Dịch học họ Hùng/Bài 43

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Dịch học họ HÙNG . bài 43


28/ Cặp quẻ Phong – Lưu hay Giam giữ[sửa]

Dich 431.jpg


Tên khác của cặp quẻ này là giam – giữ

Giam; phong là bao lại, che kín

Giữ; lưu là giữ, ở lại.

Giam, phong là cách lý; cô lập, nhốt lại.

Giữ, lưu là giữ lại, cầm chân tại chỗ

Giam giữ đồng nghĩa với giam cầm.

A- Phong (giam) Hỏa/ Sơn

Hỏa trên sơn là hình tượng quẻ phong, núi lửa đang phun, tro khói che cả ánh mặt trời, vì lẽ đó đặt tên là quẻ phong, phong ở đây là bao lại, che đi khác với quẻ Lôi Hỏa phong của Dịch học Tàu, phong nghĩa là phong thịnh, to lớn.

a) Lời Quẻ

Phong, Hanh, Vương cách chi, vật ưu, nghi nhật trung

Xảy ra nhật thực, mặt trời bị che khuất, vua phải làm lễ tế trời, đừng quá âu lo, dâng lễ đúng giữa trưa.

Cái gì bị che lấp mà vua âu lo phải vội vàng tế tự trời đất? Chắc chắn là hiện tượng nhật thực, cho là điểm báo chuyện chẳng lành, nên mới như thế, tế lễ lúc giữa trưa thì đích xác là tế trời, vì lúc đó mặt trời ở thiên đỉnh là lúc to lớn, suy mãn nhất.

Chữ Hanh ở đây không hiểu ý, phải chăng ngụ ý… muốn hanh thông vua phải…

b) Lời tượng:

Phong, quân tử dĩ chiết ngục trí hình.

Phong; bị che lập, bậc trưởng nhân vì tượng đó làm rõ tội trạng (đúng người, đúng tội) và thi hành hình phạt đích đáng.

Che lấp đi, giấu diếm đi hòng chạy tội, tiếp tục làm ác, nhưng không thể thoát được sự xét xử nghiêm minh của pháp luật, thế gian này mà có đầy dẫy bao công thì thiên hạ lo gì tội ác, lo gì không yên bình.



c) Lời Hào

c.1) Hào Sơ:

Ngộ kỳ phối chủ, tuy tuần, vô cữu, vãng hữu thượng.

Gặp được người đang tìm để phối hợp, cũng ngang tầm (ngang nhau) không lỗi.

Bước tới là đi lên, chữ chủ ở đây là sự chủ ý, chủ tâm.

Hào sơ, đen tối vì mặt trời chưa mọc, ý chỉ thời con người còn hoang dã, đây là lúc những người có tâm huyết kết hợp lại để mưu cầu sự cải tiến cho xã hội, đưa nó đi lên, thoát khỏi tối tăm, tuy tầm nghĩa là đôi bên tương đắc.

c.2) Hào nhị:

Phong kỳ bộ, nhật trung kiến đẩu, vãng, đắc nghi tật, hữu phu phát nhược cát.

Mặt trời bị che khuất, trời tối sầm lại, giữa ban ngày mà nhìn thấy sao, nếu bỏ đi thì sợ bị ngờ vực, chỉ còn biết với lòng chí thành mong khải phát đạt hôn quân ám chúa.

Lúc ấy mọi việc lại tốt lành. Mặt trời bị che ý là ông vua bị bọn gian thần hay yêu nữ che mắt bịt miệng, tức triều chính đang bị khuynh đảo, bậc công thần yêu nước thương dân trước tình cảnh này phải xử trí sao đây. Bỏ đi thì sợ bị nghi ngờ về lòng trung thành khó mà thoát tội, chỉ có đường có thể can đảm liều thân lấy lòng chí thành can gián hầu mong vua thoát khỏi sự u tối, được thế thì vô cùng tốt đẹp.

c.3) Hào Tam:

Phong kỳ bái, nhật trung kiếm muội, chiết kỳ hữu quăng, vô cữu.

Bị đám cận thần giăng màn che kín, giữa ban ngày mà thấy đen thui, trong tình cảnh này, đành chặt bỏ cánh tay phải tức gạt bỏ các cận thần hữu dụng nhất xưa nay, có như thế mới không mắc lỗi lầm.

Hào tam khác hào nhị ở chổ: hào nhị là tâm sự của bậc tôi hiền trong tình cảnh quân vương trở nên hôn ám.

Còn hào tam là ngược lại, là tình cảnh của bậc minh chúa, buộc phải xử những tay chân thân cận nhất vì mưu toan bịt mắt vua hầu thừa nước đục thả câu….

c.4) Hào Tứ

Phong kỳ bộ, nhật trung kiến đẩu, ngộ kỳ di chủ cát

Việc tranh giành cướp ngôi khiến chính tình đen tối như đêm 30, đã gặp được và phò tá người có di mệnh kế tục ngôi vua, thực tốt lành.

c.5) Hào ngũ

Lai chương, hữu khánh dự, cát .

bóng tối đã qua đi, ánh sáng đã trở lại, mọi người vui mừng chúc tụng, thực tốt lành… gian thần, bạo chúa đều không còn, cái thiện đã thắng, ánh sáng văn minh lại chói lọi.


c.6) Hào Thượng:

Phong kỳ ốc, bộ kỳ gia, khuy kỳ hộ, khuất kỳ vô nhân, tam tuế bất địch, hung.

Quây kín nhà mình, che chắn cho gia đình, liếc qua cửa, không thấy bóng người, 3 năm như thế, xấu lắm.

Muốn bảo toàn đặc quyền đặc lợi của bản thân và phe nhóm nên đóng cửa tuyệt giao với bên ngoài.

Hậu quả ra sao, ngày nay ai cũng đã biết thế nào là hậu quả của việc bế quan tỏa cảng, thời xa xưa đã xấu, thời nay hậu quả còn xấu hơn, nhân loại tiến vùn vụt còn mình dậm chân tại chỗ.

Chữ “địch” có lẽ viết sai của chữ “dịch”, tam tuế bất dịch là 3 năm không thay đổi gì.

B- Quẻ Lưu (giữ) = Lôi/ Hỏa

Giữ trong tiếng Việt là cứ nguyên như thế không thay đổi cả chất lẫn lượng, cả về vị trí lẫn tốc độ.

Lôi hỏa là tượng của “minh phạt sắc pháp” tức sự uy nghiệm,sáng suốt của luật pháp.

Lôi = tượng trưng của sự uy nghiêm

Hỏa = là sự sáng suốt

Lôi và hỏa là 2 tố chất bắt buộc phải có của nền luật pháp chân chính.

Sáng suốt để định đúng người đúng tội, không để xảy ra oan sai và cũng không để lọt lưới một trường hợp nào.

Lôi là sự uy nghiêm, trừng trị đích đáng xứng với những tội lỗi đã phạm những gì đã xảy ra.

a) Lời Quẻ

Lưu tiểu hanh, lưu trinh cát

2 chữ cùng là âm lưu nhưng khác nghĩa. Lưu tiểu hanh là giữ lại, chỉ thông suốt việc nhỏ.

Lưu trinh cát, chuyển động mãi tốt.

Lưu giữ là sự bảo tồn nguyên trạng.

Tấm hình ta lưu giữ được chỉ là sự lưu lại ở một điểm, một thời khắc nhất định. Trên chuỗi ảnh động liên tục (lưu trinh) như một tấm hình trích ra trong một đoạn băng video vậy.

b) Lời tượng:

Lưu, quân tử dĩ minh thận Dụng hình, nhi bất lưu ngục.

Quẻ lưu giữ, quân tử phải thận trọng và sáng suốt trong việc dùng hình phạt, không kéo dài quá đáng thời gian giam giữ.

Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại, câu trên đủ giúp ta hình dung ra tác động của sự tù tội nó ghê gớm đến chừng nào. Vì vậy bậc trưởng nhân có trách vụ cầm cân nảy mực phải hết sức công minh trong việc phán quyết hình phạt; Dịch học không hề bảo ta đừng lưu ngục vì phạm tội là phải chịu sự trừng phạt, có như thế mới bảo vệ được những người lương thiện, Dịch chỉ dạy ta đừng lưu ngục quá đáng thôi.

Tội đáng một năm thì tuyên hình phạt lưu giữ đúng một năm, không lưu thêm một ngày nào nữa, như thế mới là công minh.

c) Lời Hào

c.1) Hào Sơ

Lưu, tỏa tỏa, tư kỳ sở thủ tai

Cứ giữ thói ty tiện nhỏ nhen sớm muộn gì tai họa cũng đến, kẻ có tư cách như thế được điều này điều kia nhưng lâu dài chắc chắn sẽ thất bại vì mọi người sẽ lánh xa hắn ta.

c.2) Hào Nhị

Lưu tức thứ, hoài kỳ tư, đắc đồng bộc, trinh.

Lưu trú (ở) nơi đất khách hay sống lưu vong, còn giữ được nhiều của cải, có được gia nhân trung thành, phải kiên trì với chính đạo.

Sa cơ thất thế phải sống kiếp ăn nhờ ở đậu, nhưng may mắn vẫn giữ được tiền của và gia nhân vẫn một mực trung thành, như thế là chưa tuyệt đường, vẫn còn có cơ hội trở lại, phục hồi địa vị đừng sờn lòng.

c.3) Hào Tam

Lưu phần kỳ thứ, táng kỳ đồng bộc, trinh lệ.

Cháy nơi lưu ngụ (ở) mất hết tôi tớ, như thế thật đáng lo.

Nhà cháy dĩ nhiên cháy hết tài sản, hào tam là thời duy lợi…. Không có tiền thì đầy tớ nào phục vụ nữa, đấy cũng là chuyện thường tình ở đời có gì đâu mà lạ.

Không nơi cư trú, không tiền bạc, không tay chân đúng là cảnh thất sở thân sơ.

c.4) Hào tứ

Lưu vu xử, đắc kỳ tư phủ, ngã tâm bất khoái.

Tạm lưu cư, tìm lại được tài sản bị mất, dù vậy trong lòng vẫn không vui.

Không vui là vì vẫn phải ở tạm, chưa phải là địa vị chính thức của mình, theo chức vụ trong bậc thang hiện nay thì mới chỉ là “quyền” thôi, như quyền bộ trưởng, quyền giám đốc chứ chưa được chính thức, tại sao vậy vì hào tứ chỉ sự thái quá chưa đắc trung.

c.5) Hào ngũ:

Xạ trĩ, nhất thỉ vong, chung dĩ dự mệnh.

Muốn có một cuộc sống văn minh, trước hết phải nỗ lực làm việc, nhịn ăn nhịn tiêu để đầu tư phát triển, sau cùng sẽ đạt được điều mong ước, để lại tiếng thơm đến muôn đời.

Trong Dịch học, chim trĩ tượng trưnng cho sự văn minh, xạ trĩ chỉ có nghĩa đích nhắm đến là cuộc sống văn minh. Nhất thỉ vong nếu dịch là mất một mũi tên...thì không ổn, vì tên đã trúng đích thì đâu có mất? Chỉ mất khi bắn trượt không thu hồi được.

Chung dĩ dự mệnh phải dịch đầy đủ là: sau cùng những nỗ lực của con người hợp sức với trời đất mà làm nên đại nghiệp hay tạo ra sự thành công lớn lao khiến lưu danh mãi mãi.


c.6) Hào thượng

Điểu phần kỳ sào, lưu nhân tiên tiếu, hậu hào đào, táng ngưu vu dị , hung.

Chim cháy mất tổ, con người mất nước, người sở tại, hay người ở đấy trước an cư lạc nghiệp, đời sống vui vẻ sung sướng biết bao nhiêu, sau lũ rợ dị tộc cướp mất tất cả (táng ngưu) thực là một thảm họa.

Hào từ này cũng là câu chuyện lịch sử của dân nhà Chu, 5 lần định cư năm lần phải rời bỏ quê hương kéo nhau đi chỗ khác sinh cơ lập nghiệp vì lũ rợ dị tộc ; sau cùng mới tụ cư ở Kỳ Sơn và trở nên hùng mạnh , trong hào tứ Dịch học họ Hùng đã dùng chữ Lưu với nghĩa là nơi ở nơi lưu trú, đồng nghĩa với quê hương.

Mục lục[sửa]

Liên kết đến đây

Xem thêm liên kết đến trang này.