Giáo trình Phạn văn I/Phái sinh từ

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

 Giáo trình Phạn văn I - Liên tự - Phái sinh từ - Thân phụ âm bất quy tắc - Số từ - Từ vị - Bảng tra thời thái và hình thức của động từ theo tiếp vĩ âm - Bảng tra gốc động từ theo thân

 

Ngữ pháp: 01 - 02 - 03 - 04 - 05 - 06 - 07 - 08 - 09 - 10 - 11 - 12 - 13 - 14 - 15 - 16 - 17 - 18 - 19
20 - 21 - 22 - 23 - 24 - 25 - 26 - 27 - 28 - 29 - 30 - 31 - 32 - 33 - 34 - 35 - 36 - 37 - 38 - 39 - 40

 

Bài tập: 01 - 02 - 03 - 04 - 05 - 06 - 07 - 08 - 09 - 10 - 11 - 12 - 13 - 14 - 15 - 16 - 17 - 18 - 19
20 - 21 - 22 - 23 - 24 - 25 - 26 - 27 - 28 - 29 - 30 - 31 - 32 - 33 - 34 - 35 - 36 - 37 - 38 - 39 - 40

Phái sinh từ[sửa]

Tiếp vĩ âm chủ yếu và thứ yếu[sửa]

1. Như đã nói ở 8.6, theo các nhà văn phạm truyền thống thì tất cả những thật danh từ và hình dung từ của phạn ngữ được phái sinh từ những gốc động từ bằng cách gắn vào những gốc này một tiếp vĩ âm. Người ta phân biệt hai loại tiếp vĩ âm. Trước hết một thật danh từ hoặc một hình dung từ được thành lập bằng cách gắn vào gốc động từ một tiếp vĩ âm chủ yếu (primary suffix, कृत्-suffix). Từ thân danh từ phái sinh này ta lại có thể phái sinh một thân danh từ khác bằng cách gắn vào thêm một tiếp vĩ âm thứ yếu (secondary suffix, तद्धित-suffix):

Gốc động từ + tiếp vĩ âm chủ yếu → thân danh từ chủ yếu
Thân danh từ chủ yếu + tiếp vĩ âm thứ yếu → thân danh từ thứ yếu

Ví dụ như từ gốc यज् “cúng tế” không chỉ thân hiện tại यजति trong phạm vi chia động từ được phái sinh, mà thân danh từ chủ yếu यज्ञ “sự cúng tế” cũng được lập bằng cách gắn tiếp vĩ âm chủ yếu vào –न. Từ thân danh từ chủ yếu này, qua việc gắn tiếp vĩ âm thứ yếu –वत्, thân danh từ thứ yếu của hình dung từ यज्ञवत् “có cúng tế” được phái sinh (xem thêm 24.2). Theo quy tắc này, một loạt thật danh từ và hình dung từ được lập từ một gốc động từ.

Cũng tiếp vĩ âm chủ yếu –न này phái sinh một thân danh từ chủ yếu từ một gốc động từ khác: स्वप् “ngủ” + –न → स्वप्न “giấc ngủ, sự ngủ” hoặc उष् “đốt” + –न → ऊष्ण “nóng, sự nóng”. Như đã nói ở 24.2, hình dung từ được thành lập bằng cách gắn –वत् vào thân danh từ chủ yếu.

2. Trong khi gắn những tiếp vĩ âm phái sinh vào gốc động từ thì gốc này thường biến đổi về mặt âm theo quy luật phân độ mẫu âm (4.1). Mẫu âm gốc được thay thế bằng một mẫu âm tương ưng ở phân độ guṇa hoặc vṛddhi. Ví dụ như khi hai tiếp vĩ âm chủ yếu –अ và –अन được gắn vào gốc बुध् “tỉnh ngộ, nhận thức” thì mẫu âm gốc उ được thay thế bằng mẫu âm tương ưng ở phân độ guṇa, như vậy là ओ: बुध् “tỉnh ngộ, nhận thức” + –अ → बोध “sự tỉnh ngộ, sự nhận thức”, và बुध् + –अन → बोधन “sự tỉnh ngộ, sự nhận thức”. Nhưng khi tiếp vĩ âm chủ yếu –त được gắn vào thì mẫu âm gốc vẫn giữ nguyên dạng: बुध् + –त → बुद्ध “đã thức tỉnh, người đã thức tỉnh, bậc giác ngộ”. Nếu bây giờ thân danh từ chủ yếu này được gắn thêm tiếp vĩ âm thứ yếu –अ — trong khi mẫu âm kết thúc अ bị loại —, thì mẫu âm gốc उ của thân danh từ chủ yếu được thay thế bởi mẫu âm tương ưng phân độ vṛddhi là औ: बुद्ध + –अ → बौद्ध “thuộc về Phật giáo, Phật tử”

3. Cách phái sinh của những thân danh từ từ gốc động từ cũng theo quy tắc như trên trong trường hợp những động từ có tiếp đầu âm. Ví dụ: गम् “đi” + –अन → गमन “sự đi” và अपगम् + –अन → अपगमन “sự đi mất, đi khỏi”

4. Trong một vài trường hợp thì gốc động từ xuất hiện một mình với chức năng thân danh từ chủ yếu. Ví dụ युध् “chiến đấu” và युध् “cuộc chiến, người chiến sĩ”. Trong trường hợp này, người ta cũng phân tích thân danh từ và thừa nhận một tiếp vĩ âm số không (zero-suffix)

Những tiếp vĩ âm chủ yếu quan trọng nhất[sửa]

Tiếp vĩ âm chủ yếu tăng thêm cho gốc động từ một ý nghĩa đặc thù. Chúng chỉ một là người thực hiện hành động được diễn tả bởi gốc động từ, chỉ hành động hoặc kết quả, phương tiện hoặc đối tượng trực tiếp của hành động. Tuy vậy, trong nhiều trường hợp, người ta không thể nào xác nhận một ý nghĩa và trường hợp đa nghĩa là trường hợp rất có thể. Ngoại hạng là tiếp vĩ âm chủ yếu तृ (26.1.4). Tiếp vĩ âm chủ yếu này lúc nào cũng chỉ một người thực hiện. Ví dụ: कृ + तृ → कृर्तृ “người làm”

Gốc động từ Thân danh từ chủ yếu

a. Thân có tiếp vĩ âm là không (zero-suffix): Thường lập danh từ nữ tính.

द्विष् “ghét” → द्विष् (m.) “kẻ thù”
धी “suy nghĩ” → धी (f.) “ý nghĩ”
भुज् “thưởng thức” → भुज् (f.) “sự thưởng thức”
युध् “chiến đấu” → युध् (f.) “cuộc chiến”

b. –अ: thường lập danh từ nam tính; mẫu âm gốc đứng ở guṇa hoặc vṛddhi

क्रुध् “giận dữ” → क्रोध (m.) “cơn giận”
जि “thắng” → जय (m.) “sự chiến thắng”
भू “thì, mà, là” → भव (m.) “sự hiện hữu”
लुभ् “tham muốn, thích thú” → लोभ (m.) “lòng tham”
युज् “đặt vào cái ách, tiếp nối” → योग (m.) “sự tiếp nối”
युध् “chiến đấu” → योध (m.) “sự chiến đấu”
विद् “biết” → वेद (m.) “veda (phệ-đà)”
वृ “nguyện, ước” → वर (m.) “nguyện vọng”
सम्-तुष् “hài lòng, vừa ý” → संतोष (m.) “sự hài lòng, vừa ý”
उपदिश् “dạy” → उपदेश (m.) “sự dạy dỗ, chỉ giáo”

c. –अक (fem. –इका): lập thật danh từ chủ yếu chỉ người thực hiện; mẫu âm gốc đứng ở guṇa hoặc vṛddhi

नी “dẫn dắt” → नयक (m.) “lĩnh tụ, anh hùng”, नायिका (f.) “nữ anh hùng”
नृत् “nhảy, múa” → नर्तक (m.) “vũ công”
सेव् “phục vụ” → सेवक (m.) “người hầu”
जन् “tạo, sinh ra” → जनक (m.) “người tạo ra, người cha”
पच् “nấu” → पाचक (m.) “người nấu bếp”

d. –अन्: thường lập thật danh từ nam tính

राज् “cai trị” → राजन् (m.) “vua”
तक्ष् “gọt, đẽo” → तक्षन् (m.) “thợ mộc”

e. –अन: lập thật danh từ trung tính; mẫu âm gốc đứng ở guṇa

आस् “ngồi” → आसन (n.) “chỗ ngồi, sự ngồi”
गम् “đi” → गमन (n.) “sự đi”
दा “đưa” → दान (n.) “sự đưa, vật được đưa”
दृश् “thấy” → दर्शन (n.) “sự thấy, cái sắc thấy”
भूष् “trang trí” → भूषण (n.) “vật trang điểm”
मृ “chết” → मरण (n.) “cái chết”
वच् “nói” → वचन (n.) “lời nói”
वह् “chở, vác” → वहन (n.) “chiếc xe”
श्रु “nghe” → श्रवण (n.) “sự nghe, lỗ tai”

f. –अस्: lập thật danh từ trung tính (23.5)

तप् “cháy bỏng” → तपस् (n.) “sự nóng bỏng, sự khổ tu”
चित् “nhận thức” → चेतस् (n.) “sự nhận thức”
नम् “chào” → नमस् (n.) “tôn kính”
मन् “suy nghĩ” → मनस् (n.) “sự suy nghĩ, tâm”
वच् “nói” → वचस् (n.) “lời nói”

g. –आ: lập thật danh từ nữ tính:

क्रीड् “chơi đùa” → क्रीडा (f.) “trò chơi”
क्षुध् “đói” → क्षुधा (f.) “sự đói, cơn đói”
चिन्त् “tư duy” → चिन्ता (f.) “nỗi tư duy”
पूज् “tôn kính” → पूजा (f.) “sự tôn kính, lễ kính”
भाष् “nói” → भाषा (f.) “lời nói”
सेव् “phục vụ” → सेवा (f.) “sự phục vụ”
अप-ईक्ष् “chờ đợi” → अपेक्षा (f.) “sự chờ mong”

h. –इन्: lập hình dung từ từ những động từ thường là có tiếp đầu âm:

निवस् “sống, ngụ” → निवासिन् “sống”
विनश् “tàn phá” → विनाशिन् “tàn phá”
उपजीव् “sống bằng…” → उपजीविन् “phụ thuộc vào”
स्था “đứng” → स्थायिन् “vững chắc”

i. –ति: lập thật danh từ nữ tính; gốc trong trạng thái trước khi gắn tiếp vĩ âm ppp là –त.

गम् “đi” → गति (f.) “sự đi”
जन् “được sinh ra” → जाति (f.) “sự sinh ra”
दृश् “thấy” → दृष्टि (f.) “sự thấy, nhìn, quan điểm”
नी “dẫn” → नीति (f.) “sự dẫn dắt”
मन् “suy nghĩ” → मति (f.) “ý nghĩ”
मुच् “giải thoát” → मुक्ति (f.) “sự giải thoát”
वृष् “mưa” → वृष्टि (f.) “cơn mưa”
सृज् “tạo tác” → सृष्टि (f.) “sự tạo tác”
स्तु “tán thán” → स्तुति (f.) “sự tán thán”

j. –तृ: lập nomina agentis (26.1 và 26.3)

कृ “làm” → कर्तृ (m.) “người làm”
नी “dẫn dắt” → नेतृ (m.) “lĩnh tụ”

k. –त्र: lập thật danh từ trung tính, chỉ dụng cụ được dùng để thực hiện hành động; mẫu âm gốc đứng ở guṇa.

अस् “bắn, phóng” → अस्त्र (n.) “vật để bắn (đạn, tên)”
वस् “mang (y phục)” → वस्त्र (n.) “y phục”
शास् “răn dạy” → शास्त्र (n.) “bài luận răn dạy”
पा “uống” → पात्र (n.) “cái bát để uống (ăn)”
श्रु “nghe” → श्रोत्र (n.) “lỗ tai”

l. –मन्: lập thật danh từ trung tính

कृ “làm” → कर्मन् (n.) “việc làm, hành động”
जन् “sinh ra” → जन्मन् (n.) “sự sinh ra”

Những tiếp vĩ âm thứ yếu quan trọng nhất[sửa]

1. Những biến hoá về âm sau đây xuất hiện khi một tiếp vĩ âm thứ yếu được gắn vào một thân danh từ chủ yếu:

i. mẫu âm đầu được thay bằng mẫu âm tương ưng ở phân độ vṛddhi.
ii. trước những tiếp vĩ âm thứ yếu hoặc trước –य thì mẫu âm cuối của thân danh từ chủ yếu như –अ, –आ hoặc –इ bị loại bỏ.
iii. trước những tiếp vĩ âm thứ yếu bắt đầu bằng mẫu âm hoặc trước –य thì mẫu âm –उ cuối của thân danh từ chủ yếu được thay bằng một mẫu âm ở phân độ guṇa. Nên chú ý đến luật hợp biến.

2. Nhìn chung thì chức năng ngữ nghĩa của những tiếp vĩ âm thứ yếu như sau:

i. Trừu tượng hoá. Thật danh từ trừu tượng được phái sinh danh từ/hình dung từ cụ thể. Ví dụ: thật danh từ trừu tượng पुरुषता “loài người, con người” được lập từ thật danh từ पुरुष “người”.
ii. Mối quan hệ. Một hình dung từ được phái sinh từ một thật danh từ, và hình dung từ này trình bày một mối quan hệ, sự tương quan với cái được diễn tả bởi thật danh từ hoặc sự hệ thuộc vào nó. Ví dụ: Từ thật danh từ पुरुष “người” hình dung từ पौरुषेय “thuộc về người, quy về loài người” được phái sinh.
iii. Sở hữu. Hình dung từ sở hữu được phái sinh từ thật danh từ (có X, bao gồm X, được trang bị với X). Ví dụ: Từ thật danh từ धन “tài vật, của cải” mà hình dung từ धनिन् “có của cải = giàu” được phái sinh.
iv. Hậu bối. Từ một thật danh từ (thường là tên riêng) một thật danh từ khác chỉ người con, người kế thừa, được phái sinh. Ví dụ như tên कौन्तेय “con của कुन्ती” được phái sinh từ tên riêng कुन्ती.
Thân danh từ chủ yếu Thân danh từ thứ yếu

a. –अ: phái sinh i) hình dung từ chỉ quan hệ, ii) thật danh từ trừu tượng trung tính, iii) thật danh từ chỉ con cái.

देव “thiên” → दैव “thuộc về thiên”
पुरुष “người đàn ông” → पौरुष “nam tính”
विष्णु “Viṣṇu” → वैष्णव “thuộc về Viṣṇu”
युवन् “trẻ trung” → यौवन (n.) “tuổi trẻ”
गुरु “nặng” → गौरव (n.) “sự nặng, sức nặng”
सुहृद् “bạn” → सौहार्द (n.) “tình bạn”
पुत्र “con trai” → पौत्र (m.) “cháu nội/ngoại”
पृथा “Pṛthā” → पार्थ “con trai của Pṛthā”
कुरु “Kuru” → कौरव “hậu bối của Kuru”

b. –य: phái sinh i) thật danh từ trừu tượng trung tính, ii) hình dung từ chỉ quan hệ.

पण्डित “người có học” → पाण्डित्य (n.) “sự có học vấn, học sâu”
दरिद्र “nghèo” → दारिद्र्य (n.) “sự nghèo nàn”
चोर “tên trộm” → चौर्य (n.) “sự trộm cắp”
मूर्ख “kẻ si” → मौर्ख्य (n.) “sự ngu xuẫn”
धीर “vững chắc, kiên cố” → धैर्य (n.) “sự kiên cố, kiên trì”
दन्त “răng” → दन्त्य “thuộc về răng”
दिव् “trời” → दिव्य “thuộc về trời”
देव “thiên” → दैव्य “thuộc về chư thiên”
पितृ “cha” → पित्र्य “thuộc về cha”
ब्राह्मण “bà-la-môn” → ब्राह्मण्य “hợp cho bà-la-môn”

c. –त्व (fem. ता): phái sinh thật danh từ trừu tượng (trung hoặc nữ tính); thân danh từ chủ yếu không thay đổi.

अमृत “bất tử” → अमृतत्व (n.) “sự bất tử”
देव “thiên” → देवता (f.) “thiên”
दृढ “cứng” → दृढत्व (n.) “sự cứng rắn”
ब्राह्मण “bà-la-môn” → ब्राह्मणत्व (n.) “tính chất của bà-la-môn”
मधुर “ngọt” → मधुरता (f.) “sự ngọt”

d. –इक: phái sinh thật danh từ và hình dung từ chỉ mối quan hệ.

वेद “Veda” → वैदिक “thuộc về Veda, người rành V.”
सेना “quân đội” → सैनिक “thuộc về quân đội, người lính”
धर्म “trách nhiệm” → धार्मिक “đúng theo trách nhiệm”

e. –ईय: phái sinh hình dung từ sở hữu từ những nhân xưng đại danh từ; không có sự biến đổi về âm.

मद् “tôi” → मदीय “thuộc về tôi”
युष्मद् “các Anh” → युष्मदीय “thuộc về các Anh”

f. –एय: phái sinh từ thật danh từ nữ tính một thật danh từ chỉ con cháu.

कुन्ती tên nữ → कौन्तेय (m.) “con trai của कुन्ती”
भगिनी “chị/em gái” → भागिनेय (m.) “con trai của chị/em gái”
गङ्गा “sông Hằng” → गाङ्गेय (m.) “con trai của sông Hằng”

g. –क: phái sinh thật danh từ hoặc hình dung từ causative hoặc diminutive, nhưng thường không chuyển đổi ý nghĩa; không có sự thay đổi âm.

रूप “hình” → रूपक “tạo hình, cụ thể”
अन्त “khúc cuối, sự chấm dứt” → अन्तक “chấm dứt”
पुत्र “con trai” → पुत्रक (m.) “cậu con trai”
बाल “cậu bé” → बालक (m.) “cậu bé”

h. –मय: phái sinh hình dung từ với nghĩa “được làm từ, bao gồm những, có đầy đủ những”; phụ âm đóng của thân đứng ở sau cùng được thay thế bằng âm mũi tương ưng. Ví dụ: वाच् → वाक् → वाङ्.

वाच् “lời nói” → वाङ्मय “bao gồm lời nói”
काष्ठ “gỗ” → काष्ठमय “bằng gỗ”
अन्न “thức ăn” → अन्नमय “có đầy đủ thức ăn”

i. –मत्/–वत्: phái sinh hình dung từ sở hữu (→ 24.2)

बल “lực” → बलवत् “có sức, mạnh”
धी “trí” → धीमत् “có trí”

j. –इन्/–विन्/–मिन्: phái sinh hình dung từ sở hữu (→ 26.4)

धन “tài vật” → धनिन् “có của = giàu”
तपस् “sự khổ hạnh” → तपस्विन् “có khổ hạnh”
वाच् “lời nói” → वाग्मिन् “ăn nói lưu loát”

Liên kết đến đây

Xem thêm liên kết đến trang này.