Về việc dạy chữ Nho ở trường phổ thông/6
Sau những gì đã trình bày, chúng tôi nghĩ rằng, chúng ta không thể quay lưng lại với chữ Nho và nền văn hoá chữ Nho, bởi lẽ, nền văn hoá đó vẫn và sẽ còn chi phối tư duy của chúng ta và con cháu chúng ta. Vì nó có nguồn gốc rất sâu xa. Thực tế là, cần phải đi tìm cách nhìn thế giới của chữ Nho trong nền văn minh lúa nước, trong cách mà tổ tiên ta hình dung về không gian, về thời gian và về cấu trúc của vũ trụ. Ngay bàn thờ tổ tiên của chúng ta đã có dạng thức của một chữ Nho: bàn thờ có một giá đỡ, giống như một ô vuông qui ước cho mỗi chữ Nho. Trên giá đỡ đó, bài vị và đồ dâng cúng (cái có) là phương tiện để khẳng định sự hiện diện của anh linh của ông bà (cái không). Lời khấn (ngôn ngữ giao tiếp của con người với nhau) hợp nhất với các hình, tượng trên bàn thờ (ngôn ngữ của Trời), để thực thi sự giao tiếp giữa con người với thần linh. Thực tế là, nền văn hoá chữ Nho đang hiện diện: từ cách ta nhìn con người và sự vật đến cách ta ứng xử với nhau, từ tranh Đông Hồ đến bức thư pháp, từ thú chơi cây cảnh đến sân khấu truyền thống, đâu đâu cũng in đậm dấu ấn những qui tắc nhận biết và diễn giảng tồn tại có thể rút ra từ chữ Nho.
Nhưng việc chúng ta dùng Quốc ngữ cũng có những lý do sâu xa, chứ không đơn giản chỉ là sự lựa chọn về văn minh, văn hoá. Đó là lý do về nền độc lập-dân tộc. Theo định nghĩa về dân tộc thì tiếng nói là một nhân tố. Một cộng đồng không có tiếng nói chung thì không thành một dân tộc. Nhưng nhà nước thì gắn với chữ viết. Một dân tộc không quan tâm đến quyền cư trú thì không có nhu cầu sở hữu chữ viết. Đó là trường hợp của người Digan. Dù họ ở Nga, Bungari hay Balan, không ai bắt được con em của họ đến trường. Vì họ thoắt hiện, thoắt ẩn. Cho nên, khi nào chữ viết và tiếng nói dân tộc kết hợp được với nhau thì đó mới là lúc ý thức về quyền độc lập dân tộc chín muồi. Chữ Nôm của ta tạo ra ý thức đó, nhưng chưa đảm đương được vai trò đó (sáng kiến của Hồ Quý Ly, của Nguyễn Huệ đều thất bại, có phần do chữ Nôm không tách được với chữ Hán). Mặc dù vào ta do công cuộc truyền bá đạo Thiên Chúa, Quốc ngữ đã thoả mãn ý thức độc lập dân tộc của chúng ta. Nên nhớ rằng, mọi tuyên ngôn độc lập của cha ông trước Tuyên ngôn Độc lập do Hồ Chí Minh soạn thảo, đều chỉ là tuyên ngôn về vương quyền. Cho nên, Quốc ngữ cũng đã tạo ra một ý thức khác hẳn về tiếng nói. Không có Quốc ngữ sẽ không có niềm xác tín của Phạm Quỳnh: "Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn". Trong lời phát biểu đó, quan niệm chính âm (của chữ Hán) và không chính âm (của chữ Nôm), do Lê Quý Đôn phát biểu, đã được hiệu chỉnh. Không có gì là mâu thuẫn khi Phạm Quỳnh cộng tác với Pháp mà vẫn khăng khăng đối đầu với người Pháp trong chính sách giáo dục. Học văn hoá Pháp trước hết là học ý thức về tiếng nói dân tộc của người Pháp.
Thật vậy, nền văn minh Pháp nói riêng và Phương Tây nói chung khởi nguồn từ abc và đạo Thiên Chúa. Abc cho họ tư duy khoa học. Đạo Thiên Chúa cho họ ý thức về vị thế của lời nói. Khởi thuỷ là Lời. Lời khải của thánh Jean, ngoài khuôn khổ của Kinh Thánh, có nghĩa là, lời nóichứa đựng chân lý. Nó khác với nền văn hoá chữ Nho, nơi Khổng Tử bảo, trời có nói gì đâu, vì hình nét mới chứa đựng chân lý. Sự kết hợp giữa abc và lời nói tạo ra tư duy khoa học và với thời gian, cũng tạo ra nguyên lý pháp quyền: luật pháp, chứ không phải người thi hành luật pháp, nói tiếng nói cuối cùng trong quan hệ giữa con người với nhau. Đó là một nguyên lý mà đa số nhân loại ngày nay đều tán thành. Độc lập dân tộc và nhà nước pháp quyền gắn liền với tiếng nói dân tộc thành văn. Nhà nước của chúng ta, ngay từ khi mới thành lập đã khẳng định Quốc ngữ theo tinh thần đó.
Xét về mặt văn minh và văn hoá thì thay đổi chữ viết là một cuộc đảo lộn. Có lẽ vì thế mà các quốc gia gần ta đã không dám tuỳ tiện thay đổi chữ viết. Người Nhật đã nhập cảng chữ Nho, do đó, nhập cảng toàn bộ vốn từ đi kèm với chữ Nho và bị chính cách nhìn thế giới đó chi phối. Nhưng họ vẫn cố giữ chữ Nho vì họ không dám đảo lộn những gì họ đang có. Trung Quốc cũng không hành động khác. Nhiều trí thức vĩ đại của Trung Quốc, đặc biệt là Lỗ Tấn, từng khẩn thiết kêu gọi đồng bào họ bỏ chữ vuông mà không ai dám nghe theo. Người Hàn chế ra chữ bán ghi âm mà không quay lưng hoàn toàn với chữ Hán.
Chúng ta đã có một thời chưa làm được như thế với bậc học phổ thông vì tư tưởng thực dân và di sản của nó. Việc dùng Quốc ngữ với chúng ta là lẽ tất yếu như chúng tôi đã trình bày, nhưng không thể quên quá khứ. Đề cao quá mức hay phủ nhận sạch trơn nền văn hoá cổ đều không đúng. Không phải nền văn hoá đó không có những yếu tố không còn thích hợp với cuộc sống mới, nhưng thái độ phủ nhận sạch trơn quá khứ thì nguy hiểm: dù nó dở hay nó hay, chúng ta cũng không thể chối bỏ nó một cách dễ dàng, như thể vứt bỏ một cái áo mà ta không còn mặc nữa. Vả chăng, nó không phải là cái áo cũ mà đã là một phần trong máu thịt của mỗi chúng ta.
Tuy nhiên, dạy lại chữ Nho cho con em như các ông đồ đã dạy thì lại không làm cho học trò hiểu được chữ Nho và nền văn hoá chữ Nho với con mắt của người hiện tại. Vì khi ta chiếm dụng một ngôn ngữ, chính ngôn ngữ đó lại chi phối tư duy của chúng ta, theo qui tắc của nó. Một người học chữ Nho theo lối cũ có rất nhiều nguy cơ trở lại với cái đầu của một ông đồ. Mà con người hiện tại lại không thể là một ông đồ. Vì thế, theo thiển nghĩ của chúng tôi, nhiệm vụ của chúng ta là làm cho con em ta hiểu về sự thay đổi văn tự, chứ không phải là bắt họ học lại thứ văn tự đã bị bỏ. Hiểu thì mới thừa kế cái đáng thừa kế, vứt bỏ cái cần vứt bỏ. Hiểu trên cơ sở thừa nhận rằng, Quốc ngữ cũng đã trở thành truyền thống của chúng ta từ một thế kỷ nay. Do đó, theo ý chúng tôi thì những gì mà hôm nay chúng ta có thể làm, chỉ là hạn chế những tác động tiêu cực do việc thay đổi chữ viết gây ra, chứ không phải là làm sống lại thứ văn ngôn mà cha ông đã dùng.
Vì những lý do như trên, chúng tôi nghĩ rằng, thay vì dạy chữ Nho theo kiểu các ông đồ, chúng ta nên dạy cho học trò phổ thông tri thức tối thiểu về chữ Nho và nền văn hoá chữ Nho với chúng ta hôm nay. Mục đích của việc dạy ở đây là tạo ra ý thức thận trọng trong tư duy và dùng chữ, với thời lượng chừng 20 tiết là đủ. Nên để học phần này vào năm lớp mười, trong khuôn khổ của chương trình văn chương cổ. Theo tôi nghĩ, học phần này nên có ba nội dung:
1. Chữ Nho, hình thức, cấu tạo, cách viết. Những chữ được đem ra minh hoạ sẽ là những chữ vẫn còn thường gặp, như chữ văn, tự, phúc, lộc, thọ, nhân, hiếu, đức... Nên có cả phần tập viết để học sinh hình dung về cái đẹp trong thư pháp; Chỗ tương đồng và dị biệt giữa chữ Hán và chữ Nôm (chừng mươi tiết).
2. Cách nhìn thế giới của chữ Nho. Phần này, ngoài một chút lý thuyết, cần giảng giải cho học sinh biết về một số thành ngữ, lối nói thường thấy có gốc chữ Nho mà nay ta vẫn hay dùng (chừng dăm tiết).
3. Từ ngữ có gốc chữ Nho trong Quốc ngữ. Trong phần này, ngoài việc giới thiệu khả năng qui chiếu khác nhau của từ ngữ, cần giới thiệu một vài cách cấu tạo từ mới bằng vốn chữ Nho, cách tra từ điển từ nguyên (chừng dăm tiết).
Tôi cho rằng, với một đòi hỏi về tri thức như thế, mọi thầy giáo, cô giáo dạy văn hiện nay đều có thể đảm đương được, nếu có hướng dẫn chi tiết, vì họ đều có học chữ Nho ở đại học. Với học sinh thì đấy là lúc họ bắt đầu làm quen với các cơ sở lý thuyết khoa học tự nhiên như đại số, hình học, lý, hoá nên việc tiếp nhận tri thức nhập môn về ký hiệu học là vừa sức. Chúng ta cũng không cần dạy nhiều vì nhiệm vụ tạo ra một tiếng Việt thành văn, đủ tin cậy để nghĩ và viết bằng tiếng mẹ đẻ (thể hiện trong những cuốn từ điển chuyên dùng), là nhiệm vụ của giới nghiên cứu, của nhà nước chứ không phải là nhiệm vụ của nhà trường phổ thông. Nhà trường chỉ tạo ra ý thức sử dụng từ điển và rèn tập kỹ năng vận dụng lời nói, không chỉ trong lĩnh vực văn chương, mà thôi.
Vấn đề đặt ra là, làm thế nào để tìm ra thời gian vật chất cho việc giảng dạy một học phần như thế. Theo ý chúng tôi, nó cũng nằm trong tầm tay của chúng ta. Vì chúng tôi có cảm giác rằng, chương trình văn chương của ta rất tham. Tham là vì chúng ta bị di sản của lối học cũ chi phối. Học chữ Nho thì phải vừa uyên, vừa bác. Bác là điều kiện cho uyên và ngược lại. Vì mỗi chữ được mỗi người, mỗi thời dùng một khác. Không nhập tâm những cách dùng khác nhau đó thì không thể xướng hoạ được. Biến tướng của lối học này là lối nhồi nhét trong chương trình văn chương phổ thông hiện nay. Nhồi nhét cả những kiến thức không cần thiết. Đụng đến nhà thơ nào cũng cần dạy tiểu sử, đụng đến tác phẩm nào cũng phải dạy xuất xứ, trong khi những tri thức đó chỉ cần một hai chú thích là đủ, và không phải cứ có thầy cô thì học trò mới phát hiện được ông Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh vào năm nào, viết những tác phẩm nào, một khi họ đã biết đọc. Thậm chí, chúng ta lại đòi hỏi học sinh phải nhập tâm những tri thức đó. Tôi thấy trong đề thi của nhiều năm nay, hầu như bao giờ cũng có một câu hỏi về tiểu sử hay xuất xứ. Phải chăng, tri thức đó là cần cho hành trang vào đời của một kỹ sư tin học trong tương lai?
Thực tế là, chương trình của chúng ta cũng thừa. Thừa vì không đề ra được tiêu chí tuyển chọn tác phẩm như chúng tôi đã có dịp phát biểu, nên số tác phẩm hay trích đoạn cần dạy quá nhiều mà số giờ giành cho việc giảng mỗi bài lại quá ít. Đã chọn văn của người này sao lại không chọn văn của người kia? Câu hỏi đó thường làm cho những người soạn sách bối rối. Lựa chọn nhiều trích đoạn quá thì không có thì giờ dạy suy nghĩ. Những câu hỏi rất căn bản như, vì sao ta có thể hiểu từ này như thế này mà không thể như thế khác, câu thơ này như thế này, chi tiết nọ như thế kia, không xuất hiện trong sách và trong bài giảng của các thày cô. Có những chi tiết mà học sinh không hiểu gì cả, như chuyện cho chữ mà Nguyễn Tuân miêu tả trong Chữ của người tử tù. Nếu chỉ biết rằng, viên quản ngục đó ham thích cái đẹp chung chung thì quá nông cạn và không sao hiểu thông điệp chủ yếu của tác phẩm văn chương đó.
Vì thế, con em ta học tiếng Việt mà không hề học cách thức dùng tiếng Việt để suy nghĩ, không học cách trình bày tư tưởng bằng tiếng mẹ đẻ. Hàng bao năm nay, khi chấm thi đại học, chúng tôi thường chỉ chấm văn chương chữ nghĩa của những người soạn sách và của các thầy giáo ở trường và ở lò luyện thi, chỉ cho điểm vở sạch chữ đẹp, cho điểm bằng cách đếm trang, chứ không mấy khi được chấm khả năng dùng tiếng mẹ đẻ trong suy nghĩ và diễn đạt của các em. Ngay cả bài thi văn xuất sắc được đăng báo Văn nghệ năm nay cũng chưa làm cho tôi mất cảm giác đó. Tình hình này cũng tương tự như tình hình dạy các môn học khác, kể cả khoa học tự nhiên: chúng ta chỉ đòi hỏi ở các em phần kinh viện của tri thức, chứ không lấy mục đích vận dụng các tri thức đó vào cuộc sống làm tiêu chuẩn tối cao. Từ những suy nghĩ như thế, chúng tôi cho rằng, khả năng tinh giản chương trình văn chương là có thể.
Chúng tôi hiểu rằng, tri thức trang bị cho học trò phải gọn nhẹ và hữu ích. Muốn làm được như thế, thì nghiên cứu phải đi trước một bước. Về cấu tạo của chữ Nho thì Đào Duy Anh đã mô tả. Nhưng chúng ta chưa làm được gì nhiều trong việc nghiên cứu vai trò của chữ Nho đối với Việt ngữ, đối với tư duy và đối với văn chương. Hầu như những công trình Việt ngữ mà tôi được đọc cho đến nay đều nhìn tiếng Việt tách rời với chữ viết (chữ viết chỉ là công cụ ký chép thuần tuý). Cho nên, nhu cầu cải tiến Quốc ngữ để mô tả hiện trạng tiếng Việt (các loại từ, các từ ghép), sử dụng chữ viết như là một biện pháp khu biệt và sáng tạo từ mới, không được đặt ra, nói gì đến việc nhìn nhận vai trò của chữ Nho. Những công trình nghiên cứu về bước chuyển của văn chương cũng vậy. Điều lạ lùng nhất là các công trình nghiên cứu về ngôn ngữ văn học, cũng không hề đề cập đến sự thay đổi chữ viết. Dường như chúng ta luôn nghĩ rằng, chữ viết đứng ngoài tiếng nói và tư duy. Cho nên, nhìn rộng ra thì thành tựu nghiên cứu về văn hoá của chúng ta, dưới góc độ khoa học, cả với văn hoá cổ và văn hoá hiện đại, đều chưa tiến được bao lăm, so với thành tựu của nửa đầu thế kỷ trước. Trong hoàn cảnh đó, những người soạn sách phổ thông dễ trở thành những người “tự biên, tự diễn” và dễ hứng chịu búa rìu của dư luận, thay cho toàn bộ giới Việt học, như đã từng xảy ra. Đó là một khó khăn hiển nhiên.
Nhưng dù thành tựu nghiên cứu của chúng ta còn hạn chế, chúng ta vẫn phải dạy cho học trò phổ thông những hiểu biết mà chúng ta có về chữ Nho và nền văn hoá chữ Nho. Chỉ trong khi đi, chúng ta mới tìm được đường. Phía trước sẽ có những người đi tiếp là thế hệ trẻ. Giáo dục, về mặt nào đó, giống như cuộc chạy tiếp sức. Mỗi người đều phải chạy hết sức mình, trước khi trao cái gậy tiếp sức cho người chạy tiếp theo. Chỉ có như thế thì sự nghiệp giáo dục của dân tộc mới tiến lên được. Chỉ có như thế thì Việt ngữ mới trở thành công cụ hữu hiệu cho chúng ta chiếm lĩnh đỉnh cao trong tư duy về chính trị và tư tưởng, trong khoa học và kỹ thuật, cũng như trong sáng tạo văn chương và nghệ thuật.
Mục lục[sửa]
- Kì 1: Chữ nho ở trường Pháp – Việt
- Kì 2: Nhìn lại bốn lý do dẫn tới việc đề xuất dạy chữ Nho
- Kì 3: Cách nhìn nhận và diễn giảng về tồn tại của chữ Nho
- Kì 4: Khó khăn trong việc sử dụng thuật ngữ, lối nói và từ ngữ có gốc chữ Nho
- Kì 5: Khó khăn trong việc sử dụng thuật ngữ, lối nói và từ ngữ có gốc chữ Nho (Tiếp theo)
- Kì 6: Lời kết
Tác giả và nguồn[sửa]
- Phan Quý Bích
- Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Hà Nội
- Đã đăng: báo Văn nghệ trẻ, 2005