Khoa học hóa cách suy nghĩ, làm việc, học tập/Chương 1.3

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

 Mục lục - Lời mở đầu - Chương 1 - Chương 2 - Chương 3 - Chương 4

 

Phần: 1.1 - 1.2 - 1.3 - 1.4 - 1.5 - 1.6 - 1.7 - 2.1 - 2.2 - 2.3 - 2.4 - 2.5 - 3.1 - 3.2 - 3.3 - 3.4 - 3.5 - 3.6 - 4.1 - 4.2 - 4.3 - 4.4 - 4.5 - 4.6

ĐỘC LẬP TRÍ TUỆ

“Không quy phục bất cứ uy quyền nào là châm ngôn cơ bản của phương pháp thực nghiệm”

Độc lập trí tuệ (hay tư duy tự do) là một yếu tố quan trọng của tinh thần khoa học. Có độc lập trí tuệ, mới có hi vọng đi tới phát minh lớn trong khoa học. Có nhà khoa học đã nói: Lòng dũng cảm và tính độc lập của tư duy, khả năng kỳ diệu của trí tưởng tượng là những tính chất này mới cho phép con người nhìn trước được đúng.

Lịch sử khoa học đã cho thấy, ai dám từ bỏ con đường mòn của những khái niệm quá quen thuộc mà khai phá những nơi còn chưa có đường thì mới có hy vọng tìm được những điều mới lạ cho khoa học.

Muốn có phát minh khoa học, phải giải phóng trí tuệ khỏi những ức chế của nó. Nhà hóa học Sêmiônốp đã khẳng định: Toàn bộ kinh nghiệm lao động trong khoa học của tôi, toàn bộ cuộc đời của tôi cho phép khẳng định rằng, điều cốt yếu trong giáo dục các nhà khoa học trẻ tuổi là phát triển có hệ thống đầu óc sáng tạo và tính độc lập trong suy nghĩ của họ.

Độc lập trí tuệ là không ỷ lại vào ý kiến đã có sẵn. Người nghiên cứu phải có khẳ năng xem xét lai một ý kiến đã được đa số kết luận, không dựa vào những uy tín nào đó đã được công nhận để xem xét vấn đề. Người nghiên cứu phải được tự do suy nghĩ về vấn đề nghiên cứu, về phương pháp tiến hành, về kết luận thu được, không bị ảnh hưởng bởi mọi kiến thức sẵn có. Thực tế đã chứng minh là một chế độ tự do suy nghĩ thích đáng sẽ thuận lợi cho tính sáng tạo trong khoa học. Nhiều viện nghiên cứu của công ty công nghiệp phương Tây, chuyên dùng một số nhà khoa học chuyên suy nghĩ, được tự do sáng tạo một cách tuyệt đối. Một số phát minh xuất sắc ra đời từ hình thức quản lý này. Một ngày nào đó, ông phó giám đốc của công ty sản xuất đồ điện Generel Electric ở Mỹ tuyển cho phòng nghiên cứu của công ty, một kỹ sư trẻ 20 tuổi tên là Langmuya. Ông không giao việc cụ thể cho anh ta mà chỉ nói anh ta tham quan nhà máy và tự chọn lấy việc nghiên cứu tuỳ thích. Langmuya chon việc nghiên cứu tác dụng của vật cháy sáng trong không khí, một đề tài thoạt nghe rất có vẻ lý thuyết. Nhưng chính đề tài này đã dẫn anh phát minh ra bóng đèn điện hiện đang thông dụng. Công ty Genral Electric nhờ đó đã kiếm lời hàng tỷ đô - la, còn kỹ sư Langmuya cũng nhờ đó mà được giải thưởng Nôben.

Độc lập trí tuệ là không tin vào giáo lý, ỷ lại vào sách vở. Thời trung cổ chân Âu, sách khoa học của các triết gia được coi như Kinh Thánh ta chỉ có việc học thuộc rồi truyền bá lại. Sách của Arixtốt được sùng bái như chân lý khoa học.

Thời phong kiến châu Á, khi nho giáo còn thịnh, sách viết của Khổng tử và môn đồ là kim chỉ nam cho hành động của mọi người. “Khổng tử viết” là câu nói hay câu viết mở đầu của các sỹ phu.

Điều này cũng dễ hiểu vì ở thời kỳ đó, khoa học bị kìm hãm không thể phát triển. Người ta thường gọi đây là thời tăm tối trong lịch sử khoa học.

Sách cũ có viết là trong lịch sử y học, Galien là nhà học phiệt trong suốt 15 thế kỷ. Công trình về giải phẫu học của ông, coi như Kinh Thánh của ngành y, dạy rằng: Gan người gồm 5 thuỷ, xương mỏ ác có 7 đốt và đàn ông kém đàn bà 1 xương sườn. Nguyên nhân là sách viết dựa theo lời dạy của Kinh Thánh: Thượng đế đã rút 1 xương sườn của Ađam, người đàn ông đầu tiên trên trái đất, để nặn lên Eva, người đàn bà đầu tiên. Và y học chính thống thời Trung cổ khẳng định là đàn ông nhất thiết phải kém đàn bà 1 xương sườn. Nhưng anh sinh viên y khoa Vêsali lại nghi vấn điều này. Sau khi đã kiên trì kiểm nghiệm trên xác chết, đếm các thuỳ của gan, sườn của lồng ngực, anh đã phát hiện các điểm sai lầm trên. Năm 23 tuổi, anh ta được bổ làm giáo sư phẫu thuật và giải phẫu học. Tới năm 29 tuổi, anh ta đã phát hiện được hơn 200 điểm sai lầm trong sách của Galien. Sách giải phẫu học được anh ta viết lại khi anh ta mới 27 tuổi và nhiều kiến thức trong đó còn giữ giá trị tới bây giờ.

Độc lập trí tuệ còn là hay đặt lại vấn đề trước một sự kiện đã được đa số công nhận. Trước kia, khi thấy mặt trời mọc phía Đông và lặn phía Tây, con người bình thường đặt câu hỏi “ Tại sao như vậy?” và đã tìm được câu trả lời “tại mặt trời xoay quanh trái đất”, nhất là câu trả lời này có sẵn trong Kinh Thánh. Lời đáp này đã thuyết phục được đông đảo quần chúng trong hàng thế kỷ. Nhưng các nhà thiên văn học Côpécních, Galilê… lại hoài nghi về cách gải thích này. Sau nhiều quan sát, tính toán, các ông đã đi tới kết luận trái ngược hẳn.

Độc lập trí tuệ là thể hiện tinh thần hoàn toàn bình đẳng trong sinh hoạt khoa học. Trong hội nghị khoa học, phải có phát biểu và thảo luận dân chủ bất luận tuổi tác, cấp bậc, vị trí xã hội của người nói. Ở đây, chỉ có chân lý khoa học, chỉ có căn cứ khoa học là đáng kể. Trong nhiệt tình của ta đối với khoa học và lẽ phải chúng ta vẫn phải giữ vững nguyên lý cơ bản là thuyết phục người khác bằng cách dựa vào sự đồng ý tự giác, không dồn ép ai chấp nhận những ý niệm, những giáo lý. Đây là thái độ đúng đắn nhất để giữ vững độc lập trí tuệ cho bản thân và cho đồng nghiệp.

Hiện nay trong đội ngũ cán bộ của ta có nhiều biểu hiện về thiếu độc lập trí tuệ như quá mê tín vào giáo lý, sách vở, dựa dẫm vào ý kiến người khác, ngại lật lại vấn đề và hạn chế tự do suy nghĩ của mình và của bạn trong khi thảo luận. Tất cả biểu hiện này, xa lạ với tinh thần khoa học, đều ảnh hưởng không tốt tới trí tuệ của mọi người và thực tế đã hạn chế sự sáng tạo trong mọi công việc.

Độc lập trí tuệ không phải bẩm sinh mà đòi hỏi sự rèn luyện. Thuộc tính bẩm sinh của động vật sống thành xã hội là hành động theo đàn. Ngay khi loài người thành hình có cũng còn giữ thuộc tính này. Chỉ với sự thành hình khoa học mới nảy sinh tính độc lập suy nghĩ.

Trong việc rèn luyện tính độc lập trí tuệ, sự cố gắng bản thân người nghiên cứu rất quan trọng nhưng vai trò của công tác quản lý cũng không nhỏ. Người mới bước vào con đường khoa học phải luôn suy nghĩ tự khắc phục khó khăn, chỉ nhờ sự giúp đỡ của thầy và của bạn trong trường hợp hạn hữu. Người thầy chỉ có thể tạo một không khí thuận lợi cho sự phát triển của nhà khảo cứu trẻ tuổi, còn sự biến đổi người sinh viên ngày hôm ngày hôm qua thành nhà bác học là công việc của chính bản thân anh ta. Người quản lý, về phía mình, cần phải để cho người thanh niên tự tìm tòi, giải quyết mọi vấn đề một cách độc lập trong một thời gian nhất định, mặc dù cách giải quyết không khéo nắm. Cách này làm anh ta biết được sức lực và tài năng của mình, tạo cho người thanh niên lòng tự tin vào bước tiến trong khoa học. Còn ông thầy nhờ đó mà biết đích xác khẳ năng của học trò. Nhà vật lý học Rơdơpho chỉ giao công việc cụ thể một lần cho những người tới học tập tai phòng thí nghiệm của ông. Còn về sau, ông yêu cầu mỗi người phải tìm ra vấn đề để nghiên cứu tiếp. Một hôm, có một người hoàn thành xong công việc được giao, đến gặp ông để xin ông hướng dẫn tiếp. Rơdơpho nghiêm trang trả lời: Tôi thành thật khuyên anh nên chọn nghề khác mà làm. Người nghiên cứu khoa học phải là người biết độc lập suy nghĩ.

Hiện nay, theo ý kiến của nhiều nhà khoa học, sự phát minh đòi hỏi một môi trường thoả mái, giải trí, phấn khởi, vì vậy phải tổ chức quản lý thế nào để trí tuệ được giải phóng khỏi mọi ức chế. Quá trình sáng tạo không chỉ tiếp diễn khi nhà khoa học suy nghĩ trước bàn làm việc, một cuốn sách, hoặc trước một cuộc thí nghiệm đang vận hành, mà cả trong lúc trao đổi ý kiến một cách thoải mái với các bạn đồng nghiệp trong phòng thí nghiệm, trong các buổi thảo luận khoa học và hội nghị khoa học. Theo số liệu nghiên cứu mới dây ở phân viện hàn lâm khoa học liên xô ở Nôvôxibiếc, một phần năm công việc thí nghiệm và trên một nửa công việc viết tư liệu của các nhà khoa học được thực hiện ở nhà, nhưng một phần ba thì giờ nghỉ ngơi của họ lại là trong giờ làm việc ở viện. Hàng năm, số công trình khoa học được hoàn thành lớn hơn nhiều viện khoa học khác ở Liên Xô. Một số viện khác có kỹ thuật lao động quá chặt chẽ, quy định thời gian đến làm việc và về, thời gian đi ăn uống, hút thuốc, thời gian gặp gỡ ở hành lang, thì lại có hiệu suất công tác thấp. Muốn cho nghiên cứu khoa học có hiệu suất, về mặt quản lý, phải cố gắng xây dựng một ý thức kỷ luật lao động tự giác vì đây là một điều kiện thuận lợi cho sự sáng tác phát minh. Mặt khác, thế kỷ XX là thời đại sáng tạo tập thể. Không phải cá nhân, kể cả những thiên tài, mà là những tập thể rộng lớn đang giải quyết những nhiệm vụ quan trọng của khoa học và kỹ thuật. Phải biết dựa vào tập thể rộng lớn đó, nhà khoa học mới phát huy được đến độ cáo khả năng của mình. Lao động thành kíp trở thành một yêu cầu của sự phát triển khoa học và ứng dụng thành tựu khoa học. Vấn đề đặt ra là bảo đảm cho các kíp khoa học vừa giữ được trật tự của tập thể lai vừa giữ được độc lập suy nghĩ cho mỗi thành viên. Làm sao dung hoà được tự do với kỷ luật, linh hoạt và trật tự, độc lập và lệ thuộc. Mọi lệch lạc đều nguy hiểm vì nó có nguy cơ làm thất bại sự nghiệp của cả một kíp khoa học. Tập thể khoa học nào cũng phải thấy là phát minh khoa học có mầm mống ở mỗi cá nhân trong điều kiện độc lập suy nghĩ, vì vậy phải trân trọng tư duy tư do của từng người. Tuyệt đối không dùng áp lực tinh thần để ép buộc cá nhân chấp nhận ý niệm của tập thể.

Để kết hợp tính tập thể với tính độc lập tư suy nghĩ có vai trò quan trọng của người phụ trách kịp nghiên cứu. Chỉ bằng cách trân trọng các đức tính độc đáo của mỗi nghiên cứu viên có giá trị và coi trọng các nhân tố đa dạng ảnh hưởng tới lao động sáng tạo khoa học tổ chức nghiên cứu mới đảm bảo một sự phát triển hài hoà và phong phú của khoa học.

Hiện nay về mặt quản lý khoa học còn có một số thiếu sót sau: Người quản lý không tạo điều kiện cho cấp dưới phát huy tính chủ động trong công việc mà nhất thiết chỉ đạo họ từng chi tiết nhỏ. Kết quả, cấp dưới biến thành cái máy thừa hành không có sáng kiến.

Mặt khác, cũng có tập thể cực đoan quản lý thành viên chặt chẽ trong việc làm cụ thể. Kết quả, người đó không quen rèn luyện nghị lực để tự giải quyết một việc gì, mỗi khi rời khỏi tập thể, cảm thấy mình bất lực.

Không thể nào có sáng tạo ở những con người trong tập thể như vậy.

Liên kết đến đây

Xem thêm liên kết đến trang này.