho hiện diện trong chương trình buổi đầu của trường Pháp – Việt. Nhưng trên thực tế, việc dạy chữ nho bấy giờ lại không xuất phát từ những toan tính khoa học. Khởi đầu, đó gần như chỉ là một chiêu lừa bịp.

Nhà trường có nhiều mục đích, nhưng một trong những mục đích của nó là đào tạo những rường cột tương lai cho tổ chức xã hội. Do đó, nó cần thu hút được nhiều học trò, nhất là con em trong các gia đình có truyền thống hiếu học. Mà với các gia đình hiếu học hồi đầu thế kỷ XX, thì không phải quốc ngữ mà chữ nho mới đáng trọng. Sau năm 1919, tức là sau năm mà chữ nho bị bỏ ở cả ba kỳ, các gia đình này vẫn còn tìm thấy lý do để con em của họ học chữ nho, đó là học để cúng ông bà. Chữ nho ra đời trong bói toán và gắn chặt với đời sống tín ngưỡng của người Việt cho đến tận hôm nay. Cho nên, nếu trường nào không dạy chữ nho thì rất vắng học trò. Tôi đã đọc báo cáo của một viên thanh tra người Pháp nói rõ về tình hình này và ông ta kiến nghị đưa việc dạy chữ nho vào tất cả các trường học, để thu hút học trò. Có lẽ vì thế mà việc dạy chữ nho được chú ý hơn, chứ không phải do một tính toán khoa học nghiêm túc. Vì vậy, tôi mới nói rằng, việc dạy chữ nho ở trường học mà giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn thụ giáo, đã khởi đầu gần như là một chiêu lừa bịp của nhà trường thực dân. Do nhà trường này không đặt ra yêu cầu dạy chữ nho lâu dài, nên không mở trường đào tạo giáo viên Hán-Nôm. Mỗi trường sẽ tìm đâu đó một ông đồ còn sót lại, và mời ông áo the, khăn xếp, đến dạy cho mỗi lớp một hai giờ mỗi tuần. Cho đến trước Cách mạng tháng Tám, chữ nho đã gần như bị bỏ như trên kia chúng tôi đã nói. Chúng ta không cần biết thực chất vì sao những người hoạch định chính sách giáo dục thực dân không mặn mà với chữ nho, họ sợ cái truyền thống văn hoá được lưu giữ trong chữ nho hay họ xem chữ nho là vô ích, nhưng kết quả của việc dạy như thế thì chúng ta cần phải biết: không ai chỉ nhờ vào việc học chữ nho ở trường phổ thông mà có vốn Hán cổ đủ để thông Việt ngữ, chứ đừng nói đến để làm việc. Những người có vốn Hán cổ uyên thâm và sử dụng được vốn chữ nghĩa đó để làm văn hoá, như Hoàng Xuân Hãn, Đào Duy Anh, Đặng Thai Mai, Cao Xuân Huy, cũng như bản thân giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn, thường do nền giáo dục gia đình, hoặc do khả năng tự học. Một người cùng thế hệ với ông là Nguyễn Hiến Lê, đã cho biết trong hồi ký rằng, ông đọc được chữ nho là nhờ về quê thụ giáo người bác ruột trong vài dịp hè.

Sở dĩ tôi cho rằng, nếu qui những thành công khoa học của lớp trí thức Tây học buổi đầu cho Việt ngữ cũng khó, chứ đừng nói đến vốn chữ nho được học ở trường của họ, vì trong các kỳ thi, môn thi mà họ bị điểm kém nhất thường là Việt ngữ. Một ông giám khảo cho môn Việt ngữ (người Pháp) đã kêu lên (trong một bài báo) rằng, ông không hiểu tại sao thí sinh người Việt lại hiểu tiếng mẹ đẻ của họ một cách kém cỏi đến như vậy! Mà kém là phải vì thứ nhất, do sự thay đổi văn tự và sự thay đổi này dẫn đến một thực tế là, khi một bản văn nôm đã được phiên ra quốc ngữ mà chỉ nhìn bản quốc ngữ thôi thì rất khó hiểu, như cụ Lê Thước từng than phiền. Điều này thì ai cũng thấy. Nếu không biết dạng thức viết của chữ nho thì ta không hiểu được ý đơn giản của bài thơ Không chồng mà chửa của Hồ Xuân Hương, là, chưa cưới chồng, sao cô đã mang bầu, cho dù đây đích thị là một bài thơ Nôm. Cho nên, ngày nay đọc Truyện Kiều, ta phải đọc chú thích với khối lượng văn bản gần ngang bằng khối lượng văn bản của chính văn. Thứ hai, do vị thế của chương trình. Ngày ấy, ở trường Pháp – Việt, tiếng Việt là sinh ngữ (bây giờ ta gọi là ngoại ngữ). Lúc đầu, tiếng Việt thậm chí là sinh ngữ thứ hai, sau tiếng Anh. Phải qua mấy lần cải cách, tiếng Việt mới được coi là sinh ngữ thứ nhất. Chúng ta không bàn ở đây khía cạnh thực dân hoá của đường lối giáo dục đó. Chúng ta chỉ xét hiệu quả của một chương trình đào tạo như vậy. Tôi không dám chắc là lớp trí thức Tây học buổi đầu có thể làm khoa học nhờ Việt ngữ, nếu không do tự học. Còn có một lý do thứ ba, khiến cho thí sinh thi tú tài thời trường Pháp – Việt kém Việt ngữ là, qui tắc phân tích văn bản mà người Pháp xây dựng bằng alphabet đã bị đem áp dụng khiên cưỡng cho việc diễn giảng văn bản bằng chữ nho, khiến cho học sinh người Việt không biết đâu mà lần. Văn chương cổ của ta đưa ra “thông điệp” bằng lối ám chỉ (nguồn gốc của biết bao nhiêu là án văn tự trong lịch sử), chứ không bằng lối ẩn dụ (trình bày một tư tưởng về hiện thực), như văn chương Phương Tây hay văn chương quốc ngữ của ta, vậy mà các bài thi cứ bắt học trò phân tích văn bản văn chương cổ theo lối phân tích ẩn dụ thì ai mà làm được! Đã kém tiếng Việt thì làm sao có thể dùng tiếng Việt mà suy nghĩ được. Tất nhiên, những chỗ kém này cũng là chỗ kém của nền cổ học Phương Đông do các trí thức thực dân tiến hành, chỗ kém mà nay ta còn thấy hiện diện trong một vài công trình khoa học hiện đại, do một sự tiếp thu thiếu phê phán.

Chữ Nho và văn hóa Việt[sửa]

Thế hệ của giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn đã khiến người Pháp ở Đông dương tự hào về học trò của họ. Theo nhận định chung thì một người đỗ tú tài ở Việt Nam thời ấy thường có năng lực cao hơn một người đỗ tú tài ở chính quốc. Người Pháp cho rằng, sở dĩ như vậy là vì, các tú tài tại Việt Nam thông thạo hai nền văn hoá. Không ai có thể thông thạo nền văn hoá Việt chỉ với một chương trình đào tạo như thế. Những người thông thạo là do tự học. Nhưng ý thức về hai nền văn hoá thì đúng. Những người không có thiên hướng tự học để đi vào văn hoá cổ của dân tộc đến thành thạo thì chí ít cũng ý thức về sự khác biệt văn hoá để hiểu Phương Tây một cách sâu sắc hơn. Những chuyên gia văn hoá cổ của ta được đào tạo từ nhà trường đó cũng có những lợi thế tương tự. Trong một đôi lần được nghe giáo sư Đặng Thai Mai và giáo sư Cao Xuân Huy giảng bài, tôi thấy hai cụ thường nêu từ công cụ bằng tiếng Pháp hay bằng gốc chữ Hán trước khi giảng giải bằng tiếng Việt. Điều đó chứng tỏ rằng, lớp từ công cụ mà các cụ dùng không phải là lớp từ công cụ đã Việt hoá (với từ gốc Pháp) hoặc đã quốc ngữ hoá (với từ có gốc chữ nho). Đó là một lợi thế khoa học mà không phải mọi trí thức lớp sau đều có được, do vốn sinh ngữ và Hán cổ ngày càng ít được trau dồi.

Tóm lại, theo suy nghĩ của tôi, chữ nho và tri thức cổ đúng là cần cho chúng ta nhưng để trang bị những hiểu biết đó cho học trò hôm nay, chúng ta không thể tham khảo chương trình của trường Pháp – Việt. Thậm chí, tôi còn nghĩ rằng, chính nhà trường này đã “bắn vào quá khứ” của chúng ta bằng cách chỉ đề cao quốc ngữ, một luận điệu mà không ít người Việt sau này vẫn còn tin theo. Muốn dạy chữ nho cho con em, chúng ta phải suy nghĩ theo một hướng khác.

Chú thích[sửa]

  1. Chữ nho với nền văn hoá Việt nam, Văn nghệ, số 16; 29/4/2003

Mục lục[sửa]

Tác giả và nguồn[sửa]

Liên kết đến đây