Khẳng định chính mình/Lựa chọn hi sinh

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

 Mục lục - Lời nói đầu - Tự thuật

 

Chương: 1 - 2 - 3 - 4 - 5 - 6 - 7 - 8 - 9 - 10 - 11 - 12 - 13 - 14 - 15 - 16 - 17 - 18 -19 - 20 - 21 - 22 - 23 - 24 - 25 - 26 - 27 - 28 - 29 - 30 - 31 - 32

LỰA CHỌN HI SINH[sửa]

Trước đây Đài Loan có chiếu một bộ phim có tên “Tha hương”, chuyển thể từ tiểu thuyết của Bách Dương. Cuốn tiểu thuyết này ba đã đọc từ hồi đầu năm cấp 3, chi tiết thế nào quên cả rồi, chỉ nhớ hình ảnh một cái đầu nguời bị treo trên một cây sào. Hình ảnh này vẫn còn in đậm trong trí óc của ba.

Ba chưa đi xem bộ phim “Tha hương” nhưng ba mua cuốn tiểu thuyết về, mỗi tối trước khi đi ngủ lại đọc vài trang. Lần nào bỏ sách xuống để lên đầu giường, ba đều có cảm giác hai bàn tay thật nặng nề, còn trong lòng thì cảm thấy có một nỗi thương xót rất lạ lùng. Thế nhưng ba vẫn đọc hết nó, thậm chí đọc xong rồi thỉnh thoảng ba vẫn giở lại những trang đã đọc, lật đến trang nào thì đọc trang đó. Có điều rất lạ là mỗi lần như thế, ba đều có cảm giác không giống nhau.

Cuốn sách miêu tả sự thực lịch sử đau thương ở vùng biên giới. Chiến tranh làm nguời ta phải đối mặt với sinh mạng, với cái sống và cái chết, càng phải đối diện với sự giằng co sinh tử:

Đầu hàng hay là chiến đấu cho đến chết?
Tồn tại hay hi sinh?

Trong cuốn “Tha hương”, tác giả cũng đề cập đến vấn đề ấy. Ba còn nhớ tình tiết rõ nhất là anh thương binh anh dũng chiến đấu, rồi trở về từ cõi chết, song anh ta không có chỗ nương thân, còn các vị quan chức được thoát li hồi chiến tranh bom đạn thì xây nhà lầu. Điều làm nguời ta cảm động, nhân vật chính trong câu chuyện đáng ra có thể nghỉ ngơi, hưởng thụ vinh hoa rồi, nhưng vẫn muốn tiếp tục tha hương nơi đất khách. Câu chuyện làm ba nghĩ đến một câu nói nổi tiếng ca ngợi phẩm chất đạo đức: “Tôi đã dám sống với thế giới này thì những hạnh phúc khổ đau của trần gian tôi đều gánh vác”.

Sáng nay, nhận được thư của mẹ con, trong đó có một đoạn, thật giống với những cảm xúc của ba khi đọc cuốn “Tha hương”: “Khi anh muốn hi sinh cho một lí tưởng nào đấy, anh không nên chỉ chăm chăm vào cái lí tưởng ấy mà cần phải đặt nó lên bàn cân, đong đếm một chút, cân nhắc xem cái nguời mà anh định hi sinh kia có xứng đáng để anh làm thế không. Họ có đền đáp anh xứng đáng không, hay họ chỉ muốn lợi dụng bầu nhiệt huyết của anh thôi”. Cuối thư mẹ con còn nhấn mạnh: “Cơ hội để hi sinh vì lí tưởng thì có quá nhiều, nhưng sinh mạng con nguời thì chỉ có một, nên anh cần phải lựa chọn”.

Chẳng phải thế sao, cuộc đời chúng ta có quá nhiều cơ hội để hi sinh. Từ những điều nhỏ thôi, như hi sinh giấc ngủ, hi sinh những vui thú, lợi nhuận…

Thế nhưng nhìn từ góc độ những điều to tát hơn, hi sinh cũng có thể là “hi sinh tự do”, “hi sinh gia đình”, “hi sinh tính mạng”.

Nghe nói hồi chiến tranh thế giới thứ II, những phi công của đội Thần Phong Nhật Bản chuyên lái “phi cơ cảm tử” trước lúc xuất phát phải đi chôn quần áo của mình, sau đó mới bước lên những chiếc máy bay chở đầy bom ra mặt trận. Họ đã hi sinh, hi sinh đến độ cả thi thể và xương cốt của mình cũng không tồn tại nữa.

Ngày trước, ba có xem một bộ phim kiếm hiệp có tên “Mộng lưu hương”, trong đó có một tình tiết khó lòng mà quên được: Bang chủ bị thương, phải chốn trong hầm trú ẩn của nguời hầu cận. Người hầu cận đã điều khiển chiếc xe ngựa của bang chủ rồi lao xuống vực tự sát khiến cho kẻ thù tưởng rằng bang chủ đã thiệt mạng. Nhưng bi thương nhất là chi tiết trước khi nguời hầu cận kia chết, anh ta còn hạ độc, không phải hạ độc mình mà là hạ độc chính nguời vợ và hai đứa con nhỏ của mình vì sợ nguời nhà có thể làm bại lộ hành tung của bang chủ.

Nghĩ đến cảnh nguời vợ cùng hai đứa con nhỏ đã thiệt mạng, cảnh những phi công ở đội bay cảm tử đến thắp hương trước phần mộ của chính mình, ba cứ tự hỏi rằng: Sự hi sinh của họ có đáng không? Ba biết rằng ít nhất trong lòng những con nguời muốn hi sinh kia nghĩ rằng: “Xứng đáng”!

Vấn đề là ở chỗ nếu bình tĩnh mà suy xét thì có rất nhiều sự hi sinh không hẳn đã có giá trị. Hồi trung học, khi ba giành được vị trí quán quân trong cuộc thi hùng biện ở Đài Bắc, có một hôm nhà trường yêu cầu ba tham dự một cuộc thi đột xuất. Lúc đó bà nội con nói với ba: “Con đã có những thành tích vinh dự như thế rồi thì cố mà giữ lấy, không cần phải tham dự miễn cưỡng”.

Nhưng nghe nhà trường nói đã hoãn lại rất lâu rồi, chỉ vì không tìm được nguời nào thích hợp cả nên họ nhất định phải mời ba, đành nhờ ba xuất hiện miễn cưỡng một lần vậy.

Thế là ba đồng ý. Kết quả là: “Thất bại thảm hại trở về!”

Lúc ép ba tham dự, họ tâng ba lên đến tận mây xanh: “Cậu là thiên tài, chắc không có vấn đề gì đâu”. Nhưng sau khi thất bại, vị chủ nhiệm và tổ trưởng kia phản ứng như thế nào? Họ chỉ nhún vai cười cười rồi nói: “Thật không ngờ, thật không ngờ!” Họ thực sự không ngờ, sự thất bại đó đối với ba là một tổn thương tinh thần ghê gớm.

Báo chí đã đăng về trường hợp một cô nữ sinh trung học vì quá yêu cậu bạn trai của mình mà xung đột với cha mẹ, bỏ nhà ra đi, bỏ cả sự nghiệp học hành, cả gia đình, hi vọng sẽ tạo dựng được một gia đình khác mỹ mãn và hạnh phúc hơn, nhưng không ngờ cậu bạn trai kia là một tay cờ bạc rượu chè, cuối cùng đến cả nguời yêu, cậu ta cũng bán luôn.

Đây là một hiện tượng khá phổ biến, cứ đến quận Phong Hóa là có thể nghe thấy một lô những chuyện vì nguời yêu mà “hi sinh” kiểu này.

Ba chưa đến quận Phong Hóa, nhưng có nghe một tay anh chị trong giới xã hội đen ở đó nói: “Gặp những địch thủ lão làng cũng chẳng có gì đáng sợ, nhưng gặp thằng choai choai thì cứ phải dè chừng, bởi vì bọn trẻ này chưa trưởng thành, có giết nguời thì cùng lắm cũng chỉ bị đưa đi cảm hóa. Do vậy, chúng thường bị bọn đàn anh già dặn lợi dụng làm những tay sát thủ. Bọn trẻ hăng máu chỉ cần tâng bốc nó lên một chút hay kích nó vài câu là nó sẵn sàng ra tay ngay, thậm chí bị đánh nhừ tử mà vẫn tưởng mình là anh hùng!”

Con chẳng đã từng kể hay sao?

Những thành phần bất hảo học lớp lớn hơn trong trường trung học thường dụ dỗ lôi kéo những học sinh ở lớp bé hơn sa vào con đường nghiện ngập hút chích sau đó còn tổ chức ban thưởng “để động viên anh em”. Những cậu học sinh nhỏ thì lấy làm vinh dự lắm, rất đắc ý làm bậy, đến lúc bị bắt rồi vẫn cho rằng sự hi sinh của mình có thể nâng cao vị thế của bản thân trong “giới giang hồ”. Câu chuyện về cô gái ngây thơ nọ, những thanh niên choai choai bị lợi dụng làm sát thủ hay những cậu học sinh bị dụ dỗ kích động đến nghiện ngập rồi buôn bán ma túy kia không phải là sự ngu xuẩn đến nực cười hay sao? Bọn họ cũng hi sinh đấy chứ nhưng đấy đó là sự hi sinh cho những nguời không xứng đáng. Đến một ngày có thể hi sinh cho tổ quốc, cho dân tộc, cho những lí tưởng cao đẹp thì họ lại chẳng còn cơ hội nữa.

Người tự tử được cứu sống, những ngày sau đó sẽ tìm thấy những niềm vui trong cuộc sống, thấy trời đất rạng rỡ tươi sáng hơn, lúc này ngẫm nghĩ lại hành động tự vẫn của mình lúc trước sao mà điên rồ, sao mà đáng xấu hổ. Nhưng cũng may là họ còn được cứu sống để mà hối hận. Nếu lúc trước, họ không được cứu thì liệu còn có cơ hội hay không?

Nếu có một ngày con đứng trước sự lựa chọn: Hi sinh hay không? Ba hi vọng con hãy suy nghĩ cho thật kĩ những điều này: Đối tượng để con hi sinh có xứng đáng không?

Khi hi sinh hết rồi, liệu con còn có thể tiếp tục hi sinh nữa hay không? Hay là con đã hi sinh đến tận cùng mà không đòi hỏi một cái giá nào cả?


Con hi sinh hết rồi, liệu con còn có thể tiếp tục hi sinh nữa hay không?
Hay là con đã hi sinh đến tận cùng mà không đòi hỏi một cái giá nào cả?

Liên kết đến đây

Xem thêm liên kết đến trang này.