Dịch học họ Hùng/Bài 35

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Dịch học họ HÙNG . bài 35


20. Cặp quẻ: Nạn – giải (Nan)[sửa]

Dich 351.jpg


Đây là cặp quẻ đối xứng một bên nạn còn bên kia là giải nạn.

Về hình tượng quẻ, đây là cặp đối xứng mẫu mực.

Thủy Sơn – Kiển – ý nghĩa của hình tượng là nước dâng quá cao tràn núi lấp đồi, thực sự là cơn đại hồng thủy, nên đặt tên quẻ là nạn, còn nói đầy đủ phải là nạn lụt.

Lôi Thủy giải: thủy dưới lôi là hình tượng của mưa gió sấm chớp. Đặt tên là quẻ giải vì mưa đến để giải hạn. Đây đủ phải viết là giải hạn hán, 2 tình cảnh hoàn toàn trái ngược trong thiên nhiên.

Dịch học của Tàu đặt tên là: Kiển – giải. Đồng nghĩa với vạn giải.

A- Quẻ nạn = Thủy/ Sơn

a) Lời Quẻ

Kiển – lợi Tây Nam, bất lợi Đông Bắc, lợi Kiến đại nhân, trinh, cát.

Ở phần trước đã nói; nạn ở đây là nạn lụt, thủy ở trên, sơn ở dưới, nước dâng cao tràn qua núi đồi, tức là nạn lụt khủng khiếp, còn đại Hồng Thủy, đây là quẻ đã được truyền thuyết Việt Nam nói đến trong truyện Sơn Tinh Thủy Tinh, lịch sử Trung Hoa cũng nói đến trong tích vua Đại Vũ trị thủy, độc giả cứ mặc nhiên chấp nhận ức thuyết là cơn đại Hồng Thủy này xảy ra ở miền Bắc và Bắc Trung Việt hiện nay. Khi ấy phía Nam là phía Trung Quốc và ngược lại hướng xích đạo là hướng Bắc. Như vậy Tây Nam trong quẻ này là Tây Bắc của phương hướng ngày nay.

Lợi Tây Nam nghĩa là di chuyển về hướng núi rừng Tây Bắc Việt Nam hiện nay thì có lợi vì đấy là miền núi.

Bất lợi Đông Bắc tức Đông Nam hiện nay vì địa thế vùng này là vùng trũng, nước đang dâng lên thì dĩ nhiên vùng đồng bằng trũng là bất lợi rồi, lợi kiến đại nhân nghĩa là đại nạn gian nan thử thách sẽ xuất hiện đại nhân tức Sơn Tinh hay vua Đại Vũ, Trinh cát ý là: trị thủy phải kiên gan trì chí như vua Vũ suốt 9 năm đào 9 con sông cho nước chảy ra biển mới thành công.

b) Lời Tượng:

Sơn Thượng hữu thủy, kiển, Quân tử dĩ phản thân tu đức.

Quan niệm của người xưa là thiên nhân tương dữ, việc trời và việc người có liên quan chặt chẽ với nhau; mưa thuận gió hòa là do thánh đức của bậc minh quân, còn thiên tai là do sự kém đức của nhà vua, thiên tai là sự trừng phạt của ông trời. Chữ quân tử ở đây chỉ đấng quân vương cai trị trăm họ thấy thiên tai đến với đất nước là do đức độ chưa đủ nơi mình nên phải xem xét lại đời sống, việc làm của mình mà sửa đức, tiến nghiệp. Tu đức là tu dưỡng đạo đức, phản thân là tự kiểm, hay theo đạo công giáo gọi là xét mình để xưng tội.

c) Lời Hào

c.1) Vãng kiển lai dự.

Tiến đi sẽ gặp nạn, lùi lại được tiếng khen.

Hào sơ là thời nguyên thủy dân trí còn thấp kém lắm chưa thể tiến hành các cải cách xã hội được. Lùi lại tức phải biết chờ đợi, thời cơ chín mùi rồi mới có thể tiến hành được, như làm sao có thể nói đến dân chủ, dân quyền khi cuộc sống còn chủ yếu là săn bắt hái lượm…

Vậy nên phải lùi lại chờ đợi.

c.2) Hào nhị:

Vương thần kiển kiển, phỉ cung chi cố.

Bậc công thần vượt bao hiểm nạn đâu có phải chỉ vì bản thân (vua và quan) mà vì trăm họ, muôn dân.

Hào nhị đắc trung ở thể dưới tượng là bậc công thần.

c.3) Hào Tam

Vãng kiển lai phản

Tiến thêm nữa sẽ mắc nạn, nên quay lại.

Hào Tam chủ lợi lộc, tiếp tục làm giàu hơn nữa sẽ mắc nạn “quá giàu”, là tư sản rồi sẽ có ngày bị đấu tố, khôn hồn thì tránh 2 chữ “đại gia”.

c.4) Hào Tứ

Vãng kiển – lai liên.

Hào từ trong một quẻ chỉ sự lý luận thái quá, tiến lên nữa thì thành bệnh duy lý. Một bước lên tới trời, khua môi, múa mép nhưng trăm voi không được bát nước sáo…

Giảm bớt lại để lý luận không xa thực tế .

c.5) Hào ngũ

Đại Kiển – Bằng lai

Thiên tử gặp nạn, chư hầu phải kéo quân đến giải nạn.

Đại kiển không phải là nạn lớn mà ở giữa 2 chữ có dấu phẩy, nghĩa là bậc lớn hay ô lớn bị nạn lớn ở đây chỉ Thiên tử, chữ bằng không phải là bạn mà chỉ chư hầu. Theo qui chế của nhà Chu, khi thiên tử gặp nạn thì lập tức thông tin cho chư hầu bằng cách đốt lửa tạo khói trên các phong hỏa đài, nhận được tín hiệu báo nguy lập tức các hầu có nghĩa vụ kéo quân về cứu thiên tử.


c.6) Hào thượng

Vãng kiển lai thạc, cát, lợi kiến đại nhân

Tiến thêm nữa gặp nạn, lùi lại gặt hái lớn, tốt lắm. Gian nan, hiểm nạn rèn đúc nên trưởng nhân hay con người trưởng thành.

Đặc biệt quẻ nạn hay kiểu nói về hiểm nạn phát sinh từ sự thái quá, và đều khuyên lùi lại, hay giảm bớt đi thì tốt.

Hào Sơ: ngu dốt quá gặp nạn.

Hào Tam: giàu có quá gặp nạn.

Hào tứ: lý luận quá gặp nạn.

Hào thượng: thanh cao quá cũng gặp nạn.

Qua đó minh chứng cho một đạo lý đơn giản: đắc trung thì thành công, thái quá bất cập đều thất bại.


B- Quẻ giải hay giải nạn = Lôi / Thủy

Trung Hoa xưa, nghề nông chủ yếu là trồng lúa nước nên mưa đối với họ có ý nghĩa sinh tử, hạn hán đồng nghĩa là đói kém.

a) Lời Quẻ

Giải, lợi Tây Nam, vô sở vãng, kỳ lai phục cát, hữu sở vãng, túc cát

Quẻ giải nạn, lợi về sự bình yên, nếu việc không bắt buộc phải đi, nên quay lại, còn có việc phải đi nên đi sớm (để về sớm).

Theo quan niệm Dịch lý: phía Tây là hằng, tịnh, an, phía Nam là bình, thường; Tây Nam là phương bình an.

Giải được nạn rồi tức là tái lập sự yên bình hay bình yên.

Mưa tưới cho đất rồi đâm hoa cỏ cây cối tốt tươi, với việc canh tác lúa nước thì kịp thời vụ là quan trọng nên nếu có việc nhưng không bắt buộc thì quay về còn bắt buộc phải đi thì đi sớm về sớm rồi bắt tay vào việc cày cấy nếu để trễ thì coi như hỏng cả vụ mùa.

b) Lời tượng

Lôi vũ tác, giải, quân tử dĩ xá quá, hựu tội.

Sấm mưa là tượng quẻ giải quân tử (minh quân) xem tượng ấy mà khoan thứ cho những sai phạm, ân xá cho phạm nhân.

Giải là giải nạn, giải thoát khỏi sự khổ sở, hiểm nguy – đau đớn. Ở đời ai chả có lúc lỗi lầm với những gì vô tình phạm phải, vua có thể khoan dung độ lượng giảm bớt án phạt, còn những phạm nhân đang thụ hình, nếu có sự ăn năn hối cải nhà vua nên ra lệnh ân xá vì hình phạt nhằm giáo hóa, uốn nắn cho thẳng lại chứ không phải là sự trả thù.


c) Lời Hào

c.1) Hào Sơ

Vô cữu

Tội đã được giải, trở về đời sống bình thường như bao người khác. Không còn gì là tội lỗi nữa.

c.2) Hào nhị

Điền hoạch tam hồ, đắc hoàng thỉ trinh cát.

Dịch nghĩa: đi săn, được 3 con cáo, được mũi tên màu vàng, bền vững thì tốt. Có sức mạnh chính nghĩa (hoàng thỉ), tiêu diệt lũ ác gian (tam hồ = 3 con cáo), kiên trì với chánh đạo, tốt lắm. Người xưa dùng chữ Hồ hay Hồ ly chỉ bọn tà ma, gian ác.

Hoàng là màu vàng, sắc trung, thỉ là mũi tên, công cụ chiến đấu tượng trưng cho sức mạnh.

c.3) Hào Tam

Phụ thả thừa, trí khấu chí trinh hận.

Mang vác đồ đạc khi ngồi trên xe chả khác nào mời trộm cướp đến, cứ như thế – nguy hiểm.

Đã mang vác đồ đạc thì đi bộ. Đã ngồi xe thì không mang vác nữa mà bỏ đồ xuống trên xe. Ngồi xe mà còn mang vác để chứng tỏ đấy là đồ quí giá không dám rời ra, làm như thế đúng là chỉ vẽ, mời mọc bọn trộm cướp đến lấy.

c.4) Hào Tứ

Giải nhi mẫu, bằng chí tư phu

Phải cởi giải (bỏ) những ràng buộc thấp hèn thì mới có thể tiến thành kết giao với người quân tử.

Những phần tử ưu tú trong xã hội ngày nay có thể nào thành tín kết giao với đám “bợm” sáng xỉn chiều say?

Việc này tương tự như ngày nay muốn được kết nạp vào hàng ngũ cán bộ ưu tú thì bản thân phải có thời gian phấn đấu, rèn luyện tức…. “giải nhi mẫu” hay giã từ quá khứ tội lỗi… thấp hèn để được đứng vào hàng ngũ của những vị “thánh sống” giữa đời thường cùng nhau quyết tâm biến mặt đất này thành thiên đường.

c.5) Hào ngũ

Quân tử duy hữu giải, cát, hữu phu vu tiểu nhân.

Chỉ có quân tử mới có thể giải nạn, tốt lắm, người quân tử ấy có lòng thành tín tới độ cảm hóa được cả lũ tiểu nhân.

Giải nạn bao giờ cũng đòi hỏi nhiều hy sinh vất vả nên chỉ có bậc quân tử hay trưởng nhân mới có thể thực hiện được… lòng thành tín của con người đến tột cùng có thể cảm động đến cả trời đất huống gì tiểu nhân.


c.6) Hào thương

Công dụng xạ chuẩn vu cao dung chi thượng , hoạch chi ,vô bất lợi.

Vị công tước bắn trúng con chim dữ trên bờ thành cao, hạ được nó rồi không gì không lợi (việc gì cũng lợi). Hào cuối của quẻ giải, bắn chết con ác điểu đang thống trị mặt đất ý nói tên hôn quân vô đạo, hạ nó rồi cả thiên hạ được giải thoát khỏi sự lầm than khổ ải, có thể hào từ này nói đến chuyện Vũ vương giết Trụ vương nhà Thương Ân lập nên nhà Chu, chính Trụ vương là ác điểu.

Mục lục[sửa]

Liên kết đến đây

Xem thêm liên kết đến trang này.