Khẳng định chính mình/Đừng để bản thân càng thêm cô độc

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

 Mục lục - Lời nói đầu - Tự thuật

 

Chương: 1 - 2 - 3 - 4 - 5 - 6 - 7 - 8 - 9 - 10 - 11 - 12 - 13 - 14 - 15 - 16 - 17 - 18 -19 - 20 - 21 - 22 - 23 - 24 - 25 - 26 - 27 - 28 - 29 - 30 - 31 - 32

ĐỪNG ĐỂ BẢN THÂN CÀNG THÊM CÔ ĐỘC[sửa]

Chiều tối, khi đang đứng trước cửa tòa nhà văn phòng, ba tình cờ nhìn thấy một chiếc xe buýt chạy ngang qua, có một nguời da đen ngồi hàng ghế phía sau đang hướng mắt ra ngoài cửa sổ. Hình ảnh ấy bất chợt làm ba nhói đau khi nhớ lại một câu chuyện trên một chuyến xe buýt nhiều năm trước tại New York: Một phụ nữ da đen dắt đứa con nhỏ chừng 4-5 tuổi lên xe, đứa nhỏ không phải mua vé chạy tót lên hàng ghế trên ngồi, còn nguời mẹ thì rút tiền ra trả. Xe vừa đi được một đoạn ngắn, chị bị tài xế gọi giật lại: - “Ê chị trả thiếu tiền này”. Người mẹ quay lại, cúi đầu, đếm thật cẩn thận, lẩm bẩm, nói: “Có thiếu đâu nhỉ?” - “Thế à?” – tài xế đưa mắt nhìn lại một lần nữa rồi xua tay nói: “Không thiếu, chị đi đi”. Nhưng điều làm mọi nguời kinh ngạc đã xảy ra, nguời mẹ tiến về phía đứa bé, rồi đột nhiên giơ tay tát thẳng vào mặt nó một cái nảy đom đóm mắt. Đứa bé đờ ra một lúc, đưa bàn tay bé xíu ôm lấy một bên má rát bỏng của mình, ánh mắt lộ vẻ kinh hãi. Rồi cuối cùng, nó òa khóc. - “Cút ngay ra đằng sau ngồi, mày quên mày là một đứa da đen à, da đen chỉ xứng đáng ngồi hàng ghế sau thôi” - Người mẹ quát to. Tất cả mọi nguời trong xe im lặng, ai cũng như ai, đặc biệt là những nguời da trắng đều cảm thấy cái tát bỏng rát kia như thể giáng xuống mặt mình vậy. Tối đó, ba kể chuyện này cho mẹ con nghe, mẹ con đã kể một câu chuyện khác cũng thương tâm như thế: Một học sinh da đen đã viết vào đơn xin nhập học thế này: “Trong kí ức thời niên thiếu của tôi, cái hiện về rõ nét nhất đó là hình ảnh của lần đầu tiên tìm đến các bạn da trắng chơi đùa. Tôi mỉm cười đứng giữa những nguời bạn da trắng, nhưng các bạn ấy chẳng đếm xỉa gì đến tôi, như thể không có sự hiện diện của tôi vậy. Tôi tủi thân đứng khóc, một nguời bạn khác cũng da đen như tôi đi đến, nhưng cậu ta không an ủi tôi mà còn nhìn tôi chế giễu: “Mày không thử nhìn xem da mày màu gì à?” Tôi về nhà, lấy xà phòng tắm mãi, thậm chí còn dùng cả bàn chải để cọ nữa, hi vọng có thể làm mình trắng ra, nhưng cái trôi đi không phải là màu đen của da mà là màu đỏ, là máu!” Những dòng chữ khiến nguời ta quặn lòng! Ba cảm thấy cơ hồ như dòng máu đỏ tươi ấy đang chảy trước mắt mình vậy, nó cũng làm ba nhớ đến một bộ phim: Một đứa bé da đen bị thương, một đứa bé da trắng đã kinh ngạc thốt lên rằng: “Trời ơi, máu của nó cũng màu đỏ này!” Đây không phải là một câu chuyện gì mới mẻ, bởi vì chúng ta cũng thường gây ra những chuyện tương tự như thế. Chúng ta đã tự chia con nguời thành những đẳng cấp khác nhau một cách tự nhiên, lừa rối lương tâm, tự cho mình cao hơn nguời khác một bậc, cố tình bỏ qua cái chữ “con nguời” mà ai cũng như ai. Có một nguời bạn của ba gần đây tìm được một căn nhà như từ lâu chú ấy vẫn thường mơ ước, trước mặt là một thảm cây xanh mượt, sau lưng là dốc núi, xa hơn nữa có thể nhìn thấy biển và núi. Nhưng trước hôm kí kết hợp đồng một ngày bỗng dưng chú ấy thay đổi quyết định, nguyên nhân là chú ấy được biết cách khu nhà ấy không xa là một khu nhà ở với giá rẻ. Chú ấy nói: “Cậu chịu được cái cảnh sau này con cái mình chơi bời giao lưu với lũ trẻ của khu nhà ở rẻ tiền đó không? Bỏ ngần ấy tiền ra mua nhà thì cũng phải có những nguời hàng xóm đáng giá ngần ấy tiền chứ?” Câu chuyện này cũng làm ba nhớ lại mấy năm trước khi ba cùng một nguời bạn đi tham quan núi A Li. Ba đi tàu hỏa đến Gia Nghĩa rồi thuê ô tô lên núi. Xe chỉ có bốn chỗ ngồi nên ba phải ngồi cùng một đôi vợ chồng không quen biết. Trên đường đi, họ đã bắt chuyện với ba. Họ kể cho ba nghe về công việc nặng nhọc của họ tại nhà máy sản xuất giầy thế nào, ba kể về những ngày sống ở New York ra sao… Khi xuống xe, nguời bạn kia của ba tỏ ra rất không vui, nói rằng: “Việc gì cậu phải nói chuyện với bọn thợ thuyền này làm gì, mất hết cả tư cách!” Thực ra khi nói câu này thì chính chú ấy đã làm mất đi tư cách. Bởi vì không biết tôn trọng nguời khác - điều đó chứng tỏ sự kém hiểu biết của bản thân, thậm chí chính sự tự ti đã sinh ra tự cao tự đại. Ba từng gặp trường hợp một họa sĩ mang tranh đi triển lãm ở Mĩ, được nguời xem hết sức tán thưởng và hoan nghênh nhiệt liệt. Khi được hỏi: “Mối quan hệ giữa hội họa Trung Quốc và hội họa Nhật Bản?” Câu trả lời của họa sĩ đó là: “Hội họa Nhật Bản học từ Trung Quốc, tuy có cốt mà không có hồn, không hàm súc, không đáng xem”. Chưa nói hết câu, nguời xem đã lục tục tỏ ra thất vọng, ra về. Ông ta không biết rằng: Đề cao mình không cứ phải phủ nhận nguời khác. Anh có thể không tán đồng nhưng không được hoàn toàn phủ nhận! Những nguời phủ nhận nguời khác thường là những nguời không có mối giao tế thật tốt với những nguời xung quanh, bởi vì trong lòng họ có một hàng rào ngăn trở nguời khác – và đó đồng thời cũng là điều ngăn trở chính mình. Cô giáo dạy tiểu học của con đã từng nói với ba rằng: “Khi anh phát hiện ra đứa trẻ học lớp dưới có thái độ phân biệt chủng tộc thì không cần phải tìm phụ huynh nó nói chuyện làm gì, vì suy cho cùng, sự miệt thị chủng tộc của chúng phần lớn học được từ bố mẹ. Chỉ có điều tôi lo lắng là những đứa trẻ như thế khi lớn lên sẽ trở nên cô độc trong xã hội mà thôi”. Cô giáo nói những điều này là vì con bị bọn trẻ da trắng miệt thị, chúng gọi con là “Tên nô lệ nước Thánh”. Con còn nhớ khi về nhà ba đã an ủi con thế nào không? Ba nói rằng: “Nếu con oán trách xã hội này không công bằng thì chi bằng con hãy tự mình nỗ lực tạo ra một xã hội công bằng hơn có hơn không. Khi thấy nguời da trắng miệt thị nguời da vàng, con càng cần phải nỗ lực hơn nữa để chứng minh rằng nguời da vàng không thua kém gì nguời da trắng cả. Con cũng càng cần phải tôn trọng nguời thuộc chủng tộc khác. Nếu con cũng miệt thị nguời da đen, thì con dựa vào cái gì mà đòi những nguời da trắng không được miệt thị con?” Chính vì thế ba đã nói với hai nguời bạn của mình, một nguời cùng đi núi A Li, và nguời kia là nguời định mua ngôi biệt thự rằng: “Chúng ta may mắn được sống trong một quốc gia không có sự phân biệt về sắc tộc, hà tất phải tự mình phân biệt đẳng cấp? Hòn đảo Đài Loan vốn đã nhỏ bé, nằm một mình giữa biển mênh mông chẳng đã đủ cô độc rồi sao, có cần phải khiến mình càng thêm cô độc nữa hay không?” Trước khi con tốt nghiệp, chuẩn bị bước vào đời, ba viết bức thư này cho con, hi vọng con sẽ có một trái tim vị tha và rộng lượng!


Tôi về nhà, lấy xà phòng kỳ cọ mãi, thậm chí dùng cả bàn chải cọ nữa, nhưng cái trôi đi không phải là cái màu da đen kia mà là màu đỏ là máu!

Liên kết đến đây

Xem thêm liên kết đến trang này.