Về việc dạy chữ Nho ở trường phổ thông/2

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Kỳ 2/6: Nhìn lại bốn lý do dẫn tới việc đề xuất dạy chữ Nho


Muốn dạy chữ Nho cho học trò phổ thông hôm nay thì phải xác định được lý do và trên cơ sở đó, tìm ra cách thức giảng dạy. Vì hai vấn đề này qui định lẫn nhau. Chúng ta hãy điểm qua bốn lý do đã được nhiều người đưa ra.

Lý do thứ nhất[sửa]

Chữ Nho làm nên hơn một nghìn năm lịch sử thành văn của chúng ta. Di sản quá khứ, dù có diện mạo như thế nào, vẫn là di sản do cha ông để lại. Học chữ Nho là để hiểu lịch sử, hiểu cha ông, để không quên quá khứ và nhờ đó mà mỗi người sẽ sống tốt hơn cuộc sống của mình ngày hôm nay. Đó là một lý do để dạy chữ Nho cho học trò phổ thông. Học chữ Nho là để bảo tồn và thừa kế di sản.

Tuy nhiên, đã nói đến di sản thì cần phải phân biệt nhiệm vụ bảo tồn với nhiệm vụ thừa kế di sản. Mặc dù hai nhiệm vụ này liên quan với nhau, nhưng chúng không phải là một. Chúng liên quan đến nhau vì bảo tồn di sản cung cấp những khả năng thừa kế khác nhau cho các thế hệ, không bảo tồn thì không có chuyện thừa kế. Chúng khác nhau vì bảo tồn là gìn giữ di sản trong dạng thức vốn có của nó, còn thừa kế là khai thác cái phần di sản thích hợp với cuộc sống hiện tại. Bàn về việc dạy chữ Nho cho học trò phổ thông là bàn về việc thừa kế di sản. Mà vấn đề thừa kế di sản thì bao giờ cũng được hoạch định từ những điều kiện cụ thể-lịch sử của đời sống xã hội chứ không phải từ nguồn gốc của di sản.

Thật vậy, khi thành lập Đông Kinh Nghĩa Thục, các cụ chỉ mong người Việt có chữ, mọi người Việt đều biết chữ, để chấn hưng công nghiệp, chế ra súng đạn, thức tỉnh về nỗi nhục của người dân mất nước, cùng nhau tranh lấy quyền độc lập. Vì thế, cụ Phan Châu Trinh còn sốt ruột với việc học Quốc ngữ, muốn học trò học ngay tiếng Pháp, vì tiếng Pháp lưu giữ một gia tài tri thức và tư tưởng mà chúng ta cần chiếm dụng để chống Pháp. Nghĩa là, dân ta phải có chữ dù đó là bất kỳ thứ chữ nào. Đọc các trước tác đầu thế kỷ trước, tôi nhận ra rằng, chính là khi ngắm cầu Paul Doumer (cầu Long Biên) và nhà hát thành phố, do người Pháp xây dựng, mà ý nghĩ bẻ bút lông, đoạn tuyệt với chi, hồ, giả, dã, đã đến với nhiều sĩ phu hồi đó. Quốc ngữ gắn với khát vọng duy tân và tự cường đầu thế kỷ trước. Điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội và văn hoá lúc đó đã khiến các cụ giành lấy nó bằng mọi giá.

Sau một thế kỷ và sau khi đã làm được nhiệm vụ mà Đông Kinh Nghĩa Thục đề ra, chúng ta lại đứng trước một câu hỏi, cũng không kém gay gắt so với câu hỏi của thời các cụ, và vẫn là câu hỏi về sự hùng mạnh của đất nước, nhưng lại gợi ý một sự lựa chọn ngược với sự lựa chọn của thời các cụ: thực tiễn cho thấy rằng, sự thành công của những con rồng châu Á là theo công thức: công nghệ Phương Tây + văn minh Hán hoá, mà văn minh Hán hoá lại do chữ Hán bảo tồn. Vậy thì việc chúng ta bỏ chữ Hán có thể là có hại. Vào thời điểm này, các xí nghiệp được tổ chức theo mô hình Nhật bản đang tỏ ra có lợi thế cạnh tranh hơn các xí nghiệp được xây dựng theo mô hình Phương Tây. Chữ Nho đối với thời mở cửa của chúng ta không còn đáng ruồng rẫy như thời Đông Kinh Nghĩa Thục nữa. Như vậy, hai thời đại khác nhau đã có thể gợi ý cho chúng ta hai cách ứng xử khác nhau với chữ Nho.

Cho nên, đã bàn về thừa kế thì không nên viện dẫn lý do bảo tồn. Chúng ta cũng không thể lấy nhiệm vụ bảo tồn di sản để hoạch định việc dạy chữ Nho cho học trò phổ thông còn vì bảo tồn di sản là một lĩnh vực chuyên môn, do những người có chuyên môn đảm nhiệm. Công việc ở các viện Hán-Nôm, Lưu trữ, các thư viện, cũng như công việc trùng tu các di tích, miếu mạo, chùa chiền, là công việc của các chuyên gia. Nó cần đến giáo dục chuyên nghiệp. Cách đây ba mươi năm, khi giúp giáo sư Đỗ Đức Hiểu tiến hành một số thủ tục hành chính để thành lập ngành Hán-Nôm ở khoa Văn, Đại học Tổng hợp, tôi đã nghe ông tâm sự rất nhiều về định hướng đào tạo: chúng ta sẽ có các lý thuyết gia về chữ Nho, các nhà cổ học hay sẽ có các ông đồ? Ông cho rằng, nếu đào tạo chuyên gia hôm nay mà lại giống hệt như đào tạo các ông đồ ngày xưa thì là thất bại. Nhưng cuối cùng, ông tự nhủ, hãy đào tạo những người đọc được chữ Nho đã, còn họ sẽ là người thế nào thì để nhu cầu của thực tế định đoạt vậy. Ông đã nghĩ đến công việc bảo tồn là trước hết. Vì thời gian là cấp bách. Những người biết chữ Nho ngày một ít đi, không mời ngay họ đến giảng đường, công việc mai sau sẽ khó. Bây giờ, mỗi năm, riêng ở trung tâm đào tạo này, ta có vài chục cử nhân Hán-Nôm ra trường. Với một khối lượng văn bản không quá đồ sộ mà đến 70% số sách còn giữ được là sách luyện thi (như một đồng nghiệp cho tôi biết), thì sự đầu tư như thế cho nhiệm vụ bảo tồn vốn cổ có thể xem là tạm được rồi. Chúng ta không lo đánh mất gia tài quá khứ. Chúng ta cũng không thể bắt mỗi người phải mang cả quá khứ lịch sử và văn hoá ở dạng thức nguyên sơ trong hành trang của người đó.

Lý do thứ hai[sửa]

Khi suy nghĩ về thời hiện tại, chúng ta không thể không nhìn ra thế giới. Nền kinh tế hùng mạnh của “năm con rồng” khiến ta phải nhìn lại việc cha anh đã từ bỏ chữ Nho. Dạy chữ Nho là để lưu giữ truyền thống. Theo lý do đã được trình bày như vậy, dạy chữ Nho đi kèm với việc dạy những giá trị truyền thống cần phát huy.

Nhưng lại có ba lý do khiến cho chúng ta phải thận trọng trước bài học của “năm con rồng”. Một là, thực tiễn không phải bao giờ cũng diễn ra theo lôgic của tư duy, độ chân xác của mối liên hệ giữa chữ Nho với sự ưu việt của mô hình xí nghiệp Nhật bản cũng cần có thời gian mới kiểm nghiệm được. Vả lại, tôi nghe một số người nhận xét rằng, không phải mọi yếu tố của Khổng giáo đều nhạt ở ta, dù ta đã từ bỏ chữ Hán đến hàng thế kỷ, tuy có thể là cái mà ta giữ được lại không phải cái mà thiên hạ đã giữ hay muốn giữ. Vì vậy, lý do thứ hai khiến ta cần thận trọng là, khả năng ứng xử văn hoá ở mỗi dân tộc một khác. Thích ứng nhanh không phải bao giờ cũng là một lợi thế. Cải cách giáo dục trong vài thập niên gần đây có thể là một ví dụ. Tình trạng sùng bái hết mô hình này đến mô hình khác của thế giới đã chỉ có hại. Vì con phượng thì múa, con nghê thì chầu, cái mà người khác làm được thì chúng ta chưa chắc đã làm được. Và ngược lại. Cho nên, câu hỏi không chỉ là, làm gì là có lợi, mà còn là, liệu chúng ta có làm được điều người khác đã làm hay không. Ba là, để làm được như “năm con rồng”, chúng ta phải phục nguyên chữ Nho đến mức ai cũng đọc được văn bản cổ, hoặc chí ít thì cũng đọc được tên chùa chiền, hoành phi, câu đối, theo đề nghị của một vài người. Dùng hai văn tự không phải là không được vì điều này cũng xảy ra ở một vài nơi trên thế giới. Nhưng vì chữ Nho ở ta là gắn với văn ngôn, tức là vận hành theo những qui tắc diễn đạt và tư duy khác hẳn với những qui tắc diễn đạt và tư duy của Quóc ngữ, cho nên, trong trường hợp này, tôi không biết liệu sẽ là có lợi hay có hại khi mà chúng ta đào tạo học trò theo lối cài vào một máy tính cả hai hệ điều hành khác hẳn nhau mà trong thực tiễn đời sống, với số đông, sẽ chỉ có một hệ điều hành được sử dụng.

Lý do thứ ba[sửa]

Dĩ nhiên,với đa số những người đã phát biểu ý kiến, đề nghị việc dạy chữ Nho là nhằm mục đích sử dụng tốt hơn Quốc ngữ, chứ không phải là phục nguyên một chữ viết. Chúng ta nên dạy chữ Nho để học trò nghĩ, nói và viết tiếng Việt hiện đại cho thành thục. Tôi muốn đề cập việc hiểu và viết tiếng Việt đã. Tôi xin bàn riêng về việc nghĩ bằng tiếng Việt. Tuy không thể tách diễn đạt với tư duy nhưng hiểu và viết trơn tru tiếng Việt khác với việc dùng tiếng Việt như một công cụ tư duy hiệu quả. Để nói và viết được tiếng Việt thông thạo, cách nghĩ thông thường là, vốn chữ Nho chiếm đến 70% vốn từ của tiếng Việt, nhất là vốn từ bác học, vậy thì nếu không nắm được chữ Nho đến một mức độ nào đó, khó mà sử dụng tốt được tiếng Việt. Nhất là một khi vốn từ vựng có gốc chữ Nho được “chuyên chở” bằng ký hiệu thị giác còn ở quốc ngữ là thanh âm. Không biết dạng thức viết của chữ Nho thường không hiểu được đúng nghĩa từ trong Quốc ngữ. Theo lý do đã được trình bày như vậy, dạy chữ Nho là dạy dạng thức hình nét của vốn từ hiện đại có gốc từ chữ Nho.

Nhưng lý do mà chúng ta vừa nêu dường như chỉ là trên lý thuyết. Trong thực tế, chúng ta vận dụng các từ theo nghĩa hiện đại của chúng, chứ không phải theo nghĩa từ nguyên của chúng. Hai tiếng tử tế trong tiếng Việt bây giờ nói lên lối cư xử đứng đắn, có tình, có lý, có trước, có sau, khác với nghĩa “nhỏ, bé” từ gốc Hán. Về mặt thanh âm, một số chuyên gia bảo rằng, nói nguỵ biện là sai, vì âm gốc của chữ Hán là quỷ biện. Nhưng biến âm là qui luật trong lịch sử ngôn ngữ, giống như việc ngày xưa chúng ta nói blời còn bây giờ thì chúng ta nói trời. Cho dù việc nói quỉ biện thành nguỵ biện có thể thực sự bắt nguồn từ một lầm lẫn, nhưng nếu nguỵ biện không làm cho người Việt hiện đại hiểu sai ý nghĩa mà nó truyền tải, thì cái sai này cũng không nhất thiết phải đính chính và cũng chưa chắc đã đính chính được, vì quyền xác lập chuẩn mực trong tiếng nói là quyền của số đông, chứ không phải bao giờ cũng là quyền của người uyên bác. Về mặt diễn đạt, tôi nhớ một ví dụ do nhà báo Quang Đạm nêu ra. Ông nổi tiếng là người cẩn trọng về chữ nghĩa và khi dạy chuyên đề báo chí cho chúng tôi, ông thường dặn, phải viết tiếng Việt cho chỉnh. Ví dụ, đừng có viết “chúng ta kiên trì giữ vững nền hoà bình” vì kiên trì trong Hán ngữ là tương đương với giữ vững trong Việt ngữ. Văn báo chí cần ngắn gọn, súc tích mà viết như thế là thừa. Nhưng tôi thấy cái thừa này cũng chấp nhận được, vì hình như tiếng Việt của ta ngày càng hình thức hoá về từ vựng và “kiên trì” ngày càng mang tính cách một trạng từ hơn là một động từ. Sự tồn tại song song cả chủ nghĩa xã hội và xã hội chủ nghĩa với sự phân biệt về loại từ (một cấu trúc mang tính cách danh từ, một cấu trúc mang tính cách tính từ) chứng minh điều đó. Vậy thì, không thể chỉ căn cứ vào gốc từ trong chữ nho, gốc cấu trúc chữ nho để làm chuẩn mực cho tiếng Việt hiện đại. Về những điều này, Nguyễn Hoà cũng đã đưa ra nhiều ví dụ với sự phân tích xác đáng[1].

Do đó, muốn hiểu và viết đúng tiếng Việt hiện đại thì cần phải tra từ điển tiếng Việt hiện đại, chứ không nhất thiết phải là tự điển Hán-Việt, nghĩa là không cần biết đến nghĩa gốc từ dạng thức viết của chữ Hán. Sở dĩ anh không hiểu được sự khác nhau giữa điểm yếu và yếu điểm là vì anh cẩu thả mà thôi. Thầy cô nào dạy văn chẳng giảng về sự khác nhau giữa hai từ đó, khi bắt gặp chúng trong bài giảng. Về mặt suy luận, ai chẳng biết hai từ ghép đó đảo trật tự các yếu tố tạo nên từ ghép mà trong tiếng Việt của ta thì trật tự là một biện pháp khu biệt ý nghĩa.

Dĩ nhiên, có những trường hợp mà nếu biết nghĩa gốc trong chữ Nho thì hiểu tiếng Việt hiện đại dễ hơn. Ví dụ, nếu biết gốc chữ Nho thì biết ngay “cộng hoà” chỉ một thể chế chính trị mà chính quyền là do phổ thông đầu phiếu bầu ra, biết “quá độ” vốn có nghĩa là bến đò và được dùng theo nghĩa bóng là một thời kỳ chuyển tiếp, biết “thực dân” không phải là “ăn dân(!)” mà là trồng dân, cấy dân. Chúng tôi nói rằng, việc biết chữ Nho chỉ giúp chúng ta dùng các từ này dễ dàng hơn chứ đó cũng không phải là bắt buộc. Chứng cớ là rất nhiều người không học lấy một chữ Nho mà viết tiếng Việt hiện đại rất chuẩn mực. Học sinh của chúng ta kém tiếng Việt, cũng như kém khả năng thực hành, ứng dụng tri thức, là do nhà trường của chúng ta đang dạy họ theo lối nhồi nhét, bắt họ nhập tâm, thừa nhận tri thức, chứ ít dạy họ suy nghĩ, tự phát hiện lại vốn tri thức được trang bị. Cho nên, họ không có thói quen tra từ điển tiếng Việt để hiểu tiếng Việt. Thêm nữa, Quốc ngữ cũng chưa hoàn chỉnh. Nhưng điều này chúng ta sẽ nói sau. Tóm lại, không phải vì chữ Nho chiếm đến 70% vốn từ vựng trong tiếng Việt hiện đại của ta mà ta cứ phải bắt con em học chữ Nho thì họ mới giỏi tiếng mẹ đẻ.

Lý do thứ tư[sửa]

Chúng ta cũng có thể căn cứ vào sự ra đời của tiếng Việt hiện đại mà bàn về việc dạy chữ Nho cho con em. Tiếng Việt hiện đại, với tư cách là một ngôn ngữ bác học, chỉ ra đời với Cách mạng. Trong bước trưởng thành vượt bậc của nó, chữ Nho là một nguồn sáng tạo từ mới. Với lý do như vậy, dạy chữ Nho là tiếp tục phát triển Việt ngữ.

Thực tế là, chính nhờ Quốc ngữ mà tiếng Việt đã có thể trở thành một tiếng nói của văn hoá và khoa học kỹ thuật hiện đại trong một thời gian rất ngắn. Khi cụ Vũ Đình Hoè, nguyên bộ trưởng Giáo dục đầu tiên của chính quyền Cách mạng, đề xuất quyết định dùng tiếng Việt làm chuyển ngữ trong giáo dục ngay từ năm 1945, cụ Hồ còn hỏi lại: “Hay đấy. Nhưng sợ có vội quá không? Các ông đã chuẩn bị đủ chưa?” [2] vì Người lo lắng về khả năng chuyển tải tri thức của Việt ngữ lúc đó. Để tiếng Việt có thể làm chuyển ngữ trong giáo dục, nó phải đủ vốn từ công cụ. Vậy thì vốn từ công cụ của tiếng Việt đã hình thành như thế nào?

Về khoa học tự nhiên, cụ Hoàng Xuân Hãn là người đã tiến hành công việc đặt thuật ngữ tiếng Việt từ trước Cách mạng, nhờ vốn Hán ngữ cổ của cụ, khi cụ làm bộ trưởng trong chính quyền của Trần Trọng Kim. Về lĩnh vực văn chương và khoa học xã hội, từ điển Hán-Việt của Đào Duy Anh (có chua tiếng Pháp), cũng xuất bản từ trước Cách mạng, đã tổng kết những công trình dịch thuật từ Nam phong và từ nhiều tờ báo Việt ngữ khác (mà với các dịch giả này thì sách báo tân học của Trung Hoa và Nhật bản đương thời lại là nguồn tham khảo), đã đưa ra những đề xuất chủ yếu. Tiếng Việt nhờ đó mà trở thành một tiếng nói của khoa học và văn hoá trên căn bản. Vốn từ công cụ này được tạo từ vốn chữ nho và trong trường hợp vốn chữ nho không đủ thì lấy từ tiếng Pháp. Hoàng Xuân Hãn và Đào Duy Anh là hai người có công lớn với tiếng Việt hiện đại.

Công việc của các cụ vẫn đang được tiếp tục. Mới đây, để xây dựng một hệ điều hành trên nền tiếng Việt cho máy tính, có xu thế dùng mặc định thay vì par défaut. Những yếu tố ngôn ngữ có gốc Hán như vậy vừa mang tính cách Việt, vừa vẫn đảm bảo tính lạ hoá của thuật ngữ mà một từ thuần Việt, hay phiên âm không có được. Do Quốc ngữ ký âm, người ta hoàn toàn có thể tạo từ mới cho tiếng Việt bằng cách phiên âm. Nhưng trong trường hợp có thể dùng yếu tố Hán cổ mà lại dùng cách phiên âm thì cách phiên âm không đại chúng hoá vốn từ vì từ phiên âm vừa lai căng, vừa chỉ dễ dàng cho những người làm tin học với tư cách chuyên gia – những người lại thường giỏi ngoại ngữ – chứ không dễ dùng cho công chúng. Do đó, có thể nói rằng, vốn chữ Nho vẫn còn hữu dụng trong công cuộc xây dựng văn hoá của chúng ta hôm nay.

Nhưng không thể căn cứ vào lý do trên đây mà đưa chương trình dạy chữ Nho vào nhà trường phổ thông, nhất là không thể chỉ căn cứ vào lớp từ công cụ trong khoa học tự nhiên. Vì hai lẽ. Một là, công cuộc sáng tạo từ mới mặc dù là công việc còn tiếp tục mãi mãi và vốn chữ Nho có thể còn hữu dụng cho công cuộc đó không chỉ ngày hôm nay, nhưng đó là công việc của các chuyên gia. Chỉ những nhà khoa học có tư tưởng mới, chỉ có các dịch giả, nhà nghiên cứu mới cần sáng tạo từ công cụ mới, chứ không phải ai cũng có nhu cầu đó. Mà với những người này thì học vấn phổ thông không phải là mặt bằng phổ biến. Hai là, để sử dụng các từ công cụ có gốc từ chữ Nho như đại số, lượng giác, hình học, thì việc biết dạng thức viết của chúng lại không cần thiết. Các từ công cụ trong khoa học tự nhiên thường chỉ mang một nghĩa duy nhất, mà với một từ có một nghĩa duy nhất thì một lần tra từ điển là xem như có thể dùng được rồi.

Như vậy, nhìn lại bốn lý do đã được viện dẫn để đề xuất việc dạy chữ Nho cho học trò phổ thông, chúng tôi chưa thấy lý do nào chỉ rõ công việc này là cấp bách. Tuy nhiên, khi xét lý do cuối cùng, chúng tôi chưa đề cập lớp từ công cụ trong khoa học xã hội. cũng như chưa xét sự tương hợp giữa vốn tri thức cổ đã đại chúng hoá và đời sống xã hội hiện đại (chính trị, kinh tế, văn hoá). Thực tế là, chữ Nho và nền văn hoá mà nó chuyên chở vừa có mặt hữu ích cho công cuộc xây dựng văn hoá hiện nay nhưng cũng vừa có thể có mặt cản trở việc chúng ta suy nghĩ về cuộc sống hôm nay. Đây là lý do vì sao chúng tôi muốn xét vốn từ có gốc chữ Nho trên nền tảng xem tiếng Việt như một công cụ tư duy trong xã hội hiện đại. Muốn sử dụng tốt một công cụ, chúng ta phải hiểu rõ về công cụ đó, nhất là với những người không có nhiều thì giờ suy nghĩ về nó như học trò phổ thông. Do đó, chúng ta cũng phải cho họ biết rằng, vốn từ có gốc chữ Nho là sản phẩm của một nền văn hoá nhất định, mang theo nó một cách nhìn thế giới và một qui tắc tư duy nhất định, mà không phải hễ chúng ta không còn biết dạng thức nguồn (dạng thức viết) của nó thì chúng ta không còn bị nó chi phối. Không nên chỉ nghĩ đến cái lợi là chúng ta có nó, mà còn phải nghĩ đến mặt trái của việc chúng ta sở hữu nó, vì nó đã, đang và sẽ còn phong toả cuộc đời chúng ta và con cháu chúng ta. Dưới góc độ này, việc dạy chữ Nho, hoặc dạy cách nhìn thế giới đi kèm với chữ Nho cho học trò phổ thông có thể phải được đặt ra.

Chú thích[sửa]

  1. Xem bài “Tôi có kiến ...” gửi ông Văn Chính, Văn nghệ trẻ, số 39 (24/ 9/ 2005)
  2. Xem Nguyễn Xuân Thìn, Cụ Vũ Đình Hoè - Bộ trưởng Giáo dục đầu tiên của nước Việt Nam mới, Văn nghệ, số 38 (17/ 9/ 2005)

Mục lục[sửa]

Tác giả và nguồn[sửa]

Liên kết đến đây