Dịch học họ Hùng/Bài 33

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Dịch học họ HÙNG . bài 33


18/ Cặp Quẻ : Mọc – Lặn[sửa]

Dich 331.jpg

Tên Hoa ngữ: Tấn – minh di

Chủ tâm của mình muốn bon chen giành giật địa vị – thì làm cho đức sáng nơi mình bị thương tổn.

Ở đời 2 thứ người ta hay giành sống giành chết với nhau là: Quyền và lợi – hoặc lợi và danh.

Thi ân bất cần báo là đạo đức chân thực, còn thi ân để chờ người khác báo lại thì đấy không phải là làm việc nghĩa mà là kinh doanh.

Tương tự như vậy khi hy sinh xả thân cứu quốc cứu người thì đấy là việc nghĩa, còn chưa tham gia đã tính chia ghế, chia phần thì đó cũng chỉ là phường đi buôn.

Nếu xả thân vì đại nghĩa thì hào quang tự nhiên phát sáng, người người kính trọng, còn phường buôn thì như ánh sáng bị che đi mất rồi, có ai thấy đâu.

Về hình tượng cặp Quẻ này dùng cảnh mặt trời mọc và lặn để biểu thị tiếng Việt thành từ ký mọc – mờ

Mọc = tấn, mờ là minh di nhưng đọc biến âm đi thành mập mờ.

Minh di là ánh sáng bị che đi, tức mờ, nguyên văn là sức sáng bị thương tổn.

A- Quẻ Mọc = Hỏa / Địa

Hoa ngữ là tiến lên

Hỏa địa tấn có tượng là phương đông lúc mặt trời mọc, hỏa là mặt trời nhô lên trên mặt đất là quẻ địa.

a) Lời Quẻ:

Tấn, khang hầu dụng tích mã phồn thứ, trú nhật tam tiếp

Rất nhiều học giả giải nghĩa là tiến lên, hầu tước có tài trị quốc an dân, được vua thưởng cho ngựa quý, trọn ngày được vua 3 lần tiếp kiến.

Câu trên nói lên:

- Công trạng: được gọi là khang hầu tức người mang tước hầu có tài trị quốc an dân.

- Phần thưởng: thưởng nhiều ngựa xe, trong lễ chế nhà Chu, phân biệt rất nghiêm, tước vị gì thì được bao nhiêu ngựa, bao nhiêu xe, nói vua ban thưởng nhiều ngựa xe có nghĩa là được thăng chức, tức là sự nghiệp đang tiến lên vậy.

- Ngày vua tiếp kiến 3 lần biểu thị thái độ đặc biệt quý mến của vua với bậc hiền tài kiệt xuất

Riêng với Dịch học họ Hùng lời Quẻ có nghĩa là: Khang hầu, là chữ viết sai, chính xác là cang hầu, hay khăng hầu (khăng khăng là không đổi) cứng - không đổi là tượng của Dịch lý chỉ phương Tây, khang hầu chính là Tây Bá hầu tức ông Cơ Xương.

Lời Quẻ là: Tây Bá hầu lập đại công được vua ban thưởng trọng hậu, một ngày mời tiếp kiến bàn việc nước tới 3 lần, ba trong tiếng Việt chỉ có nghĩa là nhiều mà thôi.

b) Lời tượng:

Minh xuất địa thượng, tấn, quân tử dĩ tự chiêu minh đức.

Mặt trời nhô lên ở đường chân trời, là tượng cho sự tiến lên, bậc trưởng nhân xem đó làm cho rực rỡ trên ánh sáng đạo đức nơi mình.

c) Lời Hào

c.1) Hào Sơ

Tấn như, tồi như, trinh cát, hối vong – phu dụ, vô cữu.

Tiến lên bị chặn lại, bền chí thì gặp tốt, tan biến sự hối thẹn, chung quanh chưa tin tưởng, cứ đủng đỉnh chờ thời, không lỗi gì

Thời khởi đầu hay nguyên thủy của loài người chưa có tri thức khoa học, lần mò mà tiến lên, có bước thành công nhưng cũng có bước thất bại, cứ bền chí tiếp tục tiến bước vì mới chỉ là sự trải nghiệm ban đầu nên đâu dễ cho mọi người tin cả, cứ từ tốn, khoan thai mà làm việc rồi thế nào thời cơ cũng đến.

c.2) Hào nhị

Tấn như, sầu như, trinh cát, thụ tư giới phúc, vu kỳ vương mẫu

Tiến lên, không được như ý – bền lòng sẽ tốt, được hưởng phúc lớn từ bà cố nội ban xuống.

Dù chỉ mới là bước đầu, tiến lên dưới ánh sáng tri thức, vừa tiến hành vừa rút kinh nghiệm nếu có bước thành công nhưng cũng có bước bị trở ngại khiến phải rầu rĩ, nhưng cứ bền lòng rồi sẽ tốt – sẽ được hưởng một cách sâu rộng những thành tựu mới của khoa học kỹ thuật (tổ mẫu)

c.3) Hào Tam

Chúng doãn – Hối vong

Bây giờ mọi người mới tin tưởng sự hối thẹn biến mất.

Ở hào sơ là mò mẫm vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đến hào nhị bước đầu có tri thức, hệ thống hóa các mối liên quan của sự vật bằng ký hiệu, công thức đơn giản, tới hào tam là thực sự có ánh sáng khoa học soi đường nên hào từ nói được mọi người tin tưởng.

c.4) Hào Tứ

Tiến như thạch thử, trinh lệ

Tiến theo kiểu của loài chuột đồng cứ như thế mãi thì nguy hiểm.

Chỉ một chữ thạch thử mà có vị dịch là chuột đồng, người khác lại dịch là chuột lớn, chuột năm nghề ? (ngũ kỹ thử), có vị lại dịch là con dế mèn… nay xin góp thêm một ý … thạch thử, chữ thạch là chữ ký âm bằng Hán ngữ từ “thọt” của Việt ngữ, con chuột thọt chân tức chân què… đã què thì bơi bơi lết lết làm sao mà tiến lên được … ý hào tứ là lòng ham muốn tiến đi như mọi người nhưng lực bất tòng tâm, không đủ khả năng để tiến, chỉ lết lết chút ít mà thôi.

c.5) Hào ngũ:

Hối vong, thất đắc vật tuất, vãng cát, vô bất lợi.

Bạch thư chu dịch chép là: thủ đắc vật thuyết.

Không có gì phải hối tiếc, không tính toán thiệt hơn, tiến lên rất tốt, không gì là không lợi.

Hào ngũ là địa vị thủ lãnh quân vương phải lo cho xã hội phát triển tiến lên, đừng tính toán lời lỗ của cá nhân hay riêng mình, được như thế thì không thẹn với lòng mình và không gì là không lợi hay dịch thoáng là: lợi mọi đường.

c.6) Hào thượng

Tấn kỳ giác, duy dụng phạt ấp lệ, cát, vô cữu trinh lận

Tiến lên bằng sức mạnh của cặp sừng ( chỉ biết húc mở đường) chỉ dùng đàn áp trong ấp cũng nguy, phải có lý do chính đáng lắm mới không lỗi, kéo dài việc ấy thì đáng xấu hổ.

Dùng sức mạnh của cặp sừng húc càn mà tiến lên ý chỉ việc chiếm đoạt ngôi vị bằng bạo lực, ngày nay gọi là đảo chính quân sự, dùng sự bạo tàn đàn áp nhân dân là điều vô cùng nguy hại, như thế chỉ khiến người ta cùng đường, căm phẫn buộc phải nổi dậy chống đối. Phải có lý do chính đáng lắm việc hành xử như vậy mới không lỗi. Thí dụ người dân nhẹ dạ bị kích động, biểu tình đập phá tràn lan thì nhất thời phải dùng cảnh sát, vòi rồng mà trấn áp giải tán. Nhưng nếu vòi rồng dùi cui trở thành chính sách cai trị thì thật là điều đáng hổ thẹn.

B- Quẻ Lặn = Địa/ Thiên

Minh di Tiếng Việt là khuất sáng hay ánh sáng bị che khuất tức mờ, thiên chìm xuống dưới địa là tượng mặt trời lặn.

Bậc quân tử thực thì đốc thực huy quang, còn ngụy quân tử bon chen dành giật quyền cao chức trọng là tự đánh mất mình như là ánh sáng bị che lấp đi, hay nói khác là đen thui đấy chính là ý nghĩa của cặp quẻ tấn – minh di.

a) Lời Quẻ

Minh di, lợi, gian trinh

Khuất sáng hay mờ tối, vững lòng trong cảnh gian nan sẽ có lợi.

Nhiều nhà nghiên cứu bàn rất hợp lý… đoạn trên nói về ông Cơ Xương , minh di là lúc bị vua Trụ nhốt trong ngục Diũ Lý, trong cảnh lao tù, dù gian nan tới đâu vẫn một lòng theo đường công chính, giữ vững khí tiết người quân tử, sở dĩ ông bị tù là vì nổi tiếng là người nhân đức, nghĩa là đức sáng nơi ông đã chiếu tỏa, Trụ Vương hôn ám, sợ ảnh hưởng của ông nên đã ra tay để “minh di” bỏ tù ông như vậy che ông lại không cho ánh sáng chiếu ra.

b) Lời tượng

Minh nhập địa trung, minh di, quân tử dĩ lợi chúng, dụng hối nhi minh.

Mặt trời lặn vào trong đất đây là cách nói của người xưa chỉ mặt trời lặn, còn nghĩa bóng là: bậc trí giả hay trưởng nhân đến với quần chúng, Muốn làm lợi cho họ thì phải biết rõ trình độ của họ, nghe và nói ở trình độ đó, giáo huấn, khuyến dụ, cũng phải căn cứ trên mặt bằng dân trí không thể nói những điều quá cao xa không ích gì về người nghe đâu có hiểu, hay không tiếp thu được gì, đó là ý của câu: dụng hối nhi minh, thầy dạy học trò thì phải truyền đạt ở trình độ của trò mới có thể tiếp thu được.

C – Lời Hào

c.1) Hào Sơ

Minh di vu phi, thùy kỳ dực

Quân tử vu hành, tam nhật bất thực, hữu du vãng, chủ nhân hữu ngôn.

Che lấy sự sáng (nơi mình) bằng cách cao chạy xa bay, cố gắng tới mệt rũ cả cánh, bậc trưởng nhân bước đi vội vả tới 3 ngày không dám ngừng lại ăn, phải trốn xa như vậy để còn có thể giữ được sự tự chủ, có dư luận không tốt.

Rõ ràng lời Quẻ diễn tả cuộc trốn chạy vội vã, cam go của một đấng trượng phu, quân tử trước cuộc truy sát của lũ hôn quân bạo chúa

Chỉ tiếc là kiến thức về lịch sử của người viết quá nông nên không thể xác định bậc quân tử phải trốn chạy này là ai.

c.2) Hào nhị.

Minh di, di vu tả cổ, dụng chửng mã tráng – cát

Sức sáng bị thương tổn, bị thương nơi đùi trái, ý nói sự tiến đi bị cản trở nhưng không nghiêm trọng lắm.

Minh di ở đây có nghĩa là bậc hiền tài bị hãm hại, nhưng chỉ có thể làm chậm lại chứ không ngăn được đường tiến.

Dạng chửng mã tráng rất khó dịch, nhiều học giả dịch mã tráng là ngựa khỏe… thấy không ổn, ngựa khỏe phải là tráng mã, còn mã tráng là cấu trúc Việt ngữ. Còn nếu dịch là con ngựa bị thương nghe cũng không ổn (tráng là bị thương)

Ở đây có một kiến giả khác thường:

Cũng như trường hợp “Thạch thử” là vừa dịch vừa ký âm. Từ việt: chuột thọt chân, vốn dịch học gốc viết bằng Việt văn, các “dịch gia” khi chuyển ngữ do không hiểu nghĩa nên đã phiên âm, từ “chửng mã” cũng tương tự, chửng mã là chuyển sang Hán văn, từ ngựa chứng của Việt văn, vì không hiểu chứng là gì nên đành vừa dịch vừa ký âm chữ ngựa chứng thành “chửng mã” hào từ hào nhị nghĩa là bị hãm hại gây khó khăn cho sự tiến đi, vì bị thương ở đùi trái. Dụng chửng mã là: vị hiền tài ấy khuất phục được con ngựa chứng nghĩa là: thu phục được một người dũng mãnh nhưng ngang tàng (chửng mã), việc này khiến ông ta càng thêm uy lực rất tốt.

c.3) Hào Tam

Minh di vu nam thú, đắc kỳ đại thủ, bất khả tật, trinh.

Đất của Tây Bá hầu tức ông Cơ Xương ở phía Tây Bắc Trung Hoa theo Dịch lý tức Tây Nam Trung Hoa hiện nay gồm phần đất nay là Quí Châu, Vân Nam, Quảng Tây và Bắc Việt Nam,còn đất kinh đô triều ca của Trụ vương nơi bờ Hoàng Hà, Hà Nam ngày nay, tức phía Nam của Dịch lý (phương hướng ngày nay đã đảo ngược Bắc Nam).minh di nam thú ở đây chỉ việc :

Bậc hiền tại bị hãm lại (minh di) là ông Cơ phát nối nghiệp cha làm Tây Bá hầu cầm đầu chư hầu nổi lên đánh Trụ vương, tiến quân về kinh đô (ở phương nam), nhưng ông Cơ Phát đã cho dừng binh không tiến nữa vì nhận định chưa chắc thắng đó là “bất khả tật” trinh là kiên trì chờ đợi thời cơ.

Ở Quẻ này: minh di được dùng như là danh hiệu của Tây bá hầu, người hiền tài bị hãm hại.

c.4) Hào Tứ

Nhập vu tả phúc, hoạch minh di chi tâm, vu xuất môn đình.

Nhận ra mặt trái của bụng dạ người (Trụ Vương) lòng lang dạ thú đang trù hoạch việc hãm hại bậc hiền tài, lập tức phải cao chạy xa bay.

Ở đây nói đến tình cảnh của một đại công thần, một đời trung nghĩa phò tá vua, nay nhìn ra bụng dạ hẹp hòi xảo trá của hôn quân đang muốn hãm hại mình, phải lập tức trốn chạy, có lẽ hào nói về ông Cơ Tử, đại công thần triều Ân Thương phải giả điên rồi trốn chạy thoát chết khỏi tay Trụ vương (ông tỉ can liều gan can ngăn bị Trụ Vương mổ bụng moi gan)

c.5) Hào ngũ:

Cơ tử chi minh di, lợi trinh

Ông Cơ Tử, bậc hiền tài thời Trụ vương kiên trì chờ thời bằng cách giả điên để thoát chết khỏi tay Trụ vương sau được Vũ vương nhà Chu rất trọng vọng .

Bậc hiền tài một lòng trung trinh với nước với dân, xử vào hoàn cảnh nghiệt ngã thời Trụ vương bạo ngược có 2 cách xử sự:

Ông Tỉ can liều mình can ngăn bị Trụ Vương mổ bụng moi gan đấy là ông đã: trí mệnh tọai chí, liều thân mình để giữ được chí cả còn ông Cơ Tử đã giả điên để thoát chết, giả điên tức “Minh di”, che dấu sự sáng suốt nơi mình đi để thoát nạn.

c.6) Hào thượng

Bất minh hối, sơ đăng vu thiên, hậu nhập vu địa.

Vầng hào quang đã tắt chỉ còn sự hổ thẹn như mặt trời mọc rồi đi đến thiên đỉnh, sau ngả về Tây và ánh sáng lụi tàn dần.

Nghĩa bóng là: do sự quang minh lỗi lạc, thăng tiến đến tột đỉnh vinh quang nhưng từ đó biến thành hôn ám, lòng lang dạ thú, ánh sáng cứ tắt dần cho đến khi mất hẳn để lại sau lưng sự nguyền rủa ngàn đời (Trụ Vương)

Trong lịch sử có rất nhiều vì vua như vậy, về già trở nên hôn ám, giết hại các khai quốc công thần để độc bá quyền hành và danh vị trong chính sử Trung Hoa đấy là bài học nhớ đời có rất nhiều gương để soi.

Mục lục[sửa]

Liên kết đến đây

Xem thêm liên kết đến trang này.