Khẳng định chính mình/Tự thuật

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

 Mục lục - Lời nói đầu - Tự thuật

 

Chương: 1 - 2 - 3 - 4 - 5 - 6 - 7 - 8 - 9 - 10 - 11 - 12 - 13 - 14 - 15 - 16 - 17 - 18 -19 - 20 - 21 - 22 - 23 - 24 - 25 - 26 - 27 - 28 - 29 - 30 - 31 - 32

Tự thuật

Mùa hè năm ngoái, theo lời mời của đài truyền hình, tôi trở về Đài Loan, tiến hành đánh giá các tiết mục văn nghệ. Thời gian ở lại ngót nghét năm tháng đã giúp tôi nhận xét rõ hơn về tình hình xã hội Đài Loan, đặc biệt là qua những lần đến diễn giảng ở các trường học, được tiếp xúc với giới trẻ, tôi càng biết rõ nhiều hơn những vấn đề của các bạn trẻ trong nước. Tôi nhận thấy những khó khăn mà cậu con trai mình gặp phải khi học tập bên Mỹ cũng giống như những khó khăn của giới trẻ tại Đài Loan. Học ở Mỹ, được tiếp thu nền giáo dục phương Tây, lại phải chịu sự quản thúc theo quan điểm truyền thống Trung Quốc của cha mẹ. Giới trẻ trong nước cũng sống trong môi trường Trung Quốc, chịu sự giáo dục theo kiểu phương Tây. Họ đều có những mâu thuẫn giống nhau.

Đi sâu tìm hiểu kỹ hơn, tôi càng nhận thấy thanh niên Đài Loan còn do dự, lưỡng lự hơn so với thanh niên phương Tây, bởi họ phải đối mặt với sự tự do phóng thoáng của nền dân chủ phương Tây, lại phải chịu sự gò bó bởi lễ giáo phương Đông.

Mục tiêu của cuộc sống là gì? Là có được sự giàu sang, có được tất cả những gì mà mình muốn? Hay muốn cuộc sống trôi qua bình lặng, làm một cái đinh vít trong cỗ máy xã hội là được rồi? Đọc sách là để tìm kiếm tri thức? Thăng học vị? Thăng quan? Hay chẳng qua mục đích cuối cùng là giàu có?

Và đến một hôm khi đã thực sự giàu có rồi, thì bước tiếp theo sẽ là gì?

Quả thực, rất nhiều bậc cha mẹ khi tìm kiếm lý tưởng cho bản thân và xác định lý tưởng cho con cái, đều thường gặp phải những mâu thuẫn.

Giáo dục phải xuất phát từ thực tế, thước đo chuẩn mực của đạo đức cũng cần thực tế, chúng ta có thể đặt mục tiêu rất cao, nhưng bao giờ cũng phải xuất phát từ điểm khởi đầu của chính mình, và chính con đường đó dẫn dắt chúng ta vươn tới mục tiêu ấy. Nếu không như vậy thì giáo dục và cuộc sống sẽ không thể ăn khớp với nhau.

Sự quan sát kĩ lưỡng về xã hội trong nước đã khiến tôi đặt rất nhiều kì vọng vào cuốn sách này. Hơn nữa, do trong một năm qua, tôi có tới gần nửa năm ở lại quê hương Đài Loan, thực tế đã giúp tôi có điều kiện để nhìn nhận lại nền giáo dục của nước Mỹ, đồng thời vừa có những nhận thức mới về những vấn đề của Đài Loan.

Cuốn sách “Khẳng định chính mình” này có thể nói đó là những bức thư của tôi gửi cậu con trai mình cũng được, hoặc cũng có thể nói đây là quyển sách tôi viết tặng các bạn trẻ trong và ngoài nước.

Nội dung cuốn sách đề cập tới các vấn đề: Nghiện hút, AIDS, đồng tính luyến ái, quan niệm giai cấp, quan niệm giá trị, thế giới quan, chuẩn mực đạo đức,v.v…

Vì đây là xã hội thực tế, cuộc sống thực tế. Chúng ta mong muốn thế hệ sau sống tốt hơn, vậy thì tại sao chúng ta không phơi bày thế giới hiện thực trước mắt chúng?

Thế giới hiện thực không phải là nhà lầu, không phải là giường ấm đệm êm, càng không phải là sự bao bọc của cha mẹ.

Thế giới hiện thực đầy sự cám dỗ, cạm bẫy và đầy bất công. Chúng ta phải đối mặt với nó, chiến thắng sự cám dỗ, vượt qua cạm bẫy và phá bỏ sự bất công, đồng thời phải sáng tạo một xã hội công bằng.

Thế giới hiện thực đầy sinh ly tử biệt. Nếu không học cách nhận thức về cuộc sống, về sinh mạng, về bản thân ngay từ nhỏ, thì khi gặp biến cố, có thể sẽ gây ra những tổn thương không thể hàn gắn nổi.

Thế giới hiện thực đầy sự buồn lo. Con chim trong tổ nếu không học cách kiếm mồi thì khi ra khỏi tổ rất dễ chết đói. Những kẻ được nuông chiều từ nhỏ, không biết đến nỗi khổ của cuộc đời, sẽ rất khó hòa nhập với cộng đồng.

Thế giới hiện thực là cần phải có sự phát triển, sự tiến bộ. Chỉ những nguời biết vứt bỏ, biết vượt qua những trở ngại, những quan niệm hẹp hòi về giai cấp, có cái nhìn bao quát thế giới, quan tâm tới vũ trụ, thì mới có thể có được những thành công mang tính đột phá trong tương lai!

Nhớ lại cách đây ba năm, khi viết cuốn “Vượt lên chính mính”, cậu con trai tôi mới chân ướt chân ráo bước vào trường trung học. Còn bây giờ, khi viết xong cuốn “Khẳng định chính mình”, cậu con trai đã trở thành sinh viên Trường Đại học Havard.

Sáng nay, cu cậu làm món cơm rang trứng, vừa luyện đàn, vừa gọi thợ tới sửa bếp lò, sau đó mới đi dạy đàn.

Nhìn theo bóng cậu con trai khuất xa dần, ngẫm lại ba bước trong phương pháp giáo dục của mình, tôi cũng thấy có chút thành quả nhất định. Tuy không được hoàn mỹ lắm, nhưng cũng có thể chấp nhận được.

Từ việc vượt lên chính những nhược điểm vốn có của mình, sáng tạo một phong cách riêng, cho đến khẳng định giá trị tồn tại của mình, tuy cuốn sách lấy chủ đề “chính mình”, nhưng đều là từ “cái tôi nhỏ” đi đến “cái tôi lớn”.

Tôi không muốn dùng khẩu hiệu: “Hy sinh cái tôi nhỏ bé để hoàn thiện cái tôi lớn lao”. Tôi muốn nói rằng, nếu một nguời không thể vượt qua được chính mình, không thể đứng vững trên chính đôi chân của mình, thì cũng không thể sáng tạo ra chính mình, không thể thể hiện được cái bản sắc riêng của chính mình, cũng không thể nào khẳng định: “Mình chính là một con nguời mà thế giới này không thể khuyết thiếu”.

Nhưng nếu chỉ chăm chăm nghĩ đến bản thân thì cũng không thể trở thành “Một con nguời mà thế giới không thể khuyết thiếu”.

Hy vọng rằng, khi đọc xong cuốn sách này, mỗi bạn đọc đều có thể đọng lại vài câu nói đó, đọng lại vài suy nghĩ, sau đó rồi mạnh dạn, tự tin hét vang:

Tôi muốn khẳng định chính mình!


Thầy giáo quát cậu học trò cưng của mình: “Mày cút đi cho khuất mắt tao!”. Cậu học trò theo thầy dã mười mấy năm nay, giờ quay đầu bỏ đi thật.


trang trước Tự thuật Trang tiếp


Bản quyền[sửa]

LƯU DUNG (Tác giả), THU HIỀN (Biên dịch), NXB Thanh Niên (09/2002)

Liên kết đến đây

Xem thêm liên kết đến trang này.