Giáo trình Phạn văn I—Ngữ pháp—Bài thứ 30

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

 Giáo trình Phạn văn I - Liên tự - Phái sinh từ - Thân phụ âm bất quy tắc - Số từ - Từ vị - Bảng tra thời thái và hình thức của động từ theo tiếp vĩ âm - Bảng tra gốc động từ theo thân

 

Ngữ pháp: 01 - 02 - 03 - 04 - 05 - 06 - 07 - 08 - 09 - 10 - 11 - 12 - 13 - 14 - 15 - 16 - 17 - 18 - 19
20 - 21 - 22 - 23 - 24 - 25 - 26 - 27 - 28 - 29 - 30 - 31 - 32 - 33 - 34 - 35 - 36 - 37 - 38 - 39 - 40

 

Bài tập: 01 - 02 - 03 - 04 - 05 - 06 - 07 - 08 - 09 - 10 - 11 - 12 - 13 - 14 - 15 - 16 - 17 - 18 - 19
20 - 21 - 22 - 23 - 24 - 25 - 26 - 27 - 28 - 29 - 30 - 31 - 32 - 33 - 34 - 35 - 36 - 37 - 38 - 39 - 40

Hợp từ avyayībhāva[sửa]

1. Từ avyayībhāva có nghĩa là “cái bất biến”. Nó chỉ một hợp từ bất biến với chức năng phó từ. Thành phần đầu của hợp từ bất biến avyayībhāva lúc nào cũng là một từ bất biến (indelinable). Thành phần thứ hai là một thật danh từ. Tiếp vĩ âm biến hoá của thành phần thứ hai này lúc nào cũng là accusative neuter — bất cứ vào giới tính gốc của thật danh từ này. Như vậy thì khi biến hoá thành acc. nt. ta thấy một sự thay đổi giới tính.

2. Thành phần đầu bất biến của một hợp từ avyayībhāva thường là một trong những dạng trong ba loại sau:

i. Một động từ tiếp đầu tự (verbal prefix) hoặc một tiền trí từ (preposition)
ii. Một trong hai tiếp đầu tự स sa “cùng với” निः niḥ “không có/cùng”
iii. Một trong hai chữ यथा yathā “như, tương ưng” यावत् yāvat “cho đến khi”

Ví dụ:

अनु anu + गङ्गा gaṅgā → अनुङ्गम् anugaṅgam
dọc theo sông Hằng dọc sông Hằng
उप upa + गिरिः giriḥ → उपगिरि upagiri
gần núi gần núi
बहिः bahiḥ + वनम् vanam → बहिर्वनम् bahirvanam
bên ngoài rừng bên ngoài rừng
स sa + कोपः kopaḥ → सकोपम् sakopam
với, cùng với giận dữ với giận dữ
स sa + त्वरा tvarā → सत्वरम् satvaram
với, cùng với gấp rút với sự gấp rút
निः niḥ + शक्तिः śaktiḥ → निःशक्ति niḥśakti
không có, bất lực bất lực

Xin lưu ý điểm khác biệt giữa tiếp đầu âm स sa ở đây và tiếp đầu âm स sa đứng đầu một hợp từ bahuvrīhi, ví dụ như सभार्यः sa-bhāryaḥ “Ông ta, người có vợ bên cạnh”.

यथा yathā + कामः kāmaḥ → यथाकामम् yathākāmam
như/tuỳ ham muốn như nguyện, như ý muốn
यथा yathā + शक्तिः śaktiḥ → यथाशक्ति yathāśakti
như/tuỳ lực như lực
यथा yathā + विधिः vidhiḥ → यथाविधि yathāvidhi
như/tuỳ quy tắc như quy tắc
यावत् yāvat + जीवः jīvaḥ → यावज्जीवम् yāvajjīvam
cho đến khi, dài cuộc sống dài một cuộc đời
यावत् yāvat + वर्षम् varṣam → यावद्वर्षम् yāvadvarṣam
cho đến khi, dài năm dài một năm

3. Chức năng ngữ pháp của một hợp từ avyayībhāva trong câu là một phó từ. Hãy so sánh với cách lập phó từ từ hình dung từ qua cách biến hoá theo acc. sing. Ví dụ:

यावज्जीवं तापसा अनुगङ्गं वसन्ति/जीवन्ति।
yāvajjīvaṃ tāpasā anugaṅgaṃ vasanti/jīvanti
Các nhà tu khổ hạnh sống cả đời ở dọc theo sông Hằng.

Những dạng đặc biệt của những thành phần hợp từ[sửa]

  1. Như đã nói bên trên, thành phần đầu của một hợp thành từ xuất hiện dưới dạng thân gốc và mẫu/phụ âm kết thúc của nó hoà hợp với khởi âm của thành phần thứ hai tương ưng với luật ngoại hợp biến. Lúc đó thì phụ âm kết thúc của thành phần đầu trước hết sẽ biến thành phụ âm kết thúc tuyệt đối trước khi hoà hợp với khởi âm đi sau (23.2). Ví dụ: गिरि giri “núi” + आश्रम āśrama “già-lam” → गिर्याश्रम giryāśrama “già-lam trong núi” hoặc वाच् vāc “lời nói” + दोष doṣa “lỗi” → वाग्दोष vāgdoṣa “lỗi ở lời nói (nói có lỗi/tật)”. Xin lưu ý thêm những điểm đặc biệt bên dưới.
  2. Nếu là thành phần đầu của hợp từ thì những danh từ có âm kết thúc –अन् –an, –इन् –in sẽ bỏ đi âm mũi –न् –n. Ví dụ: राजन् rājan “vua” + पुत्रः putraḥ “con trai” → राजपुत्रः rājaputraḥ “con trai vua” = “hoàng tử”; मन्त्रिन् mantrin “bộ trưởng” + अर्थः arthaḥ “mục đích” → मन्त्र्यर्थम् mantryartham “vì mục đích của bộ trưởng”.
  3. Hình dung từ महत् mahat “lớn” xuất hiện dưới dạng thành phần đầu của một karmadhāraya là महा mahā. Ví dụ: महत् mahat + राजन् rājan → महाराज mahārāja “đại vương”.
  4. Danh từ kết thúc bằng –स् –s ở thành phần đầu chuyển –स् –s thành visarga. Ví dụ: ज्योतिस् jyotis “ánh sáng/tinh tú” + विद् vid “biết” → ज्योतिर्विद् jyotirvid “người biết tinh tú” = “chiêm tinh gia”. Trước những âm velare và labial không phát âm (क् k, ख् kh, प् p, फ् ph) thì –स् –s không biến đổi. तपस् tapas “khổ hạnh” + पति pati “chúa” → तपस्पति tapaspati “chúa của sự tu khổ hạnh”.
  5. Nếu là thành phần cuối của hợp từ thì những thật danh từ अहर् ahar “ngày”, राजन् rājan “vua”, रात्रि rātri (f.) “đêm” सखि sakhi (m.) “bạn” xuất hiện dưới dạng nam tính có âm cuối là –अ –a, như vậy là अह aha, राज rāja, रात्र rātra, सख sakha. Chúng được biến hoá như danh từ nam tính có âm cuối là –अ –a. Ví dụ: अहर् ahar “ngày” रात्रि rātri “đêm” → अहोरात्र ahorātra “ngày và đêm”, प्रिय priya “dễ thương” + सखि sakhi “bạn” → प्रियसख priyasakha “người bạn dễ thương”.

Danh hợp từ loại phức tạp[sửa]

Trong khi những hợp từ dvandva có thể có nhiều thành phần thì những loại hợp từ khác như karmadhāraya, tatpuruṣa bahuvrīhi lúc nào cũng có cấu trúc bao gồm hai thành phần: Thành phần trước và sau. Tuy nhiên — như đã đề cập đến — hai thành phần này chính chúng lại có thể xuất phát từ một hợp từ, cho nên nhiều hợp từ phức tạp và dài có thể được tạo và tìm thấy. Ví dụ như trong thi ca (काव्य kāvya) thì những hợp từ dài bao gồm hơn 10 thành phần không phải là chuyện lạ. Tuy vậy, tất cả những hợp từ đa thành phần ngoài hợp từ dvandva lúc nào cũng có một cấu trúc song thể (binary), có nghĩa là một hợp từ có hai thành phần (trước và sau) được lồng vào một hợp từ khác, trở thành thành phần trước hoặc sau trong hợp từ này, và hợp từ này chính nó lại được lồng vào một hợp từ khác với tư cách thành phần trước hoặc sau.

Mối quan hệ giữa những chữ riêng biệt và hợp từ như những thành phần của một hợp từ phức tạp có thể được làm sáng tỏ bằng những ngoặc. Ví dụ như một hợp từ ngoài dvandva, bao gồm bốn từ (A, B, C, D) có thể có những cấu trúc bên trong khác nhau.

1. [[[A + B] + C] + D]

A + B tạo nên thành phần đầu của một hợp từ có thành phần cuối là C, và hợp từ này lại lập nên thành phần đầu của một hợp từ có thành phần cuối là D.

2. [[A + B] + [C + D]]

A + B lập thành thành phần đầu của một hợp từ với thành phần cuối được lập bởi C + D.

3. [A + [B + [C + D]]]

A là thành phần đầu của một hợp từ có thành phần cuối cũng là hợp từ mà trong đó B là thành phần đầu và C + D là thành phần cuối.

Hợp từ đa thành phần có thể được diễn giải từ trước ra sau hoặc từ sau ra trước. Các nhà văn phạm truyền thống diễn giải một hợp từ bằng cách phân tích từ trước ra sau, tức là từ trái sang phải. Trước hết ta nên thử cấu trúc 1 bên trên vì nó thường xuất hiện. Sau đó ta thử xem A có phải là thành phần đầu và B có phải là thành phần đi sau nó. Sau đó ta lại lặp lại quá trình này, có nghĩa là thử nghiệm xem C có phải là thành phần cuối của [A + B] hay không và v.v…

Ví dụ 1[sửa]

धार्मिकपुत्रकृतपुण्यम्
dhārmika-putra-kṛta-puṇyam
có đức hạnh—con trai—đã làm—công đức
“Công đức đã được thực hiện bởi đứa con trai có đức hạnh”

Hai chữ đầu tạo thành một karmadhāraya [dhārmika-putra] “con trai có đức”. Chữ kṛta, một ppp đi sau tạo cùng với karmadhāraya này một hợp từ tatpuruṣa. Như vậy thì ppp kṛta xuất hiện như thành phần cuối của một hợp từ với karmadhāraya là thành phần đi trước [[dhārmika-putra]-kṛta] “được làm bởi đứa con trai có đức”. Hợp từ tatpuruṣa này có chức năng hình dung từ, xác định chữ đi sau là puṇyam. Chữ này được xác định bởi một thành phần định ngữ đi trước và như vậy, nó là thành phần cuối của một hợp từ karmadhāraya với một hợp từ tatpuruṣa là thành phần đi trước:

[[[dhārmika-putra]-kṛta]-puṇyam]

Ví dụ 2[sửa]

सर्वदेशशासककीर्तिः
sarva-deśa-śāsaka-kīrtiḥ
toàn—quốc gia—người cai trị—vinh dự
“Vinh dự của người cai trị của toàn quốc gia”

Hai chữ đầu lập thành một hợp từ karmadhāraya [sarva-deśa] “toàn quốc gia”. Từ śāsaka đứng trong mối quan hệ genitive với hợp từ karmadhāraya đứng trước và tạo — với vai thành phần sau — một hợp từ tatpuruṣa [[sarva-deśa] + śāsaka] “người cai trị của toàn quốc gia”. Chữ thứ tư và cũng là chữ cuối lại lập một hợp từ với hợp từ tatpuruṣa. Giữa hai thành phần này lại có một mối quan hệ genitive, và hợp từ chính này cũng là một tatpuruṣa:

[[[sarva-deśa]-śāsaka]-kīrtiḥ]
“Vinh dự của người cai trị của toàn quốc gia”

Ví dụ 3[sửa]

जनकतनयास्नानपुण्यजलम्
janaka-tanayā-snāna-puṇya-jalam
Janaka—con gái—sự tắm—linh thiêng—nước
“Nước linh thiêng bởi sự tắm của con gái của Janaka”

Trước hết, hai chữ đầu lập một hợp từ tatpuruṣa với quan hệ genitive [janaka-tanayā] “con gái của Janaka”. Hợp từ này lại lập một tatpuruṣa với thành phần thứ ba là snāna, cũng với quan hệ genitive [[janaka-tanayā] + snāna] “sự tắm của con gái của Janaka”. Hình dung từ puṇya đi sau mở rộng hợp từ tatpuruṣa thành một hợp từ tatpuruṣa mới với hình dung từ puṇya là thành phần sau, được thành phần đi trước xác định qua một mối quan hệ instrumental, [[janaka-tanayā]-snāna] + puṇya] “linh thiêng bởi sự tắm của con gái của Janaka”. Sau đó chữ thứ năm là jalam xuất hiện và cùng với hợp từ đi trước, nó tạo một hợp từ karmadhāraya.

[[[[janaka-tanayā]-snāna]-puṇya] + jalam]
“Nước linh thiêng bởi sự tắm của con gái của Janaka”

Ví dụ 4[sửa]

घटपूर्णकुम्भकारमण्डपिका
ghaṭa-pūrṇa-kumbhakāra-maṇḍapikā
Bình đất nung—được chất đầy—người làm bình—túp lều
“Túp lều được chất đầy bằng bình đất nung của người làm bình.”

Hai chữ đầu lập một hợp từ, và từ ghaṭa “bình đất nung” đứng trong mối quan hệ instrumental với ppp pūrṇa “được làm/chất đầy” và như vậy, hai chữ này tạo một hợp từ tatpuruṣa với chức năng hình dung từ: [ghaṭa-pūrṇa] “được chất đầy với bình đất nung”. Hợp từ tatpuruṣa này không những chỉ xác định gần hơn chữ theo sau là kumbhakāra “người làm bình”. Thay vì như vậy, cùng với chữ với chữ maṇḍapikā “túp lều”, kumbhakāra lại lập một hợp từ tatpuruṣa với chữ [kumbhakāra-maṇḍapikā] “túp lều của người làm bình”. Hợp từ tatpuruṣa này chính là cái được xác định gần bởi hợp từ đi đầu là [ghaṭa-pūrṇa]. Nói rõ hơn là hợp từ tatpuruṣa [ghaṭa-pūrṇa] với chức năng hình dung từ xác định gần hơn thành phần thứ hai là [kumbhakāra-maṇḍapikā]:

[[ghaṭa-pūrṇa] + [kumbhakāra-maṇḍapikā]]
“Túp lều được chất đầy bằng bình đất nung của người làm bình.”

Ví dụ 5[sửa]

धूम्रकम्बलकृतशरीरत्राणम्
dhūmra-kambala-kṛta-śarīra-trāṇam
mầu xám—cái mền—được tác dụng—thân thể—bảo vệ
“sự bảo vệ thân thể được tác dụng qua cái mền mầu xám”

Hai chữ đầu tạo thành một hợp từ karmadhāraya [dhūmra-kambala] “cái mền mầu xám”, được mở rộng thêm bởi ppp kṛta thành một hợp từ tatpuruṣa với chức năng hình dung từ với karmadhāraya là thành phần trước và ppp kṛta là thành phần đi sau: [[dhūmra-kambala] + kṛta] “được tác dụng qua cái mền mầu xám”. Hợp từ tatpuruṣa này lại hình thành một karmadhāraya với thành phần đi sau không giản đơn là chữ kến đến, mà là hợp từ được lập bởi hai từ [śarīra-trāṇam]. Hợp từ này là một tatpuruṣa genitive: “sự bảo vệ thân thể”. Như vậy thì hợp từ chính là một karmadhāraya với thành phần đầu là một hợp từ tatpuruṣa với chức năng hình dung từ và thành phần thứ hai là một hợp danh từ tatpuruṣa.

[[[dhūmra-kambala]-kṛta] + [śarīra-trāṇam]]
“sự bảo vệ thân thể được tác dụng qua cái mền mầu xám”

Ví dụ 6[sửa]

सर्वदेवगन्धर्वमानुषराक्षसलोकः
sarva-deva-gandharva-mānuṣa-rākṣasa-lokaḥ
tất cả—thiên—nhạc thần—loài người—la-sát—thế giới
“Thế giới của tất cả chư thiên, nhạc thần, loài người và la-sát”

Ở đây, chữ sarva là thành phần đầu của một hợp từ karmadhāraya với thành phần đi sau không chỉ là chữ deva mà là một chuỗi bao gồm bốn chữ đi sau. Như vậy là thành phần thứ hai của hợp từ chính là một hợp từ dvandva: [sarva + [deva-gandharva-mānuṣa-rākṣasa]] “tất cả chư thiên, nhạc thần, loài người và la-sát”. Hợp từ karmadhāraya này lại được lồng vào một hợp từ tatpuruṣa với thành phần cuối là loka:

[[sarva + [deva-gandharva-mānuṣa-rākṣasa]] + lokaḥ]
“Thế giới của tất cả chư thiên, nhạc thần, loài người và la-sát”.

Liên kết đến đây

Xem thêm liên kết đến trang này.