Thành viên:Nguyenthephuc/Note: Giáo dục nhân cách cho con

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

GiadinhNet - Khi giận dữ, bực tức con cái, nhiều cha mẹ sẵn sàng tặng cho cục cưng của mình cái bạt tai kèm theo những những lời mắng nhiếc.

Ảnh minh họa

Làm xong được chuyện đó bỗng dưng họ cảm thấy lòng như cất được gánh nặng. Một số người sau khi đánh con xong lại cảm thấy ân hận lo lắng, tìm cách thăm dò thái độ của con. Nhưng nhiều người lại cảm thấy hả hê cho rằng từ nay trẻ không dám làm trái ý mình nữa. Họ đâu biết rằng đó là hành động thiếu văn hoá, một sự sỉ nhục ghê gớm đối với đứa trẻ.

Chị Minh, giảng viên một trường cao đẳng kể: Hồi còn nhỏ tôi rất hay bị bố mẹ đánh mắng. Nhà có ba chị em sàn sàn, cách nhau hai năm một nên rất hay chòng ghẹo nhau. Bố tôi phần vì vất vả lại nóng tính nên cứ hễ một đứa khóc thì lôi tuốt cả ba đứa ra đánh đòn. Ba chị em tôi rất gan, ít khi khóc. Nhưng có một lần bố tôi mắng: "Chúng mày ngu hơn con chó, tao nuôi nó còn có ích hơn", tôi đã khóc cả đêm ấy.

Nhiều lần sau nữa bố tôi còn dùng rất nhiều hình ảnh ví von khác để mắng chúng tôi. Hồi ấy, tôi thấy mình có lỗi và ngỡ rằng mình vô dụng thật. Đến bây giờ tôi cũng không dám oán trách người sinh ra mình vì tôi biết trong cảnh túng quẫn ấy người ta dễ trở nên thô bạo. Song tôi vẫn cảm thấy lòng đau thắt lại vì những lời nói ấy xuất phát từ chính người sinh ra mình. Cũng may tôi không bị ám ảnh, tôi cố học tốt để chứng minh rằng mình không vô dụng như bố nghĩ...

Nhiều người cứ đổ lỗi rằng trẻ con không được dạy dỗ đến nơi đến chốn là do thời buổi bây giờ. Nhưng xét thấu đáo thì trẻ hư từ trong chính ngôi nhà của chúng. Ở một gia đình thiếu văn hoá thường nổi lên hiện tượng chẳng ai tôn trọng ai, người nào cũng chỉ nghĩ đến mình, chỉ cần một va chạm nhỏ là có thể cãi lộn.

Có những ông bố, bà mẹ giật trên tay đứa con mình cuốn sách trẻ đang đọc hoặc cho trẻ một cái bạt tai một cách dễ dàng. Có người vừa đánh con vừa hét phụ họa ầm ầm như quân trận, như thể muốn báo cho mọi người biết mình đang dạy con nên người đây.

Tiếng la hét là dấu hiệu của sự chậm phát triển, thiếu văn hoá của một con người và nó có tác động rất mạnh đến đứa trẻ. Người ta mắng nhiếc, thóa mạ con cái: "Mày ăn hùng hục như một con lợn" và nghĩ rằng nói như vậy là có thể giáo dục được nhân cách cho đứa trẻ. Tiếng la hét, mắng mỏ cộng với đòn roi đã làm cho đứa trẻ trở nên sợ sệt, thiếu tự tin nhưng khi đã "dạn" thì nó lại lếu láo và tồi hơn cả "danh hiệu" bố mẹ đã gán cho nó.

Một nhà nghiên cứu[1] văn hoá dân gian đã phàn nàn: Ngày nay con người có cuộc sống dễ chịu hơn về vật chất nhưng điều chúng ta cảm thấy thiếu hụt, đau khổ trong cuộc sống hàng ngày hơn cả là sự thiếu hụt về nhân cách. Một lần, tôi va phải một người, dù có xin lỗi nhưng người ta vẫn hằm hằm rồi buông ra câu chửi tục tĩu. Mình nghĩ không chấp kẻ vô học, nhưng cả ngày hôm đó vẫn cảm thấy nặng nề, bứt rứt. Cho nên một đứa trẻ dù ngoan hay không ngoan cũng không thể dạy theo kiểu mắng nhiếc được. Như vậy có khác nào khơi cho phần "con" trong trẻ trỗi dậy.

Người xưa[2] có câu "Tiên học lễ, hậu học văn", học đạo đức làm người trước rồi mới học chữ nghĩa. Nhiều người quan niệm một cách mơ hồ, sai lầm rằng nhân cách, đạo đức là cái mà đứa trẻ sẽ học ở nhà trường(!) Dạy trẻ có nhân cách không chỉ bằng những lời tốt đẹp, có văn hoá mà còn bằng chính hành động của mình. Người cha luôn tỏ ra là người lịch sự, ra đường vứt rác vào thùng rác nhưng về nhà quăng rác bừa bãi, quát mắng con khi nó chưa kịp lau dọn; ra đường tỏ ra có văn hóa, nhường ghế cho phụ nữ trên ôtô nhưng về nhà luôn mồm mắng chửi vợ con; khi biết tin một đồng nghiệp gặp chuyện không may thì vui mừng nói "cho nó chết, có hơn được mãi không"... Những phẩm chất tốt sẽ khó xuất hiện ở đứa trẻ nếu như nó được tận mắt chứng kiến những việc làm trên ở bố mẹ.

Giáo dục cho con cái có được cái nhìn hồn nhiên, trong sáng đối với thế giới xung quanh quả là không đơn giản. Cho trẻ thấy những nét tích cực nhất dù là đơn lẻ để trẻ thấy được nét điển hình chung nhất của con người. Chỉ cần thái độ ân cần, kính trọng của bạn đối với ông bà của trẻ; tình thương yêu tôn trọng thực sự giữa bố mẹ với nhau; tình thương, trách nhiệm của bạn với con cái thì khó có thể có đứa con hư được. Hãy biết chắt lọc những câu chuyện cảm động về những con người trung hiếu, biết kính trên nhường dưới, trung thực, dũng cảm; khuyến khích con tìm đến những áng văn, thơ hay... sẽ để lại ấn tượng lưu giữ rất lâu, hình thành nên nhận thức tích cực trong tâm hồn đứa trẻ.

Một nhân cách tốt đẹp sẽ theo đứa trẻ suốt cả cuộc đời, như một chất kháng thể giúp nó vững vàng trong cuộc sống, tránh được những hành động trái với đạo lý làm người.

Tố Uyên

Chú thích[sửa]

  1. Đáng tiếc, tác giả bài viết không ghi rõ tên người này. Chi tiết "chung chung" này làm giảm độ tin cậy của bài viết đi một chút
  2. Thành viên:Nguyenthephuc đã sửa "Dân gian" thành "Người xưa", so với bản gốc trên giadinh.net


Xem thêm[sửa]