Dịch học họ Hùng/Bài 15

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Dịch học họ HÙNG. bài 15



1. Cặp quẻ: Lớn – Khôn[sửa]

Đầu mối Dịch học họ Hùng là 2 quẻ: Lớn – Khôn, cửa miệng người họ Hùng thường nói: lớn mạnh và khôn ngoan.

Quẻ lớn mạnh có 6 vạch liền

Quẻ khôn ngoan có 6 vạch đứt

Dịch học của Trung Hoa gọi là Kiền Khôn

Từ khôn là ký âm nguyên gốc tiếng Việt còn Kiền là biến âm của cường là chữ dịch sang Hán ngữ từ : Lớn – mạnh của Việt ngữ.

Lớn mạnh và khôn ngoan là ý nghĩa của đại tượng và lời thoán:

Kiền: Thiên hành kiện, quân tử chỉ tự cường bất tức. Cường biến âm → Kiền.

Còn khôn Dịch nói: tính nhu thuận không thể dẫn đầu nên nói: tiên mê; nó phải đi theo Kiền nên nói: hậu đắc, sự nghe theo này Tiếng Việt là: Ngoan, ngoan là biết nghe lời “người lớn” ở đây chính là quẻ “lớn mạnh” tức quẻ Kiền.

Kiền Khôn trong tiếng Việt “bình dân” là : trời tròn – đất vuông hoặc ý nghĩa nó nằm ngay trong từ điệp: Cong vòng, thẳng thừng. Tức 2 đường nét cơ bản của “văn”.

Trời tròn → cong vòng → con → giống cái

Đất vuông → thẳng thừng → thằng → giống đực.

Đấy chính là tàn tích thời mẫu quyền:

Ông giăng mà lấy bà giời

Đẻ ra con rắn thằn lằn cụt đuôi

Sau đợt cách mạng phụ quyền thì như ngày nay:

Cong = vạch liền = đàn ông: âm

Thẳng = vạch đứt = đàn bà: dương

Trong cấu tạo ngôn ngữ Việt Nam có nhiều điều chưa hiểu nổi thí dụ: Bản thân chữ Cường cũng là biến âm từ kiềng hay còng, kiềng hay còng ngày nay dùng để chỉ vật thể hình tròn. Điều này chắc chắn có căn nguyên trên ý niệm trời tròn – đất vuông.

Kiềng = vòng tròn đeo ở cổ

Còng = vòng tròn đeo ở tay.

Khi lấy hình tượng: quẻ Kiền = trời tròn làm căn cứ thì: kiềng, càng Tiếng Việt và Cường: Hoa ngữ lại thống nhất ngữ nghĩa một cách kỳ lạ.

Lớn và khôn hay quẻ Kiền và Khôn nếu ta xem xét riêng rẽ từng quẻ tức ta không tôn trọng tính lưỡng lập cơ bản của Dịch học thì ta không thể nào hiểu trọn vẹn hay thấu triệt ý nghĩa của nó.

Kiền không phải là cái to của hình thể hay khối lượng, nếu chỉ to về hình tròn, thân thể thì ta gọi là to xác, còn một khi nói lớn mạnh là ý nghĩa “triết học”, cái thế mà Dịch học gọi là: tự cường bất tức; dễ hiểu hơn ngôn ngữ ngày nay ta gọi là “tự chủ”, là thuộc về phạm trù tinh thần, vô hình.

“Lớn mạnh” làm nên cái giá trị tối thượng khiến con người trở nên “túc hữu tự nội”, ta sống vì ta sống thế thôi chẳng phải vì bất cứ điều gì khác, quẻ Kiền đã xác lập địa vị của con người là tài nhân ngang bằng với thiên và địa trong Tam Tài, một trong 3 thành phần “chủ trì” cuộc đại diễn của vũ trụ.

Trong 64 Quẻ chồng, ý nghĩa đích xác chữ Kiền là “nền minh triết” tương đối với Quẻ Khôn chỉ “nền khoa học” hay tri thức của loài người.

Khôn là khả năng hiểu biết và khả năng sáng tạo nơi con người. Sống trong 2 môi trường tự nhiên và xã hội. Trí khôn cho phép con người tìm ra các quy luật chi phối sự vận động của môi trường. Kể cả sự biến hóa của chính bản thân con người với tư cách là một sinh vật, tức một thành phần của tự nhiên. Nắm được quy luật con người vận dụng nó để đề ra các giải pháp và chế tạo các công cụ để thực hiện ý đồ của mình, như thế mục tiêu tối thượng vẫn là con người … Chứ không phải và bất kỳ một “đấng” nào khác. Như thế đối tượng “tác nghiệp” của quẻ Khôn là thế giới hữu hình hay thế giới vật thể ngược hẳn với quẻ Kiền.

Dịch học vô cùng tế vi, dùng những gì vô cùng nhỏ, thô thiển để nói lên cái gì đó vô cùng lớn vô cùng tinh diệu: như ta so sánh lời thoán của 2 quẻ Kiền Khôn.

Kiền: Nguyên hanh lợi trinh

Khôn: nguyên hanh lợi, tẫn mã chi trinh

Chỉ khác nhau chữ tẫn mã mà mở ra cả một đạo lý bao trùm tất cả.

Kiền tức nền Minh triết

Khôn là nền khoa học, cả 2 phải hội đủ 4 tiêu chuẩn:

Nguyên: Khởi đầu, khởi đầu từ cái gì? Tinh thần xuyên suốt của Dịch học là Nhân bản, khởi từ gốc là chính con người

Vậy ở đây : chữ Nguyên hiểu trọn vẹn theo nghĩa ngày nay là: Nhân bản.

Nguyên là từ gốc Việt Ngữ nghĩa là: nguồn gốc. Ý thánh nhân dạy: triết lý và khoa học đều khởi nguồn từ còn người.

Hanh: nếu hiểu là Hanh thông thì chưa trọn nghĩa của Dịch học, hanh là xuôi thuận hiểu theo ngôn ngữ ngày nay là sự hợp lẽ, chính xác phải gọi là tính khoa học. Cương mãnh không đồng nghĩa với làm càn, nền triết học duy ý chí chắc chắn sẽ thất bại

Ở đây ta thấy sự độc đáo của Dịch học, khoa học phải hợp lẽ là chuyện bình thường, thâm sâu là ở chỗ: triết học cũng phải hợp lẽ nếu triết học mà bay bổng quá sẽ gặp phải cảnh tượng hào ngũ: “Kháng long hữu hối”

Lợi: Tiếng Việt trọn ý là: lợi ích thiết thực, tức phải giải quyết cái rất “tầm thường” là cơm áo gạo tiền, những thứ rất nhỏ nhoi nhưng không có là không sống được, người Việt có câu châm ngôn: “có thực mới vực được đạo” thể hiện rất sát ý chữ lợi trong Dịch học, triết học mà chỉ bàn truyện trên trời tức bắt con người trần gian “hưởng” Hương Hoa mà sống là thứ triết học lừa gạt đểu cáng của đám thầy mo cúng ma.

Tóm lại cả triết học và khoa học cũng có 3 đặc tính:

Nguyên: Nhân bản

Hanh: Hợp lý

Lợi: Thiết thực

Còn tiêu chuẩn thứ 4 là khác biệt, sự khác biệt nhỏ nhoi nhưng chỉ rõ cương giới triết học và khoa học.

Quẻ Kiền là Trinh, tức bền lâu.

Quẻ Khôn là tẫn mã chi Trinh.

Tẫn mã là ngựa cái; Quẻ Khôn có tượng là đàn bà nên ở đây nói ngựa cái. Người xưa dùng 2 con vật làm biểu tượng : Rồng bay trên trời dùng trong quẻ Kiền, ngựa đi dưới đất dùng trong quẻ Khôn, ngựa đi là theo người điều khiển, ở đây ý muốn nói đến sự thuận tòng; tẫn mã chi trinh nghĩa là: nền khoa học phải theo sự định hướng hay được dẫn dắt bởi nền minh triết thì sự nghiệp khoa học mới bền lâu.

Ngày nay có “cả đống” bom nguyên tử treo lơ lững trên đầu loài người ta mới chợt thấm ý thánh nhân đã dạy từ ngàn xưa: đã khôn thì phải ngoan… khôn mà không ngoan thì coi chừng có ngày chết mất xác.

Ở thời đại chúng ta các từ nhân bản hợp lẽ, thiết thực thì triết thuyết nào, chính cương nào cũng để lên hàng đầu nhưng còn một chữ nhỏ nhoi là chữ “trinh” thì dường như chẳng ai thấy; đợi cho đến khi khói bụi ô nhiễm đã phủ cả mặt địa cầu, hóa chất độc hại đã thấm đều vào các mạnh nước dưới lòng đất người ta mới nói đến “phát triển bền vững”, liệu có còn kịp hay không? Câu trả lời còn đang ở phía trước.

Nếu Dịch học không bị vùi dập, bị coi là sách bói toán quỷ thần thì nhân loại đâu có khốn khổ như ngày nay.

Tóm lại 4 đặc tính của nền minh triết Dịch học:

Nhân bản, hợp lý, thiết thực, bền vững.

Nguyên hanh lợi trinh cũng là 4 tiêu chuẩn để định hướng suy tư và hành động của con người “lớn khôn”.

Lời thoán quẻ Khôn, ngoài nguyên hạnh lợi cũng ý như quẻ Kiền, riêng phần trinh thì phải tẫn mã mới trinh được như con ngựa cái thì mới bền lâu. Tức phải là một nền khoa học có định hướng, tuân phục đạo đức thì mới vững bền. Khoa học là con dao 2 lưỡi, nó chế được thuốc bổ thì cũng chế được thuốc độc. Còn quyết định chế loại nào là thẩm quyền của lương tâm – đạo đức. Tức hành vi được định hướng dẫn dắt bởi minh triết, ngôn ngữ Việt tạo thành từ kép, để nhắc nhở luôn phải “khôn ngoan”, nếu không sẽ có ngày tự hủy.

A. Lớn mạnh hay cường[sửa]

a. Quái từ hay lời quẻ Kiền: nguyên – hanh – lợi – trinh đã bàn luận ở phần trên.

b. Đại tượng hay lời tượng thiên hành kiện, quân tử chỉ tự cường bất tức:

Quẻ lớn mạnh chỉ sự tự chủ và mạnh mẽ nên trưởng nhân (quân tử) phải tự cường không dựa dẫm vào bất cứ cái gì, tương tự như “kiền”, chữ Quân tử mà hiểu là “con vua” thì trở thành mối nhục cho Nho giáo, quân tử là từ kép chỉ thành phần đứng đầu hay trên hết, ở đây chỉ con người trong tam tài như vậy chữ quân tử đồng nghĩa với trưởng nhân, chữ nhân cũng có thể hiểu là Đại nhân hay “người lớn”, đấy cũng chính là tư tưởng triết lý xuyên suốt của Dịch học họ Hùng.

c. Hào Từ hay lời Hào

Mỗi Quẻ Dịch có 6 hào là 6 nấc thang hay 6 giai đoạn kế tiếp nhau trong thời gian nên Dịch nói: “Lục vị thời thành”, đầu tiên là hào sơ, quy ước là vạch dưới cùng, rồi đến các hào kế tiếp: nhị tam tứ ngũ sau hết là hào, thượng. Chỉ riêng 2 quẻ Kiền và Khôn có thêm hào “dụng”, quẻ Kiền là dụng cửu, quẻ Khôn là dụng lục.

Hào từ là hình mẫu về vận dụng Dịch học, gọi là hình mẫu vì Dịch học gói gọn cả “thế gian” trong 32 cặp quẻ trùng và 384 hào; thiên hình vạn trạng thì làm sao nói ra hết được, con người phải tự suy nghĩ và lý giải những vấn đề cụ thể, những vụ việc cụ thể trên cái nền là các quy tắc đã được Dịch học xác lập; mỗi lời hào trong kinh Dịch chỉ là một ví dụ điển hình về việc vận dụng Dịch học mà thôi.

Vị trí 2 quẻ Kiền Khôn là mấu chốt của Dịch học, thấm nhuần được ý của thánh nhân trong 2 quẻ càn khôn là đã căn bản “đắc đạo”, bao quát sự to lớn và sâu xa của Dịch học được gói trọn trong 2 quẻ Càn Khôn.

Để dễ hình dung trước hết phải sắp xếp thứ tự các hào từ dưới lên trên.

6 – Thượng: Kháng long hữu hối.

5 – Ngũ: phi long tại thiên, lợi, kiến đại nhân

4 – Tứ: hoặc dược tại uyên – vô cữu

3 – Tam: Quân tử chung nhật Kiền Kiền, tịch Dịch được nhược, lệ – vô cữu

2 – Nhị: hiên long tại điền – lợi, kiến đại nhân

1 – Sơ : Tiềm long – vật dụng.

Ta thấy: 6 hào mã có tới 4 con Rồng … vậy hình tượng con Rồng nói lên điều gì?

Con người là sự hợp nhất của thần và vật…, thần là hồn phải nhập vào xác là vật thì mới tồn tại được trong thế giới vật chất; con Rồng tượng trưng cho thần tính trong con người, thìn là biến âm của thần, là 2 góc nhìn về sự linh diệu, mà thôi 6 hào là 6 nấc trên bước đường trưởng thành của con người.

c.1. Sơ: tiềm long vật dụng

Rồng ẩn không hoạt động.

Thời sơ khai của loài người, tức giai đoạn tục ngữ gọi là: thời ăn hang ở lỗ, lang thang kiếm sống bằng săn bắt và hái lượm, đây là thời mà con người vừa trải qua sự chuyển biến về chất để vượt trên tất cả các loài sinh vật trở thành người nguyên thủy. Vì vậy thân xác đã có con rồng ẩn ở trong, tức đã mang trong mình thần tính nhưng thần tính chưa phát lộ hay chưa hoạt động… Sở dĩ vậy vì lúc này còn là lúc …” cái khó nó bó cái khôn” hay là lúc chưa đủ … thực nên chưa thể vực được đạo.

Ở một phần trên ta đã nói đến 3 mặt của sự tự chủ: làm chủ chính mình, làm chủ giới tự nhiên và làm chủ xã hội, 3 mặt này liên quan và đồng chuyển nên khi còn hái lượm tức tùy thuộc hoàn toàn vào tự nhiên thì sự tự chủ cũng không thể nào có được, việc này Dịch học đã mượn hình tượng con Rồng ẩn để chỉ ý nghĩa.

Ý tứ của Hào từ rất đơn giản cũng hết sức thiết thực: kẻ bụng đang đói thì đừng nói đến tự chủ, điều này đúng với từng cá nhân và cả quốc gia. Dù có là Rồng, muốn bay cũng phải hội đủ điều kiện vật chất mới bay lên được chứ không thể bay trong thinh không mà chẳng cần cánh và không khí.

c.2. Hào nhị:

Hào từ: Hiện long tại điền lợi kiến đại nhân; câu này được Dịch là: Rồng hiện trên mặt Ruộng, có lợi gặp người lớn.

Nếu Dịch một cách trần truồng như thế thì chắng có tí “Dịch ý” nào cả, trong Dịch học họ Hùng hào nhị có ý như sau:

Qua thời Hái lượm hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên con người vượt qua chính mình bằng cuộc cách mạng nông nghiệp, con người không còn phó mặc cho trời đất nữa mà trở thành nhân ngang hàng với trời đất trong thể tam tài thiên – địa – nhân.

Năng lượng đến từ vũ trụ kết hợp với vật liệu trong đất được bàn tay con người chăm sóc để trở thành của ăn nuôi dưỡng con người. Khi không còn phải hoàn toàn lệ thuộc vào tự nhiên chính là lúc thần tính bắt đầu vẫy vùng. Hào từ vạch nhị gọi là hiện long tại điền; còn lợi kiến đại nhân hiểu gọn là: giúp thành người lớn, khi thần tính xuất hiện khiến cho con người trở thành “đại nhân” tức đúng nghĩa “người” không còn là “người vượn”

Cách mạng lần thứ nhất nhờ biết chế tạo sử dụng công cụ đặc biệt là phát minh ra cách dùng lửa con người đã thoát xác từ vượn người trở thành người vượn, cuộc cách mạng thứ 2, cách mạng nông nghiệp con người trở nên to lớn phi thường ngang hàng với trời đất để người vượn chuyển hẳn thành “người” hay “đại nhân.”

c.3. Hào tam Quân tử chung nhật Kiền Kiền, tinh Dịch nhược lệ vô cữu

Trưởng nhân tích cực hoạt động cả ngày luôn cẩn thận thì không lỗi.

Nông nghiệp mới chỉ là thành tựu khoa học kỹ thuật bước đầu, con người phải tiếp tục tiến xa hơn nữa, tích cực nghiên cứu để tìm ra các quy luật chi phối mọi sự vận động trong giới tự nhiên và xã hội, khoa học là điều kiện “vật chất” để trưởng thành trong tâm linh. Thấu suốt tự nhiên là bệ phóng của ý thức đạo đức, ban tối Dịch chỉ dẫn ta phải nghỉ ngơi, ban sáng phải tích cực làm việc; tích cực hành động là thể hiện rõ rệt tính “người” tức biểu hiện của tài nhân cùng với thiên địa tạo nên bộ mặt cuộc đời.

Hào tam nói rõ: một mặt tích cực hoạt động nhưng mặt khác phải luôn cẩn thận đề phòng sự “chủ quan”. Ta luôn có sự vận động trong thế giới thực thể và sự phản ánh của thế giới đó vào não bộ con người, tức thế giới “thông tin”, 2 thế giới có hoàn toàn trùng khớp hay không là điều ta phải cẩn thận; phải luôn kiểm nghiệm, phải luôn so sánh tránh việc xa rời thực tế việc xa rời thực tế sẽ dẫn đến chủ nghĩa duy ý chí.

Tóm tắt hào tam thánh nhân chỉ dạy: tích cực làm việc, cẩn thận thì không lỗi.

Làm việc để càng ngày càng hiểu rõ thiên nhiên, càng gặt hái được nhiều hơn những lợi ích do thiên nhiên ban tặng, đời sống mỗi ngày mỗi nâng cao và niềm hạnh phúc mỗi ngày mỗi dâng trào mạnh mẽ đấy chính là sự bất tận của dòng đời mà thánh nhân muốn biếu tặng cho nhân thế. Khi các ngài khổ công lập thành Dịch học.

c.4 Hào Tứ: Hoặc dược tại uyên vô cữu

Nghĩa là: Nhảy qua vực thẳm không lỗi.

Nghĩa bóng: chỉ sự duy lý không có cơ sở thực tế mà thuần lý luận. Tưởng đã ở trên cao lắm khi thấy phía dưới sâu ngút ngàn… Thực sự là ta đâu có cao mà do bởi ảo giác vì mặt đất thụt xuống sâu thẳm. Sai lầm như thế tại sao lại vô cữu, không lỗi?

Thưa vì Thánh nhân cho đó là điều tất yếu sẽ xảy ra trong quá trình phát triển. Nếu đã là một bước ắt có thì không có lỗi mặc dù đã được cảnh báo ở hào Tam… phải cẩn thận, cẩn thận…

Tất yếu sẽ có một giai đoạn gọi là thời duy lý, đấy là sai lầm duy nhất có tầm vóc "vũ trụ” và dĩ nhiên hậu quả chính con người phải gánh chịu là khôn lường. Thời mà con người quằn quại trong đau khổ tột cùng. Thế giới thông tin không phản ánh đúng thế giới thực tạo thành vinh quang ảo nhưng đau khổ lại rất thực, thực là thời đại cười ra nước mắt, đúng lý luận thì phải là thiên đàng nhưng thực tế thì ngược lại… Con người trở nên mê sảng vì phải tiêu hoá cả một cuốn tự điển ngược… đi đến tột cùng con người không còn biết thế nào là hạnh phúc, thế nào là đau khổ? Sống không phải là sống cho chính mình tạo lập hạnh phúc cho chính mình mà lại sống vì lý tưởng… gì gì đó. Của lãnh tụ vĩ đại gì gì … đó… cuối cùng là sự hủy diệt như Hitle và chủ nghĩa Quốc xã ở Đức.

c.5 Hào Ngũ: Phi long tại thiên lợi Kiến đại nhân

Hình ảnh con Rồng bay trên trời biểu thị thần tính con người đã phát huy cực đại, con người đã là con người tự chủ dựa trên một trình độ khoa học kỹ thuật rất cao, con người thong dong tự tại như con Rồng bay trên trời sự ràng buộc của vật chất đã nhẹ như sợi lông tơ.

Nếu như ở Hào nhị hiện long tại điền, biểu lộ chủ yếu ở phần trí tuệ, đến hào ngũ thì thần tính chủ yếu biểu lộ ở phần bản lĩnh tự chủ, cũng vẫn lợi kiến đại nhân nhưng ở hào 5 khác hào 2, một đàng thì trí tuệ một đàng là đạo đức, giúp thành người lớn nhưng đến hào 5 là con người trưởng thành toàn diện làm chủ tự nhiên, làm chủ xã hội và làm chủ chính mình, tức một trưởng nhân thực sự, là trung tâm của vũ trụ như “Hành Kim” (Dịch của Trung Hoa là hành Thổ) để viết “giá sắc” tức gieo gặt hay là nơi xuất phát và qui về của cả chuỗi phản ứng “xã hội – tự nhiên”

Biết dùng quy luật “tòng cách” (Thạch viết tòng cách) để làm chủ diễn trình tự nhiên, biết luật “khúc trực” để điều khiển các diễn trình xã hội (Mộc viết khúc trực).

Tự nhiên vẫn ràng buộc nhưng không hạn chế con người. Xã hội vẫn biến chuyển theo quy luật nhưng lại do con người “điều tiết” tức phần “quyết” vẫn thuộc thẩm quyền của con người.

Nhìn từ góc cạnh triết lý thì hào 5 là giai đoạn tột cùng rồi con người đã trở thành trưởng nhân tức giới tự chủ dựa trên một nền khoa học và kỹ thuật cực kỳ cao.

Phi long tại thiên là hình ảnh vật chất thực khi con người cưỡi “phi thuyền” du hành vũ trụ… Nói như vậy để ta nhìn nhận thời đại hiện nay nhân loại đã đạt đến phần đầu của sự tột cùng văn minh vật chất nhưng cũng là lúc phải chịu sự căng kéo ghê gớm, do độ lệch quá lớn giữa văn minh vật chất và văn minh tinh thần, giữa nơi này và nơi khác của thế giới; Ở vào nơi tinh thần con người vẫn còn ở thời hoang sơ… Thần phục các mãnh lực… vô hình, sống và chết theo lời truyền bảo của đấng này, hay đấng kia dù đó đã “qua đời” có đến ngàn năm nay. Tâm và trí không đi đôi với nhau xuất phát từ sự tham lam và ích kỷ đã khiến bộ mặt thế giới trở nên méo mó dễ sợ, điều mà cả loài người đạt được là càng văn minh tiến bộ, càng tiến gần đến cái … chết chắc chắn, hay là thượng đế đã lập trình sẵn một sự tự hủy…? Coi như là một bước tất yếu để đổi mới địa cầu… Loài người này mất đi để 5, 7 chục vạn hay cả triệu năm sau có một loài người khác xuất hiện? Điều ghê gớm đó rất có thể sẽ xãy đến nếu con người không phản tỉnh theo lời dạy của Dịch học ở hào, thượng của quẻ Kiền và quẻ Khôn.


c.6 Hào thượng

Kháng long, hữu hối. Rồng lên quá cao, có hối hận

Đây là sự thoát tục, không còn liên hệ đến nhân tình thế thái. Hình ảnh thực tế là một mình lên đỉnh núi tu tiên, tiêu giao tháng ngày với cánh hạc và giọt sương mai tìm sự thuần tịnh trong tâm hồn không kể chi đến xác thân... đấy chính là sự tu hành, xuất thế, nó không thể là hình ảnh tiêu biểu cho đời sống con người, đó chỉ là những trường hợp cá biệt, riêng lẻ, có hối là ở chỗ đấy; trưởng nhân mà bịt mắt bưng tai sống chết mặc bay, riêng ta tìm sự thanh thoát chỉ cho riêng mình, thanh cao thì có thanh cao thực đấy nhưng tu tiên dứt khoát không thể là con đường của người Quân tử, con người là một sinh vật xã hội, tự nhiên từ khi sinh ra đã là vậy nên hạnh phúc thực chỉ đến giữa những con người, còn riêng mình ta với ta chỉ là cảm giác nhất thời không thể trường cửu, nên dịch học nói: Hữu hối là vậy.

Kháng long mà xuất thế là như thế, còn kháng long mà nhập thế thì thật là khủng khiếp, một khi thần quyền nhập chung với thế quyền thì cả xã hội được điều hành theo luật… tu viện, muốn hình dung ra tình cảnh xã hội lúc này thì phải lùi về thời Trung cổ ở phương Tây, tới thăm và hỏi chuyện nhà khoa học Gallile, hỏi về các toà án dị giáo… còn dễ thực hiện hơn thì đến thăm Afganistan hỏi về sự cai trị của Taliban… Trong mọi sự áp bức thì áp bức về tư tưởng là ghê gớm nhất, không thể gọi là con người nếu không được quyền suy nghĩ độc lập, đến việc cầu kinh để giao cảm với thượng đế cũng được bảo trợ bằng roi da, xích sắt thì thượng đế cũng phải ngán ngẩm lắc đầu mà trốn chạy.

c.7 Hào dụng cữu: Kiến Quần Long Vô Thủ Cát

Nghĩa đen câu trên là: thấy bầy Rồng không đầu tốt.

Còn nghĩa dịch học của nó? Con người cứ mỗi ngày mỗi tiến lên, đến một ngưỡng nào đó xã hội chỉ toàn triết gia, và nhà khoa học… lúc đấy thì làm gì còn nhà lãnh đạo, xã hội thực sự là xã hội tự do và tự giác… điều hành “việc chung” lúc này không chừng chỉ là một máy tính điện tử siêu siêu tốc mà thôi.

Đấy là xã hội công dân tự quản, không cần ai “cầm lái” nữa một xã hội mà tất cả các thành viên đều là đại nhân thì còn cần gì lãnh đạo, nên hào dụng cửu nói: Kiến Quần long Vô Thủ Cát.

Mục lục[sửa]

Liên kết đến đây

Xem thêm liên kết đến trang này.