Giáo trình Phạn văn I—Ngữ pháp—Bài thứ 18

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

 Giáo trình Phạn văn I - Liên tự - Phái sinh từ - Thân phụ âm bất quy tắc - Số từ - Từ vị - Bảng tra thời thái và hình thức của động từ theo tiếp vĩ âm - Bảng tra gốc động từ theo thân

 

Ngữ pháp: 01 - 02 - 03 - 04 - 05 - 06 - 07 - 08 - 09 - 10 - 11 - 12 - 13 - 14 - 15 - 16 - 17 - 18 - 19
20 - 21 - 22 - 23 - 24 - 25 - 26 - 27 - 28 - 29 - 30 - 31 - 32 - 33 - 34 - 35 - 36 - 37 - 38 - 39 - 40

 

Bài tập: 01 - 02 - 03 - 04 - 05 - 06 - 07 - 08 - 09 - 10 - 11 - 12 - 13 - 14 - 15 - 16 - 17 - 18 - 19
20 - 21 - 22 - 23 - 24 - 25 - 26 - 27 - 28 - 29 - 30 - 31 - 32 - 33 - 34 - 35 - 36 - 37 - 38 - 39 - 40

Cách lập thể thụ động (passive) — Phần I[sửa]

Dạng thụ động của một động từ được lập bằng cách:

  1. Đuôi –य– –ya– được gắn trực tiếp vào gốc động từ — không phải thân hiện tại — và
  2. Các đuôi của cách chia động từ ātmanepada được gắn thêm vào.

Theo cách này, thể thụ động được chia theo các thời thái hiện tại và đệ nhất quá khứ (imperfect) cũng như các hình thức mệnh lệnh và kì nguyện. Sau đây là những ví dụ với ngôi thứ ba, số ít, chỉ thị hiện tại.

√ (nhóm) Chủ động Thụ động
गम् gam (1) đi गच्छति gacch-a-ti गम्यते gam-ya-te
बुध् budh (1) nhận thức बोधति bodh-a-ti बुध्यते budh-ya-te
सेव् sev (1) phục vụ सेवते sev-a-te सेव्यते sev-ya-te
नी nī (1) dẫn dắt नयति nay-a-ti नीयते nī-ya-te
नृत् nṛt (4) nhảy múa नृत्यति nṛt-ya-ti नृत्यते nṛt-ya-te
मन् man (4) tư duy, cho rằng मन्यते man-ya-te मन्यते man-ya-te
युध् yudh (4) chiến đấu युध्यते yudh-ya-te युध्यते yudh-ya-te
विश् viś (6) bước vào विशति viś-a-ti विश्यते viś-ya-te
स्पृश् spṛś (6) chạm स्पृशति spṛś-a-ti स्पृश्यते spṛś-ya-te
तुद् tud (6) đẩy, đụng तुदति tud-a-ti तुद्यते tud-ya-te
गण् gaṇ (10) đếm गणयति gaṇ-aya-ti गण्यते gaṇ-ya-te
कथ् kath (10) kể chuyện कथयति kath-aya-ti कथ्यते kath-ya-te
चिन्त् cint (10) tư duy चिन्तयति cint-aya-ti चिन्त्यते cint-ya-te

Một số gốc động từ được biến đổi trước khi đuôi –य– –ya– được bổ sung. Quy luật biến đổi này sẽ được trình bày trong 18.5. Trước hết, cách dùng câu thụ động sẽ được giảng giải.

Cấu trúc câu thụ động với động từ cập vật (transitive verbs)[sửa]

1. Động từ cập vật đưa ra hai vị trí trong câu, một vị trí dành cho thông tin về chủ thể hành động, một vị trí dành cho thông tin về vật, đối tượng được đề cập. Trong một câu chủ động thì vị trí của chủ thể hành động được giữ bởi một danh từ đứng ở chủ cách và giữ vai trò chủ thể, trong khi vị trí của vật được đề cập đến được giữ bởi một danh từ đứng ở trực bổ cách và giữ vai của một đối tượng trực tiếp. Về mặt số và ngôi xưng thì động từ hữu hạn định trong câu tương ưng với chủ thể và qua đó ta biết được rằng, chủ thể hành động được nhấn mạnh trong câu.

Chủ thể ở nom. (subject) đối tượng ở acc. (object) động từ thể chủ động
रामः कथां पठति। rāmaḥ kathāṃ paṭhati
“Rāma đọc một câu chuyện”
बालाः क्षत्रियान् पश्यन्ति। bālāḥ kṣatriyān paśyanti
“Các cậu bé thấy các chiến sĩ”
अहं त्वां न त्यजामि। ahaṃ tvāṃ na tyajāmi
“Anh không lìa xa Em”

2. Trong một câu thụ động với động từ cập vật ở dạng thụ động thì về mặt ngữ nghĩa, vật được đề cập đến được nhấn mạnh hơn là người thực hiện. Về mặt ngữ pháp thì việc này được thực hiện bằng cách đối tượng được đề cập đứng ở chủ cách với vai chủ thể về mặt ngữ pháp và cũng tương ưng với động từ thể thụ động. Vì vai trò của người hành động giảm đi nên nhân vật này xuất hiện như một dụng cụ ở dụng cụ cách, khiến một hành động được thực hiện.

Người thực hiện ở instr. đối tượng ở nom. (subject) động từ thể thụ động
रामेण कथा पठ्यते। rāmeṇa kathā paṭhyate
“Một câu truyện được đọc bởi Rāma” = “Rāma đọc một câu chuyện”
बालैः क्षत्रिया दृश्यन्ते। bālaiḥ kṣatriyā dṛśyante
“Các chiến sĩ được nhìn thấy bởi các cậu bé” = “Các cậu bé thấy các chiến sĩ”
मया त्वं न त्यज्यसे। mayā tvaṃ na tyajyase
“Em không bị lìa xa bởi Anh” = “Anh sẽ không lìa xa Em”.

3. Không nhất thiết có điểm khác biệt — người thực hiện hay vật được thực hiện được nhấn mạnh — về ngữ nghĩa giữa câu chủ động và thụ động. Thế nên, ta có thể xem thể thụ động trong Phạn văn là một cách trình bày sự việc tương đương thể chủ động, một cách trình bày khác của thể chủ động, không nhất thiết có sự khác biệt về ý nghĩa.

4. Hai dạng thụ động दृश्यते dṛśyate của दृश् dṛś (4) “thấy” và विद्यते vidyate của विद् vid (6) “tìm thấy” được dùng với nghĩa thông dụng là “có…”.

एतस्मिन्नगरे मन्दिरं विद्यते। etasmin nagare mandiraṃ vidyate
“Có một đền thờ trong thành phố này”

Cấu trúc câu thụ động với động từ bất cập vật (intransitive verbs)[sửa]

1. Trong một câu, động từ bất cập vật chỉ mở một chỗ bắt buộc, đó là chỗ chứa thông tin về chủ thể hành động. Tuỳ tình huống mà các động từ bất cập khai mở những chỗ khác, ví dụ như chỗ cho các thông tin không gian và thời gian. Nếu trong một câu chủ động mà chỗ của người hành động luôn luôn được giữ bởi một danh từ dạng chủ thể thì các chỗ khác dành cho thông tin không gian và thời gian có thể được giữ bởi những danh từ ở vị trí cách hoặc trạng từ.

Người thực hiện ở nom. (thời/không gian ở loc.) động từ thể chủ động
रामः क्षेत्रे तिष्ठति। rāmaḥ kṣetre tiṣṭhati
“Rāma đứng ở thao trường”
गजौ वने गच्छतः। gajau vane gacchataḥ
“Hai con voi chạy trong rừng”
अहं कट उपविशामि। ahaṃ kaṭa upaviśāmi
“Tôi ngồi xuống tấm chiếu”

2. Tuy không có đối tượng nhưng một câu chủ động có động từ bất cập vật cũng có thể được chuyển thành thể thụ động trong Phạn ngữ. Người hành động cũng đứng ở instrumental, nhưng vì thiếu đối tượng được đề cập đến nên ta phải hiểu là hành động nói chung được nhấn mạnh. Nhìn về mặt ngữ pháp thì động từ bất cập vật dạng thụ động không có một chủ từ mà nó tương ưng về mặt nhân xưng và số. Thế nên người ta mới nói là động từ này tương ưng với một chủ thể trừu tượng là तद् tad “nó”. Như vậy thì động từ bất cập vật thể thụ động luôn luôn xuất hiện ở ngôi thứ ba số ít.

Người thực hiện ở instr. (thời/không gian ở loc.) động từ thể thụ động ngôi thứ 3, sing.
रामेण क्षेत्रे स्थीयते। rāmeṇa kṣetre sthīyate
Sát nghĩa: “Nó được đứng bởi Rāma ở thao trường” = “Rāma đứng ở thao trường”
गजाभ्यां वने गम्यते। gajābhyāṃ vane gamyate
Sát nghĩa: “Nó được chạy bởi hai con voi ở trong rừng” = “Hai con voi chạy trong rừng”
मया कट उपविश्यते। mayā kaṭa upaviśyate
Sát nghĩa: “Nó được ngồi xuống chiếu bởi tôi” = “Tôi ngồi xuống tấm chiếu”

Cấu trúc câu thụ động với absolutive và infinitive[sửa]

1. Trong một câu tổng hợp với động từ dạng absolutive và động từ hữu hạn định thể thụ động thì cả hai, động từ thể tuyệt đối và thụ động đều có chung một nhân vật hành động. Trong trường hợp này, người hành động chỉ xuất hiện một lần trong câu chính, dưới dạng danh từ ở instrumental đứng trước động từ hữu hạn định dạng thụ động. Tuy nhiên, đối tượng của động từ dạng tuyệt đối và đối tượng của động từ dạng thụ động không xuất hiện ở cùng một sự kiện (cách, casus). Trong khi đối tượng của câu chính đứng ở nominative — đúng theo cấu trúc căn bản của câu thụ động — thì đối tượng của động từ dạng tuyệt đối, nếu cấu trúc này thuộc loại accusative, xuất hiện dưới dạng accusative:

अरीञ्जित्वा नृपेण कीर्तिर् अलभ्यत। arīñjitvā nṛpeṇa kīrtir alabhyata
“Sau khi thắng các kẻ thù thì vua đã đạt được vinh dự”
(sát nghĩa: Sau khi vua đã thắng được bọn giặc thì vinh dự đã được đạt bởi ông ta)

2. Nếu infinitive là thành phần được bổ sung của một động từ phụ trợ (auxiliary verb) thì trợ động từ có ảnh hưởng quyết định cho cả cấu trúc câu, đối tượng được đề cập xuất hiện dưới dạng chủ thể.

सिष्येण वेदोऽवगन्तुं न शक्यते। siṣyeṇa vedo'vagantuṃ na śakyate
“Veda không thể được hiểu bởi cậu học sinh” hoặc là “Cậu học sinh không thể hiểu Veda”

Nếu infinitive xuất hiện dưới dạng vị ngữ của một câu mục đích với một đối tượng khác với đối tượng của động từ chính dạng thụ động, thì đối tượng được đề cập của infinitive xuất hiện dưới dạng accusative và đối tượng của động từ chính xuất hiện dưới dạng chủ thể, ở nominative. Người hành động có chung của infinitive và động từ chính đứng ở instrumental.

रामेण देवं पूजयितुं मन्दिरं गम्यते। rāmeṇa devaṃ pūjayituṃ mandiraṃ gamyate
“Rāma đến đền thờ để tôn kính thiên thần”. Sát nghĩa: “Nó được đi đến đền thờ bởi Rāma để tôn kính thiên thần”

Cách lập thể thụ động (passive) — Phần II[sửa]

1. Như đã nói, khi lập thể thụ động thì trước hết, đuôi –य– –ya– được gắn trực tiếp vào gốc động từ. Trong trường hợp này người ta cũng nói đến cách lập thân thụ động. Qua việc gắn những đuôi ātmanepada vào thân thụ động này người ta có thể lập hai thời thái cho passive là hiện tại và đệ nhất quá khứ, cũng như hai hình thức là imperative optative passive. Ví dụ:

बालेन पत्त्रं लिख्यते। bālena pattraṃ likhyate
“Một lá thư được viết bởi cậu bé” = “Cậu bé viết một lá thư”
बालेन फलम् अखाद्यत। bālena phalam akhādyata
“Một quả đã được ăn bởi cậu bé” = “Câu bé đã ăn một quả”
सेवकेन सोऽश्व आनीयताम्। sevakena so'śva ānīyatām
“Con ngựa nên/phải được mang đến bởi kẻ hầu” = “Kẻ hầu nên/phải mang con ngựa đến”
बालैर्वने क्रीड्येत। ābālair vane krīḍyeta
“Nó có thể được chơi trong rừng bởi các đứa bé” = “Các đứa bé có thể chơi trong rừng”

2. Một số gốc động từ được biến chuyển trước khi đuôi –य– –ya– được gắn vào. Ta phải lưu ý đến những quy tắc sau:

a. Gốc động từ chấm dứt bằng mẫu âm –इ –i hoặc –उ –u kéo dài mẫu âm ấy.

जि ji (1) chiến thắng जयति jay-a-ti जीयते jī-ya-te
प्लु plu (1) bơi प्लवते plav-a-te प्लूयते plū-ya-te

b. Các gốc được kết thúc bằng những mẫu âm –आ –ā hoặc một trong những phức âm –ए –e, –ऐ –ai, –ओ –o, –औ –au thường biến đổi các âm này thành thành –ई –ī.

पा pā (1) uống पिबति pibati पीयते pī-ya-te
गै gai (1) hát गायति gāy-a-ti गीयते gī-ya-te

c. Các gốc có mẫu âm kết thúc là ऋ hoặc ॠ sau một phụ âm biến ऋ thành रि ri và ॠ thành ईर् īr.

हृ hṛ (1) nắm lấy हरति har-a-ti ह्रियते hri-ya-te
कृ kṛ (8) làm करोति karo-ti क्रियते kri-ya-te
तॄ tṝ (1) băng qua तरति tar-a-ti तीर्यते tīr-ya-te
कॄ kṝ (6) rải, rắc किरति kir-a-ti कीर्यते kīr-ya-te

Sau hai phụ âm thì ऋ lại xuất hiện dưới phân độ guṇa

स्मृ smṛ (1) nhớ lại स्मरति smar-a-ti स्मर्यते smar-ya-te

d. Một số gốc bắt đầu với य ya ra va hoặc bao hàm các vần này theo thứ tự chuyển bán mẫu âm य् y, र् r hoặc व् v thành mẫu âm tương ưng, như vậy thì य् y thành इ i, र् r thành ऋ và व् v thành उ u, và âm अ a theo sau được loại bỏ.

यज् yaj (1) cúng tế यजति yaj-a-ti इज्यते ij-ya-te
प्रछ् prach (6) hỏi पृच्छति pṛcch-a-ti पृच्छ्यते pṛcch-ya-te
वद् vad (1) nói वदति vad-a-ti उद्यते ud-ya-te

e. Ở một vài gốc thì âm mũi ở giữa bị loại bỏ.

शंस् śaṃs (1) ca ngợi शंसति śaṃs-a-ti शस्यते śas-ya-te

f. Gốc động từ nhóm 10 xuất hiện dưới phân độ guṇa hoặc vṛddhi, tương tự như cách lập thân hiện tại.

घुष् ghuṣ (10) công bố घोषयति ghoṣ-aya-ti घोष्यते ghoṣ-ya-te
तड् taḍ (10) đánh ताडयति tāḍ-aya-ti ताड्यते tāḍ-ya-te

Liên kết đến đây

Xem thêm liên kết đến trang này.