Ả Rập Saudi
Ả Rập Saudi - còn gọi là Ả-rập Xê-út[1][2] (tiếng Pháp: Arabie saoudite; tiếng Ả Rập: المملكة العربية السعودية) hay A-rập Xê-út[3][4] hay Ả-rập Xau-đi[5][6] - có tên chính thức là Vương quốc Ả Rập Saudi, là quốc gia lớn nhất trên bán đảo Ả Rập. Quốc gia này có biên giới với Jordan về phía bắc, với Iraq về phía bắc và tây bắc, với Kuwait, Qatar, Bahrain và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất về phía đông, với Oman về phía nam và đông nam, với Yemen về phía nam, còn Vịnh Ba Tư nằm về phía đông bắc và Biển Đỏ nằm về phía tây. Ả Rập Saudi thường được gọi là "xứ của hai nhà thờ Hồi giáo thiêng liêng" vì hai thành phố thiêng liêng nhất của Hồi giáo, Mecca và Medina, nằm trong quốc gia này.
Mục lục
Lịch sử[sửa]
- Xem chi tiết: Lịch sử Ả Rập Saudi
Ả Rập Saudi được coi là cái nôi của đạo Hồi xuất hiện vào đầu thế kỷ thứ 7. Nước này có 2 thánh địa của đạo Hồi là Mecca và Medina. Thế kỷ 16, Thổ Nhĩ Kỳ chiếm Ả Rập Saudi.
Quốc gia Ả Rập Saudi bắt đầu tại trung Ả Rập từ khoảng năm 1750. Một vị vua cai trị trong vùng là Muhammad bin Saud, đã liên minh với một nhà cải cách Hồi giáo là Muhammad Abd Al-Wahhab, để tạo ra một thực thể chính trị mới. Trong vòng một trăm năm mươi năm sau, của cải của gia đình Saud ngày càng to lớn và nhiều lần họ đã đứng ra tranh giành với Ai Cập, Đế chế Ottoman, và các gia đình người Ả Rập khác nhằm nắm quyền kiểm soát bán đảo. Nước Ả Rập Saudi hiện đại được lập ra bởi nhà vua Abdul Aziz Al-Saud về sau này (trên trường quốc tế thường được gọi là Abdul Aziz Ibn Saud).
Năm 1902 Abdul Aziz Ibn Saud chiếm Ri-át, thủ đô từ trước kia của triều đại Al-Saud từ gia đình Al-Rashid đối thủ. Tiếp tục các cuộc chinh phục, Abdul Aziz đánh bại Al-Ahsa, Al-Qatif, phần còn lại của Najd, và Hijaz trong khoảng giữa 1913 và 1926. Ngày 8 tháng 1, 1926 Abdul Aziz Ibn Saud trở thành vua xứ Hijaz. Ngày 29 tháng 1, 1927 ông lấy danh hiệu là Vua Najd (danh hiệu trước đó của ông là Quốc vương hồi giáo). Theo Hiệp ước Jedda, được ký ngày 20 tháng 5, 1927, Anh Quốc công nhận nền độc lập của vương quốc của Abdul Aziz, sau này được gọi là Vương quốc Hijaz và Nejd. Năm 1932, các vùng đó được thống nhất thành Vương quốc Ả Rập Saudi.
Việc khám phá ra dầu vào tháng 3, 1938 đã làm đất nước này thay đổi toàn bộ về mặt kinh tế, và mang lại cho vương triều tính chính thống to lớn trong nhiều năm.
Cùng với Liechtenstein, Ả Rập Saudi là nước duy nhất trên thế giới có tên gia đình cai trị trong tên quốc gia. Nhiều người chống đối Gia đình Saud đã từ chối thừa nhận tính chính thống của họ và không gọi tên nước là "Saudi Arabia" (tên tiếng Anh).
Chính trị[sửa]
- Xem chi tiết: Chính trị Ả Rập Saudi
Thể chế trung ương của Chính phủ Ả Rập Saudi là chế độ quân chủ chuyên chế, không có hiến pháp và quốc hội. Vua nắm toàn bộ quyền lực cùng với Hội đồng Bộ trưởng. Luật cơ bản được thông qua năm 1992 tuyên bố rằng Ả Rập Saudi là một nhà nước quân chủ được cai trị bởi các con trai và cháu trai của vị vua đầu tiên, Abd Al Aziz Al Saud, và rằng Kinh Cô-ran là hiến pháp của đất nước, và đất nước được điều hành dựa trên căn bản luật Hồi giáo (Shari'a).
Chưa từng có ghi nhận về các đảng chính trị hoặc các cuộc bầu cử quốc gia tại Ả Rập Saudi. Quyền lực của nhà vua trên lý thuyết bị giới hạn bởi luật Shari'a và các truyền thống khác của đất nước. Nhà vua cũng phải giữ vững một sự nhất trí bên trong gia đình hoàng gia, các giáo chủ(ulema), và các nhân tố quan trọng khác trong xã hội Ả Rập Saudi. Hệ tư tưởng của quốc gia là Xa-la-phi. Ảnh hưởng của Hồi giáo ở nước này càng được tăng cường với những nhà thờ và các trường tôn giáo được xây dựng nên khắp nơi bằng tiền nhà nước. Các thành viên lãnh đạo của gia đình hoàng gia sẽ lựa chọn ra nhà vua từ một người trong số họ và được sự đồng thuận của ulema.
Các vị vua Ả Rập Saudi dần hoàn thiện một chính phủ tập trung. Từ năm 1953, Hội đồng bộ trưởng, được chỉ định bởi nhà vua và phải chịu trách nhiệm trước nhà vua, đã được tham khảo trong việc thành lập chính sách chung và chỉ đạo các hoạt động của nền quan liêu đang hình thành. Hội đồng này gồm một Thủ tướng, phó thủ tướng thứ nhất và thứ hai, 20 bộ trưởng (trong số đó bộ trưởng quốc phòng kiêm phó thủ tướng thứ hai), hai bộ trưởng quốc nội, và một số cố vấn và lãnh đạo các tổ chức tự trị lớn khác.Không có Quốc hội mà có Uỷ ban 8 người do Bộ trưởng nội vụ là hoàng tử Nayef đứng đầu hoạt động chỉ dựa trên cơ sở luật Hồi giáo. - Quốc vương kiêm Thủ tướng: Abdullah Bin-Abd-al-Aziz Al Saud lên ngôi tháng 8/2005 sau khi vua Fadh qua đời. - Thái tử, Phó Thủ tướng thứ nhất: Thái tử Sultan Bin-Abd-al-Aziz Al Saud, nhậm chức tháng 8/2005. - Ngoại trưởng: Thái tử Saud al-Faysal Bin-Abd al-Aziz Al Saud
Pháp luật được hình thành theo nghị quyết của Hội đồng bộ trưởng, được phê chuẩn bởi nghị định của hoàng gia, và phải tương thích với Luật Hồi giáo. Tư pháp được thực hiện theo Luật Hồi giáo bởi một hệ thống các tòa án tôn giáo, với các thẩm phán do nhà vua chỉ định theo sự tiến cử của Hội đồng tòa án tối cao, gồm 12 luật gia chính. Sự độc lập của tòa án được bảo vệ bởi luật pháp. Nhà vua là người xét xử phúc thẩm ở mức cao nhất và có quyền ân xá. Khả năng tiếp cận tới quan chức cao cấp và quyền thỉnh cầu trực tiếp tới họ của công dân đã được thiết lập khá tốt theo truyền thống.
Cuộc bầu cử chính quyền thành phố tại Ả Rập Saudi đã diễn ra năm 2005 và một số nhà bình luận coi đó là bước tiến có chủ đích đầu tiên của quá trình dân chủ bên trong vương quốc, gồm cả việc hợp pháp hóa các đảng chính trị. Các nhà phân tích khác về bối cảnh chính trị Ả Rập Saudi vẫn còn giữ thái độ hoài nghi. [1].
Nhân quyền[sửa]
- Xem chi tiết: Nhân quyền tại Ả Rập Saudi
Các tòa án tại Ả Rập Saudi kết tội tử hình và nhục hình, gồm cả cắt cụt tay hoặc chân cho hành vi ăn cướp, và đánh roi cho những tội ít nghiêm trọng hơn như "sai lạc tình dục" (ví dụ đồng tính luyến ái) và say rượu. Số lượng roi đánh không được luật pháp quy định cụ thể và nó khác biệt tùy theo sự suy xét của vị quan toà. Nó có thể từ vài chục tới vài nghìn roi, thường được thi hành trong thời gian vài tuần tới vài tháng. Năm 2002, Ủy ban chống tra tấn của Liên hiệp quốc đã chỉ trích Ả Rập Saudi về những vụ cắt cụt chi và đánh roi mà họ thực hiện theo Luật Hồi giáo. Phái đoàn Ả Rập Saudi biện hộ bảo vệ "truyền thống pháp luật" đã có từ khi Hồi giáo xâm nhập vào vùng từ 1.400 năm trước và khước từ sự can thiệp vào hệ thống pháp luật của họ vì thế Ả Rập Saudi bị coi là thiếu dân chủ.
Tự do tôn giáo[sửa]
- Xem chi tiết: Tình trạng tự do tôn giáo tại Ả Rập Saudi
Ả Rập Saudi không cho phép tự do tôn giáo và cấm tất cả các hình thức tôn giáo không phải là Hồi giáo. Những người không theo Hồi giáo, cũng như những người Hồi giáo không gia nhập vào giáo phái Salafi của Hồi giáo Sunni, có thể đối mặt với sự trừng trị của nhà nước và Mutawwa'in (cảnh sát tôn giáo) vì bị coi là xúc phạm tới giáo lý quốc gia. Quyền công dân bị giới hạn riêng cho những người Hồi giáo, và sự thờ phụng trái Hồi giáo thông thường có thể bị trừng phạt theo luật pháp. Chính phủ có 50 Trung tâm trả lời điện thoại để khuyến khích người nước ngoài gia nhập đạo Hồi.[7] Cảnh sát tôn giáo buộc phải tuân theo một quy định tối thiểu về trang phục và nhiều cơ quan từ trường học tới các bộ thuộc nhà nước có quy định tách biệt giới tính.
Quy định trang phục phụ nữ[sửa]
Saudi Arabia là một trong hai quốc gia có người Hồi giáo chiếm đa số áp đặt một quy định pháp lý về cách ăn mặc (Iran là quốc gia còn lại). Phụ nữ, người nước ngoài cũng như bản địa, phải mặc một chiếc abaya ở những nơi công cộng. Phụ nữ Hồi giáo (thường đồng nghĩa là phụ nữ Saudi) cần đeo khăn trùm đầu; trong khi người nước ngoài thì không cần. Nó được cưỡng chế thực thi bởi cảnh sát tôn giáo và các tình nguyện viên. Abaya có nhiều kiểu, màu sắc, phong cách và các loại vải khác nhau, từ màu đen tuyền tới những bộ có hình nhân vật hoạt hình trên lưng, và từ vải bông đến ren hoặc được xếp nếp, phù hợp khi đi chơi buổi tối.[8]
Các tỉnh[sửa]
- Xem chi tiết: Các tỉnh của Ả Rập Saudi
Ả Rập Saudi được chia thành 13 tỉnh (manatiq, số ít - mintaqah).
- Al Bahah
- Al Hudud ash Shamaliyah
- Al Jawf
- Al Madinah
- Al Gassim
- Ar Riyad
- Ash Sharqiyah
- 'Asir
- Ha'il
- Jizan
- Makkah
- Najran
- Tabuk
Các thành phố lớn[sửa]
- Xem chi tiết: Danh sách các thành phố của Ả Rập Saudi
- Riyadh (Thủ đô chính trị của Ả Rập Saudi)
- Jeddah (Thủ đô thương mại của Ả Rập Saudi)
- Dammam (Thủ đô dầu khí của Ả Rập Saudi)
- Medina (Thành phố linh thiêng thứ hai của Đạo Hồi)
- Mecca (Thành phố linh thiêng nhất của Đạo Hồi)
Địa lý[sửa]
- Xem chi tiết: Địa lý Ả Rập Saudi
Vương quốc này chiếm tám mươi phần trăm Bán đảo Ả Rập. Phần lớn biên giới giáp với Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Ô-man, và Y-ê-men chưa được xác định rõ ràng, vì thế kích thước thật sự của đất nước vẫn chưa được tính toán. Chính phủ Ả Rập Saudi ước tính nước này rộng 2.217.949 km² (856.356 dặm vuông). Các con số khác dao động từ 2.149.690 km² (830.000 sq dặm vuông) tới 2.240.000 km² (864.869 sq dặm vuông).
Khí hậu khô và nóng. Sa mạc khô với khí hậu khắc nghiệt nhất, đất đai sa mạc cát phần lớn không có người ở. Đa phần các vùng trong nước, thực vật chỉ gồm cỏ dại, các loại cỏ chịu hạn và cây bụi. Các loài động vật gồm dê rừng, khỉ đầu chó, chó sói và linh cẩu ở các cao nguyên. Những loài chim nhỏ sống quanh các ốc đảo. Vùng ven Biển Đỏ, đặc biệt là các dải san hô ngầm, có hệ động vật biển phong phú. Ả Rập Saudi có đường bờ biển dài 2.640 kilômét (1.640 dặm).
Ả Rập Saudi gồm phần lớn là sa mạc và bán sa mạc với các ốc đảo. Gần một nửa diện tích đất nước là sa mạc không thể ở được với lượng mưa hàng năm 100 millimét (4 in-sơ) ở hầu hết các vùng. Những vùng phía tây có núi cao tới 3.000 mét (9.840 phít), và là vùng có khí hậu dễ chịu cũng như hệ thực vật xanh tươi nhất nước. Thủ đô Ri-át, ở vùng trung phía đông có nhiệt độ trung bình tháng 7 khoảng 42 °C (108°F) và 14 °C (57 °F) vào tháng 1. Trái lại, Giê-đa ở bờ biển phía tây có nhiệt độ 31 °C (88 °F) vào tháng 7 và 23 °C (73 °F) vào tháng 1.
Chưa tới 2% tổng diện tích đất nước thích hợp cho việc trồng cấy, và vào đầu thập kỷ 1990, việc phân bố dân cư rất khác biệt giữa các thành phố của vùng phía đông và những vùng ven biển phía tây, các ốc đảo phía trong rất đông đúc, và các sa mạc rộng lớn, hầu như không có người ở như Rub' al Khali, Sa mạc Ả Rập và những vùng cây bụi Xa-ha-ra - Ả Rập. Không hề có sông hoặc hồ thường trực ở Ả Rập Saudi.
Khí hậu[sửa]
- Xem chi tiết: Khí hậu Ả Rập Saudi
Khí hậu tại đa số các vùng ở Ả Rập Saudi có đặc trưng ở nhiệt độ cao và sự khô cằn. Đây là một trong số ít địa điểm trên thế giới nơi nhiệt độ mùa hè vượt quá 50 °C (120 °F) là điều thường gặp, trong khi đó mùa đông giá lạnh với tuyết có thể xảy ra ở vùng bên trong và vùng núi cao. Nhiệt độ trung bình thay đổi từ 8° đến 20 °C (47° đến 68 °F) trong tháng 1 tại Ri-át và 19° đến 29 °C (66° đến 83 °F) tại Jeddah. Nhiệt độ trung bình tháng 7 thay đổi từ 27° đến 43 °C (81° đến 109 °F) tại Riyadh và 27° đến 38 °C (80° đến 100 °F) ở Jeddah. Lượng mưa rất rải rác, dù những trận mưa lớn bất ngờ có thể dẫn tới ngập lụt tại những dòng suối cạn. Lượng mưa hàng năm ở Riyadh khoảng 100 mm (4 in) và hầu như chỉ diễn ra trong khoảng tháng 1 tới tháng 5; lượng mưa trung bình ở Jeddah là 54 mm (2.1 in) diễn ra trong khoảng tháng 11 đến tháng 1.
Kinh tế[sửa]
- Xem chi tiết: Kinh tế Ả Rập Saudi
Ả Rập Saudi có nền kinh tế dựa trên dầu lửa với sự kiểm soát chặt chẽ của chính phủ trên mọi hoạt động kinh tế chính. Năm 2003, Ả Rập Saudi tuyên bố sở hữu 260,1 tỷ barrel dự trữ dầu, chiếm khoảng 24% tổng lượng dự trữ dầu mỏ đã được chứng minh của thế giới. Họ là nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới và đóng vai trò quyết định trong OPEC. Hơn nữa, nguồn dự trữ dầu được chứng minh ngày một tăng thêm khi các giếng dầu không ngừng được phát hiện, trái ngược với hầu hết các nước sản xuất dầu khác. Lĩnh vực dầu khí chiếm gần 75% thu nhập, 40% GDP, và 90% nguồn thu từ xuất khẩu. Khoảng 35% tới từ lĩnh vực tư nhân. Ả Rập Saudi là một nước đóng vai trò quan trọng trong những nỗ lực của OPEC và các nước sản xuất dầu khác nhằm tăng giá dầu năm 1999 tới mức cao nhất kể từ Chiến tranh vùng vịnh bằng cách cắt giảm sản lượng. Ả Rập Saudi thông báo các kế hoạch tư nhân hóa các công ty điện lực năm 1999, tiếp theo sự tư nhân hóa các công ty viễn thông. Chính phủ đang được trông đợi tiếp tục kêu gọi tăng trưởng lĩnh vực tư nhân để giảm bớt sự phụ thuộc của đất nước vào dầu mỏ và tăng các cơ hội việc làm cho dân số đang tăng thêm của họ. Sự thiếu hụt nguồn nước và mức tăng dân số cao có thể cản trở những nỗ lực của chính phủ nhằm tăng khả năng tự cung cấp các sản phẩm nông nghiệp.
Trong những năm 90 của thế kỷ trước, Ả Rập Saudi đã trải qua một thời kỳ khó khăn khi nguồn thu từ dầu mỏ giảm sút và tốc độ gia tăng dân số ở mức cao. Thu nhập trên đầu người đã giảm từ $25.000 năm 1980 xuống $8.000 năm 2003, tăng so với $7.000 năm 1999. Sự sụt giảm nguồn thu nhập trên đầu người sau khi đã bù lạm phát đạt mức kỷ lục, ở mức chưa từng xảy ra ở bất cứ nước nào trong lịch sử.
Năm 2003 giá dầu tăng tới mức cao kỷ lục 40 đến 50 đô-la Mỹ, mở đầu thời kỳ bùng nổ dầu khí thứ hai. Nhờ vậy, nguồn thu từ dầu khí của Ả Rập Saudi đã tăng ngoạn mục. Thặng dư của họ đã vượt 28 tỷ đô-la Mỹ (110 tỷ Ri-an) năm 2005. Tadawul (Chỉ số thị trường chứng khoán Ả Rập Saudi) kết thúc năm 2004 tăng kỷ lục 76.23% tới gần 4437.58 điểm. Nguồn vốn tăng tới 110.14% so với năm trước đó ở mức $157.3 tỷ (589.93SR tỷ), khiến nó trở thành thị trường chứng khoán lớn nhất Trung Đông.
Để đa dạng hóa nền kinh tế, Ả Rập Saudi đã xây dựng một thành phố mới ở bờ biển phía tây với khoản đầu tư vượt quá 26.6 tỷ đô-la Mỹ. Thành phố được đặt tên là "Thành phố Công nghiệp Vua Áp-đu-la" nằm gần thành phố công nghiệp al-Rabegh phía bắc Giê-đa. Thành phố mới, với công việc xây dựng được bắt đầu tiến hành từ tháng 12, 2005, gồm một bến cảng, lớn gấp mười lần cảng lớn nhất thế giới - Rốt-téc-đam - có thể tiếp nhận những tàu thủy khổng lồ cũng như một vùng công nghiệp dành cho lĩnh vực hóa dầu, dược phẩm và nghiên cứu. Thành phố này sẽ trải dài 35 km dọc theo bờ biển, gồm cả một thành phố giáo dục, một khu du lịch và một trung tâm chứng khoán.
Ả Rập Saudi đã chính thức trở thành một thành viên của WTO từ tháng 12, 2005.
Lao động nước ngoài[sửa]
Ả Rập Saudi là một điểm đến cho những người lao động đang tìm kiếm việc làm từ Nam, Đông Á, Đông Phi và Trung Đông. Hàng trăm nghìn lao động giản đơn từ các nước đang phát triển đã di cư tới Ả Rập Saudi.
Nhân khẩu học[sửa]
- Xem chi tiết: Nhân khẩu học Ả Rập Saudi
Dân số Ả Rập Saudi năm 2005 được ước tính khoảng 26.4 triệu người, gồm khoảng 5.6 triệu người nước ngoài sống thường trú. Cho tới thập kỷ 1960, đa số dân vẫn là những người du mục hay bán du mục; nhờ tăng trưởng kinh tế cao và tăng đô thị hóa, hơn 95% dân số hiện đã sống định cư. Tỷ lệ sinh là 29.56 trên 1.000 dân. Tỷ lệ tử chỉ 2.62 trên 1.000 dân. Một số thành phố và ốc đảo có mật độ hơn 1.000 người trên km² (2.600/sq dặm vuông).
Đa số dân Ả Rập Saudi là người Ả Rập. Một số là người có nguồn gốc lai và là con cháu của người Tây Á, người Iran, người Mã Lai, và các dân tộc khác, đa số họ đã di cư kiểu hành hương và ở lại vùng Hijaz dọc theo bờ Biển Đỏ. Nhiều người Ả Rập từ các nước lân cận tới làm việc ở vương quốc này. Cũng có một số lượng khá lớn những người di cư từ Nam và Đông Nam Á, đa số từ Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, Indonesia, và Philippines. Có khoảng 100.000 người phương Tây ở Ả Rập Saudi, đa số họ sống ở các khu riêng biệt hay các khu kín cổng cao tường.
Theo CIA World Fact Book, 100% công dân Ả Rập Saudi là người Hồi giáo. [2]
Visa vào và ra khỏi Ả Rập Saudi yêu cầu người xin phải xác định tôn giáo của mình và nước này chính thức cấm nhập cảnh đối với tất cả mọi người từ nhà nước Israel.
Văn hóa[sửa]
- Xem chi tiết: Văn hóa Ả Rập Saudi
Văn hóa Ả Rập Saudi hầu như xoay quanh Hồi giáo. Hai thành phố linh thiêng nhất của Đạo Hồi, Méc-ca và Mê-đi-na, đều nằm ở nước này. Năm lần trong ngày, tất cả các ngày trong năm, tất cả những người theo Đạo Hồi được yêu cầu tới cầu nguyện tại các nhà thờ Hồi giáo trên khắp đất nước. Ngày cuối tuần gồm thứ Năm và thứ Sáu. Việc thực hiện nghi thức của bất cứ tôn giáo nào khác ngoài Đạo Hồi, gồm Thiên chúa giáo vào Do thái giáo, sự hiện diện của các nhà thờ, sự sở hữu những đồ vật Thiên chúa giáo đều bị đặt ngoài vòng pháp luật ở nước này. Cuốn sách linh thiêng của Hồi giáo là Kinh Côran là hiến pháp của Ả Rập Saudi, và luật Hồi giáo (Shari'ah) là nền tảng luật pháp của họ. Xem Tình trạng tự do tôn giáo tại Ả Rập Saudi.
Một trong những nghi lễ dân tộc tôn nghiêm nhất của Ả Rập Saudi là Ardha, điệu múa dân tộc của đất nước. Điệu múa kiếm này dựa trên các truyền thống Bedouin cổ xưa: những người đánh trống đánh trống thành nhịp điệu và những thi sĩ đọc những câu thơ thánh ca trong khi những người đàn ông mang kiếm nhảy múa vai kề vai. Âm nhạc dân gian Al-sihba, từ Hijaz, có nguồn gốc ở Ả Rập Andalusia, một vùng Tây Ban Nha trung cổ. Tại Méc-ca, Mê-đi-na và Giê-đa, nhảy múa và ca hát kết hợp chặt chẽ với âm thanh của al-mizmar, một nhạc cụ gỗ kiểu oboe. Trống cũng là một nhạc cụ quan trọng theo truyền thống và phong tục địa phương.
Trang phục Ả Rập Saudi có tính biểu tượng cao, thể hiện mối liên kết chặt chẽ của con người với đất đai, quá khứ và Đạo Hồi. Trang phục với đặc điểm nội trội ở tính chất rộng rãi và lỏng lẻo nhưng trùm kín phản ánh tính thiết thực của cuộc sống trong một đất nước sa mạc cũng như sự nhấn mạnh của Hồi giáo trên chất liệu len hay cô-tông(được gọi là thawb), với một shimagh (một mảnh vải cô-tông vuông kẻ carô lớn được giữ chặt bởi một sợi dây) hay một ghutra (một mảnh vải vuông đơn giản màu trắng được làm bằng vải cô-tông mịn hơn, cũng được giữ bằng một sợi dây) phủ trên đầu. Trong những ngày giá lạnh hiếm hoi, đàn ông Ả Rập Saudi mặc một áo khoác không tay bằng lông lạc đà (bisht) trùm kín người. Trang phục phụ nữ được trang trí bằng những motif bản địa, những đồng xu, đồng tiền vàng, những mảnh kim loại, và những vật treo. Tuy nhiên, phụ nữ Ả Rập Saudi phải mặc một cái áo khoác không tay dài (abaya) và khăn che mặt (niqab) khi họ ra khỏi nhà để bảo vệ tính e lệ của họ. Luật pháp không áp dụng cho người nước ngoài nhưng cả đàn ông và phụ nữ đều được khuyến cáo nên ăn mặc có mức độ.
Đạo Hồi cấm ăn thịt lợn và uống rượu, và luật này được tuân thủ nghiêm túc trên toàn bộ lãnh thổ Ả Rập Saudi. Món bánh mì Ả Rập, hay khobz, thường được ăn trong hầu hết các bữa. Các sản phẩm khác gồm thịt cừu nấu chín, gà nướng, felafel (hạt đậu xanh nấu nhừ), shwarma (thịt cừu xiên nướng), và fuul (một miếng đậu fava, tỏi và chanh). Những quán cà phê truyền thống có ở khắp nơi, nhưng hiện bị những quán cà phê kiểu kiêm cả đồ ăn lấn lướt. Trà Ả Rập cũng là một đồ uống quen thuộc của họ, nó được dùng trong cả những dịp lễ nghi và thông thường như khi gặp gỡ giữa bạn bè, gia đình và thậm chí cả người lạ. Trà màu đen (không đường) và có hương vị thảo mộc ở nhiều mức độ khác nhau.
Các rạp hát công cộng và rạp chiếu phim bị cấm hoạt động, theo truyền thống Wahabbi những thứ đó không thích hợp với Đạo Hồi. Tuy nhiên, trong những khu vực tư nhân như Dhahran và Ras Tanura các nhà hát công cộng có thể hoạt động, nhưng thường là nơi để trình diễn nhạc dân tộc, nghệ thuật và các sản phẩm sân khấu hơn là để trưng bày những hình ảnh động. Những kế hoạch gần đây về việc mở cửa một số rạp chiếu phim cho phép chiếu các bộ phim hoạt hình Ả Rập cho phụ nữ và trẻ em đã được công bố.
Di sản văn hóa được kỷ niệm tại festival văn hóa Jenadriyah hàng năm.
Mutaween, hay cảnh sát tôn giáo, cũng được gọi là Cơ quan tăng cường đức hạnh và ngăn chặn sự đồi bại gồm 3.500 sĩ quan và được hỗ trợ bởi hàng ngàn người tình nguyện,[9] nhiệm vụ của họ là buộc mọi người tôn trọng học thuyết tôn giáo (luật Shari'a của Đạo Hồi như chính phủ Ả Rập Saudi quy định) và loại bỏ các hành động "không phải Hồi giáo". Họ có quyền bắt giữ tất cả đàn ông và phụ nữ không có họ hàng với nhau nhưng có hành động trao đổi xã hội bình thường với nhau, và cấm mua bán các sản phẩm và các sản phẩm truyền thông đại chúng như trò chơi và đồ chơi, các đĩa nhạc phương Tây, và các show truyền hình. Mutaween gần đây đã mở ra một website nơi mọi người có thể đưa lên những lời bình luận về những hành động "không phải Hồi giáo"[10]. Mặc dù gần đây ảnh hưởng và quyền lực của họ đã giảm sút, họ đã quan tâm một chút tới những lo ngại về vấn đề nhân quyền.
Xem thêm[sửa]
- Thông tin tại Ả Rập Saudi
- Các quan hệ nước ngoài của Ả Rập Saudi
- Những ngày nghỉ ở Ả Rập Saudi
- Danh sách những ngôi nhà Ả Rập
- Danh sách các thành phố tại Ả Rập Saudi
- Danh sách các công ty Ả Rập Saudi
- Danh sách các trường đại học Ả Rập Saudi
- Quân đội Ả Rập Saudi
- Saudi Aramco
- Vận tải ở Ả Rập Saudi
- Quyền của người đồng tính tại Ả Rập Saudi
- Nhân quyền tại Ả Rập Saudi
- Buôn bán người tại Ả Rập Saudi
- Tình trạng tự do tôn giáo tại Ả Rập Saudi
- Tưới tiêu tại Ả Rập Saudi
- Tổ chức hướng đạo sinh Ả Rập Saudi
Thư mục[sửa]
- Baer, Robert, Sleeping With The Devil: How Washington Sold Our Soul for Saudi Crude (Crown, 2003) ISBN 1400050219
- Gold, Dore, Hatred's Kingdom: How Saudi Arabia Supports the New Global Terrorism (Regnery Publishing, Inc. 2004) ISBN 0895260611
- Lippman, Thomas W. "Inside the Mirage: America's Fragile Partnership with Saudi Arabia" (Westview 2004) ISBN 0813340527
- Mackey, Sandra, The Saudis: Inside the Desert Kingdom (Houghton Mifflin, 1987) ISBN 0395411653
- Ménoret, Pascal, The Saudi Enigma: A History (Zed Books, 2005) ISBN 1842776053
- al-Rasheed, Madawi, A History of Saudi Arabia (Cambridge University Press, 2002) ISBN 052164335
- Matthew R. Simmons, Twilight in the Desert The Coming Saudi Oil Shock and the World Economy, John Wiley & Sons, 2005, ISBN 047173876X
Tham khảo[sửa]
- ↑ Thanh Tùng. Ả-rập Xê-út đem 15 tỷ USD "dụ" Nga ngừng ủng hộ Syria. Ngày 8 tháng 8 năm 2013 [Ngày 10 tháng 9 năm 2013].
- ↑ Trúc Quỳnh. Lên án bom chùm, Mỹ vẫn bán cho Ảrập Xêút. Ngày 26 tháng 8 năm 2013 [Ngày 10 tháng 9 năm 2013].
- ↑ Vương quốc A-rập Xê-út. [Ngày 10 tháng 9 năm 2013].
- ↑ Nh.Thạch. Arập Xêút tiếp vũ khí cho quân nổi dậy Syria. Ngày 28 tháng 2 năm 2013 [Ngày 10 tháng 9 năm 2013].
- ↑ Ngân Giang. "Quả bom tấn" ném vào ngành ngoại giao Mỹ. Ngày 8 tháng 12 năm 2010 [Ngày 10 tháng 9 năm 2013].
- ↑ Nguyễn Hường. EU Times: Putin ra lệnh tấn công Ả Rập Saudi nếu Syria bị đánh. Ngày 29 tháng 8 năm 2013 [Ngày 10 tháng 9 năm 2013].
- ↑ Saudi Arabia, International Religious Freedom Report 2004, Bureau of Democracy, Human Rights, and Labor
- ↑ Saudi Arabia quy định trang phục phụ nữ như thế nào? nghiencuuquocte
- ↑ Saudi minister rebukes religious police BBC, Monday, 4 November, 2002
- ↑ Saudi police 'stopped' fire rescue, BBC, Friday, 15 March, 2002
Liên kết ngoài[sửa]
- The New York Times "Asterisk Aside, First National Vote for Saudis" ngày 10 tháng 2 năm 2005
- BBC "Q&A: Saudi municipal elections"
- BBC "Saudis' first exercise in democracy"
- "Saudi police 'stopped' fire rescue"
- Hesbah.com site of Authority for the Promotion of Virtue and Prevention of Vice Form for Saudis to anonymously report "un-Islamic" activities to the Mutaween.
- "Saudi says US human trafficking criticism unfounded"
Liên kết ngoài[sửa]
Bản mẫu:Shortcut Bản mẫu:Portal Bản mẫu:Sisterlinks
Chính phủ
- Saudi Arabian Information Resource from the Saudi Ministry of Culture and Information
Tổng quan
- Saudi-US Relations Information Service - Saudi Arabia
- BBC News Country Profile - Saudi Arabia
- CIA World Factbook - Saudi Arabia
- Congressional Research Service (CRS) Reports regarding Saudi Arabia
- US State Department - Saudi Arabia includes Background Notes, Country Study and major reports
- PBS Frontline - "House of Saud" February 2005 documentary
Hướng dẫn
- Arab Gateway - Saudi Arabia
- Findouter - Saudi Arabia directory category
- Open Directory Project - Saudi Arabia directory category
- Yahoo! - Saudi Arabia directory category
Tin tức
- Yahoo! News Full Coverage - Saudi Arabia news headline links
Khác Bản mẫu:Wikivoyage
- Saudi Arabia: Historical Demographic Data Factsheet
- Asinah - Saudi Arabia
- British Business Group, Jeddah
- U.S. Department of Justice: Foreign Agents Registration Act
- A Virtual Tour of Saudi Arabia
- Amir Butler: Leave change in Saudi Arabia to the Saudis (Discusses the question of Saudi liberalization)
- the supreme commission for tourism
- Saudi Arabia travel guide
Bản mẫu:Tây nam Á Bản mẫu:Trung Đông Bản mẫu:Châu Á
Liên kết đến đây
- Danh sách ngôn ngữ theo tổng số người sử dụng
- Olympic Toán học Quốc tế
- Tiếng Anh
- Ấn Độ Dương
- Áo
- Biết chữ
- Châu Á
- Chế độ quân chủ
- Franklin D. Roosevelt
- Hồi giáo Shia
- Xem thêm liên kết đến trang này.