Dịch học họ Hùng/Bài 46

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Dịch học bài 46


31. Cặp Quẻ: Trung phu – Tiểu quá[sửa]

Dich 461.jpg


Trung phu là sự tin tưởng ở trong lòng hay lòng tin, có lòng tin

Tiểu quá có 3 nghĩa:

- Nghĩa một: chỉ có một số ít vượt qua được

- Nghĩa 2: chỉ có thể quá với những việc nhỏ.

- Nghĩa 3: chỉ có thể quá một chút (ít) thôi so sánh với quẻ đại quá.

Trung phu – tiểu quá

Di – Đại quá

Nếu chỉ với sự tin tưởng trong lòng thì chỉ một số ít vượt qua được còn muốn cho đa số quần chúng bước qua được thì phải nuôi (di) tức tạo ra cho đầy đủ các điều kiện vật chất, khiến thời cơ trở nên chín mùi, lúc đấy mới có quần chúng cách mạng.

Sở dĩ có cặp quẻ này là để chỉ bảo cho những người cách mạng, đừng phiêu lưu chủ quan, duy ý chí, quần chúng không theo là thất bại rồi đấy.

A- Quẻ Tiểu Quá = Lôi/ Sơn

a) Lời quẻ

Tiểu quá, hanh, lợi trinh, khả tiểu sự, bất khả đại sự, phi điểu di chi âm, bất nghi thượng, nghi hạ, đại cát.

Tiểu quá, hanh thông, lợi ích lâu dài. Chỉ dùng vào việc nhỏ như tang ma lễ nghi tiêu dùng ,không dùng vào việc quốc gia đại sự được, lòng tin chỉ như tiếng vỗ cánh của con chim trên trời cao, nào có cầm nắm thực sự ở trong tay ;đòi hỏi quá cao, phải hạ thấp mục tiêu ở mức thực tế mới có thể thực hiện – tốt lắm.

Cách mạng là sự đổi đời nên không thể chỉ có niềm tin mà làm được, vì cách mạng là sự nghiệp của toàn dân mà với lòng tin thì chỉ có một ít người dám vượt sông mà thôi, phải biết thức thời, điều chỉnh hạ thấp độ cao của mục tiêu xuống, để trở nên khả thi.

b) Lời tượng:

Sơn thượng hữu lôi, tiểu quá, quân tử dĩ hạnh quá hồ cung, tang quá hồ ai, dụng quá hồ kiện.

Sấm động trên đỉnh núi là tượng quẻ tiểu quá, động trên đỉnh núi là chỉ có số ít động mà thôi (động dưới chân núi mới là số đông chuyển động hay đại quá) bậc trưởng nhân phải hiểu chỉ một số ít thôi thì không thể làm chuyện to lớn như quốc gia đại sự, chỉ có thể thành công trong những việc vặt vãnh như đức hạnh quá khiêm cung, tang ma quá bi ai, tiêu dùng quá tiết kiệm mà thôi.

a) Lời Hào

c.1) Hào Sơ:

Phi điểu dĩ hung

Hào sơ chỉ sự khởi đầu hay non nớt; phi điểu dĩ hung là con chim non mà bay cao thực nguy hiểm, vì sức của nó chưa có thể làm nổi việc đó.

Muốn làm cách mạng để đổi đời thì phải biết chờ đợi thời cơ, thời cơ chưa có mà nôn nóng làm bừa như con chim non đã vội bay lên cao như thế là manh động hay hành động mù quáng ắt sẽ thất bại.

c.2) Hào nhị:

Quá kỳ tổ, ngộ kỳ tỷ, bất cập kỳ quân, ngộ kỳ thần, vô cữu.

Phải biết lượng định sức mình, nếu nhắc đến những mục tiêu quá cao vượt sức mình sẽ thất bại, phải biết thực tế điều chỉnh hạ thấp mục tiêu xuống để cơ thể hoàn thành.

Mong muốn thái quá định gặp ông tổ nhưng chỉ gặp nổi bà nội, không được gặp vua, chỉ gặp được quan, biết nhìn nhận thực tế khách quan đó thì không lỗi.

c.3) Hào tam:

Phất quá phòng chi, tòng hoặc tường chi, hung.

Phải ngăn ngừa quá đi từ lúc việc chưa xảy ra, đợi xảy ra rồi mới lo là đã trễ.

Có tổn hại rồi, xấu nghĩa cũng như câu: phòng bệnh hơn chữa bệnh vậy , đã mắc bệnh dù chữa khỏi cũng là tổn hại sức khỏe rồi.

c.4) Hào Tứ

Vô cữu, phất quá, ngộ chi, vãng lệ tất giới, vật dụng vĩnh trinh.

Không có lỗi (trong trường hợp đặc biệt) có thể quá một chút, tiến đến mức giới hạn rồi không được tiến thêm nữa; không thể luôn luôn “quá” như thế được.

Dịch dạy chúng ta cái thường thường nhưng không bỏ sót cái bất thường. Thí dụ như khi thiên tai địch họa ập đến để đối phó kịp thời ta có thể phá bỏ mọi quy luật thông thường…. Nhưng việc này chỉ có thể ở một lúc một nơi nào đó thôi, không thể kéo dài mãi được.

c.5) Hào ngũ

Mật vân bất vũ, tự ngã tây giao ,công đặc thủ bị tại huyệt.

Ở phía Tây đất Giao tức đất của Tây bá nhà Chu sau này, uất khí đã ùn lên tận trời. Phải tấn công vào sào huyệt con ác thú mà thôi, con ác thú chỉ Trụ Vương, sào huyệt của hắn là Ân Đô. Người tấn công là Chu Vũ Vương, ông Cơ Phát đã thống lãnh dân quân đất phía Tây cùng với các chư hầu mở cuộc tấn công vào kinh đô nhà Ân Thương, chặt đầu Trụ Vương ở biệt đô triều ca.

c.6) Hào Thương

Phất ngộ quá chi, phi điểu ly chi, hung, thị vi tai sảnh.

Không biết đến chữ trung, cứ tiến đi mãi, như con chim phải bay quá xa ắt kiệt sức, nguy hiểm, hung họa tới nơi.

Không biết lượng sức định thời thế, không biết tự lượng sức mình, cố làm việc bất khả thi nên thất bại, thất bại thì tổn hại.

Hào từ này nói đến việc ông Cơ Xương khi nhà Ân Thương sai người giết Vương Quí cha ông, quá phẫn uất Cơ Xương đã không lượng sức mình đem quân đánh Trụ vương, kết quả thất bại thảm hại.

B- Quẻ Trung phu = Phong/ trạch

Trung phu là có lòng tin

Thấy mặt hồ gợn sóng ta tin là do gió thổi, có lòng tin vậy thôi chứ có ai thấy gió đâu, gió là thiên tượng nên không có hình (tại thiên thành tượng, tại địa thành hình).

a) Lời Quẻ

Trung phu, đồn ngư cát, lợi thiệp đại xuyên, lợi trinh.

Tin theo ngu như heo – cá, tốt dùng để cải cách xã hội, có lợi lâu dài.

Với tầng lớp mà trí óc chưa khai mở, chưa thể tự suy luận thì tin theo người trên là điều tốt, sự tin tưởng này có thể dùng để cải cách xã hội, xã hội tiến bộ mang lại lợi ích lâu dài.

b) Lời tượng:

Trạch thượng hữu phong, trung phu quân tử dĩ nghị ngục hoãn tử.

Trên quẻ trạch là quẻ phong, kết thành quẻ trung phu; bậc trưởng nhân xem tượng ấy, tiếp tục bàn bạc xét xử, hoãn thi hành án tử hình.

Chết thì không thể sửa đổi được nữa, vì vậy nếu chỉ là sự tin tưởng thôi không phải là nhân chứng vật chứng rành rành thì không thể vội vã phán tội được, nếu quả tang phạm pháp thì không nương tay nhưng ở đây chỉ tin như thế tức là chỉ thấy dấu hiệu của tội phạm để suy diễn quy kết mà thôi, nên bậc trưởng nhân phải hết sức thận trọng nghị bàn cho đến khi thấu suốt cặn kẽ mới phán quyết. Tránh tuyệt đối sự hàm oan vô phương cứu chữa.

c) Lời Hào

c.1) Hào Sơ:

Ngu cát, hữu tha bất yên

Đầu óc non nớt cứ một mực tin theo bậc trên là tốt đẹp, nếu có ý khác đi thì bất an trong lòng.

Hào sơ ý chỉ thời còn non nớt phải tin theo sự chỉ dạy, dẫn giắt của cha anh, bậc trên nếu không như thế thì trong lòng không yên ổn vì đầu óc mình chưa đủ sức để suy nghĩ chín chắn.


c.2) Hào Nhị

Minh hạc tại âm, kỳ tử họa chi, ngã hữu hảo tước, ngô dữ nhĩ mị chi.

Chỉ cần nghe tiếng hạc mẹ là cả đàn con họa theo, ta có bầu rượu ngon muốn cùng người chia xẻ, ý nghĩa là: Chu Dịch hàm chứa quy luật vận động của tự nhiên và xã hội, rượu ngon là ý nghĩa Dịch học, chia xẻ cùng người là ai ai cũng có thể vận dụng Dịch học để làm lợi cho bản thân và cho mọi người, minh hạc tại âm nghĩa là dù cho Văn Vương, Chu Công không còn nữa (Minh là bóng tối – ý là dù đã khuất) nhưng khi thấy những lời giáo huấn trong Dịch học thì các môn đồ hay đệ tử tin theo suy ngẫm và bắt chước theo hay học và làm theo.

c.3) Hào Tam

Đắc dịch, hoặc cổ, hoặc bãi hoặc khấp, hoặc ca.

Đắc dịch là tìm được trong Dịch học… Dịch học của người Tàu viết là: đắc địch nghĩa là được địch? … thắng quân địch… hay gặp quân địch… không hiểu nổi.

Đắc dịch: tìm thấy, tìm được trong dịch học điều tâm đắc:

· Hoặc cổ: sự cổ vũ khuyến khích làm việc tốt việc thiện việc đúng.

· Hoặc bãi: răn đe, ngăn cấm không được làm việc ác, việc lỗi đạo, xấu xa.

· Hoặc khấp; khấp là khóc ý nói: dịch học chỉ ra lý do thất bại.

· Hoặc ca: ca hát vui vẻ ý là: dịch học chỉ ra nguyên nhân thành công.

c.4) Hào tứ

Nguyệt cơ vọng, mã tất vong vô cữu.

Trăng rằm là ngày trăng tròn, trăng tròn báo hiệu là trăng sắp khuyết.

Ngựa sóng đôi cũng là lúc báo trước sẽ có con vượt lên, con lui lại. Đấy là lẽ tuần hoàn vơi đầy của trời đất, nào ai có lỗi gì. Lẽ đời lúc cực thịnh cũng chính là lúc bắt đầu đi xuống.

Ngựa sóng đôi là lúc chế độ xã hội hoàn toàn phù hợp với cơ sở vật chất kỹ thuật nhưng cả 2 đâu có đứng yên, khoa học kỹ thuật tiếp tục phát triển tạo nên độ lệch và càng ngày càng lệch… độ lệch lớn đến một giới hạn sẽ phá vỡ kết cấu xã hội chuyển sang một hình thái xã hội mới phù hợp với cơ sở vật chất kỹ thuật… cứ như thế cuộc tiến hóa tiếp tục .

c.5) Hào ngũ:

Hữu phu – luyến như – vô cữu.

Đức tín giúp người ta liên kết chặt chẽ với nhau – không lỗi gì.

Cùng tín ngưỡng thì có giáo hội, cùng chí hướng thì có hội đoàn, đảng phái cũng có thể hiểu là: với lòng chí thành vua có thể liên kết thiên hạ lại với nhau.

c.6) Hào thượng:

Hàn âm đăng vu thiên, trinh hung.

Nhiều học giả dẫn sách xưa chú giải: hàn âm là con gà dùng để tế lễ nơi tông miếu.

ở đây ta hiểu :Con gà bay lên trời cao, lâu dài như thế là xấu.

Gà là loài sống ở dưới đất bay lên trời chắc là chỉ trong chốc lát, làm sao có thể bay lâu được, kéo dài sẽ nguy hiểm.

Đặt niềm tin không đúng chỗ đúng đối tượng, tin gà bay vút lên trời cao là sai lầm không thể tha thứ, sẽ thất vọng mau chóng, mau mau tỉnh ngộ, rất nguy hiểm.

Mục lục[sửa]

Liên kết đến đây

Xem thêm liên kết đến trang này.