10 sai lầm của bố khi dạy con
Mặc dù những hành động của con có thể làm bạn tức điên, nhưng không bao giờ được phép dạy con khi đang cáu giận. Quát mắng, chửi thề, mất tự chủ khi dạy con sẽ khuyến khích những hành vi không tốt của con trong quan hệ với bạn bè và gia đình.
Mục lục
1. Không giữ được bình tĩnh[sửa]
Mặc dù những hành động của con có thể làm bạn tức điên, nhưng không bao giờ được phép dạy con khi đang cáu giận. Quát mắng, chửi thề, mất tự chủ khi dạy con sẽ khuyến khích những hành vi không tốt của con trong quan hệ với bạn bè, gia đình như: La hét, cáu giận, bạo lực. Thay vào đó, hãy dành thời gian tĩnh tâm lại. Khi nào đã cảm thấy thật sự bình tĩnh, hãy thẳng thắn, ôn tồn nói chuyện với con. Lời nói của cha lúc đó sẽ có sức nặng.
2. Trừng phạt thể xác[sửa]
Đánh con không giải quyết được vấn đề. Con bạn sẽ hiểu rằng người ta có thể giải quyết mâu thuẫn bằng vũ lực. Hãy nhớ rằng bạn đang dạy con chứ không phải thực thi quyền lực với con.
3. Mâu thuẫn[sửa]
Cùng một hành vi của con nhưng bạn lại thể hiện hai thái độ khác nhau với hai cách xử lý khác nhau khiến con cảm thấy khó hiểu và không “tâm phục khẩu phục”.
Nếu có một lần bạn cười khi con nói bậy, lần khác bạn lại mắng và áp dụng hình thức kỷ luật, con sẽ không hiểu được thế nào là đúng. Tốt nhất bạn nên đặt ra các quy tắc và cùng con thực hiện nghiêm chỉnh các quy tắc đó.
4. Hối lộ con[sửa]
Nếu bạn hứa hẹn cho con một phần thưởng khi hướng dẫn con làm theo lời chỉ dẫn của mình, con bạn sẽ nghĩ rằng cứ làm sai đi, rồi sửa lại nhất định sẽ được phần thưởng. Trong khi mong muốn của cha mẹ là muốn con hành động đúng ngay từ lần đầu tiên.
5. Phạt không đúng tội[sửa]
Khi con vô tình đánh vỡ một đồ vật gì đó trong nhà, bạn mắng mỏ và đánh đòn sẽ khiến con nghĩ rằng cha mẹ quý đồ vật hơn quý mình. Khi con buồn bực mà đập vỡ đồ chơi, mắng mỏ không giải quyết được vấn đề gì cả. Hãy yêu cầu con tiết kiệm tiền để mua đồ chơi mới.
6. Chống lại mẹ[sửa]
Điều quan trọng là cha mẹ phải thống nhất trong cách dạy con. Nếu cứ khi mẹ mắng cha chạy lại bênh (hoặc ngược lại), trẻ sẽ vin vào một điểm tựa mà không biết vâng lời. Chính vì thế đừng bao giờ phê phán cách giáo dục của vợ/chồng trước mặt con hoặc trước mặt mọi người. Nếu có điểm nào chưa thống nhất hãy bàn bạc riêng với nhau.
7. Không hiểu rõ vai trò làm cha[sửa]
Đừng bao giờ cảm thấy bạn đang ép buộc trẻ hay quá khắt khe với trẻ. Bạn là cha mẹ và cha mẹ có nghĩa vụ phải dạy dỗ con vâng lời. Quyết định của bạn mang tính bắt buộc và con có nghĩa vụ phải làm theo. Sau này khi con lớn lên bạn có thể chia sẻ những cảm nghĩ của bạn khi buộc phải làm điều đó. Chắc chắn con bạn sẽ hiểu và cảm ơn bạn.
8. “Chụp mũ” cho con[sửa]
Đừng có lúc nào cũng chụp mũ cho con kiểu: “Con luôn là đứa vội vàng, cẩu thả”, “con thật đãng trí, suốt ngày đánh mất đồ...”. Hãy lắng nghe ý kiến của con trước khi mắng mỏ hay buông lời nhận xét.
9. Thuyết giảng[sửa]
Khi con làm sai, bạn đừng nói một tràng về lỗi lầm của con cũng như các giá trị mà con cần đạt đến. Chẳng hạn, khi con không làm bài tập về nhà, bạn lên giọng thuyết giảng về các giá trị của giáo dục. Con bạn sẽ không hiểu mục đích cha mẹ nói nhiều vậy để làm gì, và rất dễ nổi cáu. Bạn nên nói chuyện với con theo cách gần gũi, nhẹ nhàng.
10. So sánh với người khác[sửa]
Đừng bao giờ kích con bằng những kiểu so sánh như: “Sao con cũng có điều kiện học hành như thằng Nam mà lại không đạt được thành tích cao như nó?”, “Sao chị con chơi piano giỏi thế mà con lại không bằng một nửa của chị?”… Những kiểu so sánh “khiêu binh khích tướng” như vậy gần như không có tác dụng mà còn làm cho trẻ mặc cảm, tự ti, ghen tị và phá vỡ mối quan hệ của con với người được so sánh.
Theo GĐT