Khoa học hóa cách suy nghĩ, làm việc, học tập/Chương 1.4

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

 Mục lục - Lời mở đầu - Chương 1 - Chương 2 - Chương 3 - Chương 4

 

Phần: 1.1 - 1.2 - 1.3 - 1.4 - 1.5 - 1.6 - 1.7 - 2.1 - 2.2 - 2.3 - 2.4 - 2.5 - 3.1 - 3.2 - 3.3 - 3.4 - 3.5 - 3.6 - 4.1 - 4.2 - 4.3 - 4.4 - 4.5 - 4.6

NGHI VẤN KHOA HỌC

""Chỉ công nhận một sự vật là thật nếu bản thân biết chắc chắn là thật""

Lịch sử đã chứng tỏ có nhiều mệnh đề đã được chấp nhận như chân lý, sau này lại coi như sai lầm. Người nghiên cứu phải có thái độ dè dặt trước những chân lý hiện nay, tức phải có tính nghi vấn khoa học. Có nhà khoa học đã nói: Không nên lẫn lộn lòng yêu chân lý với lòng quá tin.

Lòng tin của nhà khoa học phải như lòng tin lo lắng của con người luôn luôn tìm kiếm mà không bao giờ thoả mãn (Henri Poanhcarê). Nếu người nghiên cứu tin là các quy luật tự nhiên có thật, anh ta cũng phải biết là quy luật này không dễ dàng được khám phá. Điều này buộc nhà khoa học phải hoài nghi bản thân, hoài nghi ý niệm, giả thuyết, học thuyết của mình.

Biết nghi vấn là một điều kiện của sự phát triển khoa học. Trong lịch sử khoa học, nếu lúc nào tính nghi vấn khoa học bị đàn áp do một uy quyền học phiệt nào đó thì sự tiến bộ của khoa học dừng lại. Bác sỹ Summenvai, ở thế kỷ XIX, là một thí dụ điển hình. Lúc đó, bệnh sốt hậu sản được giới y học cho là có nguyên nhân ở điều kiện sinh hoạt khác nhau của sản phụ. Nhưng người bác sỹ trẻ này lại nghi vấn giả thuyết đó, vì anh thấy nó không giải thích được sự kiện bệnh sốt hậu sản chỉ cho phổ biến ở phòng đẻ có sinh viên y khoa thực tập, bất luận thành phần xã hội của sản phụ. Anh kiên trì kiểm nghiệm và đi tới kết luận là bệnh sốt hậu sản là do nhiễm “bẩn” vì các sinh viên làm ăn cẩu thả hơn các nhân viên y tế chuyên môn. Sau khi công bố công trình, anh bị giới bác học về sản khoa ở thủ đô Viên phê phán kịch liệt vì chạm tới uy tín của các vị này. Tiếp đấy là cuộc vận động hành chính buộc anh phải thôi việc ở trường đại học y khoa và phải chuyển về một bệnh viện địa phương xa xôi hẻo lánh. Anh kiên trì với đề tài của mình, thu thập thêm số liệu ở sản phụ địa phương, thông báo công trình bổ sung. Lần này, anh bị buộc tội là tâm thần phân liệt và bị nhốt vào một bệnh viện tâm thần rồi chết ở đó. Hai mươi năm sau, luận điểm của Summenvai mới được giới y học công nhận. Trong thời gian này, Patxtơ đã phát minh ra vi trùng gây bệnh, phát minh này củng cố thêm luận điểm của anh. Năm 1894, nhà nước đặt tượng Summenvai ở trước cửa trường đại học y khoa Buđapet, coi như người đã hy sinh cho khoa học. Sự kiện Summenvai là một trong những sự kiện bi thảm của lịch sư khoa học.

Có tính nghi vấn khoa học là chống với sự cả tin tự nhiên của con người. Sự cả tin này cho phép ta coi như đúng, câu chuyện đầu tiên được nghe hoặc ý niệm đầu tiên nảy sinh trong óc.

Trước một hiện tượng, người bình thường phát hiện đánh giá ngay. Xét đoán như vậy là vội vàng và xét đoán vội vàng ít khi đúng đắn, chính xác. Một hiện tượng nào cũng có nhiều mặt, nếu chỉ quan sát một lần, ngay cả vài lần, ta cũng không thể nào nhận biết rõ ràng về hiện tượng. Trước kia, khi buông một vật nặng, nó rơi xuống đất. Hỏi tại sao, thì người bình thường nói là tại nó nặng. Đấy là giải thích vội vàng. Nói là do vật nặng nên nó rơi, ta không giải thích gì cả. Và lời giải này có khi còn mâu thuẫn với thực tiễn. Tờ giấy, sợi bông rất nhẹ sao cuối cùng cũng rơi. Nhưng Galilê trước hiện tượng này, lại tự đặt câu hỏi: Vật rơi như thế nào? Và ông kiên trì quan sát các vật khác nhau bỏ rơi ở các độ cao khác nhau. Ông đã đi tới giả thuyết: Tốc độ rơi tăng lên với thời gian rơi và độ cao của vật. Sau khi kiểm tra bằng thực nghiệm, giả thuyết đã được nghiệm đúng.

Nghi vấn khoa học là nhất thiết phải kiểm tra không những ý kiến của người khác mà ngay cả của chính mình. Đối với một hiện tượng, nhiều người cũng đặt câu hỏi và tìm cách giải thích. Nhưng người bình thường thì dừng ở bước này. Hoặc anh ta bằng lòng với cách giải thích đã có, sẵn sàng cho nó là hợp lý, là đúng, hoặc khi nghe một người khác giải thích, anh tin và đồng tình ngay. Quá trình truyền tin cứ tiếp tục như vậy làm nhiều người bình thương tin là thật một sự việc không thật.

Người có tính nghi vấn khoa học lại xử sự khác đối với lời giải thích hiện tượng, anh ta đặt ngay câu hỏi “Căn cứ vào đâu?” và không sẵn sàng tin ngay. Để tin hay không tin, anh phải đích thân quan sát và kiểm nghiệm hiện tượng. Thí dụ, bác sỹ Gienne, người phát minh ra tác nhân gây bệnh đậu mùa, trong khi nghiên cứu bênh đậu, có lưu ý tới câu nói của một phụ nữ nông dân chuyên vắt sữa bò: Tôi sẽ không bị bệnh đậu nữa vì tôi đã lây bệnh đậu của bò. Nghe lời này, nhiều bác sỹ cho là điều mê tín của người nông dân. Gienne lại không tin như vậy. Ông đặt giả thuyết: Vì trùng đậu của bò có thể ngừa bệnh đậu cho người. Tuy không tin vào giả thuyết của các bạn đồng nghiệp, ông không tin cả ở giả thuyết của mình. Ông viết thư cho một nhà bác học ở Luân Đôn để hỏi ý kiến, thì được trả lời - ông này cũng biểu lộ tính nghi vấn khoa học rõ nét - Đừng tin cả, hãy thí nghiệm. Phải kiên trì, phải chính xác. Gienne theo lời khuyên đó, kiên trì kiểm nghiệm trong 18 năm và đã chứng minh được giả thuyết của mình là đúng.

Nghi vấn khoa học là không quá tin tưởng vào các học thuyết hiện hành. Trong khoa học, mọi phát minh mới đều kéo theo sự xem xét lai một phần các học thuyêt cũ. Mỗi học thuyết như một con chuột chui lọt chín lỗ nhưng bị ngăn lại bởi cái lỗ thứ mười, do đó lại đẩy học thuyết tiến lên bước mới. Ở thế kỷ XIX, giải thích về nguồn gốc loài vật, có học thuyết cố định luận của Cuviê: Thượng đế sinh muôn loài trước kia thế nào thì nay như thế. Sau đây, các nhà sinh học thu thập thêm kiến thức về phát triển phôi thai, về các loài cổ sinh vật, về giải phẫu so sánh động vật. Do đó, họ thấy các loài vật có xuất hiện rồi tuyệt chủng qua các thời đại địa chất, chúng có quan hệ họ hàng với nhau rõ ràng, như vậy loài vật có biến đổi. Học thuyết biến hình luận đã thay đổi cố định luận. Để giải thích sự biến đổi của loài vật, trước hết có học thuyết Lamác cho rằng cơ quan biến đổi dần dần để thích nghi với đời sống và làm loài vật biến đổi. Sau đó, người ta thí nghiệm thấy những biến đổi cơ quan theo môi trường không di truyền được, mà những tình trạng mới của loài vât xuất hiện một cách đột nhiên. Thuyết đột biến Đơvriét thay thế thuyết Lamác. Nhưng thuyết đột biến lai không cắt nghĩa được sự tiến hoá rõ ràng của loài vật từ thấp lên cao, từ đơn giản tới phức tạp. Học thuyết Đácuyn thành hình ở thế kỷ XIX giải thích sự tiến hoá các loài bằng hiện tượng chon lọc tự nhiên.

Nghi vấn khoa học còn là nghiêm khắc và khách quan trong khi phân tích giả thuyết của chính mình. Mác đọc tác phẩm của mình cho Enghen nghe và khi Enghen có ý kiến khác, thì Mác lại bỏ ra hàng tuần đọc lại hàng trăm trang sách để chứng minh thêm hoặc chỉnh lý lại. Sau khi Anxtanh đã mất 15 năm nghiên cứu cuối cùng đi đến thất bại, ông không hề mất tinh thần. Cũng vui vẻ như lúc ban đầu khi ông đang còn tin vào thắng lợi, ông bình tĩnh bỏ rơi giả thuyết của mình với câu nói: Thế đấy, tôi lại đi lạc đường rồi. Hiện nay, hiện tượng cả tin còn khá phổ biến. Người ta sắn sàng tin là thật một sự kiện được truyền đạt tới tai, không bao giờ có ý định kiểm tra nó.

Có người còn quá tin vào vốn hiểu biết của mình, cho rằng mọi ý niệm nảy sinh trong đầu đều là chân lý, chỉ cần người khác lấy sự kiện thực tế để chứng minh. Có người quá tự tin không chịu chấp nhận ý kiến trái với suy nghĩ của mình, cho rằng tất cả đều sai, riêng mình là đúng. Nhà sinh lý học Clốt Bécna, hồi thế kỷ XIX, đã có lời khuyên: Không bao giờ làm thí nghiệm để xác định ý niệm mà chỉ để kiểm tra ý niệm. Tất cả thái độ trên đây đều trái với tinh thần khoa học. Kết quả là suy nghĩ của ta không xác thực tế và sai lầm trong suy nghĩ sẽ dẫn tới sai lầm trong suy nghĩ sẽ dẫn tới sai lầm trong hành động.

Nếu ta lại là cấp quản lý khoa học có uy quyền, thì cấp dưới rất dễ phải suy nghĩ theo cùng hướng, phụ hoạ không nhiều thì ít vào ý niệm chủ quan của ta. Tính phụ hoạ là kẻ thù nguy hiểm nhất của tiến bộ khoa học, vì nó thủ tiêu mọi sáng tạo của con người.

Hãy rèn luyện tính nghi vấn khoa học ngay từ lúc còn ở nhà trường.

Lênin đã nói với thanh niên: Nếu một người cộng sản cho rằng mình thành người cộng sản từ những kết luận có sẵn học thuộc lòng, không bỏ công sức lao động một cách nghiêm túc, không tim tòi rõ ràng trong các sự kiện mà anh ta đề cập với một tinh thần phê bình, người cộng sản đó thật là thảm hại.

Trước một sự kiện, phải tập đặt cấu hỏi “thế nào?”, “Tại sao?” và phải kiểm nghiệm trước khi phát biểu ý kiến.

Phải thẩm tra trong thực tế đời sống và sản xuất những ý niệm nảy sinh trong đầu mình. Trong mọi sinh hoạt phải bảo đảm tự do tư tưởng thích đáng. Thầy giáo và cán bộ đội thiếu niên và đoàn thanh niên có trách nhiệm lớn trong việc bồi dưỡng đức tính này. Phải rèn luyện đầu óc tranh luận, tranh luận với hạn hữu cũng như tranh luận với cả bản thân. Khi tranh luận với bạn phải biết nhìn sự vật theo quan điểm của bạn, không áp đặt ý kiến cho bạn, coi như bình đẳng với mình.

Có nhà khoa học đã khuyên: Mỗi người nghiên cứu phải là những người phê bình vô tư nhất và những người tự phê bình nghiêm khắc nhất.

Liên kết đến đây

Xem thêm liên kết đến trang này.