Vincent van Gogh

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Vincent Willem van Gogh (; 30 tháng 3 năm 185329 tháng 7 năm 1890) là một danh hoạ Hà Lan thuộc trường phái hậu ấn tượng[1]. Nhiều bức tranh của ông nằm trong số những tác phẩm nổi tiếng nhất, được yêu thích nhất và cũng đắt nhất trên thế giới. Van Gogh là nghệ sĩ tiên phong của trường phái biểu hiện và có ảnh hưởng rất lớn tới mỹ thuật hiện đại, đặc biệt là tới trường phái dã thú (Fauvism) và trường phái biểu hiện tại Đức.

Thời thanh niên, Van Gogh làm việc trong một công ty buôn bán tranh, sau đó là giáo viên và nhà truyền giáo tại một vùng mỏ nghèo. Ông thực sự trở thành họa sĩ từ năm 1880 khi đã 27 tuổi. Thoạt đầu, Van Gogh chỉ sử dụng các gam màu tối, chỉ đến khi được tiếp xúc với trường phái ấn tượng (Impressionism) và Tân ấn tượng (Neo-Impressionism) ở Paris, ông mới bắt đầu thay đổi phong cách vẽ của mình. Trong thời gian ở Arles miền Nam nước Pháp, Van Gogh kết hợp các màu sắc tươi sáng của hai chủ nghĩa này với phong cách vẽ của mình để tạo nên các bức tranh có phong cách rất riêng. Chỉ trong 10 năm cuối đời, họa sĩ đã sáng tác hơn 2000 tác phẩm, trong đó có khoảng 900 bức họa hoàn chỉnh và 1100 bức vẽ hoặc phác thảo. Phần lớn các tác phẩm nổi tiếng nhất của Van Gogh được sáng tác vào hai năm cuối đời, thời gian ông lâm vào khủng hoảng tinh thần tới mức tự cắt bên tai trái vì tình bạn tan vỡ với họa sĩ Paul Gauguin. Sau đó Van Gogh liên tục phải chịu đựng các cơn suy nhược thần kinh và cuối cùng ông đã tự kết liễu đời mình.

Người quan trọng nhất trong cuộc đời Van Gogh là em trai ông, Theodorus van Gogh, người đã luôn lo lắng và hỗ trợ tài chính cho Van Gogh. Tình anh em giữa Vincent và Theo đã được ghi lại qua rất nhiều lá thư họ trao đổi kể từ tháng 8 năm 1872.

Tiểu sử[sửa]

Thời niên thiếu (1853-1869)[sửa]

Tập tin:Famille van Gogh.JPG
Đại gia đình nhà van Gogh
Hàng trên: Theodorus và Anna Cornelia van Gogh
Hàng dưới (từ trái qua): Vincent Willem, Anna Cornelia, Theo, Elisabetha Huberta, Willemina Jacoba và Cornelius Vincent

Vincent van Gogh sinh năm 1853 tại Groot-Zundert, một làng nhỏ gần thành phố Breda thuộc tỉnh Bắc Brabant phía Nam Hà Lan[2]. Ông là con trai của bà Anna Cornelia Carbentus và ông Theodorus van Gogh, một giáo sĩ của Giáo hội cải cách Hà Lan. Van Gogh được đặt tên giống với ông nội và người anh cả đã chết non trước đó một năm. Có ý kiến[3] cho rằng việc có tên trùng với tên người anh chết sớm đã có ảnh hưởng tâm lý sâu sắc tới người họa sĩ trẻ và những tác phẩm của ông, tiêu biểu là các bức chân dung hai người đàn ông. Thực ra thì việc sử dụng tên Vincent là phổ biến trong dòng họ Van Gogh, ông nội của họa sĩ cũng tên là Vincent van Gogh (1789-1874), một người tốt nghiệp khoa thần học tại Đại học Leiden và có sáu người con, trong đó ba người làm nghề buôn bán tranh, bao gồm một Vincent khác, người thường được nhắc đến trong các bức thư của Van Gogh như là "chú Cent". Dòng họ Van Gogh vốn là một dòng họ chuyên hành nghề buôn bán tranh hoặc làm các công việc có liên quan đến nghệ thuật.

Khi Van Gogh lên bốn thì người em trai của ông, Theodorus (Theo) ra đời ngày 1 tháng 5 năm 1857. Ông còn có một người em trai khác là Cor và ba người em gái là Elizabeth, Anna và Wil. Khi còn bé, Van Gogh là một đứa trẻ trầm tính, ít nói và sâu sắc. Năm 1860 ông theo học ở trường làng Zundert đến năm 1861 thì bắt đầu học ở nhà cùng em gái Anna dưới sự hướng dẫn của một nữ gia sư. Năm 1864, Van Gogh lên Zevenbergen để vào học tại một trường nội trú, ông cảm thấy rất đau khổ vì phải xa gia đình và vẫn còn nhắc đến nỗi buồn này kể cả khi đã trưởng thành. Ngày 15 tháng 9 năm 1866, Van Gogh vào học tại trường Willem II College tại thành phố Tilburg, tại đây ông được học vẽ dưới sự hướng dẫn của Constantijn C. Huysmans, một họa sĩ đã có đôi chút thành công ở Paris. Tháng 3 năm 1868, Van Gogh bất ngờ bỏ học để quay về nhà. Về sau ông nhắc lại thời niên thiếu của mình như một giai đoạn u tối, lạnh lẽo và cằn cỗi[4].

Buôn bán tranh và truyền giáo (1869-1878)[sửa]

Tháng 7 năm 1869, ở tuổi 15, Van Gogh bắt đầu nghề buôn bán tranh tại công ty Goupil & Cie Den Haag, đến tháng 6 năm 1873 ông được phái đến London. Trong thời gian ở thành phố này ông trọ tại số 87 đường Hackford, Brixton[5]. Đây là thời gian vui vẻ của Van Gogh khi ông thành công trong việc buôn bán và đã có thể kiếm nhiều tiền hơn cha mình dù mới ở tuổi 20, vợ của Theo sau này đã nhận xét rằng đây có lẽ là giai đoạn hạnh phúc nhất trong cuộc đời Vincent[6]. Ông còn có tình cảm với cô Eugénie Loyer, con gái của bà chủ nhà trọ[6] nhưng khi Van Gogh bày tỏ tình cảm với cô thì lại bị Eugénie từ chối với lí do cô đã hẹn hò với một người khác. Vincent van Gogh bắt đầu trở nên cô độc và sùng đạo.

Sau khi được bố và chú gửi đến Paris, Van Gogh bắt đầu biểu lộ sự không hài lòng với việc coi nghệ thuật chỉ là những món hàng và bộc lộ quan điểm của mình với khách hàng. Vì thế đến ngày 1 tháng 4 năm 1876, Van Gogh quyết định chấm dứt công việc buôn bán tranh.

Tình cảm tôn giáo của Van Gogh bắt đầu phát triển tới mức ông nghĩ rằng mình đã tìm được thiên hướng thực sự cho cuộc đời, ông trở lại Anh làm việc không công, đầu tiên là giáo viên thay thế tại một trường nội trú nhỏ nhìn ra cảng Ramsgate nơi ông đã thực hiện vài bức ký họa. Sau khi ngôi trường chuyển về Isleworth, Middlesex, Vincent cũng chuyển đi cùng nhưng rồi nhanh chóng bỏ nghề giáo viên để trở thành trợ tá cho một giáo sĩ của Phong trào Giám Lý với mục đích đưa sách phúc âm đến khắp nơi.

Vào Giáng sinh năm 1876, Van Gogh trở về nhà và làm việc cho một hiệu sách ở Dordrecht trong vòng sáu tháng, ông dành phần lớn thời gian để vẽ nguệch ngoạc hoặc dịch Kinh thánh sang tiếng Anh, tiếng Pháp tiếng Đức[7]. Bạn cùng phòng của Vincent trong thời kỳ này là một giáo viên trẻ tên là Görlitz, ông này về sau đã nhận xét rằng Vincent ăn uống rất đạm bạc và thường thích ăn chay[8]. Trong một cố gắng giúp đỡ nguyện vọng trở thành mục sư của Van Gogh, gia đình ông gửi Van Gogh tới Amsterdam tháng 5 năm 1877. Tại thành phố này ông sống cùng người chú Jan van Gogh, một phó đô đốc hải quân[9], và học ôn để thi vào khoa Thần học dưới sự hướng dẫn của Johannes Stricker, một nhà thần học có tiếng tăm. Tuy vậy Vincent vẫn trượt kì thi đầu vào và ông rời khỏi nhà chú Jan tháng 7 năm 1878 để học một khóa ba tháng tại trường truyền giáo đạo Tin Lành (Vlaamsche Opleidingsschool) tại Laeken, gần Brussels.

Borinage và Brussels (1879-1880)[sửa]

Tập tin:Cuesmes JPG001.jpg
Ngôi nhà nơi Van Gogh sống trong thời gian ở Cuesmes năm 1880, tại nơi đây Van Gogh đã quyết định trở thành một họa sĩ

Tháng 1 năm 1879, Van Gogh được giao chức vụ người truyền giáo tạm thời tại một làng ở Petit Wasmes[10][11] thuộc vùng mỏ than Borinage của Bỉ với nhiệm vụ đem lại niềm tin tôn giáo cho những người có lẽ là bất hạnh và tuyệt vọng nhất châu Âu. Vincent đã lựa chọn cuộc sống giống như những con chiên của ông để chia sẻ sự khó khăn với họ, ông ngủ trên chiếc nệm rơm trong một túp lều nhỏ phía sau căn nhà của người làm bánh mỳ đã cho ông tá túc[6]. Tuy vậy những người quản lý giáo phận cuối cùng lại thải hồi ông vì lý do "hạ thấp phẩm cách của một giáo sĩ" vì đã chọn cách sống nghèo khổ như vậy.

Van Gogh chuyển về Brussels rồi lại đến làng Cuesmes ở Borinage trước khi phải quay về "nhà" ở Etten dưới sức ép của gia đình. Ông ở đây cho đến tháng 3 năm 1880. Trong thời gian này nhiều mâu thuẫn đã nảy sinh giữa Vincent và cha, cha của họa sĩ thậm chí còn yêu cầu ông phải vào một nhà thương điên[12] tại Geel[13]. Cuối cùng Vincent phải trốn về Cuesmes nơi ông trọ trong gia đình người thợ mỏ Charles Decrucq[14] cho đến tháng 10. Càng ngày ông càng cảm thấy hứng thú với những con người bình thường và cảnh vật xung quanh mình và bắt đầu ghi lại những hình ảnh đó bằng những bức vẽ.

Năm 1880, theo đề nghị của người em trai Theo, Vincent bắt đầu theo nghiệp hội họa một cách nghiêm chỉnh. Mùa thu năm 1880, ông đến Bruxelles để theo học họa sĩ Hà Lan nổi tiếng Willem Roelofs, người đã thuyết phục Van Gogh thi vào Trường mỹ thuật Hoàng gia. Tại đó họa sĩ không chỉ được học về giải phẫu, mà còn biết thêm những quy tắc chuẩn trong việc dựng hình và phối cảnh.

Sự nghiệp[sửa]

Etten (1881)[sửa]

Tháng 4 năm 1881, Van Gogh tới sống tại vùng đồng quê cùng gia đình ở Etten và tiếp tục vẽ, ông thường lấy những người hàng xóm làm mẫu cho mình. Trong suốt mùa hè, họa sĩ dành phần lớn thời gian đi dạo và nói chuyện với người chị họ Kee Vos-Stricker và Johannes Stricker[9]. Kee hơn Vincent bảy tuổi và đã có một đứa con trai tám tuổi, tuy vậy ông vẫn tìm cách cầu hôn và bị từ chối thẳng thừng: "Không, không bao giờ, không bao giờ" (tiếng Hà Lan: niet, nooit, nimmer)[15]. Cuối năm 1881 ông đến Amsterdam để xin gặp Kee nhưng một lần nữa bị từ chối[16]. Trong tuyệt vọng, người họa sĩ đã giơ bàn tay trái hơ lên ngọn lửa đèn và nói: "Hãy cho tôi nhìn thấy cô ấy chỉ trong thời gian tôi có thể để tay trên ngọn lửa này"[16]. Bố của Van Gogh và cả Stricker phản đối quyết liệt ý định cưới Kee của ông và quyết định cắt trợ giúp tài chính. Đến Giáng sinh thì họa sĩ quyết định rời nhà đi Den Haag[17].

Drenthe và Den Haag (1882–1883)[sửa]

Tập tin:Vincent Willem van Gogh 016.jpg
Nhìn từ ban công ở Den Haag, màu nước

Tháng 1 năm 1882, Van Gogh đến Den Haag và sống với người họ hàng Anton Mauve, một họa sĩ và cũng là người khuyến khích Vincent tiếp tục nghề vẽ. Tuy vậy quan hệ của hai người nhanh chóng trở nên lạnh nhạt, có lẽ vì Mauve phát hiện ra việc Vincent đi lại như vợ chồng với một cô gái điếm nghiện rượu tên là Clasina Maria Hoornik (thường được biết đến với tên Sien)[7]. Sien đã có một đứa con gái 5 tuổi và cô ta cũng đang mang thai trong lúc làm quen với Vincent. Ngày 2 tháng 7, Sien sinh thêm một bé trai lấy tên là Willem. Khi cha của Van Gogh phát hiện ra mối quan hệ này, ông đã liên tục gây sức ép buộc con mình phải bỏ cô gái điếm và hai con của cô ta. Tuy vậy họa sĩ vẫn tiếp tục sống với Sien.

Một người chú khác của Van Gogh là Cornelis, cũng là một nhà buôn tranh, đã đặt hàng họa sĩ 20 bức vẽ mực về Den Haag, chúng được hoàn thành vào cuối tháng 5[18]. Tháng 6 năm 1883, Van Gogh phải nằm viện ba tuần vì mắc bệnh lậu[19]. Đến mùa hè, họa sĩ bắt đầu sáng tác bằng sơn dầu.

Mùa thu năm 1883, sau một năm chung sống với Sien, Van Gogh bỏ cô và hai đứa trẻ. Có thể vì thiếu tiền nên Sien buộc phải quay trở lại nghề mãi dâm, cuộc sống của hai người trở nên ít hạnh phúc hơn và Vincent cảm thấy nó không thể phù hợp cho sự phát triển về mặt nghệ thuật của mình. Sau khi ông bỏ đi, Sien trao đứa con gái cho mẹ cô, còn cậu bé Willem được gửi cho anh trai Sien, còn bản thân cô rời đến Delft và sau đó là Antwerp[6]. Sau này, Willem còn nhớ được rằng trong lần cậu được thăm mẹ ở Rotterdam năm lên 12 tuổi, khi bác của cậu cố khuyên Sien lấy chồng để Willem có cha, mẹ cậu đã trả lời rằng: "Nhưng em biết cha của nó là ai. Cha của nó là một họa sĩ em từng chung sống cách đây gần 20 năm ở Den Haag. Tên anh ấy là Van Gogh"[6]. Năm 1904 Sien gieo mình xuống sông Scheldt tự vẫn[6].

Sau khi rời Den Haag, Van Gogh chuyển tới tỉnh Drenthe ở phía Bắc Hà Lan, ông sống một mình ở đây đến tháng 12 thì chuyển về sống với bố mẹ lúc này đang ở Nuenen, Bắc Brabant.

Nuenen (1883–1885)[sửa]

Tại Nuenen, Van Gogh tập trung hết sức lực vào việc sáng tác. Mùa thu năm 1884, con một người hàng xóm của họa sĩ là Margot Begemann, một cô gái hơn Vincent tới 10 tuổi, đã phải lòng ông và Vincent cũng đáp lại tình cảm này. Hai người đã hứa hôn với nhau nhưng chịu sự phản đối của cả hai gia đình. Sau đó Margot cố tự tử bằng strychnine và Van Gogh phải vội đưa cô đến bệnh viện[6].

Ngày 26 tháng 3 năm 1885, cha của Van Gogh qua đời sau một cơn đột quỵ, cái chết này đã gây ra nỗi buồn sâu sắc trong lòng họa sĩ. Cùng lúc đó, giới nghệ thuật ở Paris lần đầu tiên đã quan tâm tới các tác phẩm của Van Gogh, và chính họa sĩ trong mùa xuân năm 1885 đã hoàn thành tác phẩm được coi là sáng tác chính đầu tay của ông, bức Những người ăn khoai (tiếng Hà Lan: De Aardappeleters). Tháng 8 cùng năm, các tác phẩm của Van Gogh lần đầu tiên được triển lãm tại Den Haag. Tháng 9, họa sĩ bị buộc tội đã làm một trong những mẫu của mình có thai, và mặc dù về sau người này đã thừa nhận cha của đứa trẻ không phải là Van Gogh[6] nhưng vị giáo sĩ của làng đã cấm dân làng không được tiếp tục làm mẫu cho Van Gogh.

Trong thời gian ở Nuenen, màu sắc ưa thích của Van Gogh là các tông màu đất, đặc biệt là màu nâu tối, ông không cho thấy sự phát triển cách dùng màu tươi sáng, phong cách xuất hiện ở các tác phẩm xuất sắc nhất của ông sau này. Khi Vincent phàn nàn với Theo khi cho rằng em trai đã không làm hết sức để có thể bán tranh của mình ở Paris, Theo đã trả lời rằng các tác phẩm của Van Gogh quá u tối và nằm ngoài phong cách phổ biến thời đó là các bức họa tươi vui của các họa sĩ theo trường phái Ấn tượng. Làm việc hai năm ở Nueen, họa sĩ đã sáng tác rất nhiều bức vẽ và màu nước, ngoài ra còn có gần 200 bức họa hoàn chỉnh.

Antwerp (1885–1886)[sửa]

Tháng 11 năm 1885 Van Gogh chuyển tới Antwerp và thuê một căn buồng nhỏ phía trên một cửa hiệu bán tranh ở phố Rue des Images[7]. Họa sĩ có rất ít tiền và ăn uống đạm bạc, ông dành phần lớn số tiền Theo gửi cho để mua vật liệu sáng tác và trả tiền cho người mẫu. Bánh mỳ, cà phê và thuốc lá là những thứ Vincent dùng thường xuyên nhất. Tháng 2 năm 1886, Van Gogh viết thư cho Theo kể lại chuyện ông nhớ mình được ăn thịt nóng lần cuối là từ tháng 5 năm trước đó và hàm răng của họa sĩ bắt đầu yếu dần gây ra nhiều đau đớn[7].

Ngoài thời gian sáng tác, Van Gogh nghiên cứu thêm về lý thuyết màu sắc và đi chiêm ngưỡng các tác phẩm tại bảo tàng thành phố, đặc biệt là các bức tranh của Peter Paul Rubens, những tác phẩm đã khích lệ họa sĩ trong việc dùng các màu sắc tươi sáng hơn như màu son, màu xanh cô ban và màu xanh lục. Ông cũng mua một số bức tranh khắc gỗ của Nhật Bản (Ukiyo-e) và sử dụng nó làm nền cho một số tác phẩm của mình[20]. Trong thời gian này ông cũng bắt đầu nghiện rượu absinthe[7] và còn phải chữa bệnh (rất có thể là giang mai[6][21]) dưới sự điều trị của bác sĩ Cavenaile.

Tháng 1 năm 1886, Van Gogh trúng tuyển vào Trường Mỹ thuật Antwerp (École des Beaux-Arts d'Anvers). Trong phần lớn tháng 2 họa sĩ bị ốm, phần lớn là do lao lực, ăn uống kém và hút quá nhiều thuốc.

Paris (1886–1888)[sửa]

Tập tin:Paris rue lepic 54.jpg
Số 54 phố Rue Lepic, Paris

Tháng 3 năm 1886, họa sĩ chuyển tới Paris để học tại xưởng vẽ của Fernand Cormon. Ban đầu ông và Theo ở tại đường Rue Laval trong khu đồi Montmartre. Đến tháng 6 thì hai anh em chuyển về một căn hộ rộng hơn ở số 54 phố Rue Lepic, nằm ở phía trên đồi. Vì thời gian này hai anh em ở gần nhau, các bức thư liên lạc giữa hai người không còn và người ta không biết rõ những hoạt động của họa sĩ trong thời gian ông ở Paris.

Vincent làm việc vài tháng trong xưởng vẽ của Cormon nơi ông thường tiếp xúc với họa sĩ người Úc John Peter Russell cũng như hai họa sĩ người Pháp là Émile Bernard và đặc biệt là Henri de Toulouse-Lautrec.

Trong thời gian này ở Paris, không khó để chiêm ngưỡng và nghiên cứu tác phẩm của các họa sĩ theo trường phái Ấn tượng. Ví dụ năm 1886, hai triển lãm lớn của các họa sĩ tiên phong trong trường phái này đã được tổ chức ở thủ đô nước Pháp, đó là Triển lãm lần thứ 8 và cuối cùng của các họa sĩ Ấn tượng và Triển lãm của các họa sĩ độc lập (Artistes Indépendants). Trong hai cuộc trưng bày này, lần đầu tiên chủ nghĩa Tân ấn tượng (Neo-Impressionism) ra mắt công chúng với các bức tranh của Georges Seurat Paul Signac. Bản thân Theo van Gogh cũng buôn bán rất nhiều bức tranh thuộc trường phái Ấn tượng của các họa sĩ nổi danh như Claude Monet, Alfred Sisley, Edgar Degas Camille Pissarro, tuy vậy Vincent rõ ràng là gặp khó khăn trong việc nắm bắt tinh thần của các tác phẩm đang được ưa chuộng này. Bắt đầu có những mâu thuẫn giữa hai anh em và đến cuối năm 1886 thì hai người bắt đầu sống riêng nhưng rồi lại nhanh chóng làm lành vào mùa xuân năm 1887.

Sau đó Van Gogh đến Asnières và làm quen với Paul Signac. Tại đây Vincent cùng người bạn của ông là Emile Bernard đã thử nghiệm một số bức tranh theo trường phái Điểm họa ("pointillé").

Tháng 11 năm 1887, Theo và Vincent đã gặp và kết bạn với họa sĩ Paul Gauguin, người vừa mới quay lại Paris sau thời gian sống ở nước ngoài[22]. Cuối năm này, Van Gogh đã tổ chức một buổi triển lãm chung với Bernard, Anquetin và Toulouse-Lautrec ở nhà hàng Restaurant du Chalet trên đồi Montmartre. Tại buổi triển lãm này, Bernard và Anquetin đã bán được các tác phẩm đầu tiên, còn Vincent thì trao đổi được tác phẩm với Gauguin, người ngay sau đó đã rời đi Pont-Aven.

Tháng 2 năm 1888, cuối cùng Van Gogh cũng cảm thấy chán ngán cuộc sống ở Paris, ông rời Kinh đô Ánh sáng sau khi đã hoàn thành hơn 200 bức họa trong 2 năm ở đây. Chỉ vài giờ trước khi rời thành phố, ông cùng Theo đã có chuyến thăm lần đầu tiên và cũng là duy nhất đến nhà của họa sĩ Seurat[23].

Arles (tháng 2 năm 1888–tháng 5 năm 1889)[sửa]

Ngày 21 tháng 2 năm 1888, Van Gogh đến Arles. Trong hai tháng, ông làm việc cùng họa sĩ người Đan Mạch Christian Mourier-Petersen. Ngày 1 tháng 5, họa sĩ ký hợp đồng thuê một căn hộ bốn buồng với giá 15 franc một tháng nằm bên phải của Nhà Vàng tại số 2 Quảng trường Lamartine. Tháng 6, Van Gogh đi thăm thị trấn ven biển Saintes-Maries-de-la-Mer. Tại đây ông nhận dạy vẽ cho một sĩ quan tên là Paul-Eugène Milliet, người sau đó cũng trở thành bạn của họa sĩ. Từ tháng 8, ông bắt đầu sáng tác về đề tài hoa hướng dương.

Ngày 23 tháng 10, Gauguin đến Arles theo lời mời của Van Gogh. Trong suốt tháng 11 hai họa sĩ làm việc cùng nhau, cũng trong tháng này Van Gogh đã sáng tác bức tranh nổi tiếng Cánh đồng nho đỏ. Tháng 12 cả hai họa sĩ đi thăm Montpellier và chiêm ngưỡng các tác phẩm của Courbet Delacroix trong bảo tàng Museé Fabre. Tuy nhiên sau đó tình bạn của hai người trở nên xấu đi vì những xung đột về nghệ thuật. Van Gogh sợ rằng Gauguin sẽ rời bỏ ông, căng thẳng lên đến đỉnh điểm vào ngày 23 tháng 12 năm 1888 khi Vincent đuổi theo Gauguin với một lưỡi dao cạo trong tay và sau đó lại tự cắt phần dưới tai trái của chính mình, gói nó vào một tờ báo, đưa cho cô gái điếm Rachel ở nhà thổ trong vùng và yêu cầu cô này giữ cẩn thận. Cuối cùng thì Gauguin vẫn rời Arles và không bao giờ gặp lại Van Gogh một lần nữa. Vincent phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch, ông ngay lập tức được Theo đến thăm nom. Tháng 1 năm 1889, Van Gogh trở lại "Nhà Vàng" nhưng liên tục phải đến bệnh viện vì gặp ảo giác, ông còn mắc chứng hoang tưởng khi nghĩ mình bị đầu độc. Đến tháng 3, sau khi nhận được yêu cầu từ những người hàng xóm, cảnh sát đã quyết định đóng cửa ngôi nhà của Van Gogh. Đến tháng 4 thì ông dọn về căn phòng của bác sĩ Felix Rey sau khi những trận lụt làm hư hại các tác phẩm của ông. Bác sĩ Felix Rey cho rằng Van Gogh bị chứng động kinh một phần do uống quá nhiều cà phê và rượu, lại ăn ít thức ăn. Ông đã kê thuốc an thần giảm đau và khuyên Van Gogh uống rượu cinchona có chứa chiết xuất ký ninh.

Tuy nhiên, theo bà Bernadette Murphy - tác giả quyển "Van Gogh's War: The True Story" .Bà đã tìm ra bức vẽ của bác sĩ Felix Rey trong một kho lưu trữ ở California. Nó nằm trong đống giấy tờ của tiểu thuyết gia Irving Stone - người đã trao đổi thư từ với bác sĩ Rey năm 1930. Bốn năm sau, tác giả Stone đã xuất bản cuốn tự truyện hư cấu Lust for Life, trong đó diễn viên Kirk Douglas vào vai Van Gogh. Bà đã tìm được một bức thư trong đó có các hình vẽ tai trái của Van Gogh trước và sau khi ông tự cắt tai mình. Người vẽ chính là bác sĩ Felix Rey, người đã điều trị vết thương cho danh họa trong bệnh viện. Hình vẽ là đường nét phác họa hình dạng tai của Van Gogh trên tờ giấy kê đơn thuốc. Hình thứ nhất vẽ cái tai còn nguyên vẹn. Hình thứ hai cho thấy cái tai chỉ còn lại một mẩu nhỏ phía dưới. Vậy là danh họa đã xẻo gần như toàn bộ tai, chứ không chỉ một mẩu.[24]

Saint-Rémy (tháng 5 năm 1889–tháng 5 năm 1890)[sửa]

Ngày 8 tháng 5 năm 1889 Van Gogh phải nhập viện tại bệnh viện tâm thần Saint-Paul-de-Mausole nằm trong một tu viện cũ ở Saint Rémy de Provence không xa Arles. Tu viện nằm cách biệt với thị trấn và ở giữa những cánh đồng ngô, nho ô liu. Theo van Gogh sắp xếp cho anh trai có hai buồng nhỏ trong bệnh viện, một buồng dành riêng làm xưởng vẽ. Trong thời gian chữa trị tại đây, phòng khám và khu vườn của bệnh viện đã trở thành những đề tài chính của họa sĩ. Một số tác phẩm của Van Gogh trong thời kỳ này có đặc trưng là các xoáy ốc, tiêu biểu là bức tranh nổi tiếng Đêm đầy sao. Trong tháng 9, họa sĩ thực hiện hai phiên bản mới của bức Phòng ngủ ở Arles và đến tháng 2 năm 1990 thì ông vẽ bốn bức chân dung có tên L'Arlésienne (Người Arles, chỉ bà Ginoux), dựa trên những phác thảo bằng chì than của Gauguin.

Tháng 1 năm 1890, tác phẩm của Van Gogh được Albert Aurier ca ngợi tại trên tạp chí Mercure de France, nhà phê bình này đã gọi Vincent là một thiên tài. Trong tháng 2, Van Gogh được nhóm Les XX, một tập hợp các họa sĩ tiên phong ở Brussels, mời tham gia triển lãm tranh thường niên của nhóm. Sau đó, khi tranh của Van Gogh được trưng bày trong triển lãm của nhóm Nghệ sĩ Độc lập (Les Artistes Indépendants) ở Paris, Monet đã nhận xét rằng tác phẩm của Vincent là tuyệt vời nhất trong cả triển lãm[25].

Auvers-sur-Oise (tháng 5 đến tháng 7 năm 1890)[sửa]

Tập tin:Toulouse-Lautrec de Henri Vincent van Gogh Sun.jpg
Vincent van Gogh, tranh phấn màu của Toulouse-Lautrec, 1887

Tháng 5 năm 1890, Van Gogh rời bệnh viện và đến trị liệu với bác sĩ Paul Gachet Auvers-sur-Oise, nằm gần Paris, nơi ông có thể ở gần hơn với em trai Theo. Bác sĩ Gachet được Camille Pissarro giới thiệu cho anh em Van Gogh vì trước đó ông này đã từng chữa cho một số họa sĩ và bản thân cũng là một họa sĩ nghiệp dư. Ấn tượng đầu tiên của Vincent về Gachet là "ông ta trông còn ốm yếu hơn cả tôi"[26]. Sau đó Van Gogh đã vẽ hai bức chân dung bác sĩ bằng màu dầu, một bức khác khắc axit, cả ba bức đều miêu tả Gachet trong một tư thế u sầu. Trong tuần cuối ở Saint-Rémy, Van Gogh lại nhớ lại những kỷ niệm ở phương Bắc[27] và một số trong khoảng 70 bức tranh ông vẽ trong 70 ngày ở Auvers-sur-Oise, như bức Nhà thờ ở Auvers đã gợi đến những phong cảnh ở phương Bắc.

Tình trạng bệnh lý của Van Gogh ngày càng trầm trọng, ngày 27 tháng 7 năm 1890, ở tuổi 37, người họa sĩ đã bước ra cánh đồng và tự bắn vào ngực bằng một khẩu súng lục. Không nhận ra rằng mình đã bị thương nặng, Vincent quay trở lại hoàn thành bức tranh Chân dung Adeline Ravoux. Hai ngày sau ông qua đời trên giường ngủ, câu cuối cùng mà Theo nghe được từ miệng anh trai mình là:

"La tristesse durera toujours" - "Nỗi buồn sẽ kéo dài mãi mãi"

Vincent được chôn tại nghĩa trang của vùng Auvers-sur-Oise[28]. Không lâu sau cái chết của anh trai, Theo cũng nhập viện, ông mất ngày 25 tháng 1 năm 1891 tại Utrecht, chỉ 6 tháng sau cái chết của Vincent. Năm 1914, Theo được cải táng về bên cạnh người anh trai yêu quý của ông.

Quá trình sáng tác[sửa]

Van Gogh bắt đầu vẽ các bức màu nước từ khi còn đi học, tuy vậy rất ít tác phẩm thời kì này còn được lưu giữ đến ngày nay. Khi thực sự bắt đầu làm họa sĩ (năm 1880), Van Gogh đi lại từ bước cơ bản, đó là chép bức tranh "Cours de dessin". Trong suốt hai năm đầu họa sĩ phải đi tìm đơn đặt hàng cho mình, mãi đến mùa xuân năm 1882, người chú Cornelis Marinus của Van Gogh mới đề nghị ông vẽ các bức tranh về Den Haag để bán trong phòng tranh ở Amsterdam. Mặc dù công việc không được như Cornelis mong muốn, Van Gogh vẫn được đặt hàng thêm và một lần nữa làm thất vọng chú của mình.

Dù sao thì Van Gogh vẫn tiếp tục nghề họa sĩ, ông cải thiện việc chiếu sáng cho xưởng vẽ và thử nghiệm với các chất liệu vẽ khác nhau. Sau hơn một năm lao động miệt mài chỉ với những bức tranh "trắng và đen", cuối cùng người ta cũng công nhận khả năng của Vincent ở thể loại này. Mùa xuân năm 1883, Van Gogh bắt đầu thực hiện các bức tranh phức tạp hơn, ngay khi Theo nhận xét rằng các tác phẩm đó thiếu sự sinh động và tươi mới, Vincent đã tiêu hủy chúng và tập trung vào sơn dầu. Cũng thời gian này, Vincent đến tham khảo các họa sĩ thuộc Trường phái Den Haag như Weissenbruch Blommers, ông nhận được những lời khuyên về mặt kĩ thuật để sau đó khi đến Nuenen, Van Gogh đã có thể thực hiện các bức vẽ khổ lớn. Đa số các tác phẩm này đã bị chính họa sĩ tiêu hủy, bức Những người ăn khoai nổi tiếng là một trong số rất ít các tác phẩm còn sót lại của thời kì này. Sau chuyến thăm Bảo tàng Rijksmuseum ở Amsterdam, Vincent nhận ra rằng những thiếu sót trong các tác phẩm của ông là do sự thiếu kinh nghiệm trong kĩ thuật vẽ, họa sĩ đã đến Antwerp và sau đó là Paris để trau dồi thêm kĩ năng này.

Sau khi học hỏi được kĩ thuật và kinh nghiệm từ những họa sĩ theo trường phái Ấn tượng Tân ấn tượng, Van Gogh tới Arles để phát triển các tác phẩm theo hướng này. Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, những ý tưởng cũ về nghệ thuật và tác phẩm lại xuất hiện trong đầu họa sĩ. Đó là ý tưởng về việc thực hiện những loạt tác phẩm về các chủ đề có liên quan hoặc tương phản nhau để phản ánh suy nghĩ của người sáng tác.

Hồ sơ bệnh tật[sửa]

Tập tin:Grave of Vincent van Gogh.jpg
Mộ của Vincent và Theo van Gogh tại nghĩa trang Auvers-sur-Oise

Van Gogh thường xuyên gặp phải các vấn đề về thần kinh, đặc biệt trong những năm cuối đời. Đã có rất nhiều cuộc tranh luận nổ ra trong việc tìm nguyên nhân thực sự cho chứng bệnh thần kinh của họa sĩ và tác động của nó lên các tác phẩm của ông. Người ta đã đưa ra khoảng 30 chẩn đoán khác nhau cho triệu chứng bệnh của Van Gogh[29], trong đó phải kể tới chứng tâm thần phân liệt, rối loạn chức năng, giang mai, ngộ độc màu vẽ, động kinh và rối loạn chuyển hóa porphyrine cấp tính. Bất kì chứng bệnh nào trong số trên cũng có thể là thủ phạm dẫn tới sự suy nhược thần kinh của họa sĩ, tình trạng của ông còn bị làm trầm trọng thêm do ăn uống thiếu chất, lao lực, mất ngủ và nghiện rượu, nhất là rượu absinthe.

Cũng có nhiều giả thuyết y học được đưa ra để giải thích việc Van Gogh ưa dùng màu vàng trong các bức tranh của ông. Một giả thuyết cho rằng việc này có thể xuất phát từ chứng nghiện absinthe của Van Gogh, trong loại rượu này có chứa một loại neurotoxin tên là thujone. Việc hấp thụ thujone với liều cao có thể dẫn tới chứng thấy sắc vàng (xanthopsia). Tuy nhiên, một công trình nghiên cứu năm 1991 đã chỉ ra rằng những người nghiện absinthe sẽ phải trở nên gần như vô thức nếu hấp thụ đủ lượng thujone gây chứng thấy sắc vàng. Cũng có giả thuyết cho rằng bác sĩ Gachet có thể đã kê đơn cho Van Gogh dùng mao địa hoàng (digitalis) để chữa chứng động kinh của ông. Việc này được suy đoán từ những bức chân dung bác sĩ Gachet của Van Gogh, bên cạnh người mẫu thường có vài cây hoa mao địa hoàng. Người dùng mao địa hoàng với liều lớn có thể dẫn tới triệu chứng quan sát thấy những điểm màu vàng có quầng xung quanh (giống như trong bức Đêm đầy sao)[30].

Người ta còn đưa ra một giả thuyết cho thể trạng yếu của họa sĩ, đó là do ngộ độc chì. Các màu vẽ mà Van Gogh thường dùng đều có gốc chì, và một trong các triệu chứng của nhiễm độc chì đó là căng võng mạc dẫn tới thường xuyên nhìn thấy các quầng sáng, một đặc điểm thường thấy trong các tác phẩm cuối đời của họa sĩ[31].

Năm 2014, kỹ sư hóa học người Hà Lan, Rene Van Slooten, đã đưa ra giả thuyết Van Gogh đã sử dụng khí đốt để thắp sáng các căn phòng nơi ông làm việc vào buổi đêm và Carbon monoxide và các kim loại nặng – thậm chí cả uranium trong than đá chứa lẫn nhiều tạp chất có thể là nguyên nhân gây ngộ độc cho ông. Nhưng giả thuyết của Slooten về nhà danh họa Van Gogh vẫn không nhận được sự tán thành của số đông. Nhà thần kinh học đã nghỉ hưu kiêm chuyên gia về Vincent Van Gogh, ông Piet Voskuil, cho rằng giả thuyết của Van Slooten không đáng tin cậy.[32]

Di sản và đánh giá[sửa]

Tập tin:Portrait of Dr. Gachet.jpg
Chân dung Bác sĩ Gachet, từng được bán với giá 82,5 triệu USD

Van Gogh chết trong cảnh nghèo túng và chỉ mới có một chút danh tiếng trong giới nghệ thuật châu Âu. Tuy vậy các sáng tác của ông về sau đã có ảnh hưởng sâu sắc đến các họa sĩ sau này, đặc biệt là các họa sĩ thuộc trường phái Dã thú (Fauvism) như Henri Matisse và các họa sĩ thuộc trường phải Biểu hiện Đức thuộc nhóm Die Brücke. Chủ nghĩa Biểu hiện trừu tượng trong nghệ thuật thập niên 1950 cũng bắt nguồn từ việc phát triển các ý tưởng sáng tác của Van Gogh.

Năm 2004, trong Danh sách những người Hà Lan vĩ đại nhất trong lịch sử (De Grootste Nederlander) do đài KRO tổ chức, Vincent van Gogh được xếp thứ 10 và là nghệ sĩ có thứ hạng cao thứ 2 trong danh sách (sau họa sĩ Rembrandt xếp thứ 9)[33].

Các họa phẩm đắt giá[sửa]

Sau khi mất, tranh của Van Gogh rất được các bảo tàng nghệ thuật và nhà sưu tầm cá nhân ưa thích, đặc biệt là trong thập niên 1980 1990. Khi đó tác phẩm của Van Gogh liên tục phá kỉ lục thế giới về giá bán, có thể kể tới các bức[34]:

Tên tác phẩm Thời gian
sáng tác
Năm
bán
Giá gốc
(triệu USD)
Giá quy đổi[35]
(triệu USD)
Chân dung Bác sĩ Gachet
(Portrait du Dr. Gachet)
1890 1990 82,5 129,7
Hoa diên vĩ
(Iris)
1889 1987 53,9 97,5
Chân dung tự họa
(Portrait de l'artiste sans barbe)
1889 1993 71,5 90,1
Cánh đồng lúa mỳ và cây trắc bá
(Champ de blé avec cyprès)
1889 1993 57 81,1
Hoa hướng dương
(Les Tournesols)
1888 1987 39,7 71,8
Chân dung một phụ nữ trước cánh đồng lúa mì
(Portrait de jeune paysanne assise devant un champ de blé)
1890 1997 47,5 60,8

Van Gogh trong văn hóa đương đại[sửa]

Tác phẩm[sửa]

Tham khảo[sửa]

Chú giải[sửa]

Ghi chú[sửa]

  1. Rewald, John. Post-Impressionism: From van Gogh to Gauguin, revised edition, Secker & Warburg 1978, ISBN 0-436-41151-2
  2. Tiểu sử Van Gogh
  3. Albert J. Lubin, Stranger on the earth: A psychological biography of Vincent van Gogh,, Holt, Rinehart, and Winston, 1972. ISBN 0-03-091352-7. tr.84
  4. Thư số 347 của Vincent van Gogh gửi Theo van Gogh, Webexhibits.org
  5. Vauxhall Society
  6. 6,0 6,1 6,2 6,3 6,4 6,5 6,6 6,7 6,8 Ken Wilkie, The Van Gogh Assignment, Paddington Press, 1978; republished: The Van Gogh File. A Journey of Discovery, Souvenir Press, 1990, ISBN 0-285-62965-4
  7. 7,0 7,1 7,2 7,3 7,4 Philip Callow, Vincent Van Gogh: A Life, Ivan R. Dee, 1990, ISBN 1-56663-134-3
  8. Thư của Vincent van Gogh gửi M. J. Brusse
  9. 9,0 9,1 Kathleen Powers Erickson, At Eternity's Gate: The Spiritual Vision of Vincent van Gogh, 1998, ISBN 0-8028-4978-4
  10. Thư số 129
  11. 132 của Vincent van Gogh gửi Theo van Gogh, Webexhibits.org
  12. Thư số 158 của Vincent van Gogh gửi Theo van Gogh, Webexhibits.org
  13. Jan Hulsker, The Borinage Episode and the Misrepresentation of Vincent van Gogh,, Van Gogh Symposium, 1990
  14. Thư số 134 của Vincent van Gogh gửi Theo van Gogh, Webexhibits.org
  15. Thư số 153 của Vincent van Gogh gửi Theo van Gogh, Webexhibits.org
  16. 16,0 16,1 Thư số 193 của Vincent van Gogh gửi Theo van Gogh, Webexhibits.org
  17. Thư số 166 của Vincent van Gogh gửi Theo van Gogh, Webexhibits.org
  18. Thư số 203 của Vincent van Gogh gửi Theo van Gogh, Webexhibits.org
  19. Thư số 206 của Vincent van Gogh gửi Theo van Gogh, Webexhibits.org
  20. A.M. Hammacher, Vincent van Gogh: Genius and Disaster, Harry N. Abrams, Incorporated, New York, 1985, ISBN 0-8109-8067-3
  21. M. E. Tralbaut, Vincent van Gogh, New York, The Alpine Fine Arts Collection, 1981
  22. D. Druick & P. Zegers, Van Gogh and Gauguin: The Studio of the South, Thames & Hudson, 2001
  23. Thư số 510 của Vincent van Gogh gửi Theo van Gogh, Webexhibits.org
  24. “Giải mã bí ẩn cái tai của danh họa Van Gogh”.
  25. John Rewald, Post-Impressionism, revised edition: Secker & Warburg, London England. 1998
  26. Thư số 648 của Vincent van Gogh gửi Theo van Gogh, Webexhibits.org
  27. Thư số 629 của Vincent van Gogh gửi Theo van Gogh, Webexhibits.org
  28. Tiểu sử Van Gogh trên Sparknotes.com
  29. Dietrich Blumer, "Những căn bệnh của Vincent van Gogh" American Journal of Psychiatry, 2002
  30. Paul Wolf, “Creativity and chronic disease Vincent van Gogh (1853-1890)”, Western Journal of Medicine, số vol. 175, November 2001, trang iss. 5, pa. 348. Truy cập 18/11/2011. (Viết bằng Tiếng Anh.) “They complain of seeing yellow spots surrounded by coronas, much like those in "The Starry Night."
  31. Ross King. The Judgment of Paris: The Revolutionary Decade that Gave the World Impressionism, New York: Waller & Company, 2006 ISBN 0-8027-1466-8
  32. “Bằng chứng mới về cái chết của danh họa Vincent Van Gogh”.
  33. Trang web chính thức của De Grootste Nederlander
  34. Các họa phẩm đắt giá nhất thế giới, Productionmyarts.com (tiếng Pháp)
  35. Có tính đến lạm phát, quy đổi theo Minneapolisfed.org

Thư mục[sửa]

Liên kết ngoài[sửa]


Liên kết đến đây