Giảng đường của thế kỷ 21

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Đổi mới phương thức giáo dục không thể đơn thuần bằng việc thay bảng đen bằng màn chiếu và soạn thảo giáo án trên máy tính thay cho viết trên giấy. Điều mà các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới đang làm không chỉ là "số hóa" các tư liệu giáo dục mà phải thay đổi phương cách truyền tải kiến thức với trọng tâm là học sinh. Đó là làm sao để học sinh chủ động tiếp thu tri thức và sử dụng nó một cách linh hoạt, hiệu quả. Trong quá trình học tập đó người học sinh cần rèn luyện và thể hiện các kỹ năng tư duy, tìm kiếm và xử lý thông tin, giao tiếp và làm việc nhóm. Với internet, bạn có thể biến lớp học của mình thành một môi trường tương tác năng động giữa giáo viên - học sinh, học sinh - học sinh và học sinh - người bên ngoài và internet.

Hãy tưởng tượng mỗi học sinh trong lớp là một kênh truyền và tiếp thu thông tin. Giáo viên truyền thống chỉ đánh giá được tỷ phần hấp thu kiến thức của học sinh thông qua các bài kiểm tra với mẫu sẵn (kiểu trắc nghiệm) hoặc bài luận. Trong mô hình này, tương tác giáo dục tương đối đơn lẻ, hành vi giáo dục của giáo viên và học sinh diễn ra cô độc (xem mô hình). Với tỷ lệ giáo viên : học sinh quá thấp, người giáo viên thường khó quan tâm, bồi dưỡng và đánh giá được tất cả mọi học sinh. Tuy nhiên khi xã hội hóa lớp học với sự tham gia của các giáo viên khác, phụ huynh, cựu học sinh và những người khác, học sinh sẽ có điều kiện tương tác thông qua thảo luận để chắt lọc thông tin, hấp thu kiến thức chọn lọc từ đó chủ động phân tích và sắp xếp kiến thức rồi (hợp tác) tái hiện nó thông qua các bài luận (xem mô hình).

Để quá trình giáo dục diễn ra hoàn hảo, người giáo viên không chỉ cần 1 trang web để đăng tải giáo án và bài giảng, hay 1 trang blog để tiếp nhận bình luận của học sinh mà BẠN cần một trang web ở đó cho phép bạn (người giáo viên), học sinh của bạn và cả xã hội tham gia một cách sáng tạo vào hoạt động giáo dục trong lớp. Nghĩa là trang web đó làm sao tối đa sự sáng tạo và cá nhân hóa đồng thời lại tạo cơ chế cho phép hợp tác giữa mọi người và đánh giá sự đóng góp của từng cá nhân. Trang web làm được điều đó tốt nhất là một trang wiki.

Điều tự hào đối với mỗi học sinh là họ có 1 trang wiki riêng của mình. Kỹ năng viết và khả năng tư duy logic của học sinh sẽ được cải thiện rất nhiều bởi họ có vô số độc giả. Độc giả của họ không chỉ là giáo viên trực tiếp mà có thể là các giáo viên khác, là phụ huynh và người thân trong gia đình, là các anh chị khóa trước hay các em khóa kế cận, là các nhà khoa học hàng đầu thế giới hay đơn giản là những bạn cùng lớp. Học sinh cảm thấy việc học của mình được quan tâm hơn và một sân học mà chơi để thể hiện bản thân, thể hiện cái Tôi không sao chép.

Với một lớp học web wiki, người giáo viên có thể sắp xếp thời gian biểu của cả lớp, phân công nhiêm vụ và bố trí các tài liệu giáo dục một cách khoa học. Bằng cách này học sinh và phụ huynh cũng dễ dàng theo dõi, sắp xếp thời gian học tập. Web hóa thời gian biểu và bài giảng cũng sẽ tiết kiệm công sức của giáo viên khi họ phải dạy nhiều lớp, hoặc các khóa khác nhau.

BẠN có thể tham khảo một thử nghiệm như vậy tại Lớp Sinh học đại cương trên Thư viện VLOS. Chúng tôi hoan nghênh tất cả giáo viên tham gia thử nghiệm mô hình giáo dục web 2.0 này và hỗ trợ tối đa (miễn phí) các bạn trong quá trình giảng dạy.

Thư viện VLOS cũng đang triển khai các tính năng hỗ trợ xây dựng mạng xã hội và web ngữ nghĩa để xây dựng lớp học của bạn với công nghệ web 3.0 của thế kỷ 21. "Hãy tự tin vào bản thân và đi đầu về công nghệ để đem lại môi trường giáo dục hiệu quả. Đó là nơi mọi người đi tìm cái tốt, cái chân lý, bằng khoa học, bằng sự đối thoại trong không khí tự do, bằng sự tự nguyện, thầy và trò bình đẳng nhau, thầy và trò tìm đến nhau." Đó là thông điệp của thư viện VLOS đối với bạn.

Những ưu điểm của 1 lớp học web 2.0[sửa]

  • Tài nguyên giáo dục: Đăng tải các ghi chép trên lớp, bài giảng điện tử, thời khóa biểu và triển lãm các bài luận xuất sắc của học sinh
  • Hoạt động nhóm: Xây dựng các chủ đề học tập theo nhóm, khuyến khích thảo luận trực tuyến và tìm kiếm kiến thức từ các nguồn khác nhau trên internet
  • Xã hội hóa giáo dục: Cho phép phụ huynh tham gia lớp học. Theo dõi lịch học và kiểm tra, quá trình học và các thành tích mà con cái họ đạt được. Kịp thời quan tâm và động viên hợp lý.
  • Giáo dục trọng tâm vào học sinh: Mỗi học sinh có một trang cá nhân để chia sẽ kết quả học tập theo cách riêng của mình.
  • Kết nối lớp học: Chia sẻ và kết nối với các lớp học khác, giữ kết nối giữa các thế hệ học sinh, tạo cơ hội hợp tác, việc làm và học bổng cho học sinh trong tương lai

Mô hình thử nghiệm[sửa]

Đối với từng cấp học, môi trường giáo dục wiki cần điều chỉnh thích ứng phù hợp với mục tiêu và vai trò của mình.

Cấp Đại học[sửa]

Sự khác biệt giữa trường đại học (ĐH) với các trường dạy nghề hay cấp phổ thông phải là “nơi có khả năng mở mang tư tưởng và nghiên cứu độc lập”. Như vậy, người sinh viên (SV) trước khi bước chân vào giảng đường ĐH phải nhận thức được triết lý là “Khoa học là cái chưa tìm được ra hết, cái không bao giờ tìm ra được trọn vẹn và chúng ta không ngừng đi tìm nó.” (Humboldt). Cũng thế, Humboldt xem giáo sư và sinh viên là những người bạn đồng hành và bình đẳng trên con đường mà mục tiêu chung là đi tìm chân lý [1]. Sinh viên phải được xem và tôn trọng như những học giả, nhà nghiên cứu tương lai. Học đại học là học nghiên cứu chứ không phải học để tiếp thu. Người sinh viên cần có đầy đủ tự do học và lựa chọn con đường truy cầu kiến thức. Thậm chí những rủi ro mà SV thu nhận được khi họ vấp ngã trên con đường nghiên cứu của chính mình còn đánh quý hơn là khi chỉ đi trên những con đường đã vạch ra của các học giả trước đó (Goethe). Trong mô hình giảng đường wiki này, các trang wiki không chỉ là nơi công bố bài luận của SV hay nội dung bài giảng của GV mà cũng là cơ sở dữ liệu tái hiện các hoạt động tư duy của SV trên con đường tìm ra chân lý của riêng mình. Một lớp học (môi trường giáo dục) wiki trực tuyến cần được chuẩn bị những điểm sau:

  • Tài liệu giảng dạy, danh mục tài liệu tham khảo, các ghi chú bài giảng (lecture notes) của GV, thời gian biểu chi tiết phải được chuẩn bị trước khi khóa học diễn ra.
  • Kết quả học tập sẽ được đánh giá thông qua 4 điểm số (điểm cuối cùng tính bằng trung bình cộng của 4 điểm): 1) bài kiểm tra vấn đáp giữa kỳ; 2) bài thuyết minh theo nhóm; 3) bài luận viết theo nhóm; 4) bài kiểm tra viết hoặc vấn đáp cuối kỳ.
  • Thời gian biểu được phân chia như sau: 1/3 thời gian là GV truyền đạt kiến thức thông qua bài giảng (hoạt động 1); 1/3 thời gian là GV hướng dẫn SV tự học, tìm kiếm và phân tích tài liệu theo nhóm trên wiki (hoạt động 2); 1/3 thời gian là SV trình bày thuyết minh và thảo luận với nhau (GV có vai trò quan sát viên và chấm điểm) và dành cho các bài kiểm tra (hoạt động 3). Ba hoạt động này cần được thiết kế đan xen để hỗ trợ cho nhau. Hai tuần đầu nên tập trung vào hoạt động 2 và thường xuyên thảo luận và nhận phản hồi của SV về mô hình giáo dục này.
  • Wiki được dùng để các nhóm SV soạn thảo bài luận; chuẩn bị các ghi chú cho bài thuyết minh; và tài liệu tham khảo cho SV trong bài kiểm tra giữa kỳ và cuối kỳ.
  • Khuyến khích việc sửa đổi trực tiếp trên wiki hơn là sử dụng wiki để công bố phiên bản cuối cùng. Bởi vì wiki có khả năng lưu trữ mọi phiên bản của một bài viết theo thời gian. Điều này giúp GV và SV có thể truy suất những ý tưởng tốt, logic mà có thể SV đã bỏ quên ở phiên bản cuối cùng.
  • Wiki cũng ghi lại chi tiết nhật trình của lớp học để đảm bảo SV không cần đến lớp vẫn có thể tham gia học tập cùng các bạn trong lớp
  • Lớp học cần được chia thành từng nhóm một cách tự nguyện (SV tự quyết định thành viên và tên nhóm). Một nhóm không quá 5 SV. Mỗi nhóm có 1 trang wiki riêng cho thảo luận nhóm. Mỗi SV cần có 1 tài khoản riêng.
  • Cần trang bị mỗi nhóm 1 máy tính có kết nối internet.
  • Các SV được tự do truy cập dữ liệu của nhau trong cùng môn học, các môn học khác nhau cũng như của SV khóa trước. Các SV được yêu cầu chú thích đầy đủ nguồn gốc các dữ liệu của mình, việc thiếu chú thích sẽ bị đánh giá là hành động gian lận.


Bạn muốn đăng ký thử nghiệm? Xin hãy ghi danh tại ĐÂY

Dạy học theo dự án[sửa]

Mô hình dạy học theo dự án dựa trên hệ thống VLOS tích hợp quản trị nội dung, hợp tác đóng góp và mạng xã hội theo C3MS (Community, Collaboration and Content Management System)

Dạy học theo dự án (project-based learning) là một mô hình dạy học lấy học viên làm trung tâm, thông qua những nhiệm vụ mang tính mở, khuyến khích học sinh tìm tòi, hiện thực hoá những kiến thức đã học trong quá trình thực hiện và tạo ra những sản phẩm của chính mình. Phương pháp này khá tương đồng và có tính bổ trợ với hình thức dạy học theo vấn đề (problem-based learning). Những đặc điểm chính của phương pháp này là:

  1. mục đích trọng tâm là giáo dục tri thức
  2. thời lượng trung bình hoặc dài (tối thiểu vài tuần cho tới 1 học kỳ)
  3. đa ngành, đa lĩnh vực (nghĩa là vấn đề giáo dục đòi hỏi phải phối hợp kiến thức của nhiều ngành học)
  4. câu hỏi dẫn dắt phải có tính thách thức và xây dựng
  5. người học làm trung tâm của hoạt động
  6. quá trình học theo nhóm yêu cầu có sự phối hợp và hợp tác qua lại
  7. liên hệ đến những vấn đề mang tính thực tiễn
  8. có thành phẩm cụ thể, có giá trị thực tiễn
  9. mang lại cơ hội rèn luyện nhiều kỹ năng sống tích cực như kỹ năng quản lý thời gian, quản trị dự án, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng hợp tác nhóm, kỹ năng tranh luận xây dựng .v.v
  10. sử dụng các công cụ có tính trực quan và công nghệ thông tin
  • Người học tiếp thu kiến thức mới một cách dễ dàng và khó quên

Trong khi tìm hiểu, tập hợp rồi chọn lọc các thông tin theo yêu cầu của dự án, do phải đọc đi đọc lại nhiều lần, người học sẽ nhớ lâu và làm chủ kiến thức, phát huy được tính tự chủ và độc lập trong công việc, có trách nhiệm trong việc làm giàu kiến thức của chính mình. Trong mô hình này, giáo viên chỉ đóng vai trò người trợ giúp không phải là người chỉ đường vạch lối.

  • Đưa bài học vào hơi thở cuộc sống

Dạy học dựa trên dự án là tạo cơ hội cho người học được áp dụng những kiến thức đã học vào thực tế cuộc sống bởi vì các dự án hoặc vấn đề được nêu ra phải xuất phát từ những nhu cầu thực tế, có tính kích thích học viên. Tính thực tế cao cũng chính là động lực để học viên chủ động và tích cực trong hoạt động học tập của mình.

  • Rèn luyện kỹ năng làm việc theo nhóm

Các thành viên cùng làm việc nhóm phải biết tổ chức phân công, chia sẻ, công việc, học hỏi lẫn nhau, hỗ trợ cho nhau, tăng cường đoàn kết, tăng cường tính kỷ luật, có trách nhiệm với tập thể. Những kỹ năng làm việc nhóm là tối cần thiết quyết định sự thành công của phương pháp dạy học này. Đây cũng là nhóm kỹ năng sống thiết yếu đối với bất kỳ cá nhân nào trong cuộc sống hiện đại.

  • Nâng cao kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin

Trong khi thực hiện dự án, người học buộc phải sử dụng vi tính, Internet để truy cập thông tin và xử lý thông tin cũng như sử dụng các công cụ hổ trợ để hoàn thiện sản phẩm trình bày lại trước tập thể và người hướng dẫn. Web 2.0 nói chung và wiki nói riêng đóng vai trò nền tảng công nghệ cho các hoạt động học tập theo dự án. Những tương tác hữu hiệu giữa các học viên với nhau và giữa học viên với giáo viên cho phép đưa mô hình học theo dự án có thể triển khai trực tuyến, vượt qua giới hạn về không gian.

  • Rèn luyện khả năng trình bày vấn đề và tư duy logic

Trong quá trình học tập theo mô hình này, học viên thường xuyên phải: 1) tìm cách trình bày vấn đề 1 cách rõ ràng và logic; 2) tư duy sáng tạo để tập trung giải quyết vấn đề phát sinh hoặc tìm lối ra cho những khó khăn; 3) bảo vệ ý kiến có tính xây dựng và truy cầu kiến thức thông qua thảo luận.

  • Kỹ năng khai thác thông tin hiệu quả và trực tiếp

Với sự phổ biến của thế giới internet, con người ngày này dường như chịu tác động khủng hoảng thừa thông tin. Thư viên không còn là nơi duy nhất để truy cầu kiến thức mà đơn giản chỉ cần một máy tính kết nối internet. Trong cuộc sống hiện đại đó, kỹ năng khai thác thông tin, định loại thông tin giúp con người có thể "tìm kim giữa một bể kim" và trở thành lợi thế cạnh tranh cũng như chìa khóa thành công trong cuộc sống và quá trình học tập.

  • Cá nhân hóa việc học

Bằng sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, người giáo viên có những công cụ để theo dõi tiến trình học của từng học viên, xây dựng mô hình tư duy đặc thù cho từng nhóm học viên. Điều này cho phép nâng cao hiệu quả của quá trình dạy và học, cũng như hỗ trợ giáo viên trong quá trình công tác. Khi những mô hình học được theo dõi và kiểm soát chặt chẽ, tỷ lệ thành công để tái áp dụng mô hình cho các trường hợp khác, môi trường khác cũng trở nên cao hơn.

Cấp THPT[sửa]

Xem thêm[sửa]

Chú thích[sửa]

  1. Kỷ yếu Đại học Humboldt 200 Năm - GS. Nguyễn Xuân Xanh

Liên kết đến đây

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này