Dịch học họ Hùng/Bài 13

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Dịch học họ HÙNG. bài 13


Cửu trù tt[sửa]

2. Công cụ kỹ thuật – quẻ chấn

2.1 Công cụ cầm tay:

Các loài động vật tác động vào tự nhiên bằng tay chân và sức cơ bắp, theo sự tiến hóa tự nhiên, ở những loài vật thông minh bước đầu đã có trí khôn dù rất sơ khai, và chúng đã biết sử dụng vào việc kiếm sống. Thí dụ:

- Một loài chim đã biết mang con rùa lên rất cao thả ra để rơi xuống đá núi làm vỡ mai rùa cứng chắc ra, và thế là nó ung dung dùng bữa ngon lành, công việc như thế rõ ràng đòi hỏi một trí tuệ.

- Một loài khỉ đã biết bẻ cái cây cho vừa tầm để chọc vào tổ ong lấy mật, việc bẻ đó chính là gia công chế tạo công cụ.

2 thí dụ trên cho thấy hoạt động trí tuệ không phải độc quyền của loài người; trí khôn và tình cảm thực sự đã sơ khởi có ở một số loài vật.

Con người chỉ độc quyền ở những hoạt động não bộ cao cấp, phức tạp.

Công cụ cầm tay là sản phẩm của con người nhằm tăng cường khả năng và sức lực của chính mình. Thí dụ: không có cái lưỡi dao thì không thể xẻ thịt, con người ban đầu đẽo đá sau đó là mài tạo nên lưỡi dao đá, thời kỳ đầu con người chỉ gia công tạo dáng trên những vật thể có sẵn như đá cuội, cây tre v.v… để chúng có một công năng hữu ích, bước đầu thành hình tổ hợp: người và công cụ để tác động vào tự nhiên, ở giai đoạn đầu này công năng tạo ra nhờ:

- Sức lực của cơ bắp con người

- Kỹ năng điều khiển của con người

- Công cụ chỉ tham gia phần của mình ở điểm chạm tức điểm tác động mà thôi.

Công cụ cầm tay đã tạo nên sự chuyển biến diệu kỳ: vượn người vặn mình trở thành người vượn, hay người nguyên thủy.

Con người nếu so sánh từng khả năng chuyên biệt thì đôi khi thua các loài thú khác xa lắm như làm sao có thể so sánh sức mạnh với voi, thi chạy với báo, thi bơi với cá. Nhưng con người lại có địa vị chúa Tể và hơn mọi loài ở cái đầu có thể nhận biết và sáng tạo. Nhận biết để khám phá quy luật và sáng tạo để làm ra những gì mình cần, sáng tạo dựa trên những gì đã nhận biết, và nhận biết là cái nền của sáng tạo, sáng tạo cho con người làm chủ những cỗ máy khỏe hơn voi, nhanh hơn báo và bơi với tốc độ không loài cá nào đuổi nổi.


2.2 Máy thô sơ:

Máy thô sơ đã đồng hành và nâng đỡ con người cả ngàn năm qua. Máy đã có thể có nhiều cơ phận, hoạt động phức tạp nhưng đặc điểm chung là: không vận hành bằng sức lực nội thân, mà bằng sức từ ngoài truyền vào, hoặc của súc vật, hoặc các chuyển động tự nhiên thậm chí có thể là chính sức con người, trong cái tổ hợp người máy đó con người phải tiêu tốn rất nhiều sức lực để điều khiển và có khi phải cung cấp năng lực cho máy vận hành. Thí dụ như người đi xe đạp chẳng hạn.

Nhưng so với công cụ cầm tay thì con người đã tiến một bước dài lắm, với máy thô sơ đời sống con người đã được nâng cao bỏ xa thời hoang dại, máy thô sơ và cơ bản đã đáp ứng được các nhu cầu bức thiết của con người vì ăn mặc ở đi, nhiều nơi trên trái đất ngày nay con người vẫn tồn tại chủ yếu dựa vào máy thô sơ.


2.3 Cơ khí:

Cách mạng cơ khí đưa con người bước vào thời văn minh tiến bộ, mới chỉ vài trăm năm nay, khởi đầu từ Anh quốc với việc phát triển máy hơi nước, nhưng tiêu biểu cho thời đại này lại là việc điện khí hóa. Cơ khí là máy móc vận hành bằng sức lực nội thân nó hay điện lực truyền từ ngoài vào, con người chỉ thao tác điều khiển mà thôi như thế sự hao nhọc đã giảm đi rất nhiều.

Trong tổ hợp người – máy thời cơ khí kết quả sản xuất phần nào tùy thuộc vào sự khéo léo, thuần thục của người thợ mà ta thường coi là kỹ năng hay tay nghề; sự liên kết người – máy thời này là liên kết cơ tính.

Bộ mặt của địa cầu hiện nay phần lớn vẫn là kết quả của thời công nghệ cơ khí, của cải khá dồi dào nhưng chênh lệch cũng rất lớn, các vấn đề kinh tế không còn đơn thuần nữa mà nó luôn là sự sóng đôi: kinh tế – xã hội, do cách mạng cơ khí xã hội thủ đắc nhiều của cải hơn, con người làm chủ nhiều phương tiện hơn khiến thu hẹp không gian sống của cộng đồng thành một thị trường thống nhất, những vấn đề của nền kinh tế như năng suất, chất lượng, độ tăng trưởng v.v… bắt đầu có liên hệ hữu cơ với những vấn đề xã hội như: giáo dục, phân phối lợi tức an sinh xã hội …


2.4 Thời cơ khí bán tự động

Đặc trưng cuả thời này là sự gắn kết điện cơ, điện tử tạo thành các dây chuyền sản xuất hàng loạt, thao tác điều khiển là những thao tác đơn giản, lập đi lập lại không tốn sức nhưng hết sức nhàm chán. Sản xuất lớn là một ưu thế rõ rệt ở thời này các sản phẩm ra đời hàng loạt, các chi tiết được tiêu chuẩn hóa cao và cơ thể lắp dẫn cho nhau đã tạo nên một sinh hoạt thị trường vô cùng náo nhiệt, hàm lượng lao động cơ bắp đã giảm nhiều trong khi hàm lượng chất xám trong sản phẩm tăng rất nhanh, xã hội bắt đầu trở thành xã hội tri thức nên từ ‘lao động’ bắt buộc phải định nghĩa lại.

Công nghệ điện tử đặc biệt là ngành bán dẫn đã trở thành đòn bẩy của thời đại, nó góp mặt trong mọi tiến bộ, mọi lãnh vực của đời sống đem đến cho con người vô vàn tiện ích.


2.5 Máy móc tự động – được lập trình

Ngành vi điện tử ra đời đã mở ra cho nhân loại cả một trời mới đất mới, thời đại kỹ thuật số, đặc biệt sự ra đời ngành điện toán, từ tạo thiên lập địa đến thời này con người đã có trợ thủ giúp sức cho bộ não mình xử lý thông tin, tốc độ xử lý cứ mỗi ngày mỗi nhanh thêm với kích thước ngày càng gọn lại, máy vi tính đã đi đến hầu như mọi nhà, phụ giúp mọi người từ nhà bác học đến anh nông dân, khuynh hướng phát triển đang đi từ hoạt động đơn lẻ đến nối mạng toàn cầu, thông tin được số hóa, xử lý bởi máy tính siêu tốc kết hợp với kỹ thuật truyền thông siêu tốc, kích thước không gian hầu như trở nên vô nghĩa. Nhưng máy tính điện tử dù mạnh tới đâu nhanh tới đâu cũng vẫn chỉ là công cụ của con người, nó chỉ có thể hoạt động dưới sụ điều khiển bằng lệnh được con người lập trình và đưa vào máy. Không có những thông số và những câu lệnh thì máy tính cũng chỉ nằm không nhưng khi đã được lập trình thì hệ thống máy sẽ miệt mài độc lập làm việc cho ra sản phẩm mà không cần đến sự can thiệp, điều khiển của con người. Hệ thống máy móc làm việc dưới sự điều phối bởi máy tính được gọi là tự động hóa, thực chất tương tác giữa người và máy trong hệ thống máy cũng chỉ ở mức cao hơn tương tác cơ học, chưa có sự biến đổi về chất, thay vì phải thao tác thì con người chỉ gõ bàn phím hay dịch chuyển con chuột vi tính, nghĩa là quá trình làm việc vẫn phải khởi động hay chấm dứt trực tiếp từ con người.


2.6 Máy thông minh có trí tuệ

Từng cỗ máy hay cả một hệ thống máy được điều khiển bởi bộ não nhân tạo, tương tác người máy là tương tác bởi các câu lệnh có tính mục tiêu, thí dụ làm ra một triệu xe hơi, hay xây 1.000 căn nhà, khi nhận được lệnh cả guồng máy chuyển động, tự sắp xếp, tự tính toán tự phối hợp tác nghiệp, ở trình độ này toàn bộ lực lượng sản xuất của quốc gia, cộng đồng được nối mạng với nhau từ những robot cơ giới đơn lẻ tới những nhà máy khổng lồ cho tới siêu thị và ngân hàng đều thuộc về một hệ thống điều hành duy nhất, lúc này con người chỉ còn dành sức để khám phá, sáng tạo, thưởng thức nghệ thuật và thi đấu thể thao.


3/ Kinh tế – Quẻ cấn

3.1 Kinh tế tự cấp

Mỗi gia đình cố gắng làm ra mọi thứ mình cần, nhu cầu lúc này chưa vượt ra ngoài cái ăn cái mặc. Thời bầy đàn của cải của cộng đồng được phân phối theo luật tự nhiên do bản năng quyết định khi chuyển sang đời sống xã hội sự phân phối đã vượt trên bản năng và phụ thuộc vào hàng loạt các nhân tố khác mang tính người như lý trí và tình cảm và cả nếp sống, đạo đức xã hội.

Thời nguyên thủy cộng đồng thường nhỏ bé trong phạm vi đại gia đình, ở đó tình cảm chi phối và định hướng hành động nên sự sản xuất và phân phối của cải không theo các quy luật kinh tế học; mà theo mệnh lệnh của trái tim, ngày nay các nhà kinh tế xã hội thường gọi thời đại đó là thời cộng sản nguyên thủy.

Quy mô cộng đồng lúc này chỉ từ vài người tới vài chục người, sống đời du cư rày đây mai đó, kinh tế vẫn là hoàn toàn khai thác tự nhiên chủ yếu là săn bắt hái lượm, chưa có “của cải” để dành nên chưa nảy sinh sự trao đổi.


3.2 Kinh tế đổi chác

Đổi chác hàng – hàng tức trao đổi của những người sản xuất chứ chưa xuất hiện thương nghiệp. Muốn trao đổi thì phải có của cải để dành tức không sử dụng tức thì, như thế ít ra cũng phải sang thời con người biết trồng trọt chăn nuôi và đã bước vào thời kỳ định canh định cư tương đối lâu dài và đã xuất hiện nền thủ công nghiệp. Quy mô tổ chức xã hội ít ra cũng đã bước vào thời liên minh thị tộc.

Trao đổi hàng – hàng đánh dấu sự phân công xã hội không phải mỗi cộng đồng nhỏ tự cấp tự túc nữa mà họ chỉ lo những mặt mình có ưu thế rồi trao đổi sản phẩm với nhau như thế năng suất chung sẽ gia tăng, sự trao đổi hàng cũng nối kết nhiều cộng đồng nhỏ thành cộng đồng lớn hơn.


3.3 Kinh tế thị trường tự do

Khi hình thành nền kinh tế thị trường tức đã hội đủ số điều kiện sau:

- Sản phẩm làm ra tương đối dồi dào.

- Có các phương tiện vận tải đủ lớn và đủ nhanh.

- Xuất hiện tiền làm phương tiện trung gian trao đổi.

- Hình thành khu vực thương nghiệp bên cạnh khu vực sản xuất


Kinh tế thị trường trải qua 3 thời kỳ: thời thị trường khu vực – do các phương tiện vận tải chưa đủ nhiều, đủ nhanh nên hàng hóa chỉ có thể lưu chuyển trong một phạm vi nào đó. Thời này tương ứng với thời máy thô sơ và phải tới thời máy móc cơ khí thì thị trường toàn quốc mới thành hình và có vóc dáng tương tự ngày nay, bên cạnh kinh tế Sản xuất, xuất hiện loại hình kinh tế Dịch vụ cũng quan trọng không kém, thậm chí tỉ lệ đóng góp vào tổng sản phẩm xã hội của nó trở nên ngày càng vượt trội.

Quan điểm kinh tế của Trung Hoa cổ và chủ nghĩa xã hội ngày nay không hẹn mà gặp ở chỗ “ức thương”, người Trung Hoa đã có câu tục ngữ “ phi thương bất phú” thể hiện nguyên nhân tại sao nhà cầm quyền “ức thương” trong quá khứ không thiếu trường hợp có những thương gia giàu hơn cả vua, sâu xa, ít người để ý là ngay trong Dịch học cũng đã nói đến việc kiểm soát “tài phú” để điều hành xã hội. Ý tưởng này đến tận ngày nay vẫn còn nguyên giá trị.

Kinh tế thị trường cho phép xã hội phân công triệt để, có người cả đời chỉ làm mỗi một loại công việc để trao đi và nhận lại mọi thứ từ xã hội, chính vì thế từ đây xuất hiện một loại quyền lực mới, kẻ nào khống chế, kiểm soát được thị trường hàng hóa, kẻ đó là vua.


3.4 Kinh tế thị trường điều tiết

Ở thời kinh tế thị trường tự do việc sản xuất và tiêu dùng không gắn kết chặt chẽ với nhau mà qua trung gian phân phối. Khi có sai lầm trong một khâu trung gian lập tức khủng hoảng xảy ra, đơn đặt hàng sản xuất bao giờ cũng phải đi trước, lúc đó chưa có lệnh mua của người tiêu dùng nên số lượng hàng hóa đặt làm là con số hoàn toàn chủ quan dựa trên ước tính, cho đến khi nhận ra lệnh đặt mua quá ít so với lượng hàng đặt làm thì mọi việc đã muộn. Việc phải giết hàng loạt bò để giữ giá trên thị trường là một sự phí phạm tài nguyên ghê gớm là một điển hình rõ rệt vì khủng hoảng thừa. Thứ nữa thời thị trường tự do thì năng suất là đạo đức nên nhiều khi con người mù quáng sản xuất ra những thứ giết hại chính mình như thuốc lá chẳng hạn, ai cũng biết thế nhưng vì lợi nhuận mà guồng máy cứ quay không làm sao ngừng lại được.

Việc phân bổ tài nguyên cho lãnh vực nào, sản xuất hàng tiêu dùng, hay máy móc thiết bị, bao nhiêu cho giáo dục, cho nghiên cứu nói chung ai quyết định việc này? Không thể ai ngoài nhà cầm quyền, nhưng ở giai đoạn này nhà cầm quyền vẫn phải tôn trọng quy luật kinh tế chỉ tác động đến “chiều hướng” bằng thuế khóa, bằng lãi suất hay bằng các đơn đặt hàng của chính phủ. Càng ngày ngân sách quốc gia càng trở thành nhân tố quan trọng đối với kinh tế, tài chính công trở thành bánh lái của con tàu kinh tế, nó cho thấy trước tình huống kinh tế sẽ trải qua phồn vinh hay ảm đạm thời gian sau đó. Tất cả sự can thiệp bằng biện pháp hành chính nhằm điều chỉnh nền kinh tế gọi chung là sự “điều tiết” kinh tế.


3.5 Kinh tế kế hoạch

Ở thời kinh tế thị trường, bên trong các' hộp đen' là các quy luật kinh tế nhà cầm quyền chỉ tác động ở đầu ra và đầu vào, sang thời kinh tế kế hoạch thì ý muốn chủ quan của con người thâm nhập vào bên trong các hộp đen. Với các mặt hàng gọi là “nhu yếu phẩm” được sản xuất theo kế hoạch, ở đâu, bao nhiêu là một mệnh lệnh chủ quan nhưng lại được tính toán một cách khoa học. Tài nguyên huy động vào lãnh vực nào bao nhiêu, cân đối cho tiêu dùng trước mắt và phát triển lâu dài được tính toán lên kế hoạch cụ thể.

Kinh tế kế hoạch là giai đoạn tất yếu phải trải qua khi có đủ các điều kiện:

- Sản xuất tự động hóa cao độ

- Kinh tế quốc doanh chiếm tỉ lệ áp đảo trong nền kinh tế

- Trình độ dân trí rất cao.

Khi các công cụ sản xuất đã tự động hóa và nối mạng trên toàn lãnh thổ thì bản thân quy luật thị trường trở nên thừa, công năng điều hòa sản xuất, tiêu dùng không phát huy được mà thay vào đó là các mệnh lệnh phát ra từ bộ não của xã hội tức nhà cầm quyền.

Nói như trên là ta đã khẳng định điều kiện của nền kinh tế kế hoạch là một cơ sở vật chất hoàn chỉnh, nền sản xuất tự động hóa cao, một chính phủ điện tử và một xã hội được số hóa. Mạng thông tin nối liền từ viện nghiên cứu đến nhà máy đến tận các điểm bán lẻ nơi xa xôi nhất nghĩa là một nền kinh tế số hóa được điều hành bởi các máy tính siêu tốc nối mạng với nhau. Có như thế thì tính kế hoạch trong kinh tế mới khả thi.

Đã gọi là quy luật thì không thể đốt giai đoạn hay tùy tiện thay đổi đi sớm hay trễ, nếu đã có thể thay đổi thì còn gì là quy luật?


3.6 Kinh tế phi kinh tế

Từ kinh tế chỉ có nghĩa khi cầu lớn hơn cung còn khi đạt được mức: cung lớn hơn cầu thì đấy chính là giai đoạn chủ nghĩa cộng sản gọi là cần gì có nấy hay làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu. Lực lượng sản xuất của xã hội lúc này là các nhà máy hoàn toàn tự động và một lực lượng đông đảo các Robot cơ giới tự hành. Con người vẫn làm việc nhưng trong tinh thần đam mê nghiên cứu, sáng tạo chứ không phải là lao nhọc kiếm sống. Lúc đó quĩ thời gian của mỗi người chủ yếu được tiêu dùng trong các việc:

- Chăm sóc lẫn nhau để thể hiện tình người

- Tìm kiếm cái mới như đi du lịch và nghiên cứu khoa học.

- Sáng tạo và sáng tác nghệ thuật văn chương và chế tạo các vật thể mới.

- Thưởng thức: món ăn vật chất trở nên nhỏ bé vì tính hữu hạn của nó, thay vào là các món ăn tinh thần như văn hóa, nghệ thuật v..v..

- Thi đấu thể thao và hội diễn văn nghệ

Người ta chỉ còn mỗi một mối lo là cái chết, dù khoa học phát triển nâng tuổi thọ lên mãi nhưng cuối cùng rồi cũng phải chết.


4/ Quẻ Tốn – chế độ chính trị

Dịch nói: Tề hồ Tốn, nghĩa là Tốn tức là tề chỉnh, sắp đặt nói rõ: Tốn là quản trị. Quản trị cả cộng đồng, cả quốc gia là “chính trị”, tức tương quan người và người về mặt quyền lực.

Trong cơ chế của một nền chính trị, thì cốt lõi là việc tuyển chọn người lãnh đạo, dựa trên cách thức để đạt đến quyền hành ta có 6 chế độ chính trị “lục vị thời thành” như sau:


4.1 Chế độ giáo chủ hoặc đại tộc trưởng

Thời thị tộc mô thức chung là chế độ tộc trưởng, người lãnh đạo cộng đồng thường là bậc cao niên trưởng thượng của thị tộc lớn nhất trong liên minh nhưng khi cộng đồng được mở rộng vượt qua chế độ thì tộc đế bắt đầu lập quốc thì nhân loại rẽ theo 2 đường:

a. Chế độ giáo chủ: khi mối liên hệ thân tộc không còn đủ mạnh để làm thành trật tự xã hội thì thần quyền nổi dậy, đa phần nhân loại thời tri thức khoa học chưa phát triển thì tự khuất mình dưới một quyền lực siêu hình, tức thế lực giấu mặt nhưng chi phối tất cả, từ bệnh tật cho tới mùa màng và có những người liên hệ được hay được chọn làm đại diện cho các quyền lực siêu hình để cai trị cộng đồng, tức họ cai trị với tư cách đại diện cho thượng đế.

Ở phương Tây đó là vào thời Trung cổ khi nhà thờ kiêm luôn việc quản trị xã hội, ngay cuối thế kỷ 20 vẫn có những quốc gia do các giáo sĩ Hồi giáo nắm thực quyền cai trị như Taliban của Afganistan và chế độ “lãnh đạo tối cao” ở Iran hiện nay.

Khi các giáo chủ mà nắm quyền thì thực là khủng khiếp, lòng nhân từ của thượng đế được biểu hiện bằng roi da và máy chém thực là kinh hoàng khi nhắc đến các toà án dị giáo của đạo Thiên chúa ở phương Tây thời Trung cổ.


b. Chế độ đại tộc trưởng

Nhiều dân tộc ngay từ khi lập quốc nhờ nhận thức đúng đắn về cuộc sống và vũ trụ đã không phải trải qua thời giáo chủ kinh hoàng như phương Tây, thay vào đó là chế độ đại tộc trưởng, đó là Hoàng đế, Nghiêu Thuấn của Trung Hoa hay các vua Hùng của sử Việt Nam. Tính nhân văn nổi cộm ở những gì cực kỳ bình dị như … Vua và dân cùng cày ruộng mà ăn, quân vương và thần dân cùng tắm chung dòng suối v.v.. các vì vua khai quốc thường là những trang tuấn kiệt, những anh hùng dẫn giắt cộng đồng vượt thiên tai dịch họa. Hình ảnh sơ nguyên của chế độ đại tộc trưởng chính là các già làng hay cụ tiên chỉ của cộng đồng bản làng ở Việt Nam. Chế độ đại tộc trưởng xét về tính nhân văn thì nó cao hơn chế độn giáo chủ hẳn một cái đầu.


4.2 Chế độ quân chủ

Bản chất chế độ là cưỡng chế bằng bạo lực, vị vua khai sáng chế độ bao giờ cũng là một tướng lãnh hay một thủ lĩnh quân sự, sau khi chiếm quyền ông ta thiết lập một trật tự, một quy tắc chuyển giao quyền hành khi vua qua đời, thường là truyền cho con, chế độ quân chủ ra đời đã vài ngàn năm; tới nay hầu như không còn chế độ quân chủ nguyên mẫu nhưng các biến tướng thì vẫn còn. Chế độ quân chủ coi như là một tiến bộ khi nó thay thế chế độ giáo chủ. Và 2 thế lực này đã có thời song hành cùng tồn tại, cùng đấu tranh trong một thời gian khá dài trước khi có sự thay đổi dứt khoát. Gọi là tiến bộ vì trong chế độ quân chủ lý lẽ đã thay thế đức tin, có nghĩa là trình độ hiểu biết của con người đã được nâng cao đến độ không thể bịp bợm bằng các vỏ siêu hình con thần cháu thánh được nữa.

Tuy vậy là một xã hội bị quân trị bằng cường lực nhưng cái gốc hay chuẩn mốc để các thành viên xã hội căn cứ vào mà bình phẩm hành vi, công hay tội là lý lẽ chứ không phải giáo lý nữa, người ta có tội khi vi phạm luật lệ của vua chúa chứ không phải luật của chúa hay giáo hội. Do thoát khỏi sự cưỡng chế ràng buộc bởi các tín điều nên cuộc sống các thành viên xã hội dễ thở hơn nhiều. Cùng một tên là quân chủ nhưng có nhiều hình thức mà thực chất bên trong khác xa nhau; như Trung Hoa từ đầu công nguyên đã hình thành chế độ quân chủ sĩ trị vì giúp việc vua, chăm lo cho dân ngoài quí tộc, còn có kẻ sĩ tức những người có học, đỗ đạt và làm quan. Nho học và nho sĩ đã làm cho nền quân chủ phương Đông khác phương Tây về chất dù cùng được gọi là chế độ quân chủ.

4.3 Chế độ tư bản trị.

Chế độ tư bản ra đời cùng với cuộc cách mạng cơ khí – điện lực. Chế độ quân chủ là hình thái cai trị đồng hành với lực lượng sản xuất chủ yếu là nộng nghiệp và thủ công nghiệp. Công dân làm việc và đóng thuế cho vua chúa quí tộc; thường ruộng đất nằm cả trong tay quí tộc, nông dân thực ra là nông nô, quí tộc với tư cách là chúa đất tức là thành phần cầm giữ cái bao tử của xã hội, do đó người dân không thoát được để vùng dậy vì không muốn chết đói.

Sang thời điện khí hóa thì thành phần nắm túi tiền của xã hội là giới tư sản; ở đời luật chung là kẻ nắm tiền bao giờ cũng nắm quyền … nên có cả một thời gian dài quá độ từ chế độ quân chủ sang tư bản trị, trong đó 2 thế lực đấu tranh gay gắt làm tiêu phí của nhân loại cả một quĩ thời gian không phải ít. Cuối cùng việc đến cũng phải đến về thực chất chế độ quân chủ sau hàng ngàn năm ngự trị đã sụp đổ, nhường chỗ cho tư sản thống trị với vỏ bọc là chế độ dân chủ tư sản. Thực chất ta thấy dân chủ không thể đi đôi với tư sản, vì kẻ có tiền luôn là kẻ thống trị, chúng ta chỉ có thể thiết lập chế độ cộng hòa mà thôi, tiến bộ con người đạt được là:

- Định kỳ thay đổi.

- Thượng tôn pháp luật (tinh thần)

Thời vua chúa thì bản thân ông ta là pháp luật... nên các thành viên xã hội đối với ông ta thực chất chỉ là nô lệ, vua chúa tùy tiện phán xử bắt ai chết thì người đó phải chết … Qua thời cộng hòa thì có tam lập phân quyền; cơ sở để đối xử giữa các thành viên xã hội là luật pháp; quyền tư pháp là quyền tối hậu độc lập không bị ai chi phối (nguyên tắc)… dù tam quyền phân lập chưa đạt được mức thực chất tuyệt đối nhưng nó cũng là một điểm mốc đánh dấu bước văn minh của loài người. Mặc dù tư sản vẫn khống chế xã hội nhưng không còn là sự khống chế tuyệt đối nữa do sự đấu tranh của chính các thế lực tư sản với nhau hòa quyện vào với xu hướng của những thế lực mới như báo chí v.v… Dư luận xã hội đã trở thành một thế lực không thể không tính đến trên bàn cờ chính trị. Việc phổ thông đầu phiếu tuy chưa có thực chất dân chủ nhưng nó đã manh nha tính cách đặc thù “người” ấy, và không ít thì nhiều nó cũng giúp vào việc định kỳ thay đổi nhà cầm quyền; chính việc định kỳ thay đổi đã ngăn chặn sự phóng tay lạm quyền quá mức của kẻ thống trị… vì không như chế độ quân chủ, ai là vua thì làm vua cho tới chết rồi thường được tiếp nối bởi con cái trong nhà nên kẻ dã tâm đâu có kiêng ngại điều gì mà không dám làm… còn trong chế độ cộng hòa, quyền hành chỉ là quyền hành có thời hạn… vậy khi hết quyền thì ra sao? Chính vì lý do này mà không khí trong chế độ dân chủ tư sản dễ thở hơn nhiều so với hình thái chế độ trước nó.

Ở phần trên ta đã nói, chế độ quân chủ xây dựng dựa trên cường lực còn ở đây chế độ dân chủ tư sản dựa trên sự mua chuộc và dối gạt.

Mua chuộc ít có thể là sự mua chuộc công khai lộ liễu mà phần lớn là mua chuộc công luận thông qua các cơ quan truyền thông báo chí, con người bị dẫn dụ qua các hình ảnh bị bóp méo để có định kiến sai lầm về giới này việc khác, thực tế việc này luôn xảy ra vì có không ít những chính khách lưu manh đắc thời trở thành cha mẹ thiên hạ.

Khi mặt bằng dân trí được nâng cao đến một mức nào đó thì vầng hào quang thần thánh không còn làm chóa mắt được con người nữa, cường lực cũng không đủ sức khống chế cả xã hội nữa thì chế độ quân chủ phải cáo chung như một tất yếu của lịch sử, nhưng nấc thang mới mà con người đạt tới cũng chưa phải là lý tưởng, sự nói dối trắng trợn thì chẳng ai tin nhưng sự dối trá khôn khéo và lắt léo thì không dễ gì mà nhận biết. Khi thông tin chưa phát triển tới mức ai cũng có thể biết tất cả, nắm tất cả thì còn chỗ cho kẻ lưu manh dối trá lừa gạt, với các phương tiện truyền thông của thời đại thì con người rất dễ bị xỏ mũi dẫn đi lúc nào không biết.


4.4 Chế độ Đảng trị

Từ nguyên thủy đi lên, con người đã trải qua nhiều hình thức tổ chức xã hội, trong đó mô hình quốc gia tương đối bền vững, quốc gia lâu đời nhất có lẽ là Trung Hoa đã hình thành 5, 6 ngàn năm nay, Quốc gia ra đời cùng với chế độ quân chủ là cặp song sinh thống trị nhân loại mãi cho tới thời cận đại; chỉ khi hậu quả về mặt xã hội của cuộc cách mạng cơ khí ra đời, như ta đã phân tích chế độ này vẫn còn đầy khiếm khuyết, không thỏa đáng cho con người ngày một có trình độ hiểu biết cao hơn, ý thức nhân chủ khởi phát từ thời cách mạng nông nghiệp cũng mỗi ngày mỗi thôi thúc con người nhiều hơn về một xã hội lý tưởng tuyệt đối tốt đẹp văn minh…

Nhưng làm sao thực hiện? cả trăm ngã đường biết chọn đường nào để có thể đến đích? Thế là những người cùng đường, cùng chí hướng tập hợp nhau lại thành các thực thể chính trị gọi là “Đảng”, đại bộ phận các Đảng phái đều giới hạn tầm hoạt động là quốc gia, Khát khao vươn tới sự chí thiện, chí chân, chí mỹ là bản tính rất “người”…, thể hiện nguyện vọng đó các đảng đều có chánh cương hết sức cao đẹp, đôi khi hình thành hẳn một hệ tư tưởng hết sức thâm sâu, viễn kiến gọi là lý luận cách mạng.

Tới đây có thể phân đảng thành 2 loại:

Đảng chính trị và đảng cách mạng.

Về hình thức thì cùng chữ đảng nhưng nội dung 2 chữ đảng hoàn toàn khác biệt. ...

Không bàn thêm.

- Sau thời “duy lợi” của chế độ tư bản trị con người dao động sang phía đối cực; chủ nghĩa duy lý, quy trình xử lý thông tin đúng đắn bao giờ cũng bắt đầu bằng việc thu nhận thông tin phản ánh thực tế. Sau đó mới xử lý: chắt lọc tổng kết thành lập các quy luật; các quy luật thành lập các quy luật; các quy luật còn phải được kiểm chứng nghiêm ngặt thông qua thực tế, còn với duy lý thì tất cả được nhào nặn bên trong não bộ… nếu “không khớp” thì “gọt chân cho vừa giày… việc xử lý thông tin khách quan biến thành sự hoang tưởng, không phân biệt nổi giữa chân lý khoa học và mê tín, chưa thời nào mà đầu óc con người chịu sự căng kéo và o ép đến thế, thực cũng không dám cho là thực, ảo cũng chưa chắc là ảo… ngay đến các ý nghĩa của các thứ tạo thành ngôn ngữ giao tiếp cũng “chồng chéo”. Tất cả cứ như cắm đầu xuống đất vậy; Dân gian Việt Nam có thành ngữ “mắt to hơn người” lột tả rất sát nghĩa về thời đại duy lý này.

Ngày nay nhân loại đang trải qua hiện tượng lại giống di truyền trong chính trị, giáo chủ kiêm luôn lãnh tụ tối cao về chính trị. ..không biết ở những nơi ấy rồi sẽ đi về đâu. ..trước mắt đã thấy có nơi. .. phụ nữ đã bị ném đá tới chết...thật là kinh khủng.



4.5 Chế độ dân chủ

Dân chủ được hiểu nôm na là tự quyết định lấy số phận mình, tức việc gì của riêng mình thì chỉ mình mình quyết còn việc chung thì cùng người khác quyết – nhưng làm sao có thể cùng quyết được? Dân chủ là một lý tưởng thì mọi người đồng thuận, rồi nhưng quy trình hay kỹ thuật để thực hiện được dân chủ thì còn đang mày mò tìm hiểu, thử nghiệm.

Dân chủ về ý nghĩa thì rõ ràng đơn giản nhưng thực chất lại rất khó khăn, với tư cách thành viên cộng đồng, muốn làm chủ cộng đồng thì trước hết phải làm chủ được chính mình, muốn làm chủ được mình thì phải có kiến thức và nghị lực. Về kiến thức không phải ai muốn trang bị cũng được, ngoài thời gian còn vấn đề thể chất, kẻ trí người ngu khác nhau xa lắm. Kiến thức đã thế nghị lực lại còn khác nhau nhiều hơn nữa; người yếu đuối, kẻ kiên cường, thiên hạ có thiên hình vạn trạng, người cũng có không biết bao nhiêu là hạng, có người chẳng bao giờ có thể làm chủ được cả; với riêng mình đã vậy còn cùng phối hợp với các thành viên xã hội khác để làm chủ tập thể còn thiên nan vạn nan hơn nhiều. Chính vì vậy mà dân chủ là giai đoạn sinh sau đẻ muộn so với các hình thức khác; ở giai đoạn này trình độ khoa học chung cũng đã rất cao, xã hội sinh hoạt trên cơ sở kỹ thuật máy móc đã tự động hóa, xã hội đã là một xã hội điện tử. Mọi nơi mọi người được nối kết trong một hệ thông tin chằng chịt và thống nhất.

Giữa quyết định cá nhân và làm chủ tập thể có mâu thuẫn? Dịch học đã dạy: cái riêng và sự thống nhất xã hội dung hợp với nhau bằng chữ Lý, Lý là lửa, tượng cho sự sáng suốt. Sáng suốt cho con người nhận định chung và giải pháp chung, tức tạo sự đồng thuận xã hội. Đồng thuận là điểm giao của tự chủ và dân chủ, vượt qua thời duy lý đảng trị là con người thoát khỏi chính cái bóng của mình, tự mình hù dọa mình đến độ thất thần, biến bóng thành thân là sự ngu dại tột cùng, tinh thần của Dịch là: tự thân, bản ngã là sự cao trọng trên hết, đã sinh ra là đủ lý do để sống rồi, không cần phải sống vì bất cứ cái gì khác;. Lý tưởng cao đẹp nếu có thì cũng vô cùng bình dị: làm sao cho cuộc sống sung sướng hơn thế thôi… Dân chủ là một điều tốt đẹp con người chỉ có thể tiến càng ngày càng gần chứ không thể nào đến nơi được. kỹ thuật dân chủ là sự số hóa muôn vạn phần tạp thành chữ “nhất”, số một. Đã là sự gượng ép, khập khiễng ngay từ đầu nhưng đành phải nhận vì không thể làm khác. Kẻ trí là số một, kẻ ngu cũng là số một, vị đức cao trọng vọng cùng một phiếu, kẻ lê la đầu đường xó chợ cũng một phiếu, đúng là một sự bình đẳng đầy bất công. Sự công bằng dựa trên sự bất bình đẳng...


4.6 Giai đoạn “vô thủ”

Rồi sẽ có ngày xã hội tiến đến giai đoạn, chẳng cần người lãnh đạo, có chăng chỉ còn là guồng máy điều hành thậm chí có thể chỉ là một máy điện toán siêu siêu tốc.

Đó là xã hội chỉ toàn những nhà khoa học, triết gia, văn nghệ sĩ và vận động viên…

Của cải thì tràn trề thừa thãi xã hội có một mạng thông tin còn tốt hơn hệ thần kinh của con người, con người muốn biết điều gì đó dù xảy ra ở bất cứ nơi đâu chỉ việc bấm nút. Muốn “phát biểu” điều gì đó với toàn xã hội … chỉ việc bấm nút, cả xã hội yêu thương nhau như tình mẹ thương con vậy. Khi đó gọi là con người toàn hảo và xã hội toàn hảo, xã hội mà hào Dụng cửu quẻ Kiền mô tả: “Kiến quần long, vô thủ…” Mọi thành viên đều là lãnh đạo thì còn cần “đầu” làm chi.

- ****


Ta nhìn lại bát quái đồ



Ta có tổ hợp 4 quẻ: Đoài, Chấn, Cấn, Tốn tượng trưng cho 4 mặt của đời sống cộng đồng trong vũ trụ.

Đoài: tri thức, Chấn: công cụ kỹ thuật; Cấn: chế độ kinh tế, Tốn: chế độ chính trị.

Mỗi mặt theo thời gian từ nguyên thủy tới văn minh tuần tự qua 6 nấc thang hay 6 giai đoạn (lục vị thời thành), sự chuyển biến tiến lùi của các mặt lại lôi kéo nhau, nhưng lưu ý không có luật “cùng biến” nghĩa là cả 4 mặt cùng một lúc đều phải ở nấc một, nấc 2 v...v… mà sự dung hợp 4 mặt như thế nào là tùy khí chất một dân tộc cũng như sự sáng suốt của lãnh đạo cộng đồng đó, sự phù hợp càng cao thì tốc độ phát triển càng nhanh

Trong 4 mặt ta bắt đầu ở đâu?

Dịch dạy ta: đế xuất ư chấn: nghĩa là người lãnh đạo bắt đầu sự nghiệp chuyển biến ở quẻ Chấn tức là cải tiến công cụ, hay kỹ thuật sản xuất, ngôn từ ngày nay gọi là cách mạng công nghiệp; bước đột phá này sẽ tạo ra phản ứng dây chuyền tự nhiên được Dịch học tổng kết thành luật “ngũ hành tương sinh” cứ tuần tự 5 bước sau kế tiếp 5 bước trước, hết vòng này ta bắt đầu vòng kia. Cứ thế, cứ thế mà tiếp diễn bất tận nếu không có các biến cố khách quan hay chủ quan phá vỡ dây chuyền.

Sự vận dụng Dịch lý vào chuyển biến 4 mặt 6 bước như trên rõ ràng là một ứng dụng rất mới ở ngay thời hiện đại. Chứng tỏ sức sống của Dịch học là vô tận, thánh nhân lao tâm khổ trí biết bao nhiêu chỉ nhằm giúp ích cho hậu thế, vấn đề còn lại là hậu thế có biết vận dụng hay không.

Và điều đầu tiên để có thể vận dụng được là phải hiểu biết Dịch học nguyên bản là nền tảng triết lý và khoa học… và đồng thời phơi bày cho thiên hạ thấy bói toán, quỷ thần chỉ là cái vuốt rùa giả mà Trọng Thủy đã đánh tráo.

Kim qui thần nỏ bị đánh tráo, âm dương vương tức An Dương Vương chết tức Dịch học đích thực thất truyền thay vào đó là một mớ hỗn lọan đầu tề đuôi nheo chẳng giúp ích gì cho ai mà chỉ thêm nhức đầu.

5. Vận dụng cửu trù trong văn minh Trung hoa


Cửu trù từ đời Chu thường được vận dụng để phân chia không gian sinh tồn như:

- Cửu châu: Kinh, Dương, U, Thanh, Lương, Ký, Dự, Duyện, Từ.

- Cửu Thiên: Chữ thiên ở đây ta hiểu theo nghĩa Việt là ‘phương trời’.

Mục lục[sửa]

Liên kết đến đây

Xem thêm liên kết đến trang này.