Khẳng định chính mình/Tình thương báo đền

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

 Mục lục - Lời nói đầu - Tự thuật

 

Chương: 1 - 2 - 3 - 4 - 5 - 6 - 7 - 8 - 9 - 10 - 11 - 12 - 13 - 14 - 15 - 16 - 17 - 18 -19 - 20 - 21 - 22 - 23 - 24 - 25 - 26 - 27 - 28 - 29 - 30 - 31 - 32

TÌNH THƯƠNG BÁO ĐỀN[sửa]

Chắc con vẫn thường nghe ba nhắc đến phong cảnh ở đảo Lan, đúng không? Nhưng ba nói cho con biết, ấn tượng sâu đậm nhất mà đảo Lan để lại trong ba không phải là phong cảnh sơn thủy hữu tình mà chính là ấn tượng khi gặp gỡ một gia đình sống ven biển. Đó là một buổi chiều tà, ba đang tản bộ trên bãi biển thì gặp một gia đình nọ, cả nhà đang ngồi xổm trên bãi cát gom nhặt những con cá trong tấm lưới vừa đánh lên. Họ chia đống cá ra làm bốn phần, có thể nói là bốn loại cá có chất lượng khác nhau. “Sao lại chia cá thành mấy phần như thế?” – Ba tò mò hỏi. Người đàn ông bằng giọng địa phương ồm ồm của mình chỉ vào phần cá ngon nhất nói: “Đây là cá của đàn ông”; rồi lại chỉ vào hai phần cá còn lại, nói: “Cá của phụ nữ, cá của trẻ con”. Cuối cùng nguời đàn ông chỉ vào phần cá vừa ít vừa tồi nhất, nói: “Còn đây là cá của nguời già, cho nguời già ăn”.

Mười năm năm rồi, hình ảnh gia đình ven biển ấy còn hiện rõ trước mặt ba, thậm chí có thể nói nó in đậm trong tâm trí ba. Ba thường nghĩ: Tại sao nguời già lại phải ăn thứ tồi tệ nhất ấy. Và tại sao khi ba hỏi, cụ già trong cái gia đình ấy lại ngẩng đầu lên nhìn ba cười?

Hôm nay, ba đến nhà một nguời bạn chơi, lại một lần nữa gặp một cảnh xúc động tương tự như thế. Ăn tối xong, ba chỉ vào chỗ thức ăn thừa, nói một câu xã giao với chủ nhà: “Cậu chuẩn bị đồ ăn nhiều quá, thừa thế này thật lãng phí!” Nào ngờ thằng bé mới 6 – 7 tuổi nói ngay, chẳng hề do dự gì: “Không phí đâu ạ, bà nội sẽ ăn”. “Mẹ chồng tôi một lát nữa sẽ ra ăn” - Vợ nguời bạn thấy ba lộ vẻ vô cùng kinh ngạc thì giải thích thêm: “Bà em không thích ăn cùng, bảo ăn thứ ngon là bà lại không thích. Chỉ có đồ ăn thừa, bà em mới ăn, mà ăn rất ngon lành cơ”. Con trai! Bây giờ ba ngồi trước bàn viết thư cho con, nghĩ đến hình ảnh ban tối, ba không cầm được nước mắt, ba cứ tự hỏi mình: Tại sao vậy? Tại sao? Chỉ tại vì nguời già không còn khả năng lao động nữa nên chỉ đáng được ăn đồ thừa, ăn đồ hỏng thôi sao? Chỉ vì nguời già “tự nguyện”, “vui vẻ” nên chúng ta mặc kệ hay sao?

Ba tin rằng con đã đọc cuốn: “Thắp lên ngọn đèn lòng”, trong đó ba có viết một bài “thích ăn đầu cá”, đúng không? Một cụ già trước lúc lâm chung được bạn bè rán cho một cái đầu cá thật to vì họ biết cụ già trước đây rất thích ăn đầu cá, không ngờ họ được nghe cụ già nói ra cái điều bí mật mà cụ đã giấu kín suốt mười mấy năm: “Đầu cá thì cũng ngon đấy, nhưng tôi đã ăn đầu cá đến già nửa đời nguời mà chưa bao giờ thấy thích thú cả, chỉ vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, chồng con đều thích ăn phần cá nạc nên tôi giả bộ thích ăn đầu cá vậy thôi?”

Đây là một câu chuyện hoàn toàn có thật, cụ già trong câu chuyện lúc cuối đời đã may mắn được nói lên tiếng nói thật lòng của mình. Vấn đề là ở chỗ trên đời này có biết bao nhiêu những bậc cha mẹ đã hi sinh vì gia đình như thế, để lúc cuối đời ra đi trong câu nói: “Cụ ấy thích như thế” của những nguời còn sống? Đúng vậy, các cụ đang mỉm cười đấy, bởi vì sự hi sinh của mình đã có kết quả, mà cái cười ấy là cái cười vui cơ!

Nhưng những nguời bề dưới nhìn thấy nụ cười ấy phải chăng cũng có thể cười theo được? Hay nên tự hổ thẹn mà khóc? Gần đây, ba tiến hành bình xét cho chương trình: “Tinh thần của nền văn minh Trung Quốc” của đài truyền hình, ấn tượng sâu sắc nhất để lại cho ba là kết quả điều tra của một chuyên gia xã hội học phương Tây sau nhiều năm nghiên cứu tại Trung Quốc, bắt đầu từ năm 1937:

“Đừng cho rằng nông thôn Trung Quốc có rất nhiều gia đình tam tứ đại đồng đường. Trên thực tế hiện tượng này hầu như không có. Nguyên nhân chủ yếu là tuổi thọ của nguời dân quá ngắn, bình quân chỉ từ 50 tuổi trở xuống, không sống được đến cái tuổi nhiều đời cùng sống chung, lại vì nghèo khó mà không duy trì được sự đầy đủ cần thiết”.

Con có tin không? Người Trung Quốc thường cho rằng, từ cổ đã thịnh hành cách nói đa đại đồng đường, nhưng hóa ra họ đã sai rồi. Đó chỉ là lí tưởng chứ không phải là thực tế. Phụ huynh cùng các bậc tôn trưởng bình quân đều không sống quá 50 tuổi. Đó thật là một chuyện đau lòng. Vấn đề là cha mẹ đoản thọ, không thể an hưởng tuổi già, lẽ nào đó lại không phải là nỗi hổ thẹn của những nguời làm con hay sao? Quá khứ nghèo, còn bây giờ cuộc sống đã khá giả hơn. Khi cuộc sống đã đủ đầy hạnh phúc, chúng ta nên chăng tự nghĩ xem mình đã hiểu thuận hay chưa?

Còn nhớ có một lần con mang bột vây cá ra uống, ba đã rất không hài lòng, nói: “Cái đó để dành cho bà nội con đấy”. Con đã gân cổ lên nói rằng: “Bà nội không thích uống, bà bảo con uống hết đi”.

Con có nghĩ rằng, bà nội thực sự không thích uống hay vì bà nội yêu con và có ý để dành cho con. Con nên biết rằng, răng bà nội không còn khỏe nữa, nên bà thích uống nhất thứ dễ uống như bột vây cá đó!

Mùa đông năm nào nhà ta cũng mua đầy hồng. Tại sao mỗi lần mua hồng, ba đều phải mua mười mấy quả? Bởi vì ba phát hiện ra rằng, nếu chỉ mua mấy quả, bà nội thấy con thích ăn, thì lần nào bà cũng sẽ lấy chuối ăn trước. Khi ba giục bà lấy hồng để ăn, bà thường lấy cớ đã ăn chuối rồi. Chỉ khi nào thấy hồng quá nhiều, nếu không ăn để lâu sẽ hỏng bà mới chủ động lấy ăn.

Chắc con cũng thường thấy ba gắp thức ăn cho bà nội. Bà thường từ chối. Ba bèn để mãi thức ăn trên đũa ở lưng chừng giữa mâm, đến khi sợ thức ăn rời xuống bàn ăn, bà mới chịu đưa bát ra. Con có để ý không, lần nào bà cũng ăn hết rất ngon lành. Chắc con cũng thấy lần nào làm thức ăn mặn bà cũng giành lấy ăn, nhưng mỗi lần như thế bao giờ ba cũng kiên quyết không để bà ăn, vì nguời huyết áp cao như bà không thể ăn mặn được.

“Nhìn xem, có con cái nhà ai thế này cơ chứ, không cho mẹ gắp thức ăn!” – bà thường nói đùa như thế với nguời trong nhà. Con không để ý thấy bà rất vui khi nói câu đó sao?

Vì thế, hôm nay ba phải căn dặn con, hi vọng con lưu tâm đến cái ăn cái uống của những nguời già trong gia đình. Ba đi vắng, mẹ con cũng thường phải làm thêm giờ, do vậy công việc đó sẽ là trách nhiệm của con. Khi còn nhỏ, nguời lớn thường dùng biện pháp ép buộc chúng ta ăn thứ này, không được ăn thứ kia. Họ làm thế bởi vì họ yêu quí mong muốn điều tốt cho chúng ta mà thôi! Đến bây giờ khi về già, trở thành những nguời cần được quan tâm săn sóc, chúng ta cũng phải dùng biện pháp như họ đã áp dụng để quan tâm, đền đáp lại – Đó là nguời con, nguời cháu hiếu thảo.

Đây không phải là sự cưỡng ép mà là cách nhận ra sự khách khí trong cư xử của nguời già, từ đó kiên quyết thuyết phục nguời già tiếp nhận sự quan tâm săn sóc, sự hiếu thuận của chúng ta… Có thể đến lúc họ từ giã cõi đời này, chúng ta sẽ bớt đi phần nào sự ân hận vì chúng ta đã góp phần vào đất trời tạo ra sự công bằng, mang đến sự báo đền, và hơn thế - đó là một tình cảm tôn kính nhất mà tuổi già nhận được.


Người đàn ông chia chỗ cá trên đất ra thành bốn phần, miệng lẩm bẩm: “Cá của đàn ông, cá của đàn bà, cá của trẻ con, cá của nguời già…”

Liên kết đến đây

Xem thêm liên kết đến trang này.