Người Viking
Người Viking dùng để chỉ những nhà thám hiểm, thương nhân, chiến binh, hải tặc ở Bắc Âu vào thời đại đồ đá muộn, trên bán đảo Scandinavia, vùng Đan Mạch, Na Uy, Thuỵ Điển và Phần Lan ngày nay. Người ta thường nói tới những người Viking như các chiến binh lưu động trên các chiến thuyền hoặc những kẻ cướp biển, nhưng họ cũng là các nông dân và các nhà buôn giỏi. Đặc biệt họ đi biển rất giỏi, những tay cướp biển người Viking giương buồm đi khắp châu Âu và Bắc Đại Tây Dương trên những chiếc thuyền dài, đánh phá cướp bóc, xâm chiếm phần lớn các vùng đất trù phú tại châu Âu, rồi định cư tại những vùng đất chiếm được. Thời đại Viking bắt đầu khoảng cuối thế kỷ 8 và kéo dài đến giữa thế kỷ 11.[1]
Một trong những cuộc thám hiểm quân sự đầu tiền của người Viking, được ghi lại trong sử sách của người Anglo-Saxon, là cuộc đánh chiếm đảo Portland, gần quận Dorset của Anh, vào năm 787. Sau đó tháng 6 năm 793 họ lại tấn công tu viện trên đảo Lindisfarne (còn gọi là Holy Island) phía đông nước Anh. Trong 200 năm tiếp theo, lịch sử châu Âu đã tràn ngập những ghi chép về hải tặc Viking và những cuộc cướp phá của họ.
Người Viking đã xâm chiếm và thiết lập thuộc đia tại nhiều vùng đất. Họ đã từng xâm lăng vương quốc của người Anglo-Saxon và chiếm đóng phần lớn miền tây và bắc của Anh và toàn bộ Ireland, để lại nhiều ảnh hưởng tại các vùng duyên hải của Ireland và Scotland. Họ cũng đã xâm chiếm các quốc gia trên bán đảo Iberia, Pháp, vùng Baltic và Nga. Họ cũng đã thiết lập được thuộc địa các quần đảo bắc như Greenland, Iceland, Quần đảo Faroe.
Các công trình nghiên cứu khảo cổ còn cho thấy người Viking tới châu Mỹ trước nhà thám hiểm Christopher Columbus những 500 năm và đã lập những làng nhỏ dọc theo bờ biển Bắc Đại Tây Dương – một di tích của họ còn được bảo tồn tại L'Anse aux Meadows, thuộc tỉnh bang Newfoundland và Labrador của Canada.
Mục lục
Từ nguyên[sửa]
Từ viking xuất hiện lâu đời nhất, là ở trong bài thơ tiếng Anglo-Saxon cổ Widsith khoảng thế kỷ thứ 6 hoặc thứ 7[cần dẫn nguồn]. Ngoài ra, từ này cũng thấy trên tấm bia đá khắc bằng chữ rune, trên đó có khắc tên một người và hành vi của người đó khi còn sống. Nguồn gốc của từ này khá mù mờ, xuất xứ từ chữ vikingr trong tiếng Bắc Âu cổ (tiếng Anh cổ là wicing, tiếng Frisk cổ là wiking). Có thể từ này cùng ngữ tộc với từ vik hoặc vig, với nghĩa là "người cùng với thuyền tới vũng biển nhỏ" hoặc "người từ Viken" (vùng vịnh Oslo, Na Uy (theo từ điển tiếng Đan Mạch hiện đại, ấn bản lần 9, năm 1977). Từ viking cũng chỉ một hành động, ví dụ lå i viking là chiến binh đi viễn chinh bằng tàu. Trong Egil Skallagrimssons saga (truyện truyền kỳ về Egil Skallagrimsson 910-94) do tác giả vô danh viết khoảng năm 1230, có đoạn: "... og Harald, som lå i viking og sjælden var hjem" (... và Harald đi viễn chinh bằng tàu và ít khi ở nhà). Theo nhà văn kiêm sử gia Đan Mạch gốc Na Uy Ludvig Holberg thì từ Viking đồng nghĩa với kẻ cướp biển, còn theo nữ giáo sư kiêm sử gia Đan Mạch Else Roesdahl thì từ Viking trong ngôn ngữ Bắc Âu cổ nhánh phía tây, có nghĩa đại loại như "chiến binh trên biển, kẻ cướp biển, người đi biển v.v."
Từ viking không nói về mọi dân tộc Bắc Âu, nhưng chỉ nói về những người đi buôn, đi cướp biển, làm lính đánh thuê v.v. Thời đó, từ viking cũng không có nghĩa như chúng ta dùng ngày nay.
Những người Frank gọi họ là Normands (những người miền bắc), người Slav gọi họ là Rus hay Varyag, người Ả Rập gọi họ là Madjus, người Ireland gọi họ là "các người theo tà giáo" hay đơn giản là "người ngoại quốc" (gaills).
Nguồn gốc xã hội[sửa]
Những người Viking chỉ là một thành phần trong dân số các nước Bắc Âu thời đó. Theo tục lệ thì chỉ người con trưởng được thừa kế gia tài, và dường như các người con thứ phải đi nơi khác kiếm ăn. Hơn nữa việc gia tăng dân số khiến cho ruộng đất và việc làm càng ngày càng không đủ cho mọi người, nên cũng góp phần thúc đẩy những người khác phải đi ra nước ngoài. Sự thành công của các chuyến đi cướp bóc ban đầu đã khiến cho các tù trưởng ham lợi và họ đã tổ chức các chuyến hải hành cướp phá lớn hơn. Sau đó là việc thu phục nô lệ và chiếm thuộc địa.
Lý do chính trị[sửa]
Cũng có thể là các cuộc cướp phá, xâm lược của người Viking Đan Mạch phát xuất từ nguyên nhân chính trị. Một số sử gia quả quyết rằng các chuyến đi cướp phá ban đầu này trùng hợp với các cuộc nội chiến. Các chuyến đi cướp bóc ở châu Âu là để lấy của cải cung cấp cho các cuộc nội chiến giữa các bộ tộc. Điều đó cũng cho thấy là những người Viking Na Uy và Thụy Điển nói chung nghiêng về việc buôn bán và chiếm thuộc địa hơn là cướp phá như người Viking Đan Mạch.
Tôn giáo và phong tục[sửa]
Thời đó, người Viking chưa biết đến Ki-tô giáo. Niềm tin vào các vị thần trong thần thoại Bắc Âu khiến các chiến binh Viking luôn hăng say chiến đấu một mất một còn. Thần thoại Bắc Âu nhấn mạnh rằng một chiến binh đích thực thì phải chết tại trận tiền và sẽ trở thành người được cư ngụ tại Asgård (nơi các thần cư ngụ) sau khi chết, cùng với các thần khác. Một chiến binh Viking nếu chết vì tuổi già hoặc chết vì bệnh trên giường thì sẽ phải vào Hel (âm phủ tối tăm lạnh lẽo). Một chiến binh đích thực rất sợ cái chết thứ hai này, do vậy họ không sợ chiến đấu.
Các chiến binh đi biển thiện chiến[sửa]
Những người Viking nổi tiếng là các chiến binh giỏi. Điều đó do nhiều yếu tố: tàu của họ nhanh và có thể chạy xa. Với 200 chiến thuyền, họ có thể chở 5.000 quân đi một ngày được 150 hải lý (khoảng 280 km), do đó đối phương thường không kịp tập trung lực lượng để phòng thủ, đối phó. Ngoài ra họ có khả năng đổ bộ nhanh lên các bãi biển hoặc dọc theo các sông nhỏ mà không cần cảng. Các chiến thuyền snekker của họ lại nhẹ, dễ đem lên đất liền.
Người Viking giong buồm đi hầu hết Bắc Đại Tây Dương, đến tận phía nam của Bắc Phi, phía đông của Nga, Constantinopolis và Trung Đông.[2]
Võ trang[sửa]
Võ trang thông thường của người Viking là rìu, lá chắn, mũ sắt bảo vệ đầu có tấm che mũi (jernhat), áo trận với quần dài màu xám hoặc xanh dương. Chỉ những người chỉ huy mới dùng kiếm và áo giáp sắt. Mũ sắt của vua Erik Vejrhat có cắm một lá cờ nhỏ, vua Guldharald có mũ bảo vệ đầu bằng vàng. Phương tiện vận chuyển của người Viking là các chiến thuyền thon dài được trang bị buồm và có ít nhất 24 mái chèo.
Thời đại Viking[sửa]
- Xem chi tiết: Thời đại Viking
Thời đại Viking từ khoảng năm 793 tới năm 1066. Thời này được biết đến do vô số chuyến viễn chinh cướp bóc của người Viking, theo sau là các cuộc chiếm đóng với quy mô lớn. Người Viking Đan Mạch đã tàn phá, cướp bóc nước Anh, Ireland và "vương quốc Francia"; trong khi người Viking Na Uy viễn hành tới Scotland, quần đảo Orkney, quần đảo Faroe, Iceland và đảo Greenland; người Viking Thụy Điển đi về phía đông, tới Nga và tới tận đế quốc Byzantin.
Trong thời đại này, các nhóm người Viking đã đi buôn bán, cướp phá phần lớn châu Âu, tây nam châu Á và khám phá vùng Bắc Đại Tây Dương, đông bắc châu Mỹ. Ngoài việc buôn bán và cướp phá, họ cũng đánh thuê, thu phục nô lệ và cũng góp phần vào việc phát triển chế độ phong kiến ở châu Âu.
Xã hội Viking trong thời đại này chưa hình thành quốc gia, mà chỉ là các đơn vị nhỏ dưới dạng thôn làng độc lập. Việc hình thành quốc gia ở Bắc Âu thuộc thời trung cổ.
Chiến thuyền Viking[sửa]
- Xem chi tiết: Tàu Viking
Người Viking sử dụng hai loại thuyền: drakar (có nghĩa là con rồng theo tiếng Na Uy) và knarr. Drakar là chiến thuyền lớn và dài, được dùng cho mục đích chiến tranh và những cuộc thám hiểm xa, có tốc độ nhanh được thiết kế có nhiều mái chèo để hỗ trợ cho việc di chuyển trên biển và giúp tàu có thể tự vận hành mà không cần tới gió. Các chiến thuyền loại này có thân dài và hẹp, có mạn tàu phía trên thấp nhằm hỗ trợ cho việc đổ bộ lên đất liền.
Trong khi đó, loại tàu knarr có thân ngắn hơn có vận tốc thấp hơn nhưng có khả năng chuyên chở nhiều hơn so với drakar. Nó được thiết kế với thân tàu ngắn và rộng, với lòng tàu sâu. Nó không có mái chèo như loại tàu drakar.
Người ta thường coi tàu drakar là "tàu Viking", như tàu mang tính đặc trưng của người Viking. Năm 1997 các nhà khảo cổ đã tìm thấy một tàu Viking lớn với chiều dài khoảng 36 mét, chứa được khoảng 100 người. Hiện nay tại Nhà bảo tàng tàu Viking (Vikingeskibsmuseet) tại Roskilde, Đan Mạch còn lưu giữ 5 xác tàu Viking - 3 tàu drakar và 2 tàu knarr, được khai quật từ Vịnh Roskilde từ năm 1962. Năm tàu này được đặt tên là Skuldelev 1, 2, 3, 5, 6 (vì tìm thấy tại Vịnh Roskilde, bên ngoài Skuldelev). Riêng tàu Skuldelev 2 có chiều dài là 29,6 mét, được đóng tại Dublin, Ireland. Nghiên cứu về sự phát triển của thớ gỗ, người ta được biết nó được đóng bằng gỗ sồi rừng, chặt năm 1042 dường như tại khu rừng Glendalough phía nam Dublin.
Từ khoảng 2000-2004, người ta đã đóng một tàu mới đúng theo phiên bản của tàu Skuldelev 2 tại Xưởng đóng tàu Viking (bên Viện bảo tàng tàu Viking nói trên). Tàu được hạ thủy ngày 4 tháng 9 năm 2004 và được Nữ hoàng Margrethe II của Đan Mạch đặt tên là Havhingsten fra Glendaglough (con ngựa đực của biển từ Glendalough). Mùa hè năm 2006, tàu này đã làm chuyến hải hành tới đảo Læso (Đan Mạch), Lysekil (Thụy Điển) Oslo, Tønsberg, Risør và Lyngør (Na Uy).
Ngày 1 tháng 7 năm 2007, tàu Havhingsten[3] này cùng với thủy thủ đoàn 61 người đã giương buồm đi Dublin (Ireland), làm một chuyến trở về cội nguồn, từ cảng Roskilde (Đan Mạch) lúc 16 giờ. Tàu đã tới Dublin ngày 14 tháng 8 năm 2007, sau 6 tuần lễ lênh đênh trên biển cả, đúng theo dự kiến mặc dù gặp thời tiết không thuận lợi, và đã đạt được tốc độ kỷ lục là 12 knot (khoảng 20 km/giờ). Đài BBC đã làm một phim tài liệu dài 50 phút về chuyến đi lịch sử này với tựa đề Timewatch và nhiều triệu người đã theo dõi. Hiện tàu Havhingsten nằm lại qua mùa đông ở Viện bảo tàng hàng hải quốc gia Ireland. Theo dự kiến, tàu sẽ bắt đầu lên đường trở lại Đan Mạch từ ngày 29.6.2008, với một thủy thủ đoàn gồm những người Đan Mạch và người Ireland.
Ngày chúa nhật lễ Phục sinh 23.3.2008 vừa qua, tại Dublin (Ireland), viên thuyền trưởng của tàu này Carsten Hvid (người Đan Mạch) đã nhân danh thủy thủ đoàn lãnh nhận giải thưởng cao quý nhất của Ireland Cork Dry Gin International Sailing Award cho chuyến đi năm ngoái với lời khen: là một thủy thủ đoàn giỏi, đã chịu đựng được các điều kiện thời tiết khắc nghiệt, giá lạnh và vô số gió mưa suốt 6 tuần lễ hải hành.
Ngoài Viện bảo tàng tàu Viking ở Roskilde nói trên, ở Na Uy cũng có Nhà bảo tàng tàu Viking (Vikingskipshuset) tại Bygdøy (tây thành phố Oslo) có trưng bày xác 4 tàu khác là tàu Tune (được đóng khoảng từ năm 900), tàu Gokstad (đóng từ khoảng cuối thế kỷ 9), tàu Oseberg (đóng từ thế kỷ 9) và tàu Borre.
Khảo cổ học[sửa]
Các địa điểm mai táng:
- Gettlinge gravfält, Öland, Thuỵ Điển
- Jelling, Denmark, một di sản thế giới
- Oseberg, Na Uy.
- Gokstad, Na Uy.
- Borrehaugene, Horten, Na Uy
- Valsgärde, Thuỵ Điển
- Gamla Uppsala, Thuỵ Điển
- Hulterstad gravfält, gần Alby và Hulterstad, Öland, Thuỵ Điển
- Trulben, gần Hornbach, thuộc Rhineland-Palatinate, Đức
Tóm lược các sự kiện chính[sửa]
- Năm 753: thiết lập thuộc địa đầu tiên của người Viking Thụy Điển ở Nga tại Aldeigjuborg, nay là Staraya Ladoga
- Năm 789: 3 chiến thuyền Viking Na Uy tấn công đảo Portland (trên biển Manche)
- Năm 793: người Viking cướp phá tu viện ở đảo Lindisfarne (Anh)
- Năm 795: người Viking tới Ireland
- Năm 799: đột nhập lần đầu vào vùng Aquitaine (tây nam Pháp) và là cuộc tấn công đầu tiên vào vương quốc Francia
- Năm 802: đánh chiếm quần đảo Orkney, Shetland và Hebrides của Scotland
- Năm 813: đánh chiếm và đốt phá đảo Bouin (nay thuộc Nantes, Pháp)
- Năm 820: người Viking Na Uy tấn công Ireland
- Năm 833: người Viking Thụy Điển tiếp tục khai thác các tuyến đường thủy tại Nga
- Năm 834: người Viking Đan Mạch xâm chiếm và đốt phá vùng Friesland (nay thuộc Hà Lan). Người Viking Thụy Điển đi buôn tới Biển Đen
- Năm 835: người Viking Đan Mạch trú đóng phía đông Anh và tấn công phía tây Anh
- Năm 838: chiếm thành phố Amboise (bờ phía nam sông Loire, Pháp)
- Năm 839: hoàng đế Byzantine lập đội quân cận vệ gồm lính đánh thuê Viking Thụy Điển
- Năm 841: tấn công lần đầu vào Rouen, cướp phá các tu viện Jumièges, Saint-Wandrille (Pháp) và đảo Walcheren (nay thuộc Hà Lan)
- Năm 842: tấn công Quentovic ở cửa sông Canche tại Pas-de-Calais (Pháp) (theo vài nguồn khác là năm 840 hoặc 844)
- Năm 843: chiếm Nantes (Pháp). Những người Ireland nổi dậy chống người Viking Na Uy
- Năm 844: đánh phá lần đầu vùng Coruna rồi Sevilla (Tây Ban Nha), bị Ramire I và vua nhà Omeyyad Abd-al-Rahman II ở Cordoba đẩy lui.
- Năm 845: cuộc tấn công Paris lần đầu do vua Đan Mạch Regnar Lodbrog chỉ huy. Cướp phá Saintes (vùng Charente, Pháp), chiếm Tarbes (vùng Hautes-Pyrénées), Ancenis, Angers, Saumur, Chinon. Vua Charles II le Chauve phải nộp cống vật.
- Năm 846: chiếm đảo Noimoutier ở Bas-Poitou
- Năm 848: tấn công Bordeaux, cướp phá đảo Ré, Melle, Blaye, Saintes, Angoulême
- Năm 849: cướp phá Périgneux, Fronsac, Sainte Foy, Agen, Montauban, nhưng thất bại tại Tarbes.
- Năm 850: chiếm vùng cửa sông Seine và Loire. Bắt đầu tranh chấp quyền kiểm soát vùng bờ biển Ireland giữa Na Uy và Đan Mạch.
- Năm 851: cướp phá tu viện Fécamp, Blois, Orléans, Beauvais. Lần đầu ở lại mùa đông trên đất Pháp.
- Năm 852: cướp phá Angers và Tours
- Năm 853: lại cướp phá Nantes, Angers và Tours. Lập nhiều thành phố ở Ireland, trong đó có Dublin, Cork và Limerick.
- Năm 854: đánh nhau tại đảo Bethia (nay là đảo Botty ở Bougenais, cửa sông Loire). Đốt phá Lucon (Vendée)
- Năm 856: cướp phá các tu viện ở Normandie và Ile de France, chiếm Orléans (ngày 18 tháng 8) và tấn công Paris lần thứ hai vào mùa đông.
- Năm 857: cướp phá Touraine, Poitiers phải trả tiền chuộc.
- Năm 858: nhiều cuộc tấn công vùng bờ biển bán đảo Iberia: Coruna, Sevilla, Córdoba, Cadiz, Málaga, Almeria, Aguilas, quần đảo Baleares, Algesiras, Murcia (Tây Ban Nha), Porto, 13 ngày cướp phá Lisboa, (Bồ Đào Nha) và Nacor (châu Phi).
- Năm 859: cướp phá vùng Somme, Narbonne, Agde, Arles, Marseille (Pháp), Tarragona, Barcelona (Tây Ban Nha) và Luna (Ý).
- Năm 860: tấn công lần đầu Constantinople (nay là Istanbul Thổ Nhĩ Kỳ) và Romans, Isère, Valence (Pháp)
- Năm 861: người Viking Đan Mạch chiếm Winchester (thủ đô của Wessex Anh). Tấn công Paris lần thứ ba
- Năm 862: người Viking Thụy Điển dưới quyền Rurik chiếm đóng Novgorod, lập nên nước Nga đầu tiên
- Năm 863: ngược sông Rhin cướp Angoulême tới tận Limoges, Périgneux, Poitiers.
- Năm 864: cướp phá ngược sông Garonne (Pháp)
- Năm 865: nước Anh nộp cống vật lần đầu cho Skoglar Toste, người Viking Thụy Điển. Tấn công Paris lần thứ tư, cướp phá Orléans, Poitiers, tu viện Fleury. Định cướp phá Le Mans nhưng bị người Frank đánh bại.
- Năm 866: nước Pháp nộp cống vật. Người Frank đánh bại Hasting tại trận Brissarthe ngày 15 tháng 9)
- Năm 869: vua Charles le Chauve cho xây cầu và pháo đài đầu cầu, chống chiến thuyền Viking.
- Năm 872: cướp phá từ Reims tới Cambrai (Pháp)
- Năm 874: Người Viking Na Uy Ingólf Arnarsson tới định cư tại Reykjavik (Iceland)
- Năm 879: người Viking Thụy Điển chiếm Kiev (nay là thủ đô Ukraina). Vua Pháp Carloman II đánh bại tù trưởng Viking Hasting.
- Năm 881: vua Louis III của Pháp thắng người Viking tại Saucourt-en-Vimeu
- Năm 882: tù trưởng Viking Hasting chấp nhận làm bá tước Chartres
- Năm 885: người Viking chiếm Rouen, vây hãm Paris lần thứ năm. Pháp nộp cống vật 350 kg bạc.
- Năm 886: bá tước Paris Eudes I của Pháp kháng chiến, khi người Viking vây hãm Paris gần 90 ngày.
- Năm 888: tấn công Dijon và Beaune
- Năm 889: vây Saint-Lô, tàn sát dân.
- Năm 890: vua Eudes vây Amiens do người Viking chiếm, nhưng thất bại.
- Năm 898: Richard II đẩy lui người Viking tại Bourgogne
- Năm 900: người Viking Đan Mạch chiếm đóng vùng bờ biển Neustrie (bắc Pháp). Nhiều cuộc đánh phá vùng bờ biển Địa Trung Hải
- Năm 901: người Viking Na Uy Gunnbjorn phát hiện đảo Greenland
- Năm 907: tấn công Constantinople lần thứ hai
- Năm 911: vua Charles III ký Hiệp ước Saint-Clair-sur-Epte (11 tháng 7) nhượng cho tù trưởng Viking Đan Mạch Rollo vùng Neustrie, đổi lấy việc Rollo bảo vệ vương quốc Francia chống lại những người Viking khác. Tấn công Constantinople lần thứ ba
- Năm 919: Rögnvaldr (Ragenold) chiếm Nantes, vây thành phố Guérande
- Năm 921: công tước Robert của Pháp định chiếm lại Nantes, nhưng thất bại
- Năm 924: vua Raoul I của Pháp nhượng Hiémois và Bessin cho Rollo
- Năm 927: người Francs lại vây hãm Nantes trong tay Viking, nhưng vẫn thất bại
- Năm 933: vua Raoul lại phải nhượng Avranchin và Cotentin cho Rollo
- Năm 941: tấn công Constantinople lần 4
- Năm 942: vua Raoul cho ám sát Vilhelm I (con của Rollo)
- Năm 945: vua Louis IV bại trận ở sông Dives. Richard I (con của Vilhelm I) thống trị xứ Normandie. Tấn công Constantinople lần 5
- Năm 968: tấn công vùng bờ biển Galicia (Tây Ban Nha)
- Năm 970: vây Santiago de Compostela (Tây Ban Nha)
- Năm 971: tấn công Constantinople lần 6
- Năm 972: người Na Uy Eirik Raude vào Greenland
- Năm 986: Người Viking định cư tại Iceland Bjarne Herjulvsson phát hiện ra Bắc Mỹ
- Năm 991: người Viking Đan Mạch bắt đầu đòi cái gọi là Danegæld (món nợ người Đan)
- Năm 1000: người Na Uy Leiv Eiriksson vào vùng Bắc Mỹ
- Năm 1002: vua Anh Ethelred the Unready tàn sát người Viking Đan Mạch trong ngày lễ kính thánh Bricius (13.11), trong đó giết chết Gunhild Harald em gái của Svend râu ngạnh (Svend Tveskæg), khiến sau này Svend râu ngạnh đánh chiếm Anh. Brian Boru lên làm vua Ireland
- Năm 1013: vua Đan Mạch Svend râu ngạnh đánh chiếm và lên làm vua nước Anh. Người Na Uy Olav Haraldsson đánh phá vùng cửa sông Loire
- Năm 1017: vua Ireland Brian Boru thắng người Viking trong trận Clontarf, chấm dứt việc người Viking chiếm đóng Ireland từ 150 năm trước. Olav Haraldsson viễn chinh sang Galicia (Tây Ban Nha)
- Năm 1015: người Viking lìa bỏ Vinland (Newfoundland, Canada). Người Viking tàn phá vùng cửa sông Duero (Tây Ban Nha) 9 tháng
- Năm 1016: vua Đan Mạch Knude Đại đế (Knude den Store, tiếng Anh: Canute the Great) lên làm vua Anh. Sau khi đánh bại được vua Anh Edmund Ironside.
- Năm 1017: đánh phá lần chót vùng bờ biển Pháp tại Saint-Michel-en-l'Herm
- Năm 1043: người Viking đánh bại quân Byzantin tại Puglia (nam Ý) và chiếm vùng này. Tấn công lần chót Constantinople.
- Năm 1061: người Viking ở Normandie do Robert Guiscard lãnh đạo đánh bại người Hồi giáo tại Messia (Ý) và chiếm đảo Sicilia (Ý)
- Năm 1066: vua Na Uy Harald III của Na Uy (Harald Hardråde) dẫn 300 chiến thuyền và 9.000 ngưòi mưu toan chiếm Anh, nhưng bị vua Anh Harold Godwinson đánh bại tại trận Stamford Bridge.
- Năm 1066: Công tước Normandie Vilhelm người chinh phục (William the Conqueror) chinh phục nước Anh và chiến thắng trong trận quyết định Hastings (ngày 14.10), 2 tuần lễ sau thất bại của vua Na Uy Harald III
- Năm 1072: người Viking ở Normandie, dưới quyền Robert Guiscard chiếm phần lớn nước Ý byzantin
- Năm 1081: người Viking ở Normandie xâm lấn vùng Balkans
- Năm 1185:người Viking ở Normandie từ đảo Sicilia (Ý) lại xâm lấn Balkans và Thessalonica (nay thuộc Hy lạp)
- Năm 1204: đội vệ binh Viking Thụy Điển bảo vệ Constantinople giải tán, sau khi quân Thập tự chinh lần 4 chiếm thành phố này.
Những người Viking nổi tiếng[sửa]
- Rollo, công tước vùng Normandie (Pháp)
- Rurik, người Thụy Điển, thiết lập công quốc Novgorod, cái nôi của nước Nga sau này
- Eirik Raude, người Viking đầu tiên đặt chân lên đảo Greenland năm 982
- Leif Erikson đã tới Helluland khoảng năm 1000 (nay có lẽ là đảo Baffin) Markland (nay là Labrador) và Vinland (nay là l'Anse aux Meadows, Canada)
- Harald Răng xanh (Harald Blåtand) thống nhất Đan Mạch và hợp nhất với Na Uy
- Gardar Svarvarsson, người Thụy Điển, đặt chân lên Iceland đầu tiên
- Ivar Ragnarsson (Ivar Benløse), chiếm York (Bắc Anh)
- Oleg af Novgorod, dời thủ đô từ Novgorod sang Kiev và tấn công Constantinople
- Ragnar Lothbrok (http://en.wikipedia.org/wiki/Ragnar_Lodbrok), cướp phá Paris năm 845
- Svend Râu ngạnh (Svend Tveskæg) chiếm và làm vua Anh
- Knude đại đế (Knude den Store) làm vua Anh, Đan Mạch và Na Uy
Xem thêm[sửa]
Chú thích[sửa]
- ↑ Roesdahl, pp. 9–22.
- ↑ “Los vikingos en Al-Andalus (abstract available in English)”. Jesús Riosalido (1997). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Return of Dublin's Viking Warship. Retrieved ngày 14 tháng 11 năm 2007.
Đọc thêm[sửa]
- Askeberg, Fritz, 1944: Norden och kontinenten i gammal tid. Studier i forngermansk kulturhistoria. Uppsala: Almqvist & Wiksell.
- Downham, Clare, Viking Kings of Britain and Ireland: The Dynasty of Ívarr to AD 1014. Dunedin Academic Press, 2007. ISBN 9781-903765-89-0
- Fitzhugh, William W., and Ward, Elisabeth I., Vikings: The North Atlantic Saga. Smithsonian Institution Press, 2000. ISBN 9781560989950
- Hadley, D.M., The Vikings in England: Settlement, Society and Culture. Manchester University Press, 2006. ISBN 0-7190-5982-8
- Hall, Richard, Exploring the World of the Vikings. Thames and Hudson, 2007. ISBN 978-0-500-05144-3
- Hall, Richard, Viking Age Archaeology (series Shire Studies), 2010. ISBN 978-0-7478-0063-7
- Heide, Eldar, 2005: «Víking - 'rower shifting'? An etymological contribution». Arkiv för nordisk filologi 120. 41–54.
- Heide, Eldar, 2008: «Viking, week, and Widsith. A reply to Harald Bjorvand». Arkiv för nordisk filologi 123. 23–28.
- Lindqvist, Thomas, 'Early Political Organisation: (a) An Introductory Survey', in The Cambridge History of Scandinavia: Prehistory to 1520, ed. Knut Helle. Cambridge University Press, 2003. ISBN 0-521-47299-7. pp. 160–67.
- Roesdahl, Else. The Vikings. Penguin, 1998. ISBN 0-14-025282-7
- Sawyer, Peter, The Age of the Vikings (second edition) Palgrave Macmillan, 1972. ISBN 0-312-01365-5
- Williams, Gareth, 'Kingship, Christianity and coinage: monetary and political perspectives on silver economy in the Viking Age', in Silver Economy in the Viking Age, ed. James Graham-Campbell and Gareth WIlliams, pp. 177–214; ISBN 978-1-59874-222-0
- Fitzhugh, William W., and Ward, Elisabeth I., Vikings: The North Atlantic Saga. Smithsonian Institution Press, 2000. ISBN 9781560989950
- Hadley, D.M., The Vikings in England: Settlement, Society and Culture. Manchester University Press, 2006. ISBN 0-7190-5982-8
- Hall, Richard, Exploring the World of the Vikings. Thames and Hudson, 2007. ISBN 978-0-500-05144-3
- Hall, Richard, Viking Age Archaeology (series Shire Studies), 2010. ISBN 978-0-7478-0063-7
- Heide, Eldar, 2005: «Víking - 'rower shifting'? An etymological contribution». Arkiv för nordisk filologi 120. 41–54.
- Heide, Eldar, 2008: «Viking, week, and Widsith. A reply to Harald Bjorvand». Arkiv för nordisk filologi 123. 23–28.
- Hadley, D.M., The Vikings in England: Settlement, Society and Culture. Manchester University Press, 2006. ISBN 0-7190-5982-8
- Hall, Richard, Exploring the World of the Vikings. Thames and Hudson, 2007. ISBN 978-0-500-05144-3
- Hall, Richard, Viking Age Archaeology (series Shire Studies), 2010. ISBN 978-0-7478-0063-7
- Heide, Eldar, 2005: «Víking - 'rower shifting'? An etymological contribution». Arkiv för nordisk filologi 120. 41–54.
- Heide, Eldar, 2008: «Viking, week, and Widsith. A reply to Harald Bjorvand». Arkiv för nordisk filologi 123. 23–28.
- Lindqvist, Thomas, 'Early Political Organisation: (a) An Introductory Survey', in The Cambridge History of Scandinavia: Prehistory to 1520, ed. Knut Helle. Cambridge University Press, 2003. ISBN 0-521-47299-7. pp. 160–67.
- Hadley, D.M., The Vikings in England: Settlement, Society and Culture. Manchester University Press, 2006. ISBN 0-7190-5982-8
- Hall, Richard, Exploring the World of the Vikings. Thames and Hudson, 2007. ISBN 978-0-500-05144-3
- Hall, Richard, Viking Age Archaeology (series Shire Studies), 2010. ISBN 978-0-7478-0063-7
- Heide, Eldar, 2005: «Víking - 'rower shifting'? An etymological contribution». Arkiv för nordisk filologi 120. 41–54.
Liên kết ngoài[sửa]
- BBC: History of Vikings
- Encyclopedia Britannica: Viking, or Norseman, or Northman, or Varangian (people)
- Borg Viking museum, Norway
- Ibn Fadlan and the Rusiyyah, by James E. Montgomery, with full translation of Ibn Fadlan
- Reassessing what we collect website – Viking and Danish London History of Viking and Danish London with objects and images
- The Viking Answer Lady Webpage
- The Viking Rune: All Things Norse and Germanic
- Viking Landscape Magazine: Archaeology film clips and news relating to Viking Sites