Khẳng định chính mình/Hãy tự mình quyết định
|
Chương: 1 - 2 - 3 - 4 - 5 - 6 - 7 - 8 - 9 - 10 - 11 - 12 - 13 - 14 - 15 - 16 - 17 - 18 -19 - 20 - 21 - 22 - 23 - 24 - 25 - 26 - 27 - 28 - 29 - 30 - 31 - 32 |
HÃY TỰ MÌNH QUYẾT ĐỊNH![sửa]
Vì bận chuyển nhà mà gần đây ba bận tối mắt tối mũi, ấy vậy mà lần nào hỏi con chuẩn bị đến đâu rồi, con đều nói: “Vội gì ba, chỉ cần một lúc là con làm xong ngay ấy mà”. Cho mãi đến hôm nay khi chỉ còn hai ngày nữa là công ty chuyển nhà mang xe đến dọn dẹp, con mới bắt đầu mang hộp cát tông vào phòng mình thu xếp, miệng không ngừng đặt ra những câu hỏi: “Làm thế nào để gấp đáy hộp lại nhỉ? Sách không dùng đến, mang tặng thư viện được không nhỉ? Hết băng dính rồi thì làm thế nào? Sổ ghi chép từ năm kia có nên để lại không nhỉ? Sách bỏ đi, vứt vào thùng rác có được không?”… Và câu trả lời của ba lúc ấy là: “Con hãy tự mình quyết định lấy!”
Chắc khi nghe thấy câu này con thích lắm. Còn nhớ lúc ba còn nhỏ, lần đầu tiên nghe bà nội nói thế, ba tự nhiên có một cảm giác hưng phấn đặc biệt, như thể nghe thấy nguời ta nói: “Tiền mừng tuổi của con, con có thể giữ lấy mà dùng”. Điều đó chứng tỏ tự mình đã làm chủ bản thân rồi. Tự mình làm chủ là một việc thực sự giỏi giang!
Làm chủ nghĩa là không phải bất cứ việc gì cũng phải xin ý kiến nguời khác, làm chủ nghĩa là có thể làm việc theo những gì mà mình mong muốn. Làm chủ nghĩa là có quyền chủ động, chi phối. Làm chủ nghĩa là không cần nghe nguời khác sai bảo. Nhưng nên nhớ, làm chủ cũng có nghĩa là con phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước những việc mình làm, thậm chí phải chịu trách nhiệm trước những nguời khác nữa, bởi vì hành vi của bản thân sẽ ảnh hưởng đến nguời khác, tất nhiên tự mình làm chủ cũng cần phải tính đến sự ảnh hưởng của mình đến những nguời khác. Ví dụ, ba là chủ gia đình, thoạt nghe có vẻ uy quyền lắm nhưng thực ra làm chủ gia đình nghĩa là ba phải chịu trách nhiệm trước tất cả những thành viên trong cả gia đình.
Hôm nay, ba muốn con làm chủ, làm chủ trong việc tự thu xếp đồ đạc của con. Con có quyền quyết định đối với những thứ là của con, giữ hay không giữ, mang về nhà mới hay vứt vào sọt rác? Tất cả đều nằm hết trong quyền quyết định của con! Tất nhiên, một cách tương đối, con cũng cần xem xét nên bỏ cái gì và giữ lại cái gì. Việc lỡ vứt đi cái không nên vứt, con sẽ bị tổn thất ra sao. Đặc biệt hơn, trước đây con đều hỏi ba cái này làm thế nào, cái kia làm thế nào, còn hôm nay ba cho con tự quyết định lấy!
Con nói con không có băng dính để dính hộp cát tông, ba nói ba có nhưng ba cũng đang cần dùng, không thể nào cho con dùng chung được. Con có thể lục tung các thứ lên mà tìm hoặc chạy sang hàng xóm mượn, hay có thể đội mưa đi xa hàng dặm để mua. Nhưng, không nên hỏi ba phải làm thế nào. Hôm nay, con tự nghĩ lấy cách giải quyết!
Con đừng nghĩ ba lạnh lùng, bởi con đã đến cái tuổi cần phải tự mình chịu trách nhiệm trước bản thân rồi. Sách của con chứ không phải sách của ba, ba không thể lựa chọn thay cho con được; thùng giấy của con chứ không phải của ba, ba không có tài phân thân để giúp con. Song điều quan trọng nhất là: Con không phải là ba, càng không phải là cái bóng của ba, ba không thể thay con làm chủ suốt cả cuộc đời!
Có lần, cha thấy vị chỉ huy nói: Lúc đánh trận, cấp trên chỉ chỉ đạo anh mấy giờ mấy phút thì tấn công, chứ không hỏi xem nguời anh đã thấm mệt rồi, liệu có thể xoay xỏa nhanh như thế hay không, họ cũng không hỏi xem vũ khí của anh có đủ không, lương thực thế nào, bởi vì cái mà họ xem xét là cái toàn cục chứ không thể để ý từng tí nhỏ nhặt như thế được. Tóm lại, anh sống hay anh chết là việc của anh, nhưng cái tiêu chí mấy giờ mấy phút phải tấn công kia lại là trách nhiệm mà anh không thể chối bỏ.
Đúng vậy, trách nhiệm là thứ không thể chối bỏ. Một nguời trưởng thành phải là một nguời biết chịu trách nhiệm từ đầu đến cuối, bởi vì anh ta hiểu rằng: “Trách nhiệm là một chuỗi mắt xích, tổ trưởng không làm tròn nhiệm vụ của lớp trưởng giao phó, lớp trưởng sẽ không hoàn thành nhiệm vụ của trường giao phó, cứ như vậy từng tầng từng tầng một dồn lên trên, chỉ cần nguời bên dưới không hoàn thành trách nhiệm thì mục tiêu của cấp trên cũng không hoàn thành được. Mà quân sự lại liên quan đến sự an nguy của cả một quốc gia, đến sự sống còn của nhân dân, sao lại không có nguời chịu trách nhiệm cơ chứ? Người không hoàn thành nhiệm vụ lẽ nào lại không đáng chịu sự trừng phạt cao nhất?
Lại nói lại chuyện của bố con mình. Mặc dù chuyển nhà không phải là chuyện đánh trận, nhưng một khi xe chở đồ đến mà con vẫn chưa sắp xếp xong có phải con đã làm ảnh hưởng đến gia đình rồi không? Còn ngày hôm sau nữa, nguời mua nhà của chúng ta cần chuyển đến ở ngay, ngôi nhà cũ của họ cũng có thể có nguời chủ mới phải dọn đến gấp, thế có phải một chuỗi mắt xích hay sao? Nói với con nhiều như thế, nhưng cũng vẫn chỉ là nhắc nhở con một câu cũ mèm: “Con hãy tự mình quyết định lấy!”
Anh sống hay anh chết là việc của anh nhưng đánh hạ cứ điểm đó trong mấy giờ mấy phút lại là trách nhiệm mà anh không thể chối bỏ.
Liên kết đến đây
- Khẳng định chính mình, Lưu Dung, 2002
- Khẳng định chính mình/Lời nói đầu
- Khẳng định chính mình/Tự thuật
- Khẳng định chính mình/Làm một con người của thế giới
- Khẳng định chính mình/Dấu chân trên tuyết
- Bản mẫu:Khẳng định chính mình
- Khẳng định chính mình/Cẩn thận, đừng tranh chỗ sáng
- Khẳng định chính mình/Tình sâu nặng
- Khẳng định chính mình/Yêu con chứ không phải muốn làm khổ con
- Khẳng định chính mình/Hãy chiến thắng mỗi ngày
- Xem thêm liên kết đến trang này.